Ngày 17/1, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 12/2023 ở thanh niên, không bao gồm học sinh, sinh viên là 14,9% so với tỷ lệ 21,3% vào tháng 8 năm ngoái. Số liệu này bị ngoại giới nghi ngờ và cư dân mạng chế giễu.
Các chuyên gia cho rằng dữ liệu kinh tế do ĐCSTQ công bố là dữ liệu chính trị, không có độ tin cậy, dù được công bố như thế nào cũng vô nghĩa.
Ngày 17/1, Cục Thống kê Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2023 được khảo sát tại thành thị trên toàn quốc là 5,1%. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16-24 là 14,9%, từ 25-29 tuổi là 6,1% và từ 30-59 là 3,9%.
Đây là lần đầu tiên Cục Thống kê công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi kể từ khi đình chỉ công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên vào tháng 8/2023, với lý do tối ưu hóa hơn nữa việc thống kê khảo sát lực lượng lao động. Học sinh, sinh viên vẫn đi học bị loại khỏi dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp.
Cơ quan này giải thích rằng việc đưa học sinh, sinh viên vẫn còn học trong trường trong độ tuổi từ 16-24 tuổi vào dữ liệu sẽ “trộn lẫn” những người trẻ tìm việc làm bán thời gian trong trường với những người tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này không thể phản ánh chính xác thực trạng việc làm, thất nghiệp của những thanh niên bước vào xã hội và thực sự cần việc làm.
Về tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động từ 25-29 tuổi, không bao gồm học sinh, sinh viên, chính quyền Trung Quốc cho biết, hầu hết thanh niên mới ra trường ở độ tuổi 24 và vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp, không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Đến tuổi 29, đại đa số thời gian lựa chọn việc làm đã qua và tình hình việc làm trở nên ổn định.
Ngày 17/1, cựu luật sư Trung Quốc bà Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua) nói với Epoch Times rằng dữ liệu của ĐCSTQ là dữ liệu chính trị, bịa đặt theo ý muốn của lãnh đạo và không đáng tin cậy.
“Cứ nhìn cảm nhận trực tiếp của mọi người thì thấy thất nghiệp rất nhiều. Trong 3 năm qua, đặc biệt là năm ngoái, số người vượt biên từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng mạnh. Các bạn có thể thấy nền kinh tế Trung Quốc kém như thế nào, môi trường xã hội của Trung Quốc tồi tệ ra sao. Đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong vài thập kỷ qua.
Trong số những người vượt biên trước đây, nhiều người bị coi là tầng lớp dưới đáy (xã hội) Trung Quốc, không có việc làm. Nhưng bây giờ có vẻ như các giáo sư đại học, luật sư, giám đốc điều hành, tầng lớp trung lưu có cuộc sống tương đối tốt ở Trung Quốc cũng tham gia đào thoát, điều này thật đáng sợ.”
Ngày 17/1, nhà kinh tế tổng hợp người Đài Loan Ngô Gia Long cũng nói với Epoch Times rằng dữ liệu kinh tế của ĐCSTQ không có độ tin cậy, dù được công bố như thế nào cũng vô nghĩa.
Ông nói: “Trên thực tế, tình hình rất tồi tệ. Bạn có thể thấy tình hình việc làm ở các thành phố hạng nhất từ Thâm Quyến, Quảng Châu đến Thượng Hải và Bắc Kinh đều không tốt.
Chỉ cần nhìn vào: Thứ nhất, việc mua hàng hóa xa xỉ; thứ hai, đường sắt cao tốc; thứ ba, du lịch, cũng như việc bán rượu vang đỏ và rượu Mao Đài (Maotai). Chúng ta biết rằng toàn bộ mức tiêu thụ đang bị thu hẹp nghiêm trọng. ĐCSTQ đang sử dụng một số dữ liệu kinh tế để thu hút những người khác đến đầu tư cũng không ích gì.”
Nhiều cư dân mạng trên Weibo bày tỏ sự nghi ngờ và chế giễu về số liệu thất nghiệp của Chính phủ Trung Quốc.
“Tỷ lệ thất nghiệp sao lại giảm? Không đăng ký thất nghiệp thì không bị coi là thất nghiệp. Nếu cắt khẩu của bạn thì cũng không bị coi là thất nghiệp. Muốn thất nghiệp thì phải liên hệ các bộ phận liên quan để đăng ký.”
“Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường có thể vượt quá 40%. Số liệu này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ về cách giáo dục con cái. Đừng làm những việc vô ích, phải sớm nhận ra thực trạng, đặc biệt là những gia đình nghèo.
Sau khi tốt nghiệp từ cấp THCS phải trực tiếp bước vào giai đoạn học nghề, không thể lừa mình dối người, phải nhận ra rằng con mình không thể học để trở thành một kẻ bỏ đi.”
“Dữ liệu tháng 12 (năm ngoái) vẫn nằm trong khoảng từ 16-24 tuổi, nhưng giờ lại nhấn mạnh ‘không bao gồm học sinh đang đi học’, rất có khả năng những học sinh đang tìm việc làm trước khi tốt nghiệp đã bị loại trừ khỏi phạm vi thống kê, do đó làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp.”
Phương pháp thống kê của ĐCSTQ để khảo sát tỷ lệ thất nghiệp cũng bị nghi ngờ.
Tháng 4/2023, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn nói với Epoch Times rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không phản ánh dữ liệu thất nghiệp thực sự.
“Phương pháp thống kê tỷ lệ thất nghiệp khảo sát thành thị của ĐCSTQ rất đặc biệt, chỉ tính những người thất nghiệp có hộ khẩu thành thị và đã đăng ký. Những người không đăng ký không được tính là thất nghiệp.
Hơn nữa, những người đăng ký hộ khẩu tại nông thôn sẽ thuộc về lực lượng lao động nông thôn, không được đưa vào phạm vi thống kê. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp trước đây duy trì ở mức từ 4%- 5%, hoàn toàn không phản ánh được số liệu thất nghiệp thực tế.”
Ông Phó Lăng Huy cũng cho biết, làm việc từ 1 giờ trở lên trong thời gian tham chiếu điều tra (thường là 1 tuần), để nhận thù lao lao động hoặc thu nhập kinh doanh cũng được tính là có việc làm. Tuyên bố này của ông từng gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ cư dân mạng.
Vì mục đích chính trị, ĐCSTQ đã hy sinh sự phát triển kinh tế, khiến áp lực sinh tồn của giới trẻ ngày càng tăng.
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi càng trở nên nhạy cảm hơn về mặt chính trị. Họ chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” và “4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con).
內捲過度,造就越來越龐大的「四不青年」大軍。 pic.twitter.com/ok8JUrMxL0
— 世界的十字路口 唐浩 (@World_Crossroad) April 10, 2023
Bình Minh (t/h)