Reuters ngày 11/2 dẫn nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết 40 xe tăng, xe bọc thép chở quân được triển khai đến biên giới đông bắc bán đảo Sinai hai tuần qua, trong nỗ lực tăng cường an ninh biên giới với Dải Gaza.
Các nguồn tin cho biết hoạt động này được Ai Cập tiến hành trước khi quân đội Israel (IDF) mở rộng hoạt động quân sự xung quanh thành phố Rafah ở phía nam Gaza, nơi tiếp nhận một nửa dân số dải đất đổ về trú ẩn.
Ai Cập cũng có thể đã xây dựng tường bê tông cao 6 mét, trên cùng có ba lớp dây thép gai. Hình ảnh từ Tổ chức Nhân quyền Sinai cho thấy quá trình xây dựng có thể bắt đầu từ tháng 12/2023, với nhiều công sự phía sau tường.
Hình ảnh vệ tinh những tháng gần đây cũng cho thấy một số công trình quân sự mới được xây dựng dọc biên giới dài 13 km với Rafah.
Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân tại Dải Gaza đã di tản tới thành phố Rafah giáp Ai Cập để tránh giao tranh tại các khu dân cư gần biên giới với Israel. Giới chức Ai Cập lo ngại nếu biên giới mất kiểm soát, quân đội nước này không thể ngăn được làn sóng người tị nạn đổ vào bán đảo Sinai.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 10/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố điều quân tấn công thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza, để xóa sổ các tiểu đoàn còn sót lại của Hamas ở đây là cần thiết để giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 4 tháng nhằm vào lực lượng này.
Hai quan chức Ai Cập và một quan chức ngoại giao phương Tây ngày 11/2 cho biết nước này đe dọa đình chỉ Hiệp định Trại David nếu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tấn công Rafah.
Hiệp định Trại David là hiệp ước hòa bình mà Ai Cập và Israel ký tháng 9/1978, với Mỹ làm trung gian, được coi là nền tảng cho ổn định trong khu vực trong gần nửa thế kỷ qua.
Kênh Aqsa thuộc Hamas ngày 11/2 dẫn lời quan chức cấp cao của nhóm cảnh báo “bất cứ chiến dịch tấn công nào của IDF nhằm vào thành phố Rafah sẽ thổi tung triển vọng đàm phán trao đổi con tin” với Israel. Các cuộc đàm phán này do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian.
Kế hoạch tiến công thành phố Rafah của Israel vấp phải phản đối từ nhiều bên. Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nhận định chiến dịch nhằm vào Rafah của IDF “sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo không thể tả xiết và căng thẳng nghiêm trọng với Ai Cập”.
Mỹ, quốc gia ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất, cũng cảnh báo nguy cơ chiến dịch trên bộ của IDF nhằm vào Rafah lúc này “sẽ gây ra thảm họa cho dân thường”. Trong khi đó, IDF những ngày qua liên tục không kích Rafah, hoạt động được nhận định nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tiến công thành phố.
Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, ít nhất 28.176 tại đây thiệt mạng và 67.784 người bị thương vì giao tranh, phần lớn trong số này là phụ nữ và trẻ em.
Viên Minh (tổng hợp)