Trong khoảng một tháng qua, những tin đồn về tình hình chính trị của Trung Quốc có thể nói là tầng tầng lớp lớp, bao gồm cả việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông Tập Cận Bình bị bệnh hoặc có thể ông sẽ tạm thời thoái vị. Trong dịp Tết Nguyên Đán, có rất nhiều tin đồn chính trị, và chúng đều có liên quan mật thiết đến sự suy thoái kinh tế và ngoại giao hiện nay, quyền lực của nhà lãnh đạo ĐCSTQ đang bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ đảng, và tính cầm quyền hợp pháp của ĐCSTQ một lần nữa được mang ra bàn luận.
Đầu năm 2024, tin tức về bệnh tình của ông Tập lan truyền nhanh chóng, thậm chí có người còn trực tiếp tiết lộ rằng ông Tập khi kiểm tra sức khỏe phát hiện mắc ung thư tuyến tụy. Sau cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan vào ngày 13/1, ông Tập nhiều lần lộ diện, giới quan sát nhận thấy ông mặt mày tiều tụy, dáng người gầy đi, điều này ở một mức độ nào đó càng làm tăng thêm suy đoán rằng ông bị bệnh.
Có nhà tiên tri đã nói rằng ông Tập sẽ lâm bệnh nặng vào năm 2024 và chính quyền ĐCSTQ sẽ che giấu điều đó, nhưng cuối cùng ông ấy có thể không thể chấp chính được nữa. Cách nói ông Tập mắc ung thư tuyến tụy dường như đã chứng thực dự đoán này. Những người xung quanh ông Tập chắc hẳn đã nghe được tin đồn, sau đó ông Tập liên tục xuất hiện, giống như đang cố gắng bác bỏ tin đồn và tỏ ra mình vẫn ổn.
Từ ngày 1 – 2/2, ông Tập thị sát Thiên Tân, ông mặc chiếc áo khoác cotton xuất hiện trên đường phố Thiên Tân, nhưng chiếc áo khoác dày không làm nổi lên thân hình mập mạp vốn có của ông Tập, mà trái lại khiến ông ta trông gầy đi rất nhiều. Có người cho rằng để đảm bảo an toàn ở những nơi công cộng, khả năng ông Tập cũng mặc áo chống đạn bên dưới áo khoác. Về mặt logic, nếu vậy lẽ ra ông ấy trông phải cồng kềnh mới đúng, nhưng những bức ảnh cận cảnh của CCTV cho thấy dáng người của ông Tập quả thực trông gầy hơn trước. Ông Tập gầy đi trông thấy qua các lần xuất hiện gần đây (Ảnh chụp màn hình).
Khi ông Tập đến thăm quân đội ở Thiên Tân, ông mặc quân phục giống như trước đây, so với hơn một tháng trước, phong độ của ông đã thay đổi đáng kể. Vào ngày 25/12 năm ngoái, ông Tập tham dự lễ phong quân hàm, cùng bộ trang phục, bụng ông rõ ràng nhô ra, nhưng khi chụp ảnh cùng đại diện quân đội Thiên Tân vào ngày 2/2, cái bụng nhô ra vốn có đã biến mất. Ngoại hình của ông chỉ sau hơn một tháng đã thay đổi đáng kể như vậy, điều này rất không bình thường.
Ông Tập có thể đã mắc bệnh, kể cả tin đồn mắc bệnh ung thư tuyến tụy, hoặc bị nhiễm loại virus Corona mới khiến ông sụt cân trong quá trình hồi phục, hoặc có thể sau khi biết mình mắc bệnh, áp lực trong tâm quá lớn, chính như cái gọi là ‘bảy phần tinh thần, ba phần bệnh’, khiến hình dáng ông trở nên tiều tụy. Tất nhiên, cũng có thể có quá nhiều chuyện không được như ý, tình hình chính trị quá hiểm ác khiến ông hứng chịu quá nhiều gánh nặng về tinh thần, để rồi ăn không ngon, ngủ không yên, khiến ông sụt cân nhanh chóng.
Dù tình hình có thế nào đi chăng nữa, ông Tập có lẽ cũng rất quan tâm đến cách nói của ngoại giới, vậy nên không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để lộ diện nhằm chứng tỏ rằng bản thân không có vấn đề gì và vẫn có thể chủ trì được tình hình chung.
