Những cuộc tấn công ở Hồng Hải càng khẳng định rõ ràng hơn về chiến lược đánh lạc hướng của Bắc Kinh

Jenny Li and Cathy Yin-Garton

Một con tàu đi qua Kênh đào Suez hướng tới Hồng Hải ở Ismailia, Ai Cập hôm 10/01/2024. Từ khi chiến tranh Israel tại Gaza nổ ra sau cuộc tấn công của khủng bố Hamas vào Israel hôm 07/10/2023, phiến quân Houthi ở Yemen đã cam kết ngăn chặn tất cả tàu thuyền nào dự định đến Israel thông qua kênh đào Suez tại Hồng Hải. (Ảnh: Sayed Hassan/Getty Images)

Trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng gần đây, lực lượng vũ trang Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công vào tàu thuyền đi qua Hồng Hải, gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một hành động chiến lược nữa của Iran tiếp theo sau hành động được xem là đã xúi giục Hamas tấn công Israel. Đồng thời, có những lời khẳng định cho rằng Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ khỏi Thái Bình Dương bằng cách kích thích xung đột ở Trung Đông, với bằng chứng cho thấy nguồn gốc của phi đạn được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Hồng Hải là từ Trung Quốc.

BBC đưa tin, hôm thứ Năm (18/01), Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tấn công thứ năm vào lực lượng vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Đợt tấn công này là hành động phản kháng mới nhất vào lực lượng vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn. Lực lượng này cũng đang chiến đấu chống lại chính phủ Yemen vốn được quốc tế hậu thuẫn để giành quyền kiểm soát địa phương.

Hôm 12/01, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tiến hành một chiến dịch quan trọng với hơn 100 phi đạn dẫn đường chính xác, tấn công hơn 60 mục tiêu trên 28 địa điểm do Houthi kiểm soát.

Các mục tiêu bao gồm tài sản của lực lượng vũ trang Houthi, chẳng hạn như các nút chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, nhà kho, hệ thống phóng [phi đạn], cơ sở sản xuất, và hệ thống radar phòng không.

Chiến dịch này là nhằm đáp trả các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi vào các tàu ở Hồng Hải kể từ tháng 11/2023, gây uy hiếp đối với các tuyến vận chuyển năng lượng và thương mại quan trọng trên toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công này, được các đồng minh của Hoa Kỳ trợ giúp, là để đối phó với “hành động cực đoan” của lực lượng Houthi.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Chung Hawaii, tin rằng chiến dịch này rất quan trọng và nhằm làm giảm bớt khả năng của Houthi trong việc tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc này có thể không ngăn chặn được hoàn toàn các cuộc tấn công trong tương lai.

Ông Schuster nêu rõ rằng các cuộc tấn công của Hoa Kỳ đã gây tổn thất đáng kể cho lực lượng vũ trang Houthi, có thể làm tổn hại đến năng lực kiểm soát lãnh thổ của họ trong cuộc nội chiến ở Yemen.

Do đó, lực lượng Houthi có thể cân nhắc việc ngừng gây rối ở Hồng Hải.

Tuy nhiên, ông Schuster lo ngại Iran có thể xúi giục lực lượng Houthi tiếp tục quấy rối các tàu quốc tế đi qua Yemen.

Ông Schuster lưu ý rằng động cơ của Iran có thể là nhằm gây áp lực lên châu Âu và Hoa Kỳ để tác động khiến Israel dừng các cuộc tấn công vào Hamas ở Gaza.

Sự hỗn loạn ở Hồng Hải đặt ra một mối đe dọa đối với các tuyến vận tải thương mại lớn, ảnh hưởng đến dòng cung ứng và hàng hóa giữa châu Á và châu Âu, cũng như các cảng ở Hoa Kỳ. Ông Schuster xem đây là [cơ hội] để Iran tận dụng “đòn bẩy kinh tế” để chống lại châu Âu và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, ông Schuster dự đoán Iran đang dự trù nhiều hoạt động khác nhau tại Hồng Hải để biểu dương lực lượng và sức mạnh đồng thời cho thấy lợi ích của họ.

Ngày 07/10/2023, Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, sử dụng hơn 3,000 hỏa tiễn trong 4 giờ đồng hồ đầu tiên cùng 2,500 kẻ khủng bố có vũ trang chọc thủng hệ thống phòng thủ của Israel. Cuộc tấn công đã khiến 1,200 thường dân thiệt mạng và đánh dấu sự xâm phạm nghiêm trọng biên giới Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Những tên khủng bố Hamas từ Khan Yunis ở phía Nam Dải Gaza tiến về hàng rào biên giới Israel hôm 07/10/2023. (Ảnh: Said Khatib/AFP qua Getty Images)
Những tên khủng bố Hamas từ Khan Yunis ở phía Nam Dải Gaza tiến về hàng rào biên giới Israel hôm 07/10/2023. (Ảnh: Said Khatib/AFP qua Getty Images)

Khẳng định của người trong cuộc được đăng trên Wall Street Journal kể về mối quan hệ hợp tác giữa các sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran và Hamas trong việc trù tính cuộc xâm lược, và các cuộc họp được tổ chức tại Beirut có sự góp mặt của đại diện bốn tổ chức cực đoan được Iran hậu thuẫn. Các tổ chức này gồm có Hamas ở Gaza và các nhóm cực đoan người Shiite cùng các phe phái chính trị tại Lebanon, chẳng hạn như Hezbollah.

Vai trò của Bắc Kinh trong tình trạng hỗn loạn tại Hồng Hải

Ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết trong một bài đăng trên X hồi cuối tháng trước rằng lực lượng vũ trang Houthi sở hữu hai phi đạn đạn đạo chống hạm đáng gờm là “Asef” và “Tankil” với những cải tiến tiềm năng dựa trên bản thiết kế có sẵn của Iran.

