Nguồn: Luke de Pulford, “How I Became a Prop in Hong Kong’s Show Trials,” Foreign Policy, 11/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp tra tấn và ép cung trong vụ điều tra và truy tố Jimmy Lai.
Bắc Kinh có thói quen để dành những công việc bẩn thỉu nhất vào thời điểm Lễ Giáng sinh. Lý do là vì dịp lễ này thường là cơ hội tốt để chôn vùi những tin tức xấu. Chính trị cũng cần một kỳ nghỉ. Lượng tin chất vấn sẽ giảm, và nhiều nhà báo sẽ cảm thấy biết ơn khi được ẩn náu sau các câu trả lời tự động, rằng họ không có mặt ở văn phòng
Trong những năm gần đây, tin xấu có xu hướng liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hong Kong. Đầu tháng 1/2021, 53 người đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia, một đạo luật hà khắc được đưa ra vào tháng 6/2020 nhằm trấn áp các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Sau cùng, 47 người trong số đó đã bị buộc tội. Trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh tiếp theo, trang tin ủng hộ dân chủ Stand News đã bị đóng cửa, thêm một chiếc đinh khác được đóng lên quan tài Tuyên bố chung Trung-Anh.
Năm nay, ông già Noel đã đến cùng với cáo buộc “thông đồng với các thế lực nước ngoài” trong phiên tòa xét xử công dân Anh Jimmy Lai (Lê Trí Anh). Thật nực cười, một trong số những người nước ngoài đó là tôi.
Mọi thứ kỳ quặc hệt như truyện Alice ở Xứ sở Thần tiên, nhưng tôi sẽ cố gắng giải thích. Tôi là nhà sáng lập và điều hành Liên minh Lập pháp về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC) – một nhóm các nhà lập pháp quốc tế, liên đảng phái, có quan ngại về hành vi của Bắc Kinh. Tôi cũng đã làm việc ở Hong Kong, ủng hộ những người trẻ thúc đẩy phong trào dân chủ ở đặc khu vào năm 2019.
Bắc Kinh không thể chấp nhận được ý tưởng rằng người Hong Kong không muốn bị lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cai trị. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm 2019 và việc thành phố này kiên quyết bác bỏ các ứng viên thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử Hội đồng Quận diễn ra cùng năm là điều không thể chấp nhận đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh quyết định hình sự hóa việc bất đồng chính kiến bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia vào năm 2020.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Chỉ riêng luật an ninh quốc gia sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản là khát vọng tự trị cháy bỏng của người Hong Kong. Vì thế cần phải sử dụng lại cái cớ đã có từ rất lâu, rằng bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào cũng là kết quả của một âm mưu do phương Tây dàn dựng. Với Hong Kong hiện đại, điều đó có nghĩa là các cuộc biểu tình năm 2019 là một âm mưu của phương Tây, và hơn một triệu người Hong Kong đổ ra đường chỉ toàn những người thụ động, thiếu đầu óc, đã bị những kẻ tà ác thao túng vì lợi ích nước ngoài.
Và vụ Jimmy Lai đã nổi lên như một trò hề của hệ thống tư pháp đương thời ở Hong Kong. Chúng ta được bảo rằng Lai đã “thông đồng với các thế lực nước ngoài,” rằng người đàn ông 70 tuổi này, bằng cách nào đó, đã đứng đằng sau các cuộc biểu tình chủ yếu do thanh niên điều hành, và được hỗ trợ đắc lực nhờ sự can thiệp của nước ngoài.
Đó là lý do tại sao họ đưa ra các cáo buộc đồng phạm chống lại tôi; Bill Browder, người vận động cho Luật Magnitsky; và Shiori Kanno, cựu Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản. Nếu Lai được cho là đã thông đồng với các thế lực nước ngoài, thì chắc chắn phải có một thế lực nước ngoài nào đó để ông thông đồng.
