Vào thứ Hai (29/1), tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, ngay sau đó giá cổ phiếu Evergrande giảm mạnh hơn 20% trước khi tạm dừng giao dịch. Có phân tích rằng vụ việc có tác động lớn đến chính trị và kinh tế Trung Quốc, thậm chí phản ứng dây chuyền nếu có còn gây nguy hiểm cho quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do đó vẫn chưa biết liệu việc thanh lý Evergrande có được thực hiện thành công hay không.
Tòa án Tối cao Hồng Kông vào thứ Hai (29/1) đã chính thức ban hành lệnh thanh lý đối với Evergrande Trung Quốc và sẽ chỉ định người thanh lý cho công ty mẹ của Evergrande. Người thanh lý sẽ có quyền tiếp quản tất cả các công ty con của Evergrande trên toàn thế giới (cả ở Đại Lục) và bán tài sản của công ty này để trả nợ.
Phán quyết này đã bị hoãn nhiều lần trong hai năm qua.
Evergrande và nhiều nhà phát triển bất động sản khác tại Trung Quốc đã lạm dụng xây dựng và hứa hẹn quá độ, hàng chục công ty vì thế đã vỡ nợ, khiến hàng trăm ngàn người mua nhà tại Trung Quốc vẫn đang chờ đợi căn hộ của mình được hoàn thiện. Vào tháng 9 năm ngoái, một số quản lý cấp cao của Evergrande đã bị bắt, cuối cùng người sáng lập kiêm chủ tịch Evergrande là ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) cũng đã bị bắt giam.
Liệu việc thực hiện lệnh thanh lý có suôn sẻ?
Về phán quyết của Tòa án tối cao Hồng Kông, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một sự kiện mang tính cột mốc.
Nói với Epoch Times vào ngày 29/1, Giáo sư Cheng-Ping Cheng khoa Tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Yunlin ở Đài Loan cho hay rằng, mặc dù các tòa án Hồng Kông đã bị bóp méo rất nhiều theo luật an ninh quốc gia, nhưng họ vẫn có quyền tự chủ trong việc xử lý các vấn đề thuần túy thương mại, vì thế mới có phán quyết như vậy. Ở góc độ kinh tế thuần túy, đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt, phản ánh thực trạng thực tế của Evergrande và các công ty bất động sản Trung Quốc, nếu không trả nợ được thì phải thanh lý tài sản, việc này đã bị trì hoãn từ lâu.
“Tôi cho rằng phán quyết này phù hợp với logic và nguyên tắc chung của hoạt động kinh doanh thông thường”, ông nói.
Lệnh thanh lý đồng nghĩa với việc Evergrande trong thời gian dài tới sẽ phải chia tách hoạt động kinh doanh khổng lồ của công ty này, bao gồm cả những doanh nghiệp không liên quan đến bất động sản, chẳng hạn như hãng xe điện.
Các nhà đầu tư đang xem liệu người hiện chịu trách nhiệm thực hiện việc thanh lý có được tòa án Trung Quốc Đại Lục công nhận hay không.
Theo thỏa thuận song phương được ký kết giữa Hồng Kông và Bắc Kinh vào năm 2021, tòa án Trung Quốc Đại Lục sẽ công nhận người thanh lý do tòa án Hồng Kông chỉ định, cho phép các chủ nợ kiểm soát tài sản của Evergrande tại Trung Quốc Đại Lục. Nhưng trên thực tế, những yêu cầu như vậy gửi tới tòa án địa phương ở Trung Quốc Đại Lục hiếm khi được chấp thuận.
