Chính phủ Đảng Lao động Úc đã lặng lẽ chấm dứt thị thực vàng và các chương trình thị thực đầu tư kinh doanh khác. Người Trung Quốc chiếm 90% số người xin thị thực thành công.
Chính phủ Đảng Lao động Úc âm thầm chấm dứt cấp thị thực cho nhà đầu tư lớn và các chính sách cấp thị thực đầu tư kinh doanh khác, vốn chiếm 1/4 hạn ngạch nhập cư của Úc. Hiện tại, Chương trình Visa Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh (BIIP) không còn tiếp nhận đơn đăng ký mới.
Một số tổ chức nghiên cứu và cơ quan chính phủ cho rằng chính sách thị thực này đã tác động tiêu cực sâu sắc đến nền kinh tế và có thể trở thành con đường để “tiền đen” vào Úc.
Visa Nhà đầu tư Quan trọng (SIV) từ lâu đã nhắm đến người Trung Quốc vốn chiếm 90% số người nộp đơn thành công cho loại thị thực này.
SIV yêu cầu người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 5 triệu Đô la Úc (AUD, khoảng 81 tỷ VNĐ) vào Úc để tự động có được quyền thường trú. Những nhà đầu tư nước ngoài này có thể có được quyền công dân ngay cả khi họ chỉ ở lại Úc 40 ngày trong một năm. Không giống như những người có thị thực khác, họ không phải học tiếng Anh và không giới hạn độ tuổi.
Theo The Australian, tội phạm nước ngoài và các quan chức chính phủ tham nhũng có thể sử dụng thị thực đầu tư kinh doanh để có được quốc tịch Úc.
Hơn 7.000 người Trung Quốc đã được cấp Thị thực Nhà đầu tư Quan trọng trong thập kỷ qua. Nhưng không có người nộp đơn nào bị từ chối do các bài kiểm tra về nhân phẩm được thiết kế, nhằm giúp loại bỏ tội phạm hoặc những người có nguồn tài sản đáng ngờ.
Doanh nhân giàu có người Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) là một trong số ít nhà đầu tư bị thu hồi thị thực thường trú vì lý do nhân phẩm.
Các cơ quan an ninh đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối liên hệ của ông Hoàng Hướng Mặc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhà tài trợ chính trị này bị cáo buộc đích thân giao 100.000AUD (khoảng 1,6 tỷ VNĐ) tiền mặt cho các quan chức Đảng Lao động trong một túi nhựa từ siêu thị Aldi.
Chính sách thị thực đầu tư kinh doanh đã mang lại gần 12 tỷ AUD (khoảng 194 tỷ VNĐ) đầu tư vào Úc trong 10 năm qua. Nhưng từ lâu, Ủy ban Năng suất Úc đã lập luận rằng lợi ích của chính sách này là rất nhỏ. Hơn nữa, thị thực này cũng có thể trở thành con đường cho “tiền đen” nhập cảnh vào Úc và dễ xuất hiện các hành vi lừa đảo.
Trước đó, tờ The Australian cũng tiết lộ, có lo ngại rằng các thành viên giàu có của chế độ Hun Sen của Campuchia đang sử dụng chính sách thị thực này để mua quyền vào Úc. Trong 10 năm qua, ít nhất 80 Visa Nhà đầu tư Quan trọng đã được cấp cho người Campuchia.
Nhiều quốc gia cung cấp thị thực vàng đã bãi bỏ chúng, nhằm ngăn chặn các quan chức nước ngoài tham nhũng cất giấu tài sản của họ ở các quốc gia an toàn. Úc là quốc gia phương Tây cuối cùng mà người ta có thể mua quyền cư trú và có được hộ chiếu.
Cơ quan nghiên cứu kêu gọi thay thế thị thực đầu tư kinh doanh thực bằng thị thực di cư có tay nghề cao
Viện Grattan cho biết, động thái thay thế Thị thực Nhà đầu tư Quan trọng và thị thực BIIP khác bằng thị thực di cư có tay nghề cao, sẽ làm tăng lợi tức nhập cư của Úc lên gần 120 tỷ AUD (khoảng 1.944 tỷ VNĐ) trong 30 năm tới. Vì những người có thị thực đầu tư kinh doanh nghỉ hưu sớm hơn 20 năm so với những người nhập cư trẻ tuổi có tay nghề cao.
Ông Brendan Coates, Giám đốc chương trình chính sách kinh tế của viện, hoan nghênh việc chấm dứt cấp thị thực đầu tư kinh doanh.
Ông nói với The Australian rằng, không giống như tất cả các loại thị thực khác, nó có xu hướng thu hút những người di cư lớn tuổi, có tay nghề thấp hơn. Về lâu dài, cuối cùng họ sẽ khiến người nộp thuế Úc phải trả hàng trăm nghìn đô la tiền lương hưu và các chi phí y tế khác, vượt xa mọi khoản thuế mà họ phải trả khi sống ở Úc.
Do đó, việc bãi bỏ thị thực này và phân bổ lại cho các phần khác của chương trình di cư có tay nghề sẽ mang lại lợi ích kinh tế và tài chính khổng lồ cho Úc.
Một cuộc đánh giá về nhập cư do Giám đốc Dịch vụ Công cộng Martin Parkinson dẫn đầu cho thấy, so với những người trả tiền xin thị thực, những người di cư có tay nghề cao đã đóng góp giá trị hơn 300.000AUD (khoảng 4,86 tỷ VNĐ) trong suốt cuộc đời của họ.
Hơn 80% giám đốc công ty trong Chương trình Visa Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh làm việc trong lĩnh vực bán lẻ hoặc khách sạn. Những ngành này thường không gắn liền với những tiến bộ đáng kể về năng suất và đổi mới.
Chính phủ liên bang cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị thực tài năng và đổi mới sẽ tạo ra một con đường duy nhất, hợp lý để thu hút số lượng tương đối nhỏ người nhập cư có trình độ cao đến Úc, như các doanh nhân xuất sắc, nhà đầu tư lớn và nhà nghiên cứu toàn cầu.
Trong cạnh tranh toàn cầu về nhân tài, quyền thường trú là một điểm thu hút quan trọng đối với những người nhập cư này.
Những người trong ngành thị thực đầu tư kinh doanh tin rằng việc hủy bỏ chương trình Visa đầu tư, và đổi mới kinh doanh sẽ có tác động nghiêm trọng đến ngành thị thực đầu tư kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la, vốn đã mang lại lợi nhuận cao cho các cố vấn tài chính, đại lý di cư, ngân hàng và các công ty đầu tư chuyên nghiệp trong hơn một thập kỷ qua.
Dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản CoreLogic ngày 22/11/2023 cho thấy, bất chấp áp lực lãi suất tăng mạnh, giá nhà ở Úc không những chạm đáy, mà còn tăng vọt ngược chiều gió, đạt mức cao kỷ lục. Một trong các yếu tố tạo nên làn sóng này là do người mua Trung Quốc.
Ông Daniel Ho, Tổng giám đốc công ty môi giới bất động sản Juwai, nói với kênh truyền thông Úc Herald Sun rằng trong năm 2023, hầu hết người mua từ Trung Quốc Đại Lục đã mua nhà và biệt thự ở Úc. Dường như họ sẽ sống ở đây trong tương lai và dự định nộp đơn để trở thành công dân Úc.
Khi môi trường kinh tế và chính trị của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ, ngày càng có nhiều người Trung Quốc bắt đầu ra “tháo chạy” ra nước ngoài. Trong làn sóng này, không chỉ Úc là điểm dừng chân của họ, số lượng người Trung Quốc “tháo chạy” sang các nước khác, như Singapore, Nhật Bản cũng ngày càng tăng.
Bình Minh