Tài liệu mật chiếm Ukraine trong 15 ngày của Nga bị rò rỉ, ĐCSTQ đã sớm biết điều đó

An Liên

Ảnh minh hoạ (Ảnh: youtube NTD News)

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã biết rằng Nga sẽ tiến hành chiến tranh, và lên kế hoạch chiếm Ukraine trong vòng 15 ngày, nhưng trên thực tế cuộc chiến đã không diễn ra suôn sẻ như vậy. 

Các học giả đã phân tích rằng ĐCSTQ và Nga bị ràng buộc với nhau dưới làn sóng trừng phạt quốc tế, có thể đưa cộng đồng quốc tế vào một mô hình Chiến tranh Lạnh mới.

Kịch bản 15 ngày Nga tấn công Ukraine, ĐCSTQ đã sớm biết về điều đó

Truyền thông Mỹ đưa tin, theo tình báo phương Tây, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức cấp cao của Nga vào đầu tháng 2 không được xâm lược Ukraine trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kết thúc. Báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc có một mức độ hiểu biết nhất định về các kế hoạch chiến tranh của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích báo cáo trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (3/3) là “thông tin hoàn toàn sai sự thật”, ông cũng cho rằng động thái này nhằm đánh lạc hướng sự chú ý, và “những nhận xét đổ lỗi đáng trách là rất đáng lên án”.

Tuy nhiên, đại sứ quán Ukraine tại Nhật Bản đã tiết lộ một tài liệu mật của Hạm đội Biển Đen Nga trên Twitter, trong đó cho thấy kế hoạch chiến đấu kéo dài 15 ngày của quân đội Nga, phát động cuộc tấn công từ ngày 20/2 và dự kiến ​​sẽ đánh chiếm hoàn toàn Ukraine vào ngày 6/3. Kế hoạch đã được phê duyệt vào ngày 18/1.

Đại sứ quán Ukraine tại Nhật Bản ngày 3 thông báo trên Twitter rằng đã thu được các tài liệu mật lấy từ Hạm đội Biển Đen của Nga. 
(Lấy từ Twitter của Đại sứ quán Ukraine tại Nhật Bản)

Ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), Giám đốc Khoa Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Tamkang) ở Đài Loan, nói với Epoch Times rằng thông tin tình báo thu được từ phương Tây cho thấy việc Nga xâm lược Ukraine, “ĐCSTQ đã biết trước và đã đạt được thỏa thuận với ông Putin về cuộc chiến này, dùng từ ‘thông đồng’ cũng không có gì là quá đáng”.

Ông Trịnh Khâm Mô có bằng Tiến sĩ Khoa học Xã hội tại Đại học Warsaw, Ba Lan, chuyên về chính sách an ninh của Châu Âu và Nga. Ông phân tích rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy kịch bản ban đầu của ông Putin là chiếm Kiev trong một đến ba ngày, và sau đó ủng hộ chế độ bù nhìn thân Nga, “ông Putin chắc hẳn cũng phải hứa với ĐCSTQ rằng cuộc chiến này sẽ nhanh chóng được giải quyết, và sau đó Nga sẽ bảo vệ lợi ích của ĐCSTQ ở Ukraine, bao gồm cả Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”.

Ông cho rằng điều này cũng giải thích tại sao ĐCSTQ không sơ tán ngay Hoa kiều khi chiến tranh nổ ra. Ban đầu đại sứ quán đề nghị công dân của họ ở Ukraine “có thể đặt lá cờ Trung Quốc ở nơi dễ thấy”. Nhưng sau đó, tình hình đã đảo ngược, Ukraine kiên cường chống trả, ĐCSTQ đã thay đổi quyết định và khuyên công dân của họ không được tiết lộ danh tính của mình.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Liên hợp quốc ước tính có khoảng 1 triệu người đã phải di tản khỏi Ukraine, nhưng một số lượng lớn người Ukraine ở nước ngoài trở về nước tham gia cuộc chiến, và tinh thần kháng chiến của quân đội Ukraine đã không bị đánh bại bởi chiến tranh.

“Toàn bộ tình hình hoàn toàn khác với nhận định của ĐCSTQ và ông Putin. Ông Putin đã gây ra một vấn đề lớn, và đã quá muộn cho ĐCSTQ. Hai nước đã lợi dụng nhau và ban đầu muốn chia sẻ lợi ích của Ukraine với nhau”, ông nói.

Phương Tây tăng cường trừng phạt Trung Quốc và Nga, có thể dẫn đến Chiến tranh Lạnh mới

Cuộc chiến vô cớ của Nga đã khiến quốc tế lên án, vào ngày 3/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã hoàn toàn thông qua yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức, và vô điều kiện. ĐCSTQ đã chọn cách bỏ phiếu trắng. Trang tin Axios của Mỹ phân tích rằng mặc dù nghị quyết này không phải là bắt buộc, nhưng nó phản ánh sự cô lập của Nga với cộng đồng quốc tế một tuần sau cuộc xâm lược Ukraine.

Ông Khâu Tuấn Vinh (Qiu Junrong), một nhà kinh tế học Đài Loan và là giáo sư tại Khoa Kinh tế của Đại học Quốc lập Trung Ương, nói với Epoch Times vào ngày 3/3, “Bạn có thể nói rằng đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới, hoặc thậm chí là một cuộc đối đầu căng thẳng hơn giữa chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng, và tác động của nó là rất sâu rộng”.

Trước khi ông Putin châm ngòi cuộc chiến, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, vào năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Châu Âu đạt 282 tỷ USD, chiếm 35,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga. Kim ngạch thương mại Mỹ – Nga đạt 34,4 tỷ USD vào năm 2021. Theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, vào năm 2021, thương mại hàng hóa Trung – Nga đạt 146,87 tỷ USD.

EU, Mỹ, Canada và các nước khác tuyên bố sẽ đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga, đáp lại, Nga đã ra lệnh cấm các chuyến bay của 36 quốc gia, bao gồm cả Anh và Đức, xâm nhập vào không phận của Nga.

EU đã thông báo trục xuất 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT, và sẽ không loại trừ việc gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các ngân hàng Nga, bao gồm cả những ngân hàng có liên quan chặt chẽ đến giao dịch năng lượng.

Ông Trịnh Khâm Mô nói rằng kể từ khi chính quyền Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018, đã có nhiều ý kiến ​​về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng vẫn còn rất nhiều trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng với các lập trường khác nhau giữa phương Tây, “Nhưng cuộc chiến do ông Putin khởi xướng này đã bất ngờ thống nhất toàn bộ phương Tây”.

Giữa làn sóng trừng phạt quốc tế, ĐCSTQ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Ông Khâu Tuấn Vinh cho biết cuộc chiến này đã thay đổi mô hình đối đầu ý thức hệ và trao đổi kinh tế và thương mại trong quá khứ, “biến thành một cuộc đối đầu rất rõ ràng giữa liên minh Trung-Nga và liên minh Âu Mỹ”.

Chiến tranh Nga-Ukraine có thể phát triển thành một mô hình Chiến tranh Lạnh mới, trong đó phương Tây đang bao vây Trung Quốc và Nga. Ông Trịnh Khâm Mô nói, “Lịch sử đang được viết ngay bây giờ, và cuộc chiến này đang thay đổi hệ thống quốc tế”.

Theo Epoch Times

Related posts