Phương Hiểu • Hùng Bân
Nhiều bác sĩ ở Trung Quốc đã công khai rằng dịch cúm B đã lan khắp cả nước. Giám đốc khoa phẫu thuật của một bệnh viện tại Vũ Hán đã cho biết, các triệu chứng của bệnh thậm chí nặng hơn cả khi nhiễm Covid-19 mới. Bệnh viện Hòa Hợp Vũ Hán chật kín người đến khám chữa bệnh.
Nhiều người dân ở ba tỉnh đông bắc nói với The Epoch Times, rằng nhiều gia đình lần lượt bị nhiễm bệnh, có gia đình cả ba thế hệ trong gia đình đều nhiễm bệnh; các bệnh viện ở Trường Xuân không thể đăng ký khám bệnh, vì quá tải; người dân ở Cáp Nhĩ Tân cho biết có rất nhiều trường hợp hiện đã chết, và những người qua đời “không có giới hạn độ tuổi”.
Bác sĩ bệnh viện ở Vũ Hán: Triệu chứng cúm còn nặng hơn cả Covid-19
Ngày 24/1, ông Chung Nhược Lôi, Giám đốc ngoại khoa (Phó giáo sư) của Bệnh viện số 6 thành phố Vũ Hán, thuộc Bệnh viện Đại học Giang Hán), cảnh báo trong một video: “Tôi muốn cảnh báo mọi người rằng, hiện nay tỷ lệ nhiễm cúm B đang ngày càng tăng. Một số người thân và bạn bè xung quanh tôi đã nhiễm bệnh, với các triệu chứng thậm chí nặng hơn cả khi nhiễm virus corona mới, đặc biệt là hầu hết đều xảy ra ở trẻ em”.
Một tài khoản “Ái Như Y,” là bác sĩ chuyên khoa nhi tại tỉnh Quảng Tây, ngày 24/1 đã đăng trên trang truyền thông cá nhân: “Dịch bệnh cúm B đã bùng phát trên toàn quốc. Trong khoảng thời gian này, nhiều trẻ em đã bị nhiễm bệnh, không chỉ gây ra cảm giác rất khó chịu cho chính bản thân các cháu mà còn khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng”.
Một dược sĩ họ Tô của một hiệu thuốc tỉnh Sơn Đông, gần đây đã chia sẻ một video, nói về đợt dịch cúm đang hoành hành khắp cả nước. Trong một năm qua, dịch cúm đã tái phát nhiều lần, và các phòng khám đang trở nên quá tải. Gần đây, các biến thể của virus cúm tại các địa phương như Bắc Kinh đã chuyển từ cúm A sang cúm B, và một số người liên tục bị nhiễm bệnh, chủ yếu là do hệ miễn dịch yếu.
Bác sĩ Trịnh Bác Long, là Phó trưởng khoa ngoại của Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Thành phố Tây An, ngày 23/1 trong một video chia sẻ, về đặc điểm triệu chứng của cúm B: “Các triệu chứng của cúm B thường là xuất hiện nhanh, nhiệt độ cơ thể tăng nhanh từ vài giờ đến 24 giờ, có thể lên đến 39 độ C, thậm chí là 40 độ C”.
Tài khoản “Gu wo nuanguang” có IP thuộc Thiểm Tây, mới đây đã cho biết trong một kênh truyền thông cá nhân rằng con trai cô bị sốt cao và lây nhiễm cho cô, họ đã nghỉ ở nhà gần nửa tháng sau khi bị nhiễm bệnh …
Tài khoản “Xiao Zhudaidai” Vũ Hán có IP thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã đăng một đoạn video quay tại Bệnh viện Hòa Hợp Vũ Hán vào sáng ngày 23/1. Anh ấy nói: “Sáng sớm, bệnh viện này đã có rất nhiều người. Khắp nơi đều có người đến gặp bác sĩ. Có thể nói là một biển người. Những người đến bệnh viện đều đeo khẩu trang, và có rất ít người không đeo khẩu trang”.
Vào ngày 25/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo, ông Bành Chất Bân, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm Hô hấp thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết hiện tại, tình hình dịch bệnh cấp tính đang diễn biến phức tạp. Các bệnh về đường hô hấp ở Trung Quốc chủ yếu là cúm, trong đó cúm B gần đây chiếm tỷ lệ tăng cao gây ra một biến động nhỏ trong dịch cúm. Các chuyên gia cho rằng, trong mùa đông và mùa xuân, Trung Quốc sẽ tiếp tục trải qua tình trạng xen kẽ hoặc cùng lúc xuất hiện nhiều loại bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nhưng trong thời gian ngắn, virus cúm vẫn sẽ chiếm ưu thế.
Người dân Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh: Người trong cùng nhà đều nhiễm bệnh
Vào ngày 24/1, các phóng viên của The Epoch Times đã phỏng vấn một số người từ nhiều nơi ở ba tỉnh Đông Bắc và họ đưa ra ý kiến cá nhân về tình hình dịch bệnh đang diễn ra.
