Nguyễn Công Khế: Hình mẫu con người mới XHCN

Gió Bấc (RFA)

19-1-2024

Nguyễn Công Khế (Thanhnien)

Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam và hai nước anh em Triều Tiên, Trung Quốc luôn nằm trong tốp “đội sổ” tự do báo chí. Đặc biệt, năm 2023 tụt thêm 3 hạng, xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới.

Người dân không lạ gì trước tin khởi tố bắt giam nhà báo và có phản ứng với mức độ khác nhau. Vụ nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương dư luận công khai phẫn uất. Với Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi dư luận nín nhịn phẫn nộ trong đau đớn. Với nhóm Báo Sạch dư luận xót xa thương cảm.

Nhà báo bị bắt, sao dư luận vui?

Thế nhưng ngược lại, thông tin ông Nguyễn Công Khế bị khởi tố, bắt giam lại làm dư luận cộng đồng mạng vỡ òa cảm xúc: Có hả hê, có đay nghiến, hằn học, mỉa mai, thậm chí ngay cả những đàn em bưng bô của ông Khế cũng phải xuống giọng trần tình. Tại sao như vậy, trong khi ông Khế là Tổng Biên Tập tờ báo Thanh Niên đình đám có lượng phát hành cao nhất nhì Việt Nam trong nhiều thập niên, có người xem ông Khế là Bố Già làng báo? Ngoài báo Thanh Niên ông còn có hàng tá chức vụ, danh vị khác như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Thanh Niên, người đề xướng và tổ chức cuộc thi sắc đẹp Duyên Dáng Việt Nam…

Nhà báo Lưu Hữu Nhi Dũ, thư ký tòa soạn báo Người Lao Động, đã viết trên Facebook: “Tôi chưa bao giờ xem Khế là người viết báo, vì ‘sự nghiệp báo chí’ của Khế chỉ là con số 0, nương nhờ nghề báo để mua danh, kiếm chác mà thôi. Chỉ có báo tiếng Việt ở nước ngoài thường phỏng vấn, dẫn ý kiến của Khế thôi, bởi nghĩ Khế là nhà báo lớn!” (1).

Nhìn lại cả cuộc đời lẩn hành vi sai phạm để phải vào tù, cho thấy ông Nguyễn Công Khế đúng là hình mẫu của con người mới XHCN theo đúng bài bản chính trị mà sau năm 1975 cả nước được học tập.

Báo chí nhà nước đều nhắc ông Khế là đồng sáng lập báo Thanh Niên từ năm 1988 mà không nói là đồng sáng lập như thế nào và với ai? Bước ngoặt này hết sức quan trọng, mở ra sự nghiệp và tạo nghiệp cho ông định hình tính cách, phẩm chất con người cộng sản của ông.

Đá ghế, cướp quyền của đàn anh

Từ điển Wikipedia nói lờ mờ và thiên lệch rằng: “Năm 1986 ông cùng Huỳnh Tấn Mẫm sáng lập báo Thanh Niên – diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ông [Khế] giữ vai trò Phó Tổng biên tập. Từ 1988 đến nay ông làm Tổng biên tập báo này, được coi là tổng biên tập thâm niên nhất trong làng báo Việt Nam”.

Ai cũng biết trước 1975, Huỳnh Tấn Mẫm là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn – Gia Định, đầu sỏ trong các vụ biểu tình đấu tranh của sinh viên, 11 lần bị vào tù. Mẫm được kết nạp đảng từ năm 1968. Sau năm 1975, Mẫm là Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn TP HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP, đại biểu Quốc hội khóa VI. Từ năm 1984, Mẫm làm Trưởng ban Mặt trận Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Trước năm 1975, Khế chỉ là một quần chúng mới tham gia phong trào, sau năm 1975 là phóng viên báo Phụ Nữ, Công An TP.HCM thì làm sao có “tuổi” để đồng sáng lập báo Thanh Niên. Với tiêu chuẩn cán bộ khắc khe đầu nghị kỵ thời đó, Huỳnh Tấn Mẫm xin cho Khế chức Phó Tổng Biên Tập đã phải mất nhiều công sức.

Nhà báo, nhà văn Đào Hiếu, là sinh viên đấu tranh thế hệ đàn anh của Khế, bạn đồng niên, cùng ở tù chung với Huỳnh Tấn Mẫm, đã trích một đoạn ngắn trong tác phẩm Lạc Đường, in ở Mỹ cách đây 15 năm (có nhắc đến Mẫm và Khế) đăng trên Facebook cá nhân: “Có một thời anh được phân công về làm Tổng biên tập báo Thanh Niên nhưng một người hiền lành như anh làm sao địch nổi Nguyễn Công Khế?”