Trong khi ông Tập xuất hiện thường xuyên, thì ông Thái Kỳ, Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, cũng xuất hiện trong những dịp quan trọng, ông Thái còn đặc biệt nhận được nhiều lời khen ngợi công khai từ ông Tập. Việc ông Tập có ý nâng cao địa vị ông Thái Kỳ là khá rõ ràng, cùng với những tin đồn về bệnh tình của ông Tập, giả thuyết cho rằng ông Thái Kỳ được chỉ định là người kế nhiệm hoặc người thay thế cũng ngày càng trở nên thực tế hơn.
Tin đồn ông Tập thoái vị
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc khóa 20 bị trì hoãn hết lần này đến lần khác, ngoại giới có rất nhiều đồn đoán, một trong số đó là việc ông Tập có thể tạm thời từ chức Tổng bí thư vì lý do sức khỏe, nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy, đây là học theo Mao Trạch Đông, người bị buộc phải ngồi ghế sau.
Năm 1962, ĐCSTQ phải thừa nhận sự thất bại của kế hoạch Đại Nhảy vọt, uy tín của Mao bị tổn hại nghiêm trọng và ông ta chọn cách rút lui về tuyến thứ hai, công tác trung ương do ông Lưu Thiếu Kỳ và ông Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm. Nhưng sau đó, Mao lại khơi dậy đấu tranh giai cấp, hạ bệ ông Lưu Thiếu Kỳ và ông Đặng Tiểu Bình, biến họ thành vật tế thần. Vì để giành lại quyền lực và loại bỏ những người bất đồng chính kiến, Mao đã phát động phong trào Đại Cách mạng Văn hóa.
Nếu ông Tập thực sự học theo một bộ các thứ của Mao nhằm phủi bỏ trách nhiệm về sự hỗn loạn chính trị, kinh tế và đối ngoại, thì có một phương án là đẩy ông Thái Kỳ lên sân khấu với tư cách lãnh đạo đảng, còn ông Tập thì thao túng tình hình ở hậu trường, giống như “Thái Thượng Hoàng” vậy. Tuyên bố này dường như phù hợp với hiện tượng quái lạ khi địa vị ông Thái Kỳ không ngừng được nâng cao.
Ngày 4/1, Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ mở phiên họp, ông Tập đã hiếm hoi có lời khen ngợi đến Ban Bí thư Trung ương vì “những hành động tích cực, chủ động… đã làm được nhiều công tác hiệu quả trong đẩy mạnh thực hiện các quyết sách và bố trí của Trung ương Đảng…”. Tuyên bố này được lặp lại một lần nữa tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 31/1. Với tư cách là Bí thư Ban Bí thư Trung ương, ông Thái Kỳ được ông Tập cố tình đề bạt làm ngôi sao chính trị.
Ngày 16/1, Hội thảo đặc biệt về tài chính dành cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Bộ của Trung Quốc đã được tổ chức tại Trường Đảng Trung ương, ông Tập đã đến hội trường lắng nghe phát biểu, ông Lý Cường có chuyến thăm nước ngoài, và ông Thái Kỳ chủ trì lễ khai mạc. Ngày 19/1, ông Thái Kỳ lại phát biểu tại lễ bế mạc Hội thảo tài chính dành cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Bộ. Cùng ngày, ông Thái Kỳ cũng tham dự đại hội khen thưởng “Giải thưởng Kỹ sư Quốc gia” và có bài phát biểu. Ông Đinh Tiết Tường, người được cho là phụ trách chính trong lĩnh vực này, chỉ truyền đạt những chỉ thị quan trọng của ông Tập.
Ngày 29/1, Trung Quốc tổ chức Phiên họp về cơ chế công tác đặc biệt nhằm chấn chỉnh chủ nghĩa hình thức ở cấp trung ương, giảm gánh nặng cho cấp cơ sở, ông Thái đã chủ trì cuộc họp và có bài phát biểu.
Vào ngày 29/12 năm ngoái, ông Tập đã tiếp kiến đoàn thể đặc phái viên của Trung Quốc ở nước ngoài trở về nước và yêu cầu họ “chiến đấu anh dũng, chiến đấu hết mình”, ông Thái Kỳ đi cùng ông Tập. Ông Thái chuyên phụ trách tuyên truyền, Ban Bí thư Trung ương, Văn phòng Trung ương, đồng thời tham gia an ninh, ngoại giao, tài chính, khoa học công nghệ và giảm bớt gánh nặng cho cơ sở.
