Quân đội Nga ảnh hưởng ra sao khi máy bay A-50 quý hiếm bị bắn hạ?

Quân đội Nga ảnh hưởng ra sao khi máy bay A-50 quý hiếm bị bắn hạ?
Một máy bay A-50 của Nga và các máy bay chiến đấu Su-27 bay qua nhà thờ St. Basil trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow vào ngày 9 tháng 5 năm 2010. (Ảnh: ANDREY SMIRNOV/AFP via Getty Images)

Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới, máy bay cảnh báo sớm A-50U của Nga bị tên lửa bắn hạ. Nguồn tin quân sự Ukraine cho biết, tối ngày 14/1, lực lượng Ukraine đã bắn hạ một máy bay quân sự A-50 của Nga trên biển Azov và làm hư hại một máy bay quân sự khác của Nga, IL-22M11. Đây có thể coi là một đòn giáng mạnh vào không quân Nga, đặc biệt là trong bối cảnh chiến đấu cơ F-16 của Mỹ chuẩn bị xuất hiện trên chiến trường.

Vì sao máy bay cảnh báo sớm trên không ít bị bắn hạ?

Kể từ khi máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) ra đời cách nay hơn 70 năm, chúng được cho là chưa bao giờ bị bắn hạ trên chiến trường.

Người ta luôn tin rằng, máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn sẽ không bị đối phương bắn hạ, bởi bán kính trinh sát của radar trên máy bay rất lớn, có thể giúp chúng hoạt động tốt ngoài tầm bắn của tên lửa đối phương. Ngay cả trong trường hợp đối phương sở hữu tên lửa tầm xa, cũng sẽ khó tiếp cận được chúng.

Việc máy bay cảnh báo sớm rất khó bị bắn hạ, nguyên nhân chính liên quan đến tính năng chiến đấu và đặc điểm nhiệm vụ của nó.

Máy bay cảnh báo sớm được trang bị radar cỡ lớn, lại được “treo” trên không, nên đã khắc phục được yếu tố độ cong của trái đất, giúp nó nắm rõ vùng trời rộng lớn trong phạm vi hàng trăm km. Do vậy, một khi máy bay chiến đấu của đối phương đi vào phạm vi trinh sát của radar, nó sẽ bị phát hiện.

Có thể lấy máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay E-2C của Mỹ làm ví dụ. Radar trinh sát tầm xa của nó có phạm vi phát hiện từ 400-480km và phiên bản E-2D Advanced Hawkeye mới nhất được trang bị radar mảng pha APY9, có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly hơn 500km.

Máy bay cảnh báo sớm E-3A Sentry của Mỹ thậm chí còn mạnh hơn, sử dụng khung thân của máy bay chở khách Boeing 707-320B, thời gian bay liên tục 8-10 giờ ở độ cao 10.000m và phạm vi phát hiện hiệu quả mục tiêu bay ở độ cao lớn tới cự ly 600km, có thể xác định và hiển thị đồng thời 600 mục tiêu trên không và hướng dẫn 100 máy bay chiến đấu của quân nhà đánh chặn.

Tuyến đường tuần tra điển hình của máy bay cảnh báo sớm ở độ cao 10.000m là một dải dài khoảng 100km theo hình số 8. Cùng với phạm vi phát hiện của radar, bán kính vùng trời mà máy bay cảnh báo sớm có thể kiểm soát là 500-700km.

Hiện tầm tấn công hiệu quả của tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar do máy bay chiến đấu của lực lượng không quân các nước phóng đi thường không vượt quá 100km dù nhiều tên lửa không đối không tầm xa với tầm bắn lý thuyết xa hơn cự ly này nhiều.

Do đó, máy bay cảnh báo sớm “nhìn” thấy máy bay đối phương đang tiếp cận cách xa hàng trăm km để chỉ đạo máy bay chiến đấu của mình đánh chặn chúng, hoặc chủ động rời khỏi khu vực bị đe dọa cao, tùy theo tình huống. Chỉ cần máy bay cảnh báo sớm trên không không tự sát và không đi vào tầm bắn của tên lửa phòng không tầm xa của đối phương thì sẽ khó bị bắn hạ.

Quy luật chiến trường đã thay đổi

Tuy nhiên, quy luật trên máy bay cảnh báo sớm không bị bắn hạ đã không còn đúng trên chiến trường Ukraine.

Tờ Ukrinform cho biết, vào tối ngày 14/1, một máy bay cảnh báo sớm A-50 và một máy bay chỉ huy không quân IL-22M của Nga bị trúng tên lửa trên biển Azov gần ở Berdyansk. Đây được xem là thông tin gây chấn động. Nguồn tin cho biết, máy bay dường như biến mất khỏi radar và ngừng phản hồi các yêu cầu từ cơ quan hàng không chiến thuật. Sau đó, 1 phi công chiến đấu cơ Su-30 của Nga báo cáo rằng anh ta đã nhìn thấy ngọn lửa và một chiếc máy bay không xác định rơi xuống.

