Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dường như đã gửi một thông điệp SOS, kêu gọi sự trợ giúp để cứu nguy cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, phương Tây không còn bị lừa bởi những “mánh lới” của Bắc Kinh nữa.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cử một phái đoàn lớn tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cứu nguy cho nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thuyết phục được các đại biểu rằng nền kinh tế của họ là một nơi đáng tin cậy để đầu tư do những khác biệt cơ bản về cấu trúc giữa nền kinh tế của hệ thống thị trường tập trung và tự do, như các chuyên gia đã chỉ ra.
Phái đoàn do ĐCSTQ cử đến dự cuộc họp mặt thường niên (từ ngày 15/1 đến ngày 19/1) ở Davos, Thụy Sĩ, lần này đông bất thường, với 140 thành viên, do Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) dẫn đầu, trong đó có 10 bộ trưởng, các quan chức tài chính và kinh tế chủ chốt cũng như các chuyên gia và doanh nhân của Trung Quốc.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng về cơ cấu, như vấn đề với nợ chính phủ, bong bóng bất động sản vỡ và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Chính sách và các biện pháp kiểm soát “zero-COVID” cực kỳ khắc nghiệt của ĐCSTQ trong ba năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 cũng như việc thực thi luật chống gián điệp đã khiến một số lượng lớn các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài e sợ. Quý III năm ngoái lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra ròng theo quý, và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, tại Davos, ông Lý vẫn quảng bá cho Trung Quốc như là điểm đến đầu tư an toàn.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng tại cuộc họp, ông Lý đã đưa ra 5 đề xuất mơ hồ, hy vọng “xây dựng lại niềm tin với phương Tây và tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây”, bao gồm điều phối kinh tế vĩ mô, duy trì và tôn trọng chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm, tăng cường hợp tác kỹ thuật quốc tế và hợp tác về các mục tiêu xanh.
Ông Lý cũng cho biết Trung Quốc tôn trọng lời hứa của mình. Trên thực tế, khi ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) vào năm 2001, ĐCSTQ đã hứa sẽ hoàn thành triệt để các cải cách theo định hướng thị trường trong vòng 15 năm và mở cửa cho các nước phát triển theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, sau khi phương Tây mở cửa một chiều thị trường của mình cho Trung Quốc, thay vì mở cửa đáp trả, ĐCSTQ lại tận dụng lợi thế từ thị trường đóng cửa của mình và dùng trợ cấp để mở rộng doanh nghiệp nhà nước.
Thái độ của phương Tây
Phương Tây hiện đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc một cách bài bản, đầu tư nhiều hơn vào các nước dân chủ hoặc thân thiện như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn hy vọng nguồn vốn nước ngoài sẽ quay trở lại.
Vào ngày 16/1, ông Lý đã gặp ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase và các lãnh đạo khác ở Phố Wall để thảo luận về việc mở cửa Trung Quốc cho các công ty dịch vụ tài chính phương Tây. Ông Dimon nói với truyền thông Mỹ vào ngày 17/1 rằng các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – phải “lo lắng một chút” vì “phần thưởng – rủi ro đã thay đổi mạnh”.
Phương Tây đã nhiều lần tuyên bố rằng họ muốn thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dân chủ, tự do có cùng chí hướng và “giảm thiểu rủi ro” trước các đối thủ toàn trị như Trung Quốc. Sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Nga và Hamas cũng vẫn chưa thay đổi trong khi Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy cộng đồng quốc tế cho phép nó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chung.
Bài phát biểu của ông Lý tại Davos lần này chỉ nói về kinh tế và không đề cập đến bất kỳ chủ đề địa chính trị nào. Các quan chức Ukraine từng cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẵn sàng gặp gỡ các quan chức ĐCSTQ ở Thụy Sĩ, nhưng ông Lý không chủ động nói chuyện với ông Zelenskyy. Thế giới bên ngoài coi đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ĐCSTQ đã chọn tiếp tục đứng về phía Nga.