Ngày 4/2, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp tổng kết chủ đề “Tư tưởng Tập” tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Tổ chức Ủy ban Trung ương ĐCSTQ là ông Lý Cán Kiệt, chủ trì cuộc họp. Các đảng ủy tự trị, thành phố và người đứng đầu các cơ quan trung ương đã tham dự buổi họp, ông Thái Kỳ cũng đến hội trường và có bài phát biểu. Bộ Tổ chức Ủy ban Trung ương dường như cũng nằm dưới sự chỉ huy của ông Thái.
Vào ngày 7/2, ông Tập Cận Bình đã gửi lời chào đến nhân sĩ thuộc các đảng dân chủ và các đảng khác, ông Thái Kỳ, Vương Hỗ Ninh, Đinh Tiết Tường đều có mặt, ông Thái Kỳ đã tham gia vào công tác của Hội nghị Hiệp thương Chính trị và công tác của Mặt trận Thống nhất. Cùng ngày, ông cũng thay mặt ông Tập đến thăm và bày tỏ lời chia buồn tới các danh nhân trong giới văn hóa và chuyên gia khoa học công nghệ.
Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy ông Thái Kỳ dường như có bước đột phá lớn. Nếu ông Thái thật sự được bố trí lên một cấp cao hơn, đây có thể là đề tài thảo luận lớn nhất tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba. Liệu ông Tập có thực sự từ bỏ chức vụ lãnh đạo đảng hay không, và liệu ông Thái có thể thực hiện được mong muốn của mình hay không, đây hẳn là một câu hỏi lớn hoặc một biến số lớn, hoặc có thể chỉ là một loại suy đoán hoặc tin đồn nào đó.
Ông Thái Kỳ trở thành mục tiêu chỉ trích của quan chức nội ĐCSTQ
Ông Thái Kỳ không ngừng được cố tình thăng chức, điều này có thể đã làm dấy lên sự ghen tị của các quan chức ĐCSTQ, trước đây có tin đồn rằng Bí thư Đảng ủy Tân Cương là ông Mã Hưng Thụy, sẽ đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn phòng Trung ương, và gần đây có tin đồn rằng sẽ do ông Vương Tiểu Hồng tiếp quản. Không loại trừ khả năng có người ganh ghét ông Thái Kỳ nắm giữ quá nhiều quyền lực trong tay, nên cố tình tung tin đồn, hy vọng có thể hạ bệ ông Thái càng sớm càng tốt.
Nếu ông Tập vẫn muốn cho ông Thái Kỳ tiến xa hơn và tiếp tục thăng chức cho ông ta, thì chẳng khác nào châm lửa đốt ông ta. Nếu ông Tập thực sự muốn đẩy ông Thái Kỳ ra phía trước, thì cần phải cho ông ta một chức danh – nếu không phải lãnh đạo đảng, thì cũng là phó Bí thư đảng các kiểu – nếu không việc cố tình bố trí ông Thái Kỳ sẽ dường như vô nghĩa. Nếu chức vụ Giám đốc Văn phòng Trung ương Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc của ông Thái Kỳ bị thay thế bởi người khác và ông ta không tiến thêm bước nào nữa, thì cũng bằng như ông ta bị tụt hậu, như thế cũng bị người khác cười nhạo.
Sau khi ông Tập tái đắc cử lần thứ ba, có thể ông ấy trù tính việc tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, thậm chí cả nhiệm kỳ thứ năm, nhưng cuối cùng e rằng ông ta sẽ phải đưa một con rối ra phía trước, chỉ cần ông Tập có sức mạnh quân sự, ông ta có thể kiểm soát tình hình từ phía sau. Trong quá khứ, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều làm như vậy, ông Đặng Tiểu Bình chưa từng giữ chức lãnh đạo đảng dù chỉ một ngày, nhưng lại tự nhận mình là nòng cốt của tập thể lãnh đạo ĐCSTQ. Ông Giang Trạch Dân cũng đã bắt chước, chỉ có ông Hồ Cẩm Đào không nắm được quyền lực thực sự và sau đó đã giao lại cho ông Tập đúng thời hạn.
