James Gorrie
Các nhà quan sát Trung Quốc như ong Gordon Chang và các quý độc giả thực sự đã nhận thức được tính không bền vững của “Phép lạ Trung Quốc” trong vài thập niên trở lên. Nhưng hiện nay, có nhiều cảnh báo hơn bao giờ hết về khả năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc ngăn cản nền kinh tế khỏi việc hứng chịu một cuộc hạ cánh rất cứng.
Ngày nay, cách tường thuật phổ biến nhất về vai trò mở rộng của Trung Quốc trên thế giới là trong bối cảnh cạnh tranh với Hoa Kỳ nói riêng và, nói chung hơn là, với các nền kinh tế phương Tây, bao gồm Liên minh Âu Châu, Nhật Bản, và Nam Hàn. Lối nói này là một cách đưa tin mạnh mẽ và có thật từ hầu hết mọi góc độ.
Chẳng hạn, bản thân ĐCSTQ chắc chắn xem Hoa Kỳ là đối thủ chính của họ trên hầu hết mọi lĩnh vực — kinh tế, quân sự, công nghệ, và địa chính trị. Điều đó đúng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Nhưng thời gian hay cấu trúc kinh tế tư bản nhà nước của ĐCSTQ đều không đứng về phía Trung Quốc.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên quá già, và với tốc độ quá nhanh
Có thể chỉ ra nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn đến xu hướng kinh tế đi xuống của Trung Quốc, nhưng một yếu tố chắc chắn là tác động của chính sách một con bắt đầu từ năm 1979 và chính thức kết thúc vào năm 2015. Trung Quốc đang phải trả giá đắt từ chính sách này, bất chấp việc ĐCSTQ hiện đang khuyến khích người Trung Quốc có đông con hơn. Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến việc có nhiều con hơn, nếu có. Ngay cả hôn nhân cũng đang trở thành quá khứ, với số hôn lễ giảm từ 13.5 triệu năm 2013 xuống còn 6.8 triệu vào năm 2022.
Kết quả là Trung Quốc đang phải gánh chịu tình trạng dân số già đi — và thu hẹp lại nhanh chóng. Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là 38, trong khi độ tuổi trung bình toàn cầu là khoảng 30 tuổi, tức là già hơn 25%. Con dao hai lưỡi về dân số học này đang cắt đứt tương lai kinh tế của Trung Quốc. Đến năm 2035, 30% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tỷ lệ đó sẽ tăng nhanh chóng tăng lên vì lần đầu tiên kể từ năm 1961, tỷ lệ tử vong đang cao hơn tỷ lệ sinh.
Nền kinh tế dựa vào lao động của Trung Quốc đang cho thấy là thảm họa
Những xu hướng dân số học này, cũng như những hậu quả tai hại của chúng, là khó có thể đảo ngược, đặc biệt là trước những hạn chế của mô hình kinh tế dựa vào lao động của Trung Quốc. Chính sách kinh tế vĩ mô này được ĐCSTQ tiến hành vào đầu những năm 1980 khi quyết định cho Trung Quốc mở cửa trước dòng vốn trực tiếp cũng như công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng từ phương Tây.
Nói rộng ra, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp lao động giá rẻ cho các nền kinh tế phát triển để đổi lấy đầu tư của phương Tây vào Trung Quốc. Về căn bản, ĐCSTQ đã yêu cầu các quốc gia phát triển làm điều mà nhà cầm quyền này không thể làm được trong 30 năm: phát triển Trung Quốc. Sau đó, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã đổ sang Trung Quốc, nhanh chóng mang lại hàng hóa rẻ hơn cho phần còn lại của thế giới, mức tiêu thụ toàn cầu lớn hơn, và lợi nhuận bùng nổ cho các công ty phương Tây cũng như các nhà sản xuất Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã trở nên giàu có và hùng mạnh nhờ sự chuyển dịch lớn trong hoạt động sản xuất của thế giới sang Trung Quốc.
Sự thống trị độc đảng rốt cuộc không chừa lại không gian cho sự linh hoạt hoặc những ý tưởng mới
Nền tảng hiểu biết của Trung Quốc đã phát triển, nhưng không nhiều như lẽ ra phải có. Vấn đề là, như các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn đã chứng minh một cách chuẩn xác vào năm 1989, lao động có trình độ đắt hơn nhiều, và là nhân tố nguy hiểm đối với ĐCSTQ. Những công dân giàu có đòi hỏi nhiều hơn là chỉ của cải; họ muốn có quyền tự quyết.
Thỏa thuận mà ĐCSTQ đạt được với người dân sau vụ thảm sát Thiên An Môn với hàng ngàn sinh viên là một thỏa thuận đơn giản và không bền vững: ĐCSTQ sẽ cung cấp một nền kinh tế đang phát triển để đổi lấy việc có các quyền tự do hạn chế và không có thách thức chính trị nào đối với Đảng đến từ phía giai tầng trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thời gian trôi qua, sự xung đột không thể tránh khỏi trong một thỏa thuận như vậy trở nên rõ ràng hơn. Khi nhu cầu mở rộng luồng thông tin và tự do đi lại nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bắt đầu đe dọa đến quyền lực hoặc thậm chí đến sự tồn tại của ĐCSTQ, thì lợi ích của Đảng này sẽ được ưu tiên hơn phúc lợi của người dân hoặc đất nước.
Nhật Bản hóa Trung Quốc?
Phải thừa nhận rằng lịch sử và bối cảnh kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản là khá khác nhau. Tuy nhiên, có một số yếu tố kinh tế và dân số học quan trọng mà cả hai quốc gia này đều có. Những yếu tố này bao gồm giá địa ốc, nhu cầu kinh tế giảm, dân số đang già đi và thu hẹp, vấn đề mà Nhật Bản đã trải qua từ năm 1990. Nhật Bản tiếp tục gặp khó khăn với tỷ lệ sinh giảm, nhu cầu kinh tế trong nước giảm, và các chu kỳ nợ công cao lặp đi lặp lại do các chính sách kích thích kinh tế thất bại.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh cao với tư cách là một chủ thể kinh tế trên thế giới, khi Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ tìm cách thu hẹp quy mô đầu tư vào Trung Quốc. Và, như đã lưu ý ở trên, xu hướng dân số học của nước này báo hiệu sự suy giảm kinh tế hơn nữa. Còn có những yếu tố khác cần xem xét, nhưng đây là những yếu tố sẽ có nhiều khả năng nhất để đẩy Trung Quốc vào một thập niên mất mát (nếu không muốn nói là một thế hệ mất mát) vì dân số học và nhu cầu tiêu dùng đóng vai trò to lớn đối với sức khỏe lâu dài về kinh tế.
Tại thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngày nay Trung Quốc phải đối diện với những trở ngại đáng kể về kinh tế và dân số học chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1970, ngay trước khi phương Tây giải cứu ĐCSTQ khỏi chính nó. Nhưng thời cơ để phương Tây giải cứu ĐCSTQ hiện đã qua. Sự trì trệ lan rộng đang dần hiện ra ở Trung Quốc, giống như một cuộc đàn áp chính trị mở rộng và sự kiểm soát liên tục của Đảng này đối với nền kinh tế. Không điều nào trong các yếu tố này dẫn tới tăng trưởng và đổi mới nhưng lại có nguy cơ kéo dài tình trạng trì trệ.
Nhưng đó là những giải pháp mang tính quy định được đưa ra bởi nhà lãnh đạo duy nhất của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và sự sống còn của Đảng này đang diễn ra, và những khả năng tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đang mất dần.
Về căn bản, mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay và trong tương lai gần chính là ĐCSTQ.
Nhật Thăng biên dịch