Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Balance of power between Xi’s top two aides is tipping,” Nikkei Asia, 25/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các diễn biến kịch tính sau trận lụt Hà Bắc mùa hè năm ngoái cho thấy Thái Kỳ có thể đã vượt qua Lý Cường.
Sau hơn một thập niên thâu tóm quyền lực với mức độ chưa từng có, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện chỉ có hai phụ tá nổi bật, được ông trọng dụng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hai phụ tá đó chính là nhân vật phụ trách an ninh quốc gia, Thái Kỳ, 68 tuổi, và Thủ tướng Lý Cường, 64 tuổi, lần lượt xếp thứ 5 và thứ 2 trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng, bao gồm bảy thành viên và đứng đầu là Tập, 70 tuổi.
Tại sao Thái lại được giới thiệu trước dù thứ bậc của ông thấp hơn Lý? Nguyên nhân bắt nguồn từ các diễn biến chính trị diễn ra kể từ mùa hè năm ngoái, theo đó cho thấy cân bằng quyền lực giữa hai người trên thực tế đã bị đảo ngược.
Thay đổi bắt đầu trở nên rõ ràng khi những trận mưa và lũ lớn nhấn chìm tỉnh Hà Bắc và thành phố Bắc Kinh từ cuối tháng 7 đến tháng 8 năm ngoái.
Để ứng phó với thảm họa, chính quyền đã đưa ra một quyết định quan trọng, mang đặc trưng của chính trị dưới thời Tập: ưu tiên hàng đầu sẽ là cứu Tân khu Hùng An, một dự án thành phố quy mô lớn do Tập khởi xướng, thay vì các thị trấn lịch sử nổi tiếng hơn của tỉnh Hà Bắc.
Tân khu Hùng An có ý nghĩa đặc biệt đối với Tập – ông đã ra lệnh phát triển và gọi đây là “dự án nghìn năm.” Khu vực này có mối liên hệ với gia đình ông vì mẹ ông sinh ra ở gần đó. Tuy nhiên, quá trình phát triển dự án lại không hề suôn sẻ, một phần do sự gián đoạn trong đại dịch Covid.
Hiện tại, các trường đại học danh tiếng và các công ty nhà nước đã từ Bắc Kinh và nhiều nơi khác chuyển về Hùng An theo lệnh của chính quyền Tập. Nhưng qua thời gian, bối cảnh xung quanh dự án đã thay đổi. Dân số Bắc Kinh bắt đầu giảm dần, đồng nghĩa với việc nhu cầu di chuyển công năng và nhân lực từ thủ đô đến thành phố mới ngày càng giảm.
Tuy nhiên, Tập vẫn muốn đẩy nhanh dự án mà ông đã đặt cược uy tín của mình vào đó. Tháng 5 năm ngoái, ba tháng trước khi lũ lớn tràn vào Hà Bắc, ông đã có một chuyến đi thị sát tới Tân khu Hùng An, cùng với Lý Cường và Thái Kỳ.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của dự án này đối với Tập. Việc cả ủy viên thứ 2 và thứ 5 của Thường vụ Bộ Chính trị đều đi cùng Tập trong chuyến thị sát địa phương là điều bất thường. Ngoài ra, Đinh Tiết Tường, ủy viên thứ 6 của Thường vụ Bộ Chính trị, kiêm Phó Thủ tướng thứ nhất của Trung Quốc, cũng tham gia cùng họ.
Thế nên, khi lũ lụt tràn vào khu vực này, các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản ở Hà Bắc đã lo sợ rằng nếu Tân khu Hùng An bị nhấn chìm, Tập có thể sẽ mất mặt.
Hơn nữa, Hồ Bạch Dương, hồ nước ngọt lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc, lại nằm liền kề với Hùng An. Hồ này là vùng đất trũng ngập nước nhất trong khu vực lân cận, và người ta đã cố gắng tìm cách ngăn nước lũ bùn chảy vào Bắc Kinh – nhưng khả năng cũng chỉ có hạn.
Các quan chức hàng đầu của Hà Bắc khi đó vô cùng hoảng sợ, tin rằng nếu họ không làm gì, toàn bộ Tân khu Hùng An có thể bị ngập. Họ liền quay sang Lý để được giúp đỡ.