Kế hoạch trở thành “Thái Thượng Hoàng” của ông Tập khả năng đã có từ lâu, nhưng bây giờ có thể ông buộc phải thực hiện trước thời hạn, có thể vì lý do thể chất, hoặc cũng có thể ông thực sự chuẩn bị sẵn sàng để trốn tránh trách nhiệm của một loạt các thất bại. Ông Tập cần chọn ra một con rối hoàn toàn nghe lời, một con rối không bao giờ bị tuột chỉ, trước mắt thì người này rất có thể là ông Thái Kỳ.
Tuy nhiên, nếu ông Thái Kỳ đột nhiên trở thành lãnh đạo hoặc phó lãnh đạo ĐCSTQ, dù chỉ trên danh nghĩa, ông ta có thể sẽ gặp phải sự phản kháng rất lớn trong nội bộ đảng. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khó tổ chức và thực sự khó giải quyết trong nội bộ đảng. Việc ông Thái Kỳ được bổ nhiệm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị được coi là một sự tình cờ, chỉ sau hơn một năm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ông đã được thăng chức lãnh đạo hoặc phó lãnh đạo Trung Quốc. Ngay cả khi ông chủ trì công việc hàng ngày của Trung ương với tư cách là phó lãnh đạo cũng sẽ hứng lấy rất nhiều lời chất vấn.
Nếu ông Thái bị đa số quan chức ngăn cản, không thể thăng quan tiến chức như ý muốn, vẫn dậm chân tại chỗ, sẽ lâm vào thế khó xử, sẽ trở thành trò cười, thậm chí sẽ trở thành mục tiêu bị công kích. Không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó ông ta sẽ trở thành Tần Cương tiếp theo.
Nếu ông Thái Kỳ không thể thăng tiến lên cấp cao hơn, dự kiến ông sẽ vẫn giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng Trung ương trong thời gian tới. Nếu ông Vương Tiểu Hồng đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn phòng Trung ương, khả năng ông ta cũng sẽ được kết nạp làm thành viên Bộ Chính trị. Điều này cũng bằng như thế lực của ông Thái bị giảm đi và thế lực của ông Vương Tiểu Hồng sẽ được tăng lên rất nhiều.
Ông Trần Mẫn Nhĩ lại trở thành lốp dự phòng?
Từ ngày 1 – 2/2, ông Tập đã có chuyến thị sát đến Thiên Tân, đây được coi là một động thái lớn nhằm hỗ trợ ông Trần Mẫn Nhĩ.
Tại Đại hội 20, ông Trần Mẫn Nhĩ và ông Hoàng Khôn Minh thuộc phe của ông Tập là những người thua cuộc lớn nhất, thua trong cuộc chiến trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Trần nhậm chức Bí thư Thành ủy Thiên Tân, nhưng không được thăng chức, nguyên nhân chủ yếu khả năng là do ông bị đồn là người kế nhiệm ông Tập, và lợi thế về tuổi tác của ông ngược lại đã trở thành thế bất lợi. Việc ông Tập bất ngờ có chuyến thăm đến Thiên Tân, và ông Trần Mẫn Nhĩ dường như đã chuyển sang một ngã rẽ mới.
Trong suốt các triều đại, có rất nhiều tấm gương quan chức bị giáng chức rồi được tuyển dụng lại, phần đông trong số họ đều sẽ sụt sùi cảm tạ. Ông Tập có thể cũng muốn học thuật thao túng tương tự, khi không có ai, ông ấy lại nghĩ đến ông Trần Mẫn Nhĩ, hoặc sau khi giám sát chặt chẽ, ông ấy kết luận rằng ông Trần Mẫn Nhĩ không có ăn ở hai lòng và vẫn có thể làm một chiếc lốp dự phòng.
Nếu ông Thái Kỳ bị ngăn cản, ông Tập chắc chắn sẽ tìm kiếm những ứng cử viên bù nhìn khác, và ông Trần có thể là một trong số đó. Ông Trần Mẫn Nhĩ có thể đã cảm nhận được tín hiệu như vậy và ngay lập tức lĩnh hội được điều đó.
Vào ngày 3/2, ông Trần Mẫn Nhĩ đã chủ trì Phiên họp mở rộng của Thành ủy Thiên Tân và Phiên họp cán bộ lãnh đạo thành phố, cho rằng việc nghiên cứu, tuyên truyền và quán triệt bài phát biểu của ông Tập trong chuyến thị sát Thiên Tân là “nhiệm vụ chính trị hàng đầu” hiện nay và sau này. Sau đó, Nhật báo Thiên Tân nhiều lần thảo luận về bài phát biểu của ông Tập. Vào ngày 6 tháng 2, ông Trần đã chủ trì một cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy Thiên Tân và tuyên bố rằng các chỉ thị của ông Tập Cận Bình phải “được thực hiện đầy đủ đến mỗi từng địa phương”.
Ông Trần Mẫn Nhĩ có lẽ đã nhìn thấy một cơ hội mới. Tuy nhiên, bản thân ông ta vẫn chưa phải là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nếu muốn trực tiếp trở thành bù nhìn của ông Tập, thì ít nhất vẫn còn kém một bước lớn, nếu ông ta đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn phòng Trung ương thì mọi chuyện cũng coi như khả thi.
Một tin đồn liên quan khác đã rộ lên từ lâu, chính là phu nhân của ông Tập là bà Bành Lệ Viện, gia nhập Bộ Chính trị để đảm nhận vị trí ủy viên Bộ Chính trị thứ 25, đồng thời cũng tuân theo thông lệ là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, bà Bành vẫn chưa phải là Ủy viên Trung ương, và việc trực tiếp tham gia Bộ Chính trị tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Ông Thái Kỳ chưa từng là Ủy viên Trung ương, ông được trực tiếp thăng làm Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội 19, chứ không phải được thăng chức tại một phiên họp toàn thể nào đó của Ban Chấp hành Trung ương.
Vợ của Mao Trạch Đông là Giang Thanh, vào Bộ Chính trị năm 1969. Năm 1966, thì bà ta đã bắt đầu giữ chức vụ phó lãnh đạo thứ nhất của Nhóm Cách mạng Văn hóa Trung ương, nắm giữ quyền lực đáng kể. Cuộc khủng hoảng chính trị ngày nay ở ĐCSTQ có thể đã lặp lại tình hình trước Cách mạng Văn hóa, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ có thể đưa ra phán đoán theo cách này, và không thể loại trừ những thay đổi chính trị lớn ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Mao đã có thể hoàn toàn kiểm soát một số người ở hậu trường, bao gồm cả quân đội, và sử dụng các phong trào chính trị để tấn công những người bất đồng chính kiến, liên tục giật dây những việc đi quá giới hạn, trực tiếp dẫn đến bất ổn xã hội.
Sự khác biệt ngày nay là những tâm phúc được lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc thu gom, bề ngoài đều tuyên bố trung thành, nhưng thực chất họ có những mưu đồ riêng, hơn nữa các mâu thuẫn xã hội nối tiếp nhau xuất hiện; quân đội vẫn đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn, và ông Tập khó có thể thực sự yên tâm, chính quyền ĐCSTQ vô cùng mong manh và có thể sụp đổ trong nháy mắt. Tất nhiên, ông Tập cũng có thể bắt chước chiêu “dụ rắn ra khỏi hang” của Mao, giăng bẫy xem những ai đang thèm muốn chức lãnh đạo đảng.
Trong bối cảnh hỗn loạn chính trị của Trung Quốc, nhiều đồn đoán đã xuất hiện. Mặc dù ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để che đậy nhưng các thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ vẫn không ngừng lộ diện, trong chuyến thăm tập thể trước Tết Nguyên đán vào ngày 8 tháng 2 của ông Tập, họ giả vờ như không có chuyện gì, nhưng ít nhiều cũng đã cười nhiều hơn trước. Một cơn bão chính trị có thể đang hình thành.
Luôn có những tin đồn và suy đoán trong và ngoài ĐCSTQ, và các quan chức hẳn cũng đã nghe ngóng khắp nơi để biết thông tin và lên kế hoạch ứng phó. Trong dịp Tết Nguyên đán, các phe phái khác nhau bị giám sát chặt chẽ sẽ tìm cách liên lạc, kết nối, thỏa hiệp và giao thương với nhau, cho dù kết quả đấu tranh nội bộ có ra sao đi chăng nữa, nội bộ của ĐCSTQ đều sẽ diễn biến thành tàn cục với sự hỗn loạn ngày càng gia tăng.
Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)