Nói với Epoch Times vào ngày 29/1, nhà nghiên cứu Darson Chiu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan và là giáo sư phụ trợ tại Khoa Kinh tế tại Đại học Tunghai cho hay, do gần đây giới đầu tư quốc tế chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán châu Á khác, tránh Hồng Kông và Đại Lục, nên vào thời điểm này ĐCSTQ buộc phải xử lý Evergrande để hy vọng lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông cho rằng Đại Lục có một hệ thống kinh tế tương tự như nền kinh tế kế hoạch, nếu họ thúc đẩy thanh lý thì phải rất hiệu quả, thà chấp nhận cú sốc nhất thời còn hơn thiệt hại lâu dài, việc xử lý có thể là nhanh chóng.
Nhưng Giáo sư Cheng-Ping Cheng cho hay phán quyết đối với Evergrande là một trường hợp đặc biệt ở Trung Quốc. Vấn đề bất động sản của Trung Quốc đã tồn tại từ lâu, nếu thuần túy dựa trên logic thương mại thì nhiều công ty sẽ phải thanh lý, chính quyền ĐCSTQ sợ gây ra hiệu ứng dây chuyền nên không nên để việc thanh lý Evergrande thực sự trở thành vấn đề một sự kiện domino, vì nếu xảy ra như vậy thì “toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm sụp đổ”.
Ông cho rằng chính quyền ĐCSTQ không phải là chính quyền bình thường, không loại trừ khả năng họ sẽ can thiệp mạnh mẽ vào việc thanh lý Evergrande và sử dụng nhiều chính sách khác nhau để kìm hãm, ví dụ như thông qua chính quyền địa phương từ từ giải quyết vấn đề và thông qua các doanh nghiệp nhà nước để nhận các khoản nợ hoặc chuyển nhượng nợ… Ông nói: “Tôi đoán lệnh thanh lý này chỉ có thể được thực hiện ở Hồng Kông, sẽ rất khó để nó vào Trung Quốc thanh lý các ngànhnghề khác nhau của Evergrande”.
Chuyên gia: Trước mắt, diễn biến sẽ tác động tiêu cực trên thị trường
Trong bối cảnh niềm tin giới đầu tư toàn cầu vào Trung Quốc đang bị lung lay, hơn bao giờ hết Bắc Kinh đang rất cần đầu tư từ nước ngoài. Ngày 19/1 năm nay, Bộ Thương mại ĐCSTQ công bố lượng vốn nước ngoài thực tế sử dụng trên toàn quốc vào năm 2023 là 1133,91 tỷ nhân dân tệ (RMB), giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tài chính Hồng Kông từ nhiều năm nay đã luôn là điểm đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay nó đã bị ảnh hưởng nặng nề cùng với thị trường tài chính Trung Quốc Đại Lục. Chỉ số Hang Seng vào tháng 1 từng có khi rơi xuống dưới mốc 15.000 điểm, giảm hơn 10% và tiến gần đến điểm đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2009, khiến chỉ số này trở thành chỉ số chính ở châu Á biểu hiện kém nhất.
Sau thực trạng sụt giảm mạnh gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông, chính quyền ĐCSTQ đang lên kế hoạch mạnh mẽ giải cứu thị trường. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) tuyên bố rằng ông sẽ hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi 0,5 điểm phần trăm vào ngày 5/2 để cung cấp cho thị trường thanh khoản dài hạn khoảng 1000 tỷ nhân dân tệ.
Bất kỳ cú sốc mới nào giáng vào thị trường vào thời điểm này đều có thể hiện chứng minh thêm nỗ lực vực dậy tăng trưởng kinh tế của chính quyền.
Giáo sư Darson Chiu phân tích, sự cố Evergrande có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với ngành bất động sản và thị trường tài chính đang gặp khó khăn của Trung Quốc: do sự sụp đổ của các công ty bất động sản, sự sụp đổ tài chính của nhiều chính quyền địa phương cũng sẽ làm trầm trọng thêm các khoản nợ xấu và tỷ lệ giá trị thị trường vốn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tác động đến người tiêu dùng còn lớn hơn, vì đầu tư vào bất động sản chiếm hơn 70% tổng đầu tư công: “Có vấn đề ở phía cung, cộng thêm lại có vấn đề ở phía cầu, vòng xoáy tiêu cực luẩn quẩn sẽ tiếp tục mở rộng”.
Chuyên gia Darson Chiu cho hay, ban đầu nhiều người nghĩ chính quyền Đại Lục sẽ ra tay để cứu Evergrande, nhưng giờ đây điều đó tương đương với việc cho phép thanh lý, điều này sẽ khiến trong ngắn hạn các nhà đầu tư giảm bớt ảo tưởng đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc Đại Lục.
Ông Darson Chiu nói thêm rằng vụ việc gây ra tiêu cực cả trong và ngoài Trung Quốc Đại Lục. Ở trong nước là vấn đề từ người tiêu dùng, còn đối với bên ngoài là việc rút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu các nhà đầu tư không có niềm tin thì nền kinh tế sẽ không thể phát triển được, điều này tiếp nối các vấn đề về cơ cấu của năm ngoái: “Gần đây, Bắc Kinh đã thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuyên bố rằng, nền kinh tế của họ đang hoạt động tốt với mức tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái…., bao gồm cả việc họ mở cửa cho phép nguồn vốn nước ngoài nắm giữ 100% cổ phần một ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm, hy vọng lấy lại niềm tin đầu tư nước ngoài, nhưng đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn chờ đợi”.
Phân tích: Sự cố Evergrande ảnh hưởng đến Trung Nam Hải
Bất động sản ở Trung Quốc đã ngày càng gắn bó chặt chẽ với chính trị, vì thế tác động của sự cố Evergrande đối với cơ cấu chính trị của ĐCSTQ cũng là tâm điểm thảo luận.
Giáo sư Darson Chiu tin rằng việc thanh lý Evergrande về mặt lý thuyết sẽ có tác động lớn đến tình hình chính trị Trung Quốc, nếu là một nước dân chủ thì biến cố này đã kéo theo thay đổi đảng cầm quyền rồi. Nhưng đối với chế độ như Trung Quốc Đại Lục nó có thể không có tác động lớn, chủ yếu là do thông tin không được công khai. Ví dụ, có những lời chất vấn mạnh mẽ đối với ông Tập Cận Bình từ thế giới bên ngoài, nhưng người dân ở Trung Quốc Đại Lục rất khó có được thông tin, các phương pháp kiểm soát của ĐCSTQ cũng ngăn cản người dân nước này bày tỏ ý kiến trước công luận.
Còn giáo sư Cheng-Ping Cheng thì cho hay, nền kinh tế Trung Quốc đã gia tăng tiêu cực kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình, cho đến sau đại dịch COVID-19 thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, hiện mọi chỉ số đều rất kém. Chính quyền tuyên bố rằng nền kinh tế đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thực tế không như vậy.
Ông cũng phân tích rằng hệ tư tưởng của ĐCSTQ thực chất đã dần bị phá sản, mô hình phát triển kinh tế trong vài thập kỷ qua không bền vững với đòn bẩy bất động sản cao và sự thông đồng giữa chính phủ và doanh nhân. Trong bức tranh này, chế độ sẽ gặp nguy hiểm nếu tăng trưởng kinh tế giảm xuống 5% hoặc 4%, điều này giải thích việc ông Tập Cận Bình hiện muốn cứu thị trường tài chính và nền kinh tế, trên cơ sở nhấn mạnh cái gọi là duy trì an ninh và ổn định.
Ông nói: “Vì tình hình kinh tế Trung Quốc không tốt nên địa vị của ông Tập Cận Bình trong lòng người dân Trung Quốc đã giảm mạnh. Nếu kiểu phán xử (Evergrande) này thực sự được thực hiện ở Trung Quốc, hiệu ứng dây chuyền nếu xảy ra sẽ nhanh chóng khiến ĐCSTQ mất lý do biện minh [dùng kinh tế làm cơ sở chính danh cầm quyền]”.
Theo Hải Chung, Lạc Á / Epoch Times