Cô Lý, một công dân Đại Liên, cho biết hiện nay có rất nhiều người nhiễm bệnh và họ đều lây từ gia đình này sang gia đình khác. Có rất nhiều người xếp hàng ở bệnh viện. Thông thường, sau khi lấy máu và chụp X-quang, kết quả xét nghiệm là viêm phổi, phương pháp điều trị là truyền dịch và uống thuốc.
“Đặc điểm của nhiễm virus là ho, ho và sốt. Nếu như đã nhiễm loại virus này, không ai tránh được. Cảm giác rất khó chịu và phải truyền dịch trong vài ngày”, cô Lý tiết lộ: “Cháu trai 5 tuổi của tôi đã ốm một tuần, ho đau cổ, khóc lóc. Đưa cháu đến bệnh viện nhi, người xếp hàng rất đông”.
Cô cho biết, một lần khám bệnh tốn hàng trăm tệ nhưng cha mẹ nào đều mong muốn con mình khỏi bệnh càng sớm càng tốt. Trong suốt ba năm đại dịch, hầu như nhiều gia đình đều có người già, họ hàng hoặc bạn bè qua đời, đặc biệt là có quá nhiều người già đã qua đời.
Bệnh viện Trường Xuân không thể lấy số khám bệnh
Ông Vương đến từ tỉnh Cát Lâm hiện đang chăm sóc cháu trai 2 tuổi của mình ở thành phố Trường Xuân.
Ông cho biết hiện nay có rất nhiều người lớn và trẻ em bị bệnh. Số lượng bệnh nhân đông đến mức một số bệnh viện không đăng ký trực tuyến để khám bệnh và phải chờ 20 ngày.
“Cháu trai tôi bị cảm nên tôi đưa cháu đến Bệnh viện Y học cổ truyền Trường Xuân để khám bác sĩ. Ở đó có rất nhiều người. Tôi đến khu nội trú và thấy đều đã kín chỗ”, ông Vương nói. Ông còn kể về một sự việc mà ông chứng kiến lúc đó, có một bé gái khoảng 10 tuổi bị phổi trắng, hôn mê, một chuyên gia nhanh chóng được gọi đến, chuyên gia đó đến bảo cần nhanh chóng đưa cháu bé nhập viện.
Ông cho biết, từ đầu năm đến nay, trẻ em bị cúm, sốt nhiều. Vào bệnh viện bao gồm xét nghiệm máu và kiểm tra phổi. Thông thường, trẻ sẽ được truyền dịch ở phòng khám ngoại trú trong vài ngày, trường hợp nặng phải nhập viện.
“Bây giờ người ta rất thận trọng khi ăn uống. Tại sao? Bởi vì chất bảo quản ở khắp mọi nơi khiến người ta hoảng sợ. Ăn gì cũng sợ vì sợ bị bệnh. Đồ ăn không an toàn. Các quán ăn tổng hợp bây giờ không kinh doanh nữa”. Ông nói rằng nền kinh tế của Trung Quốc rất tồi tệ, nhiều người thất nghiệp, nhiều ngành công nghiệp đang suy thoái và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động không tốt.
Người dân Cáp Nhĩ Tân: Cả ba thế hệ già trẻ đều mắc bệnh
Ông Trương, một người dân Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nhiều người đã nhiễm virus: “Tôi đã nhiễm bệnh hơn hai tháng và vẫn chưa khỏi bệnh. Tôi đang dựa vào khả năng miễn dịch của chính mình để chống lại virus”.
Ông Trương cho biết, ngoài mình, mẹ ông vẫn bị ho và cháu gái 1 tuổi của ông cũng bị viêm phổi. Không có cách điều trị nào tốt ngoài việc dùng thuốc hoặc truyền tĩnh mạch, bác sĩ không thể đảm bảo bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau khi uống thuốc.
Ông nói rằng những triệu chứng cúm này giống như bị nhiễm Covid vì cơn ho của không thuyên giảm, nếu là cúm hoặc sốt thông thường thì sau một thời gian sẽ tự giảm.
Ông Trương cũng cho biết “có rất nhiều trường hợp đột tử, mọi người đã quen và chấp nhận chuyện này. Đột tử xảy ra ở mọi lứa tuổi”.
Ông cho biết hiện nay nếu muốn thoát khỏi dịch bệnh, một là dựa vào khả năng miễn dịch, hai là dựa vào vận may.
Một người dân Cáp Nhĩ Tân, cô Tiểu Dương (bí danh) nói với các phóng viên, rằng gần đây có nhiều người bị sốt tái phát: “Con của đồng nghiệp tôi bị ốm và anh ấy đưa con đi khám bác sĩ. Anh ấy nói rằng bệnh viện rất đông người”.
Cô Tiểu Dương cho rằng sau khi mọi người tiêm vaccine Covid-19, khả năng miễn dịch của cơ thể họ đã suy giảm. “Sau khi một người họ hàng của tôi đi tiêm phòng, anh ấy bị bệnh và phải nhập viện. Anh ấy nói tim và thần kinh của anh ấy đã bị tổn thương. Bác sĩ hỏi ‘Anh đã tiêm bao nhiêu mũi rồi?’ Nếu bạn yêu cầu bác sĩ cấp giấy chứng nhận, chẳng phải thừa nhận tác dụng phụ của vaccine?”
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch