VAUSA và… sắp Tết rồi!

Trân Văn (VOA)

31-1-2024

VAUSA chuẩn bị quà tết cho quân nhân Mỹ gốc Việt.

Một số người quan tâm đến quân đội Mỹ nhận xét, trong vài năm gần đây, số người Việt chọn phục vụ quân đội như một bước để lập thân hoặc như một nghề nghiệp lâu dài đã tăng đáng kể.

Bồ Câu – 15 tuổi, nữ sinh Humphreys High School (một trường trung học do Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập và điều hành để đáp ứng nhu cầu giáo dục của con em quân nhân, nhân viên dân sự của quân đội Mỹ đang phục vụ tại Cam Humphreys, tọa lạc ở Nam Hàn) reo lên sung sướng: Bố! Tương ớt Sriracha nè!

Sau đại dịch COVID-19, tương ớt Sriracha (sản phẩm của một công ty của người Việt ở California) đã trở thành hàng quý hiếm ở Nam Hàn. Trước, không mua tương ớt Sriracha trong các “commissary” (hệ thống chuyên kinh doanh thực phẩm trong các căn cứ quân sự của Mỹ) thì có thể mua Sriracha ở những siêu thị của Nam Hàn, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm loại sản phẩm này biến mất trên tất cả các kệ bày hàng hóa ở Nam Hàn. Theo gia đình, Bồ Câu mê tương ớt và khi không còn tương ớt Sriracha, họ đã thử nhiều loại tương ớt khác nhau của Việt Nam, Thái Lan nhưng cô bé không ưng loại nào cả…

Chai tương ớt Sriracha mang lại niềm vui cho Bồ Câu nằm trong một gói quà mà gia đình Bồ Câu mới nhận được từ VAUSA (Vietnamese American Uniformed Services Association – Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt). Ngoài tương ớt còn có một phong bì lì xì bên trong có một đô la, một cái bánh chưng to cỡ… bàn tay kèm một dúm tôm khô, một dúm thịt chà bông, một chai nước tương, một gói mứt gừng, một gói cà phê Việt Nam, dăm cái bàn chải răng kèm chỉ nha khoa, bút, móc khóa – những sản phẩm dùng để quảng cáo cho U.S Army, bánh kẹo,…

Thiện Nguyễn – cư dân Florida – bảo rằng, những gói quà như gói quà mà gia đình Bồ Câu vừa nhận từ VAUSA nhắc Tết đã tới! Năm ngoái, anh chàng Binh nhất, sắp tròn hai năm quân vụ, đang phục vụ tại Camp Humphreys đã nhận một gói quà như vậy từ VAUSA. Thiện bảo rằng, những gói quà Tết kiểu này làm cậu cảm thấy ấm lòng bởi ngoài gia đình, còn có những người khác, cũng là Việt Nam như cậu, từng đi hoặc đang đi con đường như cậu (phục vụ quân đội Mỹ) cũng nghĩ đến cậu khi Tết đến.

Không rõ gói quà của VAUSA trị giá bao nhiêu, chỉ có thế đoán, chừng vài chục Mỹ kim. Một sĩ quan Mỹ gốc Việt bảo rằng đây là lần đầu tiên cô nhận được quà từ VAUSA. Tuy cô từng nhận được quà của nhiều tổ chức gửi từ Mỹ cho những chiến binh Mỹ đang ở Afghanistan vào Ngày Cựu chiến binh, Lễ Tạ ơn, Giáng sinh,… nhằm nhắc rằng, hậu phương không quên họ, song quà của VAUSA có khác – gói quà đó nhắc thêm, những người đang là chiến hữu hoặc từng khoác đồng phục quân đội Mỹ cùng là người Việt như cô muốn chia sẻ, động viên những người cùng gốc gác đang ở rất xa – những nơi mà Tết vốn chỉ hiện hữu trong tâm tưởng.

Những gói quà cho quân nhân Mỹ gốc Việt có cả tôm khô.
Những gói quà cho quân nhân Mỹ gốc Việt có cả tôm khô.

Phải là Việt Nam thì mới nghĩ tới chuyện gửi phong bì lì xì, bánh chưng, tôm khô, mứt, nước tương… những thứ mà Tết không có thì chưa đúng là… Tết! Có lẽ không phải tự nhiên mà VAUSA gọi chuyện gửi những gói quà như vừa kể là “Chiến dịch Hương vị quê nhà” (Operation Taste from Home).

Quà từ “Chiến dịch Hương vị quê nhà” cho thấy tài chính của VAUSA tuy không dồi dào nhưng gói trong đó rất nhiều tâm tình, công sức. Phải đủ tâm tình thì mới mua mứt, chà bông, tôm khô,… chia thành từng gói nhỏ, hút chân không, chở ra bưu điện, điền form cho hàng trăm gói quà và trả cước.

Có thể vì chi phí mua quà, cước bưu điện (hơn 20 Mỹ kim/thùng) hoàn toàn do tự nguyện đóng góp nên “có gì, góp đó” là đương nhiên. Cũng vì vậy mới có bàn chải răng, chỉ nha khoa – dường như là quà khuyến mãi của Văn phòng Nha sĩ nào đó tên là Tim Do. Hẳn khi mang mớ bàn chải răng, chỉ nha khoa tặng các quân nhân Mỹ gốc Việt, ông họ Đỗ không nghĩ tới chuyện… chiêu mộ những quân nhân Mỹ gốc Việt từ nhiều nơi lặn lội về California làm… răng và… chắc chắn Tim Do là cựu chiến binh! Chắc cũng vì vậy mới có bút, móc khóa – những sản phẩm giới thiệu US Army mà các Recruiter (quân nhân làm công tác tuyển mộ) lúc nào cũng có – trong gói quà.

Quân nhân Mỹ thường trêu chọc các Recruiter là những người chuyên… rao bán quân đội nhưng có vài chi tiết cho thấy, dường như Recruiter gốc Việt tự nguyện làm thêm công việc… “hậu mãi”! Ở đây, quà mà Recruiter nào đó góp vào “Chiến dịch Hương vị quê nhà” là một yếu tố. Còn những yếu tố khác do những người như Thiện Nguyễn cung cấp: Anh Nghiêm Nguyễn – Recruiter làm hồ sơ tuyển tôi vào Army – giới thiệu VAUSA với tôi và nhắc tôi gửi địa chỉ để nhận quà Tết.

***

VAUSA hình thành hồi 2008, từ ý tưởng của hai sĩ quan Mỹ gốc Việt: Trung tá Thọ Nguyễn và Trung tá Chris Phan khi cả hai gặp nhau ở chiến trường Iraq và cùng thấy rằng nên có một tổ chức nhằm tương trợ những quân nhân Mỹ cùng gốc gác với họ và trong chục năm gần đây, năm nào VAUSA cũng mở “Chiến dịch Hương vị quê nhà”.

Thành viên của VAUSA bao gồm những người đang tại ngũ hoặc đã rời quân ngũ và năm nay, riêng ở Camp Humphreys, có ít nhất hai người từng tham gia thực hiện một phần “Chiến dịch Hương vị quê nhà” (mua quà, đóng gói, gửi quà cho những quân nhân Mỹ gốc Việt ở xa) khi họ ở gần “trung tâm chiến dịch”, giờ trở thành người thụ hưởng – nhận quà vì đã được điều động sang Nam Hàn: Thiếu tá Hiền Đởm và Thụy Dương – một sĩ quan ngạch chuyên viên (Warrant Officer).

Ông Hiếu Nguyễn – Đại úy Hải quân đã giải ngũ – kể: Trước kia, anh em VAUSA ở khu vực D.C và phụ cận thực hiện “Chiến dịch Hương vị quê nhà” nhưng khoảng năm năm nay thì “Chiến dịch Hương vị quê nhà” do anh em VAUSA ở Nam California đảm trách và tư gia anh Bằng Đinh (Thượng sĩ Hải quân đã giải ngũ) là “trung tâm chiến dịch” vì vợ chồng Bằng rất nhiệt tình. Ngoài những người đã giải ngũ, tham gia với chúng tôi còn có anh em đang tại ngũ, vợ con của anh em vì đó là cơ hội cho thế hệ kế tiếp có thể cảm nhận về tinh thần Việt.