Trong khi đó, máy bay IL-22M đang làm nhiệm vụ ở khu vực Strilkove trước khi được cho là bị bắn rơi dọc theo bờ biển Azov vào khoảng 21 giờ giờ địa phương. Trang tin RBC đã đăng một đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa phi công lái máy bay Nga và người điều khiển sân bay ở Anapa, Nga. Sau khi máy bay bị bắn trúng, phi hành đoàn đã yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Anapa.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine Zaluzhny cho biết, máy bay cảnh báo sớm A-50U của Nga bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-2 của Ukraine bắn hạ, trong khi máy bay chỉ huy không quân IL-22M có thể bị chính hệ thống phòng không S-400 của quân đội Nga bắn hạ.

Nhiều tài khoản mạng xã hội Nga cũng đăng tải bài viết xác nhận vụ việc, cho biết máy bay cảnh báo sớm A-50U đã rơi xuống biển Azov, trong khi máy bay chỉ huy không quân IL-22M phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Anapa sau khi bị trúng tên lửa, nhưng có người bị thương trên máy bay. Hiện không có tin tức về việc máy bay cảnh báo sớm A-50U quay lại sân bay. Có khả năng nó đã rơi xuống biển.

Ông Yury Mysiakin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine, tiết lộ thêm chi tiết về hành động của lực lượng phòng không Ukraine.

Theo đó, khoảng 21h10 đến 21h15 tối ngày 14/1, một chiếc A-50U của Nga bị tên lửa đất đối không bắn hạ trên bầu trời vùng Berdyansk và biến mất khỏi màn hình radar. Tiếp theo sau là chiếc IL-22M chỉ huy bị trúng tên lửa và bị thương, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Anapa.

Quân đội Ukraine đã theo dõi liên lạc vô tuyến giữa máy bay IL-22M bị nạn và nhân viên điều phối sân bay, khi nó hạ cánh khẩn cấp, cũng như liên lạc vô tuyến tại sân bay Anapa để gọi xe cứu thương và xe cứu hỏa.

Quân đội Ukraine tuyên bố, máy bay cảnh báo sớm A-50U bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-2 bắn hạ, đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa do Mỹ sản xuất, có trần bắn tối đa 24km, tầm bắn xa nhất đạt 160km.

Nếu Patriot PAC-2 được triển khai tại tiền tuyến tại khu vực Zaporizhia, về mặt lý thuyết, nó có thể tấn công máy bay cảnh báo sớm A-50U, đang bay trên độ cao hơn 10.000m trên Biển Azov gần Berdyansk.

Tuy nhiên, việc tấn công máy bay của Nga bay qua khu vực Kerch có phần khó khăn. Vì vậy, loại vũ khí nào và lực lượng nào đã bắn rơi 2 máy bay quân sự Nga vẫn là điều bí ẩn.

Hiện phía Nga vẫn còn chia rẽ về việc máy bay cảnh báo sớm A-50U bị bắn hạ, một số tài khoản trên mạng xã hội Telegram viết rằng “rất đáng tiếc cho thảm kịch này”, dường như ám chỉ rằng máy bay cảnh báo sớm A-50U cũng vô tình bị trúng đạn bởi tên lửa đất đối không của Nga.

Dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau, sự cố trên còn có thể do 2 cuộc tấn công vô tình bằng tên lửa đất đối không S-400 của lực lượng phòng không Nga, đầu tiên là bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50U, sau đó làm bị thương chiếc IL-22M.

“Lỗ đạn nhiều đến nỗi đuôi đứng biến thành tổ ong bắp cày? Đây là máy bay chỉ huy không quân IL-22M bị tên lửa đất đối không S-400 bắn bị thương và phải hạ cánh khẩn cấp. IL-22M rất xui xẻo, năm ngoái khi nổi loạn, quân Wagner đã bắn rơi một chiếc IL-22M”, một blogger của Nga viết.

Một số blogger Nga đã phàn nàn: “Kể từ khi chiến sự bùng nổ, do hệ thống phòng không quốc gia của Nga phối hợp và nhận dạng không đầy đủ, một số máy bay Su-34, Su-35 và Su-30 cũng như trực thăng dường như đã bị lực lượng tên lửa phòng không của chính chúng ta tấn công”.

Đối với quân đội Nga, máy bay cảnh báo sớm A-50U là loại vũ khí có giá trị cao nhất. Nếu vụ sự cố này là sự thật, thì chiếc A-50U này chính là máy bay cảnh báo sớm đầu tiên trong lịch sử thế giới bị bắn rơi khi tham chiến.

