Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã xác nhận rằng Hoa Kỳ đang thảo luận với các quốc gia nhóm G7 về các phương án tiềm năng để tịch thu các quỹ thuộc sở hữu của Nga. Phát biểu của ông Miller được đưa ra ngay sau khi Hội đồng châu Âu ban hành các biện pháp có thể cho phép tịch thu tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của Nga để gửi cho Ukraine.
Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã phong tỏa khoảng 300 tỷ đô la tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu nổ ra vào năm 2022. Trong số đó, 196,6 tỷ euro (211 tỷ đô la) hiện do cơ quan thanh toán bù trừ đặt tại Bỉ Euroclear nắm giữ. Năm ngoái, Euroclear đã tích lũy gần 4,4 tỷ euro tiền lãi từ các quỹ của Moscow.
Mặc dù đã có những lời kêu gọi tịch thu toàn bộ số tiền từ các quỹ của Nga và giao nó cho Ukraine, nhưng một số chuyên gia đã cảnh báo rằng điều này có thể làm xói mòn niềm tin toàn cầu vào lĩnh vực ngân hàng của EU cũng như gây ra tranh cãi về mặt pháp lý.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (12/2), khi được yêu cầu bình luận về quyết định của Hội đồng châu Âu, phát ngôn viên Miller của Mỹ nhấn mạnh: “[Hoa Kỳ] được khích lệ bởi bất kỳ hành động nào mà EU có thể thực hiện để sử dụng các tài sản của Nga vì lợi ích của người Ukraine.”
Vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo: “Chúng tôi tiếp tục đối thoại tích cực với các đồng minh và các đối tác của mình, bao gồm cả G7, về các biện pháp bổ sung có thể thực hiện được trong các hệ thống pháp lý tương ứng và theo luật pháp quốc tế … để đảm bảo rằng Nga phải trả giá cho những thiệt hại mà họ đã gây ra.”
Đầu ngày 12/2, Hội đồng châu Âu ra lệnh các ngân hàng và tổ chức tài chính đang nắm giữ các tài sản bị đóng băng của Nga phải duy trì các tài khoản riêng biệt về “số dư tiền mặt bất thường đang tích lũy do các biện pháp hạn chế của EU” và cấm họ xử lý bất kỳ khoản lãi hay lợi nhuận nào phát sinh từ các quỹ này.
Các quan chức EU giải thích: “Quyết định này mở đường cho Hội đồng [châu Âu] ra quyết định về khả năng thiết lập một khoản đóng góp tài chính cho ngân sách EU từ các khoản lãi ròng này để hỗ trợ Ukraine [ở giai đoạn hiện nay] cũng như quá trình phục hồi và tái thiết nước này ở giai đoạn sau.”
Moscow đã nhiều lần lên án việc đóng băng tài sản của họ là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo về những đáp trả ăn miếng trả miếng và những vụ kiện kéo dài “hàng thập kỷ” trong trường hợp các tài sản này bị tịch thu.
Hôm thứ Bảy (10/2), phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích: “Việc [EU] phát minh ra các kế hoạch gian lận công khai nhằm tịch thu khoản thu nhập từ các tài sản của Nga được chỉ đạo bởi nhu cầu tạo ra ảo tưởng về tính hợp pháp đối với các cuộc tấn công vào tài sản của chúng tôi và từ đó ngụy trang cho những gì trên thực tế là hành động trộm cắp trắng trợn.”
Gia Huy (Theo RT)
Tổng thống Nga Putin nói ông thích ông Biden hơn ông Trump
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình phát sóng hôm thứ Tư (14/2) rằng ông thích ông Joe Biden hơn ông Donald Trump, nhưng sẵn sàng làm việc với bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào được người dân lựa chọn.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 14/2, nhà báo Pavel Zarubin đã hỏi tổng thống Putin câu hỏi rằng ai “tốt cho chúng ta hơn”, ông Biden – một đảng viên Đảng Dân chủ, hay ông Trump – một đảng viên Đảng Cộng hòa.
Ông Putin đã trả lời dứt khoát: “Biden. Ông ta là một người có kinh nghiệm và dễ đoán hơn, một chính trị gia kiểu cũ”.
Ông Putin nói rằng ông Trump “là chính trị gia phi hệ thống; ông ta có quan điểm riêng về chủ đề Mỹ nên làm thế nào để phát triển mối quan hệ với các đồng minh”.
Ông Putin cười mỉn và nói thêm rằng: “Nhưng chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào được người dân đặt niềm tin”.
Đây là lần đầu tiên ông Putin công khai bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, trong đó ông Biden và ông Trump khả năng sẽ tái đấu để có thêm 4 năm tiếp quản Nhà Trắng.
Bình luận nêu trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh chia rẽ và bất ổn chính trị đang ở mức cao tại Mỹ, và quan hệ Nga – Mỹ đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 60 qua. Vậy nên, ngoại giới cho rằng tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin có lẽ nên được coi là nhằm gây bất hòa hơn là suy nghĩ thật của ông ta.
Đảng Dân chủ năm 2016 đã cáo buộc nước Nga của ông Putin đã can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp ông Trump đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Sau nhiều năm điều tra tiêu tốn hàng triệu USD, Bộ Tư pháp Mỹ đã không tìm được bằng chứng về cáo buộc thông đồng Nga – Trump. Ông Trump gọi đây là cuộc “săn phù thủy” chính trị.
Ông Biden với tư cách tổng thống Mỹ trong hơn hai năm qua đã lãnh đạo phương Tây đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ đầu năm 2022, trong đó có việc tiếp tục mở rộng NATO, áp đặt nhiều đợt trừng phạt kinh tế lên Moscow, cung cấp viện trợ tài chính và vũ khí hàng tỷ USD cho Kyiv.
Trong khi đó, ông Trump trong khi tại nhiệm và khi rời nhiệm sở đã nhiều lần tuyên bố có quan hệ tốt với ông Putin. Cựu tổng thống Mỹ cũng lưỡng lự chỉ trích ông chủ Điện Kremlin phát động chiến tranh với Ukraine. Thậm chí ông Trump trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua đã đe dọa rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên NATO không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, ngay cả khi những nước này bị Nga tấn công. Những người phản đối ông Trump cho rằng những gì cựu tổng thống đã làm và phát biểu mới nhất của ông cho thấy ông sẽ dễ dãi với lãnh đạo Nga.
Ông Putin đã cầm quyền ở Nga từ năm 1999 và dù hiện nay đã 71 tuổi, nhưng ông vẫn trẻ hơn ông Biden 10 tuổi và trẻ hơn ông Trump 6 tuổi. Ông Putin gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng tới khi các đối thủ chính trị chủ yếu đã bị loại bỏ.
Hải Đăng