Tôi sẽ bắt đầu với một sự thật giản đơn, là có rất ít bằng chứng cho thấy Lai, tỷ phú sở hữu đế chế truyền thông Apple Daily, có liên hệ với những nhân vật nòng cốt của cuộc biểu tình năm 2019. Lai, giống như chính trị gia kỳ cựu Martin Lee và một nhóm gồm phần lớn những người trong độ tuổi 70, thuộc về một thế hệ các nhà vận động dân chủ hoàn toàn khác. Thậm chí người ta còn ghi nhận rằng nhiều nhà hoạt động nổi bật trong phong trào năm 2019 là đối thủ chính trị của Lai và Lee, tin rằng thế hệ cũ đã thất bại trong nỗ lực đảm bảo một giải pháp hiến pháp cho cựu thuộc địa trước khi được Anh trao trả vào năm 1997.
Thật phi lý khi cho rằng hàng triệu người dân Hong Kong đã đổ ra đường chỉ vì Jimmy Lai muốn điều đó. Các cuộc tuần hành khiến hàng triệu người xuống đường vào năm 2019 chủ yếu bắt nguồn từ một đề xuất dự luật dẫn độ, làm dấy lên nỗi lo rằng người dân Hong Kong sẽ bị xét xử theo luật pháp Trung Quốc. Người dân Hong Kong không muốn điều đó xảy ra, nên gần một phần ba thành phố đã tuần hành phản đối. Chỉ thế thôi.
Việc cho rằng tất cả là do Lai và các thế lực nước ngoài dàn dựng đã khơi dậy một ý tưởng phân biệt chủng tộc sâu sắc: rằng người dân Hong Kong hoặc Trung Quốc không thể tự mình suy nghĩ và sẽ chỉ vận động kêu gọi các giá trị dân chủ dưới sự hướng dẫn của phương Tây.
Điều này đặt ra một vấn đề khác đối với câu chuyện ưa thích của Bắc Kinh: Nếu rõ ràng là Lai không đứng sau các cuộc biểu tình năm 2019, thì chính phủ làm sao có thể thuyết phục người dân tin rằng ông là kẻ đứng sau? Đó chính là lý do đồng nghiệp cũ của tôi, Andy Li, trở thành nhân vật không thể thiếu đối với Bắc Kinh. Li là một kỹ thuật viên máy tính đến từ Hong Kong. Tài năng, rất lịch sự, và cực kỳ nguyên tắc, ông đã tình nguyện tham gia IPAC trong những ngày đầu thành lập. Và không chỉ mỗi IPAC – Li còn làm việc với khá nhiều người muốn bảo vệ các quyền tự do mà Hong Kong đã được hứa hẹn.
Li bị bắt vào tháng 8/2020 theo luật an ninh quốc gia mới ban hành. Ngay sau đó, ông đã cố gắng trốn khỏi Hong Kong để đến Đài Loan cùng với 11 người khác. Có bằng chứng rõ ràng cho thấy lực lượng hải cảnh đã cho phép chiếc thuyền của nhóm này tiếp cận vùng biển Trung Quốc trước khi bắt giữ họ. 12 người bị đưa đến nhà tù Thâm Quyến, nơi những thứ tồi tệ đang chờ đợi họ, đặc biệt là Li. Tháng trước, tờ Washington Post đưa tin:
“Phần lớn trong số 12 người này không bị hành hạ thể xác, nhưng 7 người quen thuộc với các điều kiện ở nhà tù cho biết có thể nghe thấy tiếng la hét ‘liên tục’ phát ra từ phòng giam của Li.
Một người nói: “Nhiều khả năng những gì [Li] phải đối mặt bên trong còn tệ hơn gấp 10 lần” so với những người còn lại.”
Vài tháng sau, Li được đưa trở lại Hong Kong, nơi ông bị giam trong một viện tâm thần từ đó tới nay. Cũng trong khoảng thời gian đó, tên của ông bắt đầu xuất hiện như một nhân chứng quan trọng chống lại Lai. Vụ án xét xử Li theo luật an ninh quốc gia khi đó ít nhiều đã hoàn thành. Ông đã nhận tội và bị tuyên là có tội, nhưng vẫn chưa bị kết án. Lời giải thích đơn giản cho sự chậm trễ trong việc tuyên án là vì ông hiện là nhân chứng quan trọng trong phiên tòa xét xử Lai.
Vào tháng 8/2021, Li đã xác định Lai là “kẻ chủ mưu” đằng sau cuộc biểu tình năm 2019 và dự kiến sẽ nói điều tương tự sau vài tuần nữa, khi ra làm chứng trong phiên toà xét xử Lai. Li có một vở kịch phải diễn, và ông sẽ chưa bị kết án chừng nào chưa diễn xong. Có Chúa mới biết họ đã làm gì để khiến ông hợp tác đến mức này. Nhưng cơ bản thì mối liên hệ giữa Lai và phong trào thanh niên đã được thiết lập, và Bắc Kinh đã có được câu chuyện của mình.
Nếu tôi có cơ hội ra làm chứng trong phiên toà trá hình này, tôi sẽ nói với tòa rằng tôi biết khá rõ về con người Li. Ông rất tích cực trong công việc và được nhiều người biết đến. Nhưng đơn giản là ông ấy không biết Lai là ai. Li đã tự làm việc theo ý muốn của mình. Chẳng có ai khác đứng sau công việc của Li. Không phải tôi, và chắc chắn không phải Lai. Trong số hàng trăm trang tin nhắn giữa Li và tôi mà tòa án đang sở hữu, họ sẽ không tìm thấy một dòng nào viết về “kẻ chủ mưu” Jimmy Lai.
Đây là thực tế bi thảm trong vụ án của Lai, một mô hình thu nhỏ kể lại câu chuyện về sự sa sút của một hệ thống pháp luật từng được tôn trọng và sự sụp đổ của chính Hong Kong. Lai sẽ bị kết án, nhưng không phải vì ông có tội. Bản án của ông sẽ dựa trên lời khai của một nạn nhân được báo cáo là đã bị ép cung, người có thể sẽ bịa đặt những câu chuyện về một số hành động vốn không bị xem là tội ở bất kỳ quốc gia tự do nào – chẳng hạn như tổ chức hội nghị bàn tròn về nhân quyền, hoặc gửi email cho một chính trị gia nước ngoài – và tất cả là để thỏa mãn nỗi ám ảnh kỳ lạ của Bắc Kinh với câu chuyện về một kẻ chủ mưu.
Trong khi đó, cộng đồng các nền dân chủ vẫn trơ như đá, như thể họ không nhận thức được những tín hiệu mà vụ án này gửi đến một Trung Quốc ngày càng hung hăng, đang gieo rắc căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nếu Bắc Kinh có thể phá hủy một hiệp ước quốc tế, kết án các công dân Anh bằng những cáo buộc bịa đặt dựa trên lời khai do ép cung, và tuỳ tiện xem công dân nước ngoài là tội phạm, mà không phải gánh hậu quả đáng kể, thì đó có thể là điềm xấu cho trách nhiệm giải trình đối với vấn đề Đài Loan.
Tốc độ và mức độ suy giảm các quyền tự do ở Hong Kong đã chứng tỏ cách tiếp cận hiện nay của cộng đồng là hoàn toàn vô dụng trong việc giải quyết các hành vi lạm dụng của Bắc Kinh. Nếu các nền dân chủ không thể tìm ra cách buộc chính phủ của Tập phải giải trình một cách hiệu quả, thì họ sẽ phải đối mặt không chỉ với ngày càng nhiều tin xấu bị chôn vùi trong dịp Giáng sinh, mà còn với cuộc khủng hoảng sống còn của hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Luke de Pulford là nhà sáng lập và giám đốc điều hành Liên minh Lập pháp về Trung Quốc.