Nga mới chỉ sản xuất khoảng 30 chiếc A-50. Chúng là những mục tiêu có giá trị cao. Chiếc A-50 lấy máy bay vận tải quân sự IL-76 làm khung gầm cơ sở, được thiết kế từ thời Liên Xô, nhằm mục đích cạnh tranh với máy bay cảnh báo sớm E-3 của Mỹ. Nó tương đương với con mắt của quân đội Nga, chịu trách nhiệm giám sát, trinh sát, chỉ huy các máy bay chiến đấu Nga và kiểm soát mục tiêu tên lửa. Chi phí của 1 chiếc A-50 vượt quá 330 triệu USD, thậm chí có thể lên đến 500 triệu USD.

Còn chiếc IL-22M là máy bay giám sát, chỉ huy và tình báo điện tử trên chiến trường được cải tiến từ máy bay vận tải IL-18 của Liên Xô cũ. Khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, quân đội Nga có 12 chiếc IL-22M. Một chiếc trong đó đã bị quân đội của Tập đoàn Wagner đã bắn hạ vào tháng 6 năm ngoái trong cuộc nổi dậy của người đứng đầu lực lượng này là ông Prigozhin. Hiện Nga vẫn chưa có kế hoạch sản xuất cả hai loại máy bay này.

Điều đáng nói là vào ngày 26/2 năm ngoái, 1 máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga đã bị hư hỏng sau khi bị máy bay không người lái tấn công tại căn cứ không quân Machulich ở Belarus.

Hiện nay, Quân đội Nga còn khoảng 10 chiếc A-50 vẫn có thể bay bình thường, nhưng tính năng kỹ chiến thuật của chúng không mấy nổi trội do các thiết bị điện tử ra đời từ 50 năm trước, thuộc kỷ nguyên “bóng đèn điện tử”. Hiệu suất chiến đấu của A-50 thấp và được cho là không phù hợp với chiến tranh hiện đại.

Quân đội Nga có kế hoạch từng bước nâng cấp các máy bay cảnh báo sớm A-50 lên phiên bản A-50U mới nhất. Trong những năm gần đây, cứ trung bình khoảng một năm, Nga lại hoàn thành nâng cấp một chiếc A-50U.

Vì vậy, máy bay cảnh báo sớm chủ lực của quân đội Nga hiện nay là A-50U và họ hiện có 8 chiếc A-50U, tất cả đều được tân trang và nâng cấp dựa trên A-50 cũ.

Nguyên mẫu của máy bay cảnh báo sớm A-50U đầu tiên chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2014, chiếc được nâng cấp loạt đầu tiên mang được đưa vào sử dụng vào tháng 10/2014. Chiếc mới nhất vừa được giao vào tháng 8/2023.

Do Nga gặp khó khăn trong việc sản xuất máy bay cảnh báo sớm A-100 Presidential thế hệ mới, sử dụng radar mảng pha chủ động băng tần kép nên A-50U là máy bay cảnh báo sớm chủ lực và mạnh nhất hiện nay đang được biên chế trong Quân đội Nga.

Máy bay cảnh báo sớm A-50U không có radar mảng pha, mà là loại radar Bumblebee-М. Đây là phiên bản cải tiến của radar ba tọa độ Bumblebee cũ của A-50, gồm thay thế máy tính analog bằng máy tính kỹ thuật số, màn hình cũ CTR bằng LCD, thay một số bảng mạch sử dụng bóng đèn điện tử, sang mạch bán dẫn… Tuy nhiên anten radar vẫn là phiên bản cũ, nên khả năng bám bắt mục tiêu vẫn chưa có nhiều đột phá.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, máy bay cảnh báo sớm A-50U của Không quân Nga hoạt động rất bận rộn.

Hiện quân đội Nga triển khai 2 đến 3 máy bay cảnh báo sớm A-50U tại sân bay Taganrog thuộc vùng Rostov và 2 chiếc A-50U được triển khai dọc biên giới Belarus, chỉ cách thủ đô Kyiv của Ukraine hơn 100km.

Ngay cả khi mất 2 chiếc A-50U, thì Không quân Nga vẫn có thể sử dụng 3 đến 4 trong số 6 máy bay còn lại để duy trì chức năng cảnh báo sớm và chỉ huy trên không tầm xa ở chiến trường Ukraine.

Nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến và khả năng sớm xuất hiện tiêm kích F-16 tại Ukraine, có khả năng Không quân Nga sẽ phải điều động số máy bay cảnh báo sớm A-50U được triển khai ở Viễn Đông hoặc Syria, hoặc nâng cấp gấp một số máy bay A-50 cũ trong kho, để bổ sung cho lực lượng chiến đấu.

Ukraine muốn có thêm cường kích A-10

Tư lệnh quân đội Ukraine là ông Oleksandr Syrskyi cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 12/1 rằng Kyiv rất cần thêm máy bay quân sự, như máy bay tấn công A-10 Thunderbolt và bệ phóng tên lửa hành trình tầm xa. Ông nói: “Nếu chiến đấu cơ A-10 có thể được cung cấp cho chúng tôi, đó sẽ là một lựa chọn cho chúng tôi. Mặc dù nó không phải là mẫu máy bay mới, nhưng nó đáng tin cậy, đã được chứng minh trong nhiều cuộc chiến và hệ thống vũ khí của nó có thể giúp bộ binh tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất”.

Ông Syrskyi giải thích rằng, chiến đấu cơ A-10 sẽ cung cấp sự hỗ trợ quan trọng trên không cho lực lượng mặt đất. Nó là cỗ máy được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, pháo binh và tất cả các mục tiêu mặt đất chống lại bộ binh. Ông cho rằng các trực thăng tấn công hiện đại vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kyiv phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường và tạo điều kiện cho lực lượng Ukraine tiếp tục đánh đuổi quân Nga ra khỏi miền nam và miền đông nước này.

Vấn đề chiến đấu cơ A-10 tiến vào Ukraine đã được bén rễ khoảng một năm trước. Khi đó, Lầu Năm Góc phủ nhận khả năng cung cấp cho Ukraine máy bay tấn công A-10 và thay thế bằng máy bay chiến đấu F-16 với lý do là khả năng sống sót của A-10 không còn phù hợp với yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Giờ đây, trước ngày chiến đấu cơ F-16 tiến vào Ukraine, Tư lệnh quân đội Ukraine lại nhắc lại câu chuyện cũ, động thái này thật sự rất khiến người ta phải suy ngẫm.

Sau khi chống lại yêu cầu của Không quân Hoa Kỳ về việc cho chiến đấu cơ A-10 ra khỏi quân đội, mấy năm sau, Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã đồng ý cho 42 chiếc máy bay tấn công A-10 thuộc lô đầu tiên nghỉ hưu vào năm tài chính 2024, và dùng nó đổi lấy việc tất cả các máy bay chiến đấu F-22 tiếp tục được phục vụ trong quân đội. Phải chăng đề xuất của Ukraine đồng nghĩa với việc 42 chiếc A-10 sắp bị tống vào nghĩa địa máy bay sẽ được hồi sinh?

Tư lệnh Không quân Ukraine là ông Mykola Oleshchuk cho biết trên Telegram ngày 14/1 rằng Ukraine đang tìm cách triển khai máy bay chiến đấu F-16 như một ưu tiên cho việc hiện đại hóa lực lượng không quân của mình, nhưng cũng đang xem xét mua các máy bay chiến đấu khác của phương Tây để thay thế dần phi đội đã lỗi thời của mình.

Nhận xét này của ông Oleshchuk được đưa ra ngay sau khi Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Lục quân Ukraine, hy vọng có được máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II của Mỹ. Ông Oleshchuk cho biết, Không quân Ukraine đang xem xét thành lập nhiều nền tảng hàng không khác nhau để tăng cường và phát triển hơn nữa khả năng chiến đấu của lực lượng này. Ông cho biết sẽ không từ chối bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các đối tác, dù đó là máy bay chiến đấu đa chức năng, máy bay tấn công mặt đất, hoặc trực thăng. Dù việc làm chủ từng loại máy bay mới là một quá trình phức tạp và chậm chạp đối với Không quân Ukraine, nhưng Ukraine vẫn quyết tâm vượt qua cuộc thử nghiệm.

Hiện Ukraine sở hữu 4 máy bay chiến đấu chủ lực, tất cả đều là di sản từ thời Liên Xô cũ. Vì vậy sẽ có cảnh chiếc MiG-29 bay cùng với chiếc F-16. Ông Oleshchuk cho biết, chiếc Mirage-2000D cũng có thể gia nhập hàng ngũ để nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay ném bom Su-24M; trong khi máy bay tấn công A-10 sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay tấn công Su-25. Rõ ràng, cả Không quân và Quân đội Ukraine đều đang nhấn mạnh sự cần thiết của khả năng tấn công mặt đất.

Dự kiến, việc đào tạo phi công tiêm kích F-16 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Một số quốc gia khác cũng đã tham gia Liên minh hàng không viện trợ Ukraine do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu. Liên minh này nhằm mục đích gửi các máy bay chiến đấu phản lực hiện đại tới Ukraine và cung cấp chương trình đào tạo phi công tương ứng. Vào ngày 22 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo chính phủ đã quyết định giao lô 18 chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine.

Viên Minh (tổng hợp)

Related posts