Khế xuất thân là một phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam, quá trình hoạt động cách mạng không đáng kể, không có tài năng gì nổi bật, nhưng Khế có người chú là đầu nậu sách báo giàu sụ. Với cái kho bạc ấy Khế dễ dàng cô lập Mẫm, hất Mẫm văng ra khỏi tòa soạn, lên làm tổng biên tập báo Thanh Niên, từ đó “thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ” (2).

Cùng trên trang này có ý kiến bình luận cho rằng, “anh Đào Hiếu vì tế nhị nên không viết hết đó thôi. Vụ Khế hất anh Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi báo Thanh Niên, lúc bấy giờ ai cũng biết”.

Thật vậy, tại đại hội đoàn TNCS toàn quốc năm 1987 đã một số  đại biểu đã chất vấn, tranh luận nảy lửa về cuộc đảo chánh của Nguyễn Công Khế ở báo Thanh Niên nhưng kết quả vẫn giữ y, vì cuộc tiếm ngôi này thuận theo ý đảng.

Phẩm chất đặc trưng ruột xanh võ đỏ

Ấy vậy mà mới đây Facebook của kiến trúc sư Nguyễn Hồ, sinh viên Sài Gòn trước 1975 lại trưng ra văn bản của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo nhận tên Việt Công Nguyễn Công Khế từ trại giam Tam Hiệp về Phủ Đặc Ủy để nhận công tác (3).

Té ra đường lối ngoại giao cây tre thân Tàu, à ươm với Mỹ không phải là sáng kiến của Tổng Trọng mà là phẩm chất đặc trưng xanh vỏ đỏ lòng của đảng ta. Ngay từ tuổi bước vào đời, Khế đã học và hành nhuần nhuyễn, có tố chất đặc biệt thích hợp với phẩm chất ấy. Kiểu người đi hàng hai như Nguyễn Công Khế được dân gian hài hước hóa bằng thành ngữ “súng Mỹ, lòng ta”.

Khế hóa thân cây tre giỏi đến mức người tinh tường như nhà thơ – nhà báo Đỗ Trung Quân cũng có lúc bị nhầm lẫn. Năm 2008, khi Khế dính chưởng PMU 18, trả lời BBC tiếng Việt, Đỗ Trung Quân cảm ơn sự “hào hiệp” của ông Nguyễn Công Khế dành cho nhiều người gặp khó trong môi trường xã hội – chính trị nhiều khi bất trắc: “Nhiều năm qua, khi đã ở vị trí vững vàng, anh đã cứu giúp cưu mang khá nhiều người, những người của Sài Gòn sau 1975, khi ấy vì “chủ nghĩa lý lịch” đang phải lang thang nơi chợ trời thuốc Tây, đang mỗi ngày đạp xe đi bỏ từng ký cà phê trộn bắp rang và đủ thứ hoàn cảnh, công việc lam lũ, vất vả khác” (4).

Chuyện Khế luồn cúi, phe cánh hất chân Mẫm chiếm ghế Tổng Biên Tập cũng là phẩm chất, năng lực đặc trưng của con người cộng sản theo thế hệ tiền nhân là phải cướp chính quyền. Theo đúng chân lý của Quốc Tế Ca “đấu tranh này là trận cuối cùng, bao lợi quyền về trong tay mình”.

Mượn hoa cúng Phật, mượn đao giết người

Nhà báo Lê Phú Khải, là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam thường trú ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong hồi ký Lời Ai Điếu (xuất bản năm 2016) đã dành cho Nguyễn Công Khế một đoạn dài với lời khen có cánh: “Nếu phải chọn một ông Tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN thì phải chọn ông Nguyễn Công Khế, TBT Báo Thanh Niên”.

Kể về thực tế chính mình đã gửi cho báo Thanh Niên bài viết về những tiêu cực của ông Trần Mai Hạnh và được biết ông Kế đã đọc, đã OK nhưng “đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyễn Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!

Qua chuyện này, ông Lê Phú Khải tìm hiểu và được biết,  “Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhung khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…

Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên TW làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế.

Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!! Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều… Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền.

Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” …Khế cứ thế mà vơ vét… Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”! (5)

Ông Lê Phú Khải đã viết đúng sự thật nhưng chưa đủ chân dung và phẩm chất của con người mới XHCN Nguyễn Công Khế. Không chỉ luồn lách, nịnh bợ, hù dọa làm tiền, Nguyễn Công Khế còn dùng tờ Thanh Niên làm vũ khí phục vụ cho đấu trường đẫm máu cuộc các cuộc đấu đá nội bộ chính trường ở cấp thượng tầng.