Ông Hiếu nói thêm: Mục tiêu của VAUSA là “Vinh danh quá khứ – nhận thức hiện tại – vun xới tương lai” trong quân nhân Mỹ gốc Việt và quà Tết là một phần của mục tiêu. Quà Tết không chỉ là sự chia sẻ niềm vui ngày Tết với những người Việt phục vụ quân đội đang ở rất xa. Chúng tôi hy vọng quả Tết còn như một cơ hội nhắc những quân nhân Mỹ gốc Việt không thể sử dụng Việt ngữ rằng, ngày Tết như một phần của văn hóa Việt.

Ông Bằng – người đã từng ở chiến trường Afghanistan – bảo rằng: Việc từng khoác áo lính hoặc đang là lính tạo ra cả sự hiểu biết lẫn đồng cảm, đó cũng là lý do VAUSA cân nhắc xem nên chọn gì, gửi vào lúc nào. Chẳng hạn với mứt, chỉ có mứt gừng bởi ai ăn cũng được. Những loại mứt khác thì một số bạn chỉ quen với thực phẩm Mỹ không quen dùng, không thiết thực. Năm nay, hơn 100 gói quà đã được gửi đến nhiều nơi. Ngoài những quân nhân Mỹ gốc Việt đang đóng tại Nam Hàn, còn có những quân nhân đang đóng đâu đó tại châu Âu và những quân nhân đang phục vụ trên các chiến hạm. Không thể biết chính xác họ ở đâu vì nhìn vào địa chỉ chỉ có thể biết khu vực, chỉ quân bưu (hệ thống bưu chính quân đội) mới biết chính xác chỗ nào để chuyển cho họ. VAUSA không chỉ gửi quà Tết cho những quân nhân Mỹ gốc Việt đang ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, mà còn gửi quà Tết cho cả những bạn đang ở Mỹ nhưng là những căn cứ hoặc heo hút, hoặc khó có cơ hội mua sắm hàng Tết như Alaska, Tennessee,… Năm nay cũng là năm có cả những người mà họ tên dường như không phải người Việt gửi địa chỉ cho biết muốn có quà Tết và chúng tôi vẫn chuyển quà cho họ vì có thể họ có gốc gác Việt Nam.

***

Hoa Lê – Trung sĩ Lục quân Mỹ đang đóng ở Nam Hàn – cho biết, quà Tết từ VAUSA không chỉ là sự khích lệ vì có một tập thể đồng cảm mà còn là sự tương trợ tinh thần. Cô hy vọng được tương trợ nhiều hơn về thông tin, kinh nghiệm để những người mới gia nhập quân đội dễ dàng hơn trong việc hoạch định tương lai, thăng tiến và tiếp tục phục vụ hay tìm những con đường khác nếu không chọn quân đội như binh nghiệp. Bằng Đinh cũng đề cập đến tương trợ – lý do VAUSA ra đời. Các thành viên VAUSA, đặc biệt là những cá nhân đang tại ngũ như Nghiêm Nguyễn (Recruiter của Lục quân), Lê Thu Phương (Recruiter của Hải quân),… đã và đang cung cấp thông tin cho cả những người Việt nghĩ tới việc gia nhập quân đội Mỹ, đang tại ngũ lẫn phụ huynh vốn không ít băn khoăn trước lựa chọn của con cháu. Bằng Đinh tin rằng, điều đó sẽ giúp thế hệ đi sau thuận lợi hơn và nhiều cơ hội thăng tiến hơn thế hệ của ông khi quân nhân Mỹ gốc Việt lúc đó không nhiều.

Một số người quan tâm đến quân đội Mỹ nhận xét, trong vài năm gần đây, số người Việt chọn phục vụ quân đội như một bước để lập thân hoặc như một nghề nghiệp lâu dài, đã tăng đáng kể. Khó có thể xác định VAUSA đã và sẽ góp nhần thế nào trong cả việc gia tăng nhân số lẫn thăng tiến trong cộng đồng mặc quân phục ở Mỹ nhưng ít nhất, sự hiểu biết về quân đội Mỹ, ý thức, nỗ lực tương trợ những người cùng gốc gác khi họ chọn khoác quân phục đang gia tăng sự hỗ trợ tinh thần, cảm hứng.

Related posts