Họ yêu cầu thủ tướng, người đứng đầu Quốc vụ viện và cũng là đứng đầu hệ thống hành chính ở Trung Quốc, đưa ra các biện pháp để cứu Tân khu Hùng An càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, Lý chẳng thể làm gì được. Dù là quan chức hàng đầu của Quốc vụ viện, nhưng ông không nắm thực quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi an ninh quốc gia, bao gồm các bộ công an, bộ an ninh quốc gia, lực lượng cảnh sát và quân đội.
Đây là một đặc điểm quan trọng của chính quyền Tập Cận Bình. Nếu xem chính quyền đó như một công ty, thì Lý, dù là nhân vật số 2 của Đảng Cộng sản, thậm chí còn không phải là phó chủ tịch, mà chỉ là một trong nhiều giám đốc điều hành.
Vậy thì ai mới có thẩm quyền cứu Tân khu Hùng An bằng cách sử dụng quyền lực nhà nước nhân danh Tập?
“Đó là Thái Kỳ, chỉ huy chuỗi an ninh quốc gia. Lý Cường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầu xin Thái [cấp thấp hơn] cứu Hùng An,” một nguồn thạo tin cho hay.
Lý Cường, người thuộc phe Chiết Giang, đã từng là Bí thư Thành uỷ Thượng Hải ngay trước khi đảm nhận chức vụ thủ tướng. Ông không có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Và lũ lớn đã xảy ra chỉ 4 tháng sau khi ông lên nhậm chức thủ tướng và chịu trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính của chính quyền trung ương. Cũng dễ hiểu khi ông lại hoảng sợ trong trường hợp khẩn cấp như vậy.
Về khía cạnh này, Thái Kỳ là người có nhiều kinh nghiệm hơn. Dù ông cũng có kinh nghiệm dày dạn chủ yếu trong các chính quyền địa phương, từng làm việc nhiều năm ở các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang, nhưng Thái đã được thuyên chuyển về Bắc Kinh không lâu sau khi Tập lên nắm quyền, và được giao phụ trách công việc tại Ủy ban An ninh Quốc gia mới thành lập.
Đã 10 năm trôi qua kể từ lúc đó. Thái đã quen với tình hình trong và xung quanh Bắc Kinh. Kinh nghiệm của ông khi là Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh cũng giúp ích. Tất cả những điều này đã tạo nên sự khác biệt lớn giữa ông và Lý Cường.
Để giữ cho Tân khu Hùng An không bị ngập lụt, Thái đã cố tình đánh sập các bờ kè dọc theo các con sông chảy gần Trác Châu, một thành phố gần Bắc Kinh hơn, để nước lũ có thể được xả đi.
Biện pháp quyết liệt này đã được quyết định và triển khai một cách vội vàng, không kịp thông báo trước cho chính quyền địa phương.
Gần đây, một nguồn tin tham gia trên tuyến đầu tiết lộ rằng “Nhiều người đã chết vì không được thông báo rằng bờ kè sắp sập.” Nguồn tin cho biết thêm, những người thiệt mạng cũng bao gồm nhân sự của quân đội được cử đi tham gia các nỗ lực cứu trợ thiên tai.
Dù Tân khu Hùng An đã được cứu khỏi cảnh ngập lụt, nhưng một khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả Trác Châu, đã bị nước bùn nuốt chửng sau khi bờ kè bị sập.
Trác Châu là một địa điểm lịch sử được cho là có liên quan đến Lời thề Kết nghĩa Vườn đào, một sự kiện trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thế kỷ 14.
Và tất cả những điều này xảy ra đúng vào thời điểm mật nghị Bắc Đới Hà thường niên của Đảng Cộng sản được tổ chức tại một khu nghỉ mát ven biển ở Hà Bắc.
Tình trạng hỗn loạn cũng ảnh hưởng đến các chuyến đi nước ngoài sau đó của Tập.
Cuối tháng 8, khi đáp máy bay xuống Nam Phi để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tập có vẻ mặt ủ rũ và đứng không vững. Ông đã hủy bài phát biểu dự kiến tại một diễn đàn kinh doanh trong khuôn khổ thượng đỉnh vào phút chót. Sau cùng, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã thay ông đọc bài phát biểu.
Vì một lý do nào đó, Tập không bay thẳng từ Nam Phi về Bắc Kinh. Ông đột ngột thay đổi kế hoạch và đến Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc.
Đó là một tình huống bất thường cũng liên quan đến hỗn loạn chính trị và việc sắp xếp nhân sự phức tạp vốn cần thiết sau trận lũ lớn.
Sang tháng 9, Tập tiếp tục bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ và để Lý Cường thay mặt ông tham dự. Trung Quốc vốn hết sức coi trọng G20, và đó là lần đầu tiên một chủ tịch nước Trung Quốc vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Một điều đã dần trở nên rõ ràng từ những diễn biến chính trị xung quanh trận lũ là quyền lực của Thái Kỳ, theo một nghĩa nào đó, mạnh hơn của Lý Cường. Việc cứu được Tân khu Hùng An quan trọng là thành tựu lớn của Thái.
Cơ cấu chính trị của chính quyền Tập Cận Bình đã trở nên rõ ràng hơn khi Tập có thêm một chuyến thăm khác tới Hà Bắc vào tháng 11, để thị sát các khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang phục hồi sau lũ lụt. Lần này, Thái là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị duy nhất đi cùng ông.
Giờ đây, ‘sa hoàng’ an ninh quốc gia dường như đang nắm luôn cả quyền kiểm soát các vấn đề tài chính mà thủ tướng vốn là người phụ trách trên danh nghĩa.
Ngày 16/01, một buổi lễ đánh dấu việc thành lập nhóm nghiên cứu nhằm “phát triển nền tài chính mang đặc sắc Trung Quốc” đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Tập đã có mặt và phát biểu tại sự kiện, trong đó ông nhấn mạnh nỗ lực ngăn chặn và xoa dịu rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro hệ thống.
Quả thực, rủi ro tài chính đang gia tăng ở Trung Quốc. Các công ty đầu tư trực thuộc chính quyền địa phương – thường gọi là “phương tiện tài chính của chính quyền địa phương” – sẽ có các khoản nợ rất lớn cần phải trả trong năm nay.
Nhưng Lý Cường lại vắng mặt trong sự kiện ngày 16/01 vì ông đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Thật lạ khi Trung Quốc tổ chức một sự kiện quan trọng liên quan đến lĩnh vực tài chính và kinh tế mà lại vắng mặt Lý, người được cho là phụ trách các lĩnh vực này.
Trên thực tế, Thái Kỳ chính là người chủ trì sự kiện. Một số người cho rằng Tập đang cố gắng khiến Thái và Lý cạnh tranh với nhau. Rõ ràng là quan hệ giữa hai phụ tá hàng đầu của Tập hiện đang rất tế nhị.
Tuy nhiên, cân bằng quyền lực vẫn tồn tại giữa hai bên. Hai người không đến mức “cắn nhau như chó với mèo” hay không thể nói chuyện với nhau. Đơn giản thì vai trò của họ hoàn toàn khác nhau. Nhờ việc Lý chịu nhờ cậy Thái, cả hai đã có thể phối hợp với nhau và cứu Hùng An khỏi lũ lụt, giúp giữ thể diện cho Tập.
Dù vậy, việc ảnh hưởng của Thái Kỳ mở rộng sang lĩnh vực tài chính, và rộng hơn là lĩnh vực kinh tế nói chung, vẫn là chuyện bất thường.
Ngày 16/01, Lý đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, đưa ra quan điểm về một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông nói: “Xu hướng chung về tăng trưởng dài hạn sẽ không thay đổi. Trung Quốc vẫn kiên định với cam kết mở cửa.”
Nhưng xét đến cơ cấu chính trị bất thường hiện nay của Trung Quốc, với việc Thái dường như luôn ở vị trí cao hơn Lý, thì những nhận xét của thủ tướng có lẽ sẽ không nhận được sự tin tưởng quốc tế mà đáng ra nên có.
Thị trường chứng khoán cũng không phản ứng thuận lợi. Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index), thước đo của chứng khoán Trung Quốc, vốn đang có xu hướng giảm, đã đóng cửa dưới mốc 2.800 vào thứ Hai (22/01/2024). Người ta đang theo dõi sát sao cân bằng quyền lực giữa hai phụ tá hàng đầu của Tập, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chế độ thời gian tới.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014