Thanh thế của báo Thanh Niên bùng nổ từ vụ án Năm Cam. Hầu hết các tờ báo thời ấy đều dốc sức tham gia điều tra  nhưng từ mối quan hệ riêng giữa Khế với tướng Lê Thế Tiệm, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, và những yếu nhân bên trong nào đó, Thanh Niên luôn có những thông tin độc quyền. Nhiều lúc như viên đá dò đường hay là người chỉ điểm cho Ban Chuyên Án, hai Uỷ viên Trung ương là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh, các quan chức cao cấp như Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện Trưởng VKSNDTC; Hoàng Ngọc Nhất, Thứ Trưởng Bộ Công An đều bị Báo Thanh Niên điểm danh “chuông gọi hồn ai” trước khi bị bắt. Chuyên án Năm Cam không chỉ là vụ án hình sự, mà còn là vũ khí cực kỳ hiệu quả để thanh trừng nội bộ.

Lấy đám tang mẹ phô trương thanh thế!

Năm 2006, cũng tương tự, trước thềm đại hội 10, giai đoạn đầu của chuyên án PMU18 có liên quan đến con rể Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, báo Thanh Niên lấn lướt đi đầu so với các báo khác. Kết quả là Đào Đình Bình, Uỷ viên Trung ương, bộ trưởng Giao thông Vận tải, mất chức. Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến đã được quy hoạch trung ương khóa mới bị bắt giam, vuột mất cơ hội vào. Tướng Cao Ngọc Oánh, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng mất cơ hội lên thứ trưởng Bộ Công an. Thanh thế của Khế càng dữ dội.

Nnăm 2007, thân mẫu của Khế qua đời, đám tang hoành tráng như một quốc tang, gần như tất cả quan chức cao cấp nhất đều có mặt hoặc gởi hoa phúng điếu. Trái khoáy nhất là báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế đăng cảm tạ đầy kín trang 10 báo in.

Chủ yếu là danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… “đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước , ông Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TW, ông Hồ Đức Việt, Uỷ viên BCT, trưởng ban Tổ chức TW, Đại tướng Lê Hồng Anh, Uỷ viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Uỷ viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình …

Một nhà báo mượn đám tang mẹ để phô trương thanh thế là chuyện xưa nay chưa ai có. Một nhà báo quyền lực mạnh đến mức từ nguyên thủ quốc gia đến gần đủ mặt Bộ Chính Trị đi dự lễ tang càng hiếm hơn.

Đàn em vào tù, sếp đi tắm biển với cả đàn hoa hậu!

Thế nhưng, đến năm 2008, sau đại hội X, Nông Đức Mạnh vẫn giữ được ghế Tổng Bí Thư. Gió xoay chiều, các tướng tá trong Ban Chuyên án PMU 18 cũ và hai phóng viên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ từng là người hùng trong giai đoạn trước bị dính án đi tù. Đến nay, bí ẩn vụ PMU 18 thật sự là vụ án hình sự, chống tham nhũng trong các công trình giao thông hay là chuyện mượn gió bẻ măng, đánh án để làm nhân sự cho ai đó trước kỳ đại hội, chưa có lời giải. Nhưng thực tế hiển nhiên bức tranh vụ án trước và sau đại hội X hoàn toàn đảo ngược. Những nhân vật từng là người hùng trở thành tội đồ theo đúng nghĩa đen.

Không khí trấn áp bao trùm cả giới báo chí. Người ta cứ ngỡ lửa lan đến quá gần, củi sẽ vào lò ngay thời điểm đó. Thế nhưng, có ô dù che chắn, Nguyễn Công Khế bị cho thôi chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo. Thay thế Khế là Nguyễn Quang Thông, đàn em thân tín, ngoan hiền, nguyên là nhân viên quèn của Tỉnh Đoàn Long An, được Khế tuyển chọn về báo Thanh Niên và nâng đỡ dần lên Phó Tổng Biên tập.

Vì vậy, dù mất chức Tổng Biên tập, Khế vẫn là Thái Thượng Hoàng. Hơn thế nữa, Khế còn giữ chức Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguồn kinh tài, cái hầu bao  của tờ báo.

Đây cũng là phẩm chất, là ngón nghề của cộng sản, kích động, xúi dục cho người khác hành động, được chuyện thì hưởng lợi, thất bại thì buông tay, đàn em lãnh đủ. Nguyễn Việt Chiến đi chăn kiến. Nguyễn Công Khế ung dung tiệc tùng với quan chức cấp cao, tắm biển với các em hoa hậu, đưa hình lên truyền thông phô trương thanh thế.

