Vụ AIC: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị bắt

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị bắt

Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Tối ngày 24/1, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Động thái trên đưa ra trong quá trình Cơ quan điều tra mở rộng điều tra vụ án Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Lâm Đồng và các đơn vị dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Theo ông Xô, hành vi vi phạm của ông Quận được xác định liên quan đến dự án Đại Ninh gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ông Trần Đức Quận (SN 1966, quê tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trải qua nhiều vị trí từ Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai (Lâm Đồng), Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Phó bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng. Tháng 10/2020, ông Quận được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trước đó, ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, vì sai phạm liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Hồi năm 2021, ông Trần Văn Hiệp và ông Trần Đức Quận bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau khi xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên.

Theo đó, ông Hiệp và ông Quận bị kết luận đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đầu tư, đất đai, nhà ở, bảo vệ môi trường.

Liên quan đến dự án của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, tháng 3/2023, C03 đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra hành vi Nhận hối lộ.

Tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ án nhận hối lộ nói trên.

Cơ quan chức năng xác định bà Ngọc đã lợi dụng vị trí công tác làm trái chức trách, nhiệm vụ được phân công trong việc giải quyết thanh tra, khiếu nại đối với dự án Công ty Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư ở Lâm Đồng.

Phạm Toàn

Vụ AIC: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị bắt

Ông Nguyễn Nhân Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Công ty AIC. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Nguyễn Nhân Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Công ty AIC.

Chiều 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ông Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Liên quan vụ án này, trước đó, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can gồm: Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Viết Toản, cựu nhân viên Công ty AIC; Nguyễn Đăng Linh, cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE và Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty AIC.

Mới đây, ngày 19/1, C03 tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, hiện là Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, cùng về tội Nhận hối lộ.

Khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, về tội Đưa hối lộ.

Phạm Toàn

Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức tiếp tục bị đề nghị truy tố liên quan Việt Á

TS.Bs Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức khi đưa ra các việc cần làm tại bệnh viện trong đợt dịch COVID-19, hồi năm 2020. (Ảnh: benhvienthuduc.vn)

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị truy tố ông Nguyễn Minh Quân trong việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa và Nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức, Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các bị can, gồm: Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Phạm Vũ Phong (Giám đốc Công ty Nam Phong) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Bà Trương Thị Bảo Trân, nhân viên vật tư trang thiết bị y tế (Bệnh viện Thủ Đức), bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ; Bà Mai Lệ Quyên, trưởng khoa vi sinh, Bệnh viện TP. Thủ Đức, bị đề nghị truy tố về Tội nhận hối lộ; Bà Nguyễn Lan Anh (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra bổ sung, ngày 20/8/2020, Bệnh viện Thủ Đức có kế hoạch triển khai xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 nên đã tìm các đối tác đảm bảo nguồn vật tư, kit xét nghiệm…

Sau khi bệnh viện liên hệ Công ty Việt Á, ông Lê Trung Nguyên (nhân viên kinh doanh) đã giới thiệu kit xét nghiệm do công ty này sản xuất. Ông Nguyên giới thiệu bạn thân là ông Phạm Vũ Phong bán kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất trực tiếp từ Công ty Nam Phong.

Ông Quân với vai trò là giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đã ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong khi chưa thẩm định hồ sơ; thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà thầu, xếp hạng nhà thầu…

Bản chất việc thực hiện hồ sơ các gói thầu cho Công ty Việt Á và Nam Phong để hợp thức hóa hồ sơ nhằm thanh toán số lượng kit xét nghiệm do Công ty Việt Á và Nam Phong cung ứng trước; không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu… gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 14,9 tỷ đồng.

Ông Phong dù biết công ty của mình không đủ tính hợp lệ với tư cách pháp nhân của nhà thầu, nhưng vẫn sử dụng pháp nhân của Công ty Nam Phong nhằm gian dối, thông thầu.

Thực hiện 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh, 4 gói thầu chỉ định rút gọn và 33 gói chỉ định thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ Công ty Nam Phong.

Theo kết luận điều tra bổ sung, về hậu quả thiệt hại, giá kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận) tối đa là 143.461 đồng/kit.

Bệnh viện Thủ Đức đã thanh toán cho Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong để mua kit xét nghiệm là hơn 24,9 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Thủ Đức thanh toán hơn 640 triệu đồng cho Công ty Việt Á và thanh toán 24,3 tỷ đồng cho Công ty Nam Phong (còn 8,9 tỷ đồng chưa thanh toán).

Các cá nhân tại Bệnh viện Thủ Đức không làm đúng quy trình đấu thầu, dẫn đến thiệt hại cho bệnh viện hơn 14,9 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Related posts