Thành Tín
Một số nguồn tin gần đây cho hay, khoảng 10 du học sinh Trung Quốc đang du học tại Mỹ nói với giới truyền thông rằng họ bị từ chối nhập cảnh tại sân bay Mỹ, bị trục xuất về Trung Quốc. Tin tức này đã thu hút chú ý.
Một số trang tin chính thức của Trung Quốc đưa tin, những tháng gần đây sinh viên Trung Quốc liên tục bị Mỹ cưỡng bức trục xuất.
Nhiều sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ gần đây đã nói với China Science News về trải nghiệm của họ khi bị trục xuất, hy vọng có thể truyền đạt thêm thông tin chi tiết trong công luận Trung Quốc, nhằm cảnh báo cho những người Trung Quốc đang muốn du học Mỹ.
Nhiều sinh viên đã bị trục xuất
Mạnh Phi (biệt danh), nghiên cứu sinh tiến sĩ đang du học tại Mỹ, vừa thành công được cấp visa du học F1 thời hạn 1 năm vào ngày 27/11/2023, nhưng nghiên cứu sinh này không ngờ bị trục xuất, nghiêm trọng hơn là bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 5 năm.
Mạnh Phi bay từ Bắc Kinh đến Washington, chuyến bay hạ cánh vào ngày 19/12/2023 theo giờ địa phương, cô này bị Hải quan Mỹ giữ tại sân bay và đưa vào phòng kiểm tra thứ cấp (thường được gọi là phòng đen nhỏ) và bị giam giữ tại đó trong 8 tiếng, sau đó lại bị giữ 12 tiếng trong phòng biệt giam; khi bay đến Los Angeles chờ chuyển tuyến lại bị giam giữ trong 5 tiếng, sau đó bị buộc trở lại Bắc Kinh.
Nếu kháng cáo không thành, Mạnh Phi sẽ không thể bảo vệ bằng tiến sĩ tại Mỹ vào năm 2024. Việc kháng cáo sẽ mất ít nhất 6 tháng, như vậy các thí nghiệm sinh học của cô sẽ bị bỏ lỡ.
Mạnh Phi không phải là người duy nhất bị trục xuất gần đây. Trên hành trình quay trở về quê hương, cô vô tình biết được có 6 người có cùng cảnh ngộ tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles (IAD), họ đều là nữ giới. Không chỉ vậy, cô còn phát hiện 2 nữ sinh khác bị thu hồi visa khi làm thủ tục tại các sân bay nội địa ở Trung Quốc, không thể lên máy bay.
Về đại thể tình cảnh những nữ sinh này gặp phải là giống nhau. Ngày 24/11/2023, Ngụy Na và bạn cùng phòng tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ bị nhốt trong phòng tối. Trong bản khai, cô được hỏi một số câu hỏi nhạy cảm, chẳng hạn như liệu cô có từng tham gia quân đội chưa, có liên hệ gì với Bộ Giáo dục của ĐCSTQ hay không, có nhận được tài trợ của nhà nước hay không. Cô ấy phủ nhận tất cả.
Nhưng nhân viên xét duyệt vẫn thông báo cho cô: “Visa F1 và B1/B2 của cô không còn hiệu lực và cô không được phép nhập cảnh vào Mỹ. Chúng tôi sẽ bố trí cô về Trung Quốc trên chuyến bay sớm nhất. Cô cần phải nộp đơn xin thị thực mới để nhập cảnh lại”.
10 người bị trục xuất đều tốt nghiệp trường danh tiếng
Các nguồn tin mới đây còn đề cập thêm 2 sinh viên Trung Quốc du học Mỹ bị từ chối nhập cảnh, một người bị trục xuất tại cùng sân bay nêu trên và một người bị hủy visa trước khi làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc. Như vậy gần đây có 11 sinh viên Trung Quốc được biết đã bị nhà chức trách Mỹ trục xuất.
Mạnh Phi đã tạo một tài liệu Excel cho mục đích này và thu thập thông tin về 10 người bị trục xuất. Tài liệu cho thấy 10 người đều là nữ sinh, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Chuyên môn bằng cấp trong nước của họ bao gồm khoa học sinh học, y học dự phòng, thống kê, vật lý hóa học vật liệu, kỹ thuật viễn thông, tiếng Đức và quản trị kinh doanh.
Họ hiện đang theo học tại các trường ở Mỹ, trong đó có Đại học Yale, Đại học Johns Hopkins, Đại học Virginia… Trong số 10 người, có 2 người học thạc sĩ năm thứ nhất, 3 người học tiến sĩ năm thứ nhất, 2 người học tiến sĩ sang năm thứ 5, và 1 học tiến sĩ năm thứ 6, ngoài ra còn có 2 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và một nữ sinh viên có visa làm việc.
Các vấn đề chính mà họ gặp phải trong quá trình đánh giá bao gồm: họ có nhận được học bổng của trường khi còn là sinh viên đại học hay không, có nhận được tài trợ học bổng từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) hay không, có tham gia vào nghiên cứu bí mật hay không…
Trong số 8 sinh viên hồi hương có 4 người đã nhận được học bổng cấp trường khi còn là sinh viên đại học và 1 người đã nhận được học bổng CSC; họ đều nói rằng họ chưa tham gia vào nghiên cứu bí mật; một trong số họ cũng được hỏi tại sao lại có visa du lịch Nga.
Mạnh Phi nhận thấy người kiểm duyệt tập trung vào điện thoại di động của cô, trong khi máy tính và hành lý của cô chỉ xem xét qua loa.
Mỹ phản hồi: Lệnh số 10043 chỉ ảnh hưởng tới một bộ phận rất nhỏ
Bối cảnh pháp lý của việc Mỹ xem xét sinh viên Trung Quốc là do vào ngày 3/6/2020 thời Tổng thống Mỹ Trump khi đó đã ký Sắc lệnh hành pháp số 10043 liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, theo đó cấm một số sinh viên và học giả cụ thể lấy thị thực F/J.
Theo nguồn tin, các trường và chuyên ngành liên quan đến những người này không nằm trong phạm vi của sắc lệnh, hầu hết họ không có đặc điểm nào rõ ràng như được nêu trong Sắc lệnh hành pháp 10043. Nhưng có một số dấu hiệu cho thấy lệnh cấm đã mở rộng phạm vi áp dụng trong những năm gần đây và vẫn đang trên đà mở rộng hơn nữa.
Về vấn đề này, hôm thứ Năm (4/1) người phát ngôn Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết, những tháng gần đây mỗi tháng có hàng chục người Trung Quốc bao gồm cả sinh viên quốc tế đến Mỹ đã bị Mỹ cưỡng bức hồi hương. Ông Uông cáo buộc Mỹ chính trị hóa và vũ khí hóa nghiên cứu học thuật.
Hiện tại, cô Mạnh Phi đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ luật sư nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng. Được biết bản thân luật sư thông qua tài liệu cũng không biết lý do hải quan trục xuất cô, họ hy vọng cô sẽ được hủy bỏ lệnh cấm 5 năm.
Trước đó vào tháng 7/2021, truyền thông của ĐCSTQ tiết lộ vụ việc tương tự của hơn 500 sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật Trung Quốc bị Mỹ từ chối cấp thị thực, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng đã đưa ra “những phản ánh nghiêm khắc” với Mỹ. Tuy nhiên vào thời điểm đó Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã trả lời rằng các hạn chế thị thực liên quan “có mục tiêu rõ ràng” và chỉ ảnh hưởng đến một số rất nhỏ người.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trả lời yêu cầu bình luận của BBC qua email vào ngày 7/7 năm đó, nói rằng Sắc lệnh 10043 của Tổng thống là “có mục tiêu cụ thể rõ ràng” và ảnh hưởng chưa đến 2% số người Trung Quốc xin thị thực F và J.
Cư dân mạng: Hậu quả khi làm dư luận viên cho ĐCSTQ
Lâu nay ĐCSTQ đã không ngừng thúc đẩy để xâm nhập vào Mỹ. Trước đây đã có nhiều phương tiện truyền thông đưa tin vấn đề ĐCSTQ thành lập các chi bộ đảng du học sinh Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ, thường xuyên tổ chức các cuộc họp chi bộ và nhiều hoạt động khác để làm công cụ cho ĐCSTQ.
Trong bối cảnh này, nhiều cư dân mạng khuyên sinh viên quốc tế Trung Quốc đừng làm dư luận viên cho ĐCSTQ.
– Cư dân mạng Petrichor cảnh báo trên mạng xã hội X, “Học sinh Trung Quốc hãy chú ý, nếu muốn du học Mỹ thì chớ làm dư luận viên, tránh tham gia các chi bộ Đảng để bị lôi kéo và hoạt động chính trị tuyên truyền cho ĐCSTQ, hả hê trước các trận động đất ở Nhật Bản và cháy rừng ở Mỹ và Canada, tham gia vào các hoạt động chống phá biểu tình ở Hồng Kông… nếu không có thể bị trục xuất khi vào Mỹ”.
– “Tôi thực sự mong tin này là sự thật. Để đối phó với những dư luận viên Đỏ này, Mỹ và Nhật nên ra luật để trục xuất họ.”
– “Việc này lẽ ra phải làm từ lâu rồi.”
– “Trong ngoại giao nên có đi có lại.”
– “Mỹ không hoan nghênh thứ rác dư luận viên vô ơn bạc nghĩa, hãy để họ quay về làm tốt nghề Hồng vệ binh.”
– “Hậu quả khi gia nhập đội ngũ tà ác của ĐCSTQ.”
Theo Thành Tĩnh, Epoch Times