Nâng bi Phan Quốc Việt, bội trơn test kit Việt Á

Với uy thế qua các mối quan hệ và quyền lực ngầm qua báo Thanh Niên, Khế mở rộng công việc làm ăn sang nhiều lĩnh vực và có rất nhiều nhà, đất từ Việt Nam đến Mỹ. Theo blogger Người Buôn Gió qua hàng trăm bài viết tố cáo Nguyễn Công Khế từ trước đến sau khi bị bắt, Khế không chỉ có một mà đến ba căn nhà triệu đô ở Mỹ. Có nhà ở Mỹ không phải là cái tội. Đó là ước mơ không chỉ của con người mà cả đến cây trụ đèn ở Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề là làm thế nào một nhà báo cách mạng chân chính, đầu tàu chống tham nhũng ở Việt Nam, lương ba cọc ba đồng, lại có nhiều nhà ở Mỹ?

Câu trả lời không có gì khác hơn là sử dụng sức mạnh truyền thông và mối quan hệ với quyền lực của nhà nước cộng sản để trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đất, hút máu người dân. Dù tiền bạc, các ô dù che chắn, Nguyễn Công Khế không bị sờ gáy trong đại án Việt Á nhưng dư luận không thể buông tha. Lời nói đọi máu, những lời khen Phan Quốc Việt của Khế vẫn còn nguyên đó. Nó là bậc thang tiến cử để Việt bước qua những cánh cửa quyền lực cao nhất, để test kit Việt Á được cấp phép và phổ cập.

Nhà báo Ngọc Vinh đã viết thẳng thắn rằng: “Chiều hôm qua, khi đang nhậu với 1 số anh Quảng Nam, trong đó có anh P.L, thì được tin anh bị bắt. Tôi đề nghị các anh nâng ly chia buồn với anh Khế nhưng không một ai hưởng ứng dù các anh ấy đều có quen biết anh Khế. Đây là chuyện ăn ở riêng của anh, tôi không bàn đến.

Tôi chỉ muốn nói rằng tôi không hề ghét anh, anh Khế ạ. Tôi chỉ nhắc về anh hai lần vì liên quan đến thời sự, một lần trong đại dịch khi anh viết bài khen “cậu em dễ thương” Phan Quốc Việt vì “công trình” test kit hại dân của hắn. Tôi phản ứng với anh do anh sai rõ ràng khi pi a cho một tên tội phạm.

Ngay sau đó anh đập lại luận điểm của tôi nhưng rồi rút tút vì lúc đó dư luận lên án anh dữ dội quá…” (6)

Từ chuyện ăn ở hai lòng, dùng thủ đoạn cướp công cụ quyền lực ngay chính người ơn của mình, nhân danh quyền lực, trách nhiệm xã hội cao cả ấy làm chuyện mờ ám trục lợi cá nhân, bám vào hệ thống nhà nước chuyên chế để làm giàu trên xương máu người dân, Nguyễn Công Khế là hình mẫu, chân dung đậm đặc nhất của người cộng sản.

Gieo gì thì gặt ấy. Tôi phạm của Nguyễn Công Khế trong vụ sang đoạt đất của nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội đã trên chục năm ai cũng biết, đơn thư tố cáo, bài viết trên mạng xã hội đầy rẫy, tới nay mới khởi tố bắt giam chỉ là cái cớ. Nguyên nhân sâu xa của nó vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ. Khế là mắc xích của phe nhóm nào đó đang cần bị loại bỏ. Án kinh tế mà do an ninh điều tra khởi tố thì đủ hiểu rồi!

_______

Ghi chú

1. https://www.facebook.com/nhidu.luu/posts/pfbid036NeRzeNfZDxDxV8v2KZBueftgygnTT7sDHztH67WnVrsT4Fs8T7LL2ocaafW395gl

2. https://www.facebook.com/daohieuwriter/posts/pfbid02ATR2pVBKXvQYynDzNqr3GKjKY1jr6APprQ3x1a5Af3jaDACW4c4qVSpac944wrPql

3. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02nS6MW6YDjFUW8V47WCWbSnrno3XQcjGWKZBudY4oEbxxKxuFcPPBitn4G6YrEPfJl&id=100009274585467

4. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081231_reshuffle_blogs

5. https://phanba.files.wordpress.com/2017/01/hoikylephukhai.pdf

6. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0fqe6PaMe1fZqFMVeC5mwYLQKb3yAe5rdfxD1ob3AGDvET8wqBMPTW2jCjHtn1LANl&id=10004809786121

Related posts