Để làm sáng tỏ nguồn gốc của những loại phi đạn này, một người dùng trên Newsweek cho biết blogger quân sự Trung Quốc có tên là “Krolliov” đã truy vết được rằng những phi đạn đất đối không Red Flag 2A của Trung Quốc, được xuất cảng sang Iran trong chiến tranh Iran-Iraq từ những năm 1980, cùng với phi đạn B610 và B611 do Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ Trụ Trung Quốc (CASIC) chế tạo.

Blogger quân sự Trung Quốc Zhang Bin cho biết trên TikTok rằng lực lượng vũ trang Houthi đã trở thành “tổ chức đầu tiên sử dụng công nghệ phi đạn của Trung Quốc để tấn công tàu.”

Từ năm 2013, khu trục hạm USS Farragut của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Tuần duyên Yemen đã phát hiện vũ khí của Trung Quốc trên các tàu của phiến quân ở Yemen. Trang web Popular Mechanics đưa tin, kho vũ khí bao gồm chất nổ C-4, mạch điện tử, đạn cỡ nhỏ, máy đo khoảng cách laser, pháo, và đạn pháo có thể chế tạo thành bom đặt ở ven đường. Ad

Trang web này đưa tin rằng các quan chức Hoa Kỳ và Yemen cũng phát hiện 10 thùng chứa phi đạn phòng không vác vai. Những chiếc hộp này có in Hán tự, cho thấy phi đạn này xuất xứ từ Tập đoàn Xuất Nhập cảng Máy móc Chính xác Trung Quốc (CPMIEC) thuộc sở hữu nhà nước. Hình ảnh của những phi đạn này cho thấy đây là phi đạn đất đối không “Vanguard 1-M,” cùng loại phi đạn được quân đội Trung Quốc sử dụng.

Sự viện trợ vũ khí từ Trung Quốc kiểu vậy như đã vượt ra ngoài Yemen, với những dấu hiệu cho thấy quốc gia này còn mở rộng viện trợ đến cả các lực lượng nổi dậy ở Syria. Những bức ảnh do nhóm phiến quân Syria công bố cho thấy các thành viên sử dụng phi đạn FN-6 của Trung Quốc, một loại khác của phi đạn phòng không vác vai.

Chiến lược chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ

Ông Schuster cho rằng ĐCSTQ đang lợi dụng một cách có chiến lược “các cơ hội sẵn có” để làm suy yếu Hoa Kỳ bằng cách viện trợ các nhóm bạo lực cực đoan như Hamas ở Trung Đông.

Ông Schuster cũng cho rằng Bắc Kinh viện trợ cho Hamas bằng tiền bạc, vũ khí, và đạn dược, với mong đợi tiềm tàng rằng các hành động sẽ mang lại lợi ích cho họ. Ad

Điều đáng chú ý là sau khi Hamas phát động cuộc tấn công thảm khốc vào Israel, ĐCSTQ đã kiềm chế lên án các hành động khủng bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích hành động trả đũa của Israel, cho rằng những hành động này vượt quá phạm vi phòng vệ.

Trong bối cảnh hỗn loạn ở Hồng Hải, ĐCSTQ cũng có lập trường tương tự.

Các chiến binh Houthi của Yemen chiếm lấy Galaxy Leader Cargo ở bờ biển Hudaydah thuộc Hồng Hải, ở ngoài khơi Hồng Hải, Yemen, ngày 20/11/2023. (Ảnh: Houthi Movement qua Getty Images)
Các chiến binh Houthi của Yemen chiếm lấy Galaxy Leader Cargo ở bờ biển Hudaydah thuộc Hồng Hải, ở ngoài khơi Hồng Hải, Yemen, ngày 20/11/2023. (Ảnh: Houthi Movement qua Getty Images)

Ông Schuster nêu ra rằng công nghệ được Iran, Hezbollah, Hamas, và lực lượng nổi dậy ở Yemen sử dụng, bao gồm cả phi cơ không người lái (drone) và phi đạn đạn đạo chống hạm, đều bắt nguồn từ các thiết kế của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã bán các thiết kế phi cơ không người lái cho Iran từ nhiều năm trước và trợ giúp họ phát triển phiên bản Iran,” ông cho biết. “Ngoài ra, lực lượng vũ trang Houthi đang sử dụng phi đạn đạn đạo chống hạm do Iran phát triển. Họ cũng đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc.”

Ông cho rằng viện trợ gián tiếp của ĐCSTQ cho những kẻ tấn công vào lợi ích của Hoa Kỳ tại Trung Đông sẽ chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của Hoa Kỳ khỏi châu Á.

Trên thực tế, có nhiều tàu đi qua Hồng Hải đã treo cờ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để tránh các cuộc tấn công từ các căn cứ của Houthi nhằm che đậy mối liên hệ giữa hai nước này.

Mới đây, có năm con tàu đã phát tín hiệu rằng “Mọi người trên tàu đều là người Trung Quốc” khi họ đi qua Hồng Hải, càng làm dấy lên nghi ngờ. Cả năm chiếc tàu đều an toàn và không bị tấn công, hai chiếc đã vượt qua châu Á, hai chiếc vẫn đang ở Hồng Hải, và một chiếc đang tiến tới Vịnh Aden.

Hôm 10/01, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết “lên án mạnh mẽ” nhiều cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi dọc bờ biển Yemen, làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, ĐCSTQ cùng với Nga, Algeria, và Mozambique đã bỏ phiếu trắng.

Tuệ Chân biên dịch

Related posts