Không giống như ông Lý, người chỉ đề cập đến các vấn đề kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề cập đến từ “dân chủ” 9 lần và “tự do” 6 lần trong bài phát biểu dài 20 phút của bà tại Davos.
“Các công ty của chúng ta phát triển dựa trên sự tự do – để đổi mới, đầu tư và cạnh tranh. Nhưng tự do kinh doanh phụ thuộc vào sự tự do của hệ thống chính trị của chúng ta”, bà nói. “Đây là lý do tại sao tôi tin rằng việc củng cố nền dân chủ của chúng ta và bảo vệ nó khỏi những rủi ro và can thiệp mà nó phải đối mặt là nghĩa vụ chung và lâu dài của chúng ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xây dựng niềm tin và châu Âu sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng”.
Tại Diễn đàn Dallas một năm trước, bà von der Leyen lần đầu tiên đề xuất khái niệm “giảm thiểu rủi ro thay vì tách rời” để xác định lại chiến lược kinh tế và công nghiệp của EU đối với Trung Quốc. Khái niệm này đã được Mỹ và các nước G7 khác áp dụng.
Tại Davos, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ của Đài Loan.
Ông nói: “Chúng tôi chúc mừng tổng thống mới đắc cử cũng như người dân Đài Loan về nền dân chủ mạnh mẽ của họ và tấm gương tuyệt vời [của họ] không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn thế giới”.
Ông Blinken cũng chỉ trích nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “gây áp lực lên Đài Loan – áp lực kinh tế, áp lực quân sự, áp lực ngoại giao, việc cô lập – nó chỉ củng cố thêm [tinh thần] cho chính nhiều người mà họ [ĐCSTQ] không muốn củng cố”.
Ông Lý đã không đáp lại bài phát biểu của bà von der Leyen hoặc ông Blinken.
Nhìn nhận Trung Quốc một cách rõ ràng
Ông Tống Quốc Thành (Song Guo-chen), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan (Taiwan National Chengchi University), nói với The Epoch Times rằng các bài phát biểu của ông Lý tại Davos năm nay đều nhằm gửi tín hiệu SOS yêu cầu giúp đỡ để cứu nguy cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ông chỉ ra rằng trong khi ông Lý muốn né tránh nói đến các xung đột địa chính trị toàn cầu, ĐCSTQ vẫn nhúng tay vào các cuộc xung đột và thậm chí còn ngấm ngầm châm ngòi cho chúng.
“ĐCSTQ vẫn không công nhận việc Nga xâm lược Ukraine và luôn khăng khăng đòi thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nó đang đề xuất một nền hòa bình giả tạo trong cuộc chiến Israel – Hamas”, ông Tống nói.
“Thế giới phương Tây giờ đây có thể nhìn nhận [ĐCSTQ] một cách rõ ràng. Ông Lý Cường đã cố gắng đánh lừa thế giới phương Tây, nhưng thế giới phương Tây không còn bị lừa bởi chiến thuật của ĐCSTQ nữa”.
Ông Yeh Yaoyuan, chủ tịch Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St. Thomas, nói với The Epoch Times rằng, ở giai đoạn này, bản thân ĐCSTQ đã trở thành mục tiêu đầu tư có rủi ro cao.
Ông nói: “Cho dù đó là mối liên hệ đơn phương, song phương hay đa phương, nó cũng không thể thuyết phục để có được đầu tư quy mô lớn vào Trung Quốc”.
“Họ phải giải quyết vấn đề cốt lõi trước tiên. Ít nhất nó phải có một quy trình pháp lý minh bạch và cởi mở chứ chưa nói đến dân chủ hóa”. Ông Yeh cho rằng, ĐCSTQ thậm chí còn đang đi thụt lùi về khía cạnh này.
“… họ sợ rằng khi toàn bộ thị trường hoạt động sẽ tạo ra rất nhiều thông tin riêng tư không thể kiểm soát được. Nếu bạn cố gắng kiểm soát nó, nó sẽ không phải là một thị trường cạnh tranh bình thường. ĐCSTQ sợ rằng những thông tin riêng tư này sẽ lật đổ chế độ ĐCSTQ”.
Ông Yeh cho biết hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.
Ông nói: “Bây giờ là khoảng 5% [theo báo cáo của ĐCSTQ], có thể là 4% tiếp theo, và sau đó giảm xuống còn 3%”. “Tình huống trong quá khứ với đầu tư nước ngoài quy mô lớn và sự cất cánh kinh tế sẽ không xảy ra nữa”.
Phố Wall thay đổi thái độ
Gần đây, liên tiếp xuất hiện các động thái thể hiện sự xa lánh Trung Quốc của phố Wall. Điều này có thể là bước ngoặt về thái độ đối với Trung Quốc từ giới đầu tư và tài chính Mỹ.
Các nhân sự cấp cao tại BlackRock Investment Institute (BII – Viện đầu tư BlackRock), một tổ chức nghiên cứu liên kết với công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết vào hôm thứ Tư (6/12/2023) rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn ở các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc.
Bà Wei Li, chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư từ Viện đầu tư BlackRock, cho biết từ góc độ điều chỉnh theo rủi ro, đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn, đó là lý do hãng này hạ xếp hạng đầu tư vào Trung Quốc trước đó trong năm 2023.
Ông Alex Brazier, phó giám đốc Viện đầu tư BlackRock, cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, khiến các nhà đầu tư có dự báo bi quan hơn.
Khi những người diều hâu (mang tư tưởng hiếu chiến) trong Quốc hội Mỹ gặp các ông trùm tài chính phố Wall vào tháng 9/2023, một số giám đốc điều hành tài chính thừa nhận rằng các quyết định của Bắc Kinh ngày càng trở nên khó đoán hơn và không thể dựa vào dữ liệu lịch sử để quản lý các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Một người tham gia các cuộc thảo luận liên quan cho biết, các nhà điều hành ngành tài chính Mỹ đã “phần nào thức tỉnh” trước những rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.
Ngoài ra, vào ngày 29/11/2023, tờ New York Times đã tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh DealBook”. Trong cuộc đối thoại thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase tin rằng Bắc Kinh sẽ không xâm chiếm Đài Loan, nhưng nếu điều đó xảy ra và chính phủ Mỹ ra lệnh cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, ông nhất định sẽ hợp tác.
Vào ngày 28/11/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cảnh báo rằng không rõ sẽ mất bao lâu để căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và hiện tại ở Trung Quốc đang có nhiều sự không chắc chắn hơn. Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với Trung Quốc.
Ông Solomon cho biết 5 năm trước Goldman Sachs đã thực hiện chiến lược “tăng trưởng ở Trung Quốc bằng mọi giá”, nhưng giờ đây Goldman Sachs đã thay đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đã cắt giảm một số nguồn tài chính ở đó vì ở đó có nhiều sự không chắc chắn hơn”.
Cần chú ý rằng, phố Wall vốn có quá khứ giành nhiều sự ưu ái cho Bắc Kinh.
Vào tháng 02/2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington D.C. để tìm kiếm thỏa thuận đình chiến và đã nhờ cậy sự giúp đỡ của một nhóm các ông trùm phố Wall.
Ông Lưu đã kêu gọi sự tập hợp của các giám đốc điều hành phố Wall tại một khách sạn gần Tòa Bạch Ốc, nói rằng, “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn”. Trong số những cá nhân này có ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock; ông David Solomon, khi đó là đồng chủ tịch của Goldman Sachs; và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase. Vào thời điểm đó, ông Dimon là Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Business Roundtable.
Vào cuối những năm 1990, khi các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn với hàng núi nợ xấu, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã yêu cầu các chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, trong đó có ông Hank Paulson, Chủ tịch Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giúp dọn dẹp mớ hỗn độn đó.
Trung Quốc và nguy cơ bị thế giới cô lập
Gần đây, nguy cơ bị cô lập của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề nóng. Một đoạn video của nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Gelong, phân tích tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc, đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Trong video này, ông Gelong đã thảo luận về hiện tượng “ba số 0” trong lưu thông kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và kêu gọi công chúng “hết sức cảnh giác” về điều này.
Video này xuất phát từ kênh truyền thông cá nhân “Nói chuyện chứng khoán, nói tiền bạc, nói chuyện trời đất” của ông Gelong. Trong tập này, ngay từ đầu, ông Gelong đã thẳng thắn chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thực sự trở thành một “nền kinh tế hòn đảo” (bị cô lập) và buộc phải theo đuổi “lưu thông nội bộ”, bởi vì một số dữ liệu quan trọng trong “lưu thông bên ngoài” về cơ bản hiện nay đã “trở về số 0” ở Trung Quốc.
Vị tiến sĩ tài chính đã thảo luận về ba khía cạnh sau đây trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, những thứ đang có xu hướng “trở về số 0”:
Thứ nhất, khách nước ngoài tới Trung Quốc giảm về 0.
Ông Gelong cho biết trong quý đầu tiên của năm 2019 trước khi đại dịch Covid bùng phát trên diện rộng, hơn 3,7 triệu người đã đến Trung Quốc từ nước ngoài; tuy nhiên, con số trong quý I năm 2023 chỉ là 52.000 người và số liệu này chưa bằng một phần nhỏ so với năm 2019, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 52.000 khách du lịch, 56% đến từ Hong Kong và 22% đến từ Ma Cao. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 10.000 “người nước ngoài” thực sự đến từ các nước khác.
Ông cho rằng đây là điều “cực kỳ khó tưởng tượng” đối với một quốc gia có diện tích đất liền lớn thứ ba thế giới. Người nước ngoài không còn đến Trung Quốc, điều đó không chỉ có nghĩa là chuỗi ngành du lịch inbound (từ nước ngoài tới Trung Quốc) đã sụp đổ mà còn có nghĩa là Trung Quốc có thể rơi trở lại tình trạng bị phong tỏa, không ai quan tâm hoặc ít người quan tâm, giống như họ đã từng bị vào những năm 1970. “Điều khác biệt là lần này không phải chúng ta [người Trung Quốc] không cho người khác đến mà là người khác tự họ không đến”.
Ông nói: “Chúng ta thường lo lắng về việc vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Thực tế, điều triệt để hơn việc rút vốn đầu tư nước ngoài là các khách hàng nước ngoài đã không còn đến nữa. Họ đã đến Mexico, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia”.
Thứ hai, chuyến bay giảm về 0.
Trước đại dịch, mỗi tháng có hơn 3.800 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, trung bình hơn 100 chuyến mỗi ngày. Giờ đây, ông Gelong cho biết, chỉ có 4 đến 6 chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày, “về cơ bản là con số 0”.
Ông Gelong đặc biệt chỉ ra: Trong 70 năm qua, 70% tổng thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đến từ Mỹ. Bạn có thể nghĩ mà xem, trong một môi trường không có chiến tranh hay dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 4 đến 6 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó có nghĩa là gì?
Thứ 3, dòng tiền giảm về 0.
Tính đến cuối năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.
Ông Gelong kết luận rằng: dòng người, hậu cần và vốn là ba yếu tố cốt lõi của phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính xác khiến các dữ liệu quan trọng nói trên “giảm về 0” cần được phân tích rõ ràng. Nếu nó là do đại dịch gây ra thì vẫn còn cơ hội sửa chữa, điều chỉnh; nhưng nếu nguyên nhân là do chiến tranh thương mại và xích mích chính trị thì có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “xu hướng đảo chiều cơ cấu dài hạn”, và đó thực sự có thể là vấn đề của một thế hệ. “Gánh nặng là không thể chịu đựng nổi”.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh một lần nữa: Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, và hơn 60% năng lực sản xuất của Trung Quốc là để phục vụ thị trường bên ngoài. Nếu Trung Quốc đi theo con đường cô lập bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở thành “nền kinh tế hòn đảo” thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nếu không thể thực hiện được những thay đổi cơ bản, “chúng ta [người Trung Quốc] sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn khó có thể bù đắp được”.
Bảo Nguyên tổng hợp