Liên Thành
Bất chấp lệnh cấm từ phía được Hoa Kỳ, nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc vẫn còn thực hiện việc giao dịch lượng nhỏ chíp Nvidia.
Thông tin này cho thấy vẫn tồn tại những lỗ hổng trong lệnh cấm và những khó khăn mà Hoa Kỳ gặp phải khi cố gắng cắt đứt hoàn toàn nguồn cung chip tiên tiến của Trung Quốc.
Reuters đưa tin, sau khi xem xét hàng trăm hồ sơ đấu thầu, họ nhận thấy trong năm qua, các cơ quan quân sự, viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và các trường đại học thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc vẫn mua một lượng nhỏ Chip Nvidia – đây là những sản phẩm vốn bị Mỹ cấm bán cho Trung Quốc.
Những hồ sơ đấu thầu cho thấy hàng chục thực thể Trung Quốc đã mua và nhận các sản phẩm bán dẫn của Nvidia kể từ khi lệnh cấm của Mỹ được thực thi.
Những sản phẩm giao dịch có A100 và H100, cả hai loại này đều bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào tháng 9/2022, hay như A800 và H800 là loại mà Nvidia phát triển cho thị trường đại lục vào tháng 10 năm ngoái.
Nhu cầu không hề suy giảm đối với những sản phẩm chip bị cấm của Trung Quốc, điều này cho thấy các công ty Trung Quốc không thể sản xuất sản phẩm thay thế tốt hơn. Trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực, Nvidia nắm giữ 90% thị trường chip của Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra rằng, những người mua chip từ Nvidia bao gồm Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở Thành Đô.
Cả hai trường đại học này đều bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ với lý do bị cáo buộc liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc liên kết với các tổ chức quân sự trái với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Reuters cho thấy cả Nvidia và các nhà bán lẻ được Nvidia ủy quyền đều không nằm trong số các nhà cung cấp chính thức. Và không rõ làm thế nào các thực thể Trung Quốc này có được chip.
Sau khi Hoa Kỳ thực hiện các hạn chế, một thị trường ngầm về chip đã xuất hiện ở Trung Quốc.
Một số nhà cung cấp Trung Quốc cho biết, sau khi Nvidia vận chuyển số lượng Chip lớn cho các công ty ở Mỹ, họ sẽ thu gom lượng hàng tồn kho dư thừa đang chảy vào thị trường hoặc nhập khẩu thông qua các công ty đã đăng ký kinh doanh ở Ấn Độ, Đài Loan, Singapore và những nơi khác.
Chris Miller, tác giả cuốn “Chip Wars” và là giáo sư tại Đại học Tufts, cho biết sẽ không thực tế nếu kỳ vọng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ chặt chẽ, vì chip rất nhỏ và không quá khó để buôn lậu.
Tác giả này nói thêm rằng, mục đích chính của Mỹ là “cản trở quá trình phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc” và gây khó khăn cho quốc gia này trong việc xây dựng các cụm chip tiên tiến quy mô lớn để huấn luyện hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Nvidia cho biết, họ tuân thủ tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu hiện hành và yêu cầu khách hàng của mình cũng làm như vậy. Người phát ngôn của Nvidia cho biết: “Nếu chúng tôi biết khách hàng bán lại bất hợp pháp cho bên thứ ba, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp ngay lập tức”.
Kết quả điều tra của Reuters cho thấy, kể từ khi lệnh cấm được thực hiện vào năm 2022, Đại học Thanh Hoa đã mua khoảng 80 chip A100, tháng trước trường này cũng mua thêm hai chip H100; một phòng thí nghiệm do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin quản lý cũng có mua Chip H100.
Những đơn vị mua chip cũng bao gồm một thực thể thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, có trụ sở tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Đơn vị này đã các chip A100 vào tháng 10 và chip H100 trong tháng này.
Tất nhiên các thông tin chứng từ mua bán của Trung Quốc được chỉnh sửa rất nhiều do với thực tế, nên khó lòng có thể xác minh con số giao dịch thật sự là bao nhiêu.