Vào ngày 8/1, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại hội nghị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc. Ông Tập tuyên bố sẽ chấn chỉnh tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng, y tế và công trình cơ sở hạ tầng. Các nhà phân tích cho rằng, những lĩnh vực này chủ yếu do các doanh nghiệp trung ương và nhà nước nắm giữ. Ông Tập đang tăng cường thanh trừng lực lượng chống đối ông nằm trong những lĩnh vực này, hiện tại hai bên đang rơi vào tình trạng bế tắc.
Về danh sách các lĩnh vực chống tham nhũng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng, y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Vương Hách, chuyên gia về Trung Quốc nói với The Epoch Times vào ngày 10/1, rằng hầu hết các lĩnh vực này là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước ở địa phương), họ là một thế lực khổng lồ và ông Tập vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn sau 10 năm nắm quyền. “Ông Tập đã cử bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng xuống, nhưng sự việc thực tế lại không xử lý được”.
Ngành tài chính từ trước đến nay luôn do ĐCSTQ và các ‘hoàng tử đảng’ (chỉ con cháu của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ) kiểm soát. Cuộc chiến chống tham nhũng trong ngành tài chính của chính quyền ông Tập Cận Bình đã kéo dài vài năm và gần đây đang tăng tốc. Trong năm qua, đã có hơn 100 giám đốc tài chính bị sa thải, và 40 người trong số 5 ngân hàng quốc doanh lớn bị điều tra. Các chuyên gia giải thích rằng, chính quyền ông Tập đang phải đối mặt với thâm hụt tài chính, và đang tăng cường tranh giành tiền bạc với các gia đình quyền lực ở Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống năng lượng luôn là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn tham nhũng và chính quyền chưa bao giờ ngừng thanh trừng các doanh nghiệp này.
Trong bối cảnh cả ngành xuất khẩu và thị trường bất động sản đều đang gặp khó khăn, chính phủ Trung Quốc đã chọn việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng mới (còn gọi là cơ sở hạ tầng mới) như một giải pháp kích thích kinh tế. Dự án cơ sở hạ tầng được khởi động khắp cả nước cũng mang lại cơ hội tham nhũng mới cho các quan chức địa phương và các cơ quan phê duyệt liên quan.
Ngoài ra, sau đợt chống tham nhũng trong ngành y tế vào tháng 7 năm ngoái đã loại bỏ ít nhất 200 bí thư đảng ủy và giám đốc bệnh viện, từ cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu một đợt chống tham nhũng mới trong ngành y tế. Ông Tập tại hội nghị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng yêu cầu ‘kiên quyết đấu tranh chống lại các hành vi theo đuổi lợi nhuận dựa trên quyền lực, kiên quyết ngăn chặn các nhóm lợi ích, nhóm quyền lực thâm nhập vào lĩnh vực chính trị’.
Chuyên gia về Trung Quốc Vương Hách cho biết, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, tập trung sử dụng điều đó như một công cụ để tiêu diệt các thế lực chống lại ông. Các phe phái chính trị của ĐCSTQ trên bề mặt đã bị loại bỏ hoàn toàn tại Đại hội lần thứ 20, và bây giờ tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều thuộc đội quân của ông Tập. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của ông Tập vẫn ẩn náu ở những phần mà quyền lực kinh tế và chính trị giao nhau.
“Những nhóm lợi ích được trao quyền lực nằm sâu trong hệ thống là các doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp nhà nước địa phương. Ông Tập đã sử dụng biện pháp chống tham nhũng để thực hiện các cuộc thanh trừng quy mô lớn và dần dần thay thế họ bằng những người mà ông tin tưởng”.
Ông Vương Hách cho biết, hiện nay các quan chức của các doanh nghiệp trung ương và nhà nước, dưới áp lực chính trị cao, bắt đầu ‘nằm im’, biến những việc nhỏ thành việc lớn, sau đó lại trình bày mâu thuẫn lên trên, thông qua cách thức tiêu cực này để thách thức ông Tập. Hiện nay ông Tập sử dụng chống tham nhũng như một công cụ, đẩy tất cả trách nhiệm xuống dưới, cuộc đối đầu giữa hai bên đang rơi vào một tình trạng bế tắc.
“Mỗi năm, nếu báo cáo kinh tế không ấn tượng, người ta sẽ bị thay thế, một lượng lớn người bị thay thế. Nhưng những người ở cấp dưới sẽ lừa dối người cấp trên, họ nói rằng bạn muốn có báo cáo đẹp đẽ, tôi sẽ tạo ra một báo cáo cho bạn, nhưng thực chất báo cáo đó là giả mạo. Vì vậy, cơ quan chức năng đã bắt đầu đấu tranh chống làm giả số liệu từ năm ngoái”.
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ tiến hành chống làm giả số liệu theo kiểu vận động chính trị đã bị chỉ trích nặng nề. Giáo sư Tạ Điền thuộc Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina của Mỹ, nói với The Epoch Times rằng, dữ liệu kinh tế của ĐCSTQ từ lâu đã là giả mạo, và việc sử dụng vận động chính trị để chống giả thực sự là điều vô lý, bởi vì nguồn gốc của việc làm giả là từ chính quyền Trung Quốc, ‘Nếu không có sự ưng thuận từ phía trên, thì phía dưới cũng không sẽ làm giả như vậy’.
Giáo sư Tạ Điền cho rằng cuộc trấn áp làm số liệu giả của chính quyền Trung Quốc có thể không kéo dài lâu, bởi vì chính quyền Trung Quốc thực sự theo đuổi vụ án, tất cả các quan chức của ĐCSTQ sẽ phải chịu trách nhiệm. Đây chỉ là một trò hề.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch