Bảo Nguyên
Xu hướng mất giá của cổ phiếu đang thách thức những nỗ lực ổn định thị trường của Bắc Kinh. Trung Quốc đang phải đối mặt với một bài toán nan giải: khôi phục niềm tin của công chúng và nhà đầu tư.
Kinh tế của Trung Quốc đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong năm qua, với các chỉ số kinh tế đáng thất vọng càng làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số CSI 300, thước đo sức khỏe của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, đã giảm hơn 40% kể từ mức đỉnh vào năm 2021, trong khi Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index (của Hong Kong) chứng kiến mức giảm đáng kinh ngạc hơn 50%.
Hậu quả là thị trường chứng khoán ở Hong Kong và Trung Quốc đã chứng kiến giá trị sụt giảm khoảng 7 nghìn tỷ USD (kể từ mức đỉnh năm 2021). Bất chấp những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm ổn định thị trường, sự suy giảm dai dẳng của cổ phiếu hạng A vẫn không hề giảm bớt, báo hiệu những bất ổn kinh tế tiềm ẩn phía trước. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng đồng nhân dân tệ tại Thượng Hải và Thâm Quyến].
Khi cả nước bắt đầu đón Tết Nguyên đán, việc đảm bảo sự ổn định của thị trường chứng khoán nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu của ĐCSTQ. Cá nhân nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã quan tâm trực tiếp tới việc tổ chức các hoạt động giải cứu, đánh dấu sự tham gia lần thứ 2 của ông kể từ khi ông tới thăm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước vào tháng 10 năm ngoái. Động thái này được nhiều người hiểu là một dấu hiệu cho thấy tính nghiêm trọng của những nỗ lực ổn định thị trường của chế độ.
Xu hướng giảm thách thức các nỗ lực ổn định thị trường
Trước khi tiết lộ quyết định của ông Tập Cận Bình trong việc trực tiếp tham gia vào các nỗ lực ổn định thị trường, Bắc Kinh đã tích cực cố gắng tiếp thêm sinh lực cho thị trường. Điều này bao gồm việc bơm vốn đáng kể vào các đơn vị được nhà nước hỗ trợ như các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư công của Trung Quốc.
Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence chỉ ra rằng trong tháng tính đến ngày 26/1, hơn 17 tỷ USD đã được chuyển vào 4 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) ở Trung Quốc, vốn theo sát Chỉ số CSI 300. Goldman Sachs nhấn mạnh rằng dòng vốn đổ vào các quỹ ETF trong nước này là lớn nhất kể từ năm 2015.
Nghiên cứu từ Z-Ben Advisors tiết lộ rằng vào ngày 22/1, 5 quỹ ETF lớn nhất của Trung Quốc đã đạt được dòng vốn chảy vào ròng kỷ lục 5 tỷ USD, cho thấy sự tích lũy chiến lược của cổ phiếu ETF vào tuần trước.
Các hành động tiếp theo của ĐCSTQ bao gồm tăng cường nắm giữ cổ phần thông qua Central Huijin Investment, một quỹ công thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, tại các tổ chức tài chính quan trọng và áp đặt lệnh cấm bán khống. Vào ngày 6/2, Central Huijin khẳng định cam kết tăng cường nắm giữ cổ phần trong các quỹ ETF, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động ổn định của thị trường.
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố vào ngày 5/2 ý định tăng cường giám sát thị trường và hợp tác với Bộ Công an để chống lại việc thao túng thị trường và bán khống. CSRC cũng có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư dài hạn tiếp cận thị trường, nhấn mạnh vai trò của các nhà đầu tư tổ chức trong việc thúc đẩy sự ổn định của thị trường.
Goldman Sachs ước tính rằng các biện pháp này đã dẫn đến việc mua vào khoảng 70 tỷ CNY (nhân dân tệ) (9,7 tỷ USD) cổ phiếu trong nước trong tháng qua, mặc dù chi tiết cụ thể của tính toán này không được tiết lộ.
Bất chấp những biện pháp can thiệp sâu rộng này, phản ứng của thị trường vẫn khá thờ ơ, với các cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục suy giảm, làm xói mòn thêm niềm tin của nhà đầu tư. Vào ngày 6/2, Chỉ số CSI 1000 đã giảm 2,3% trong đầu phiên giao dịch, cho thấy xu hướng giảm đang thách thức các nỗ lực ổn định tình hình của chế độ.
Thị trường mất niềm tin
Trong hai tháng qua, Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức hơn chục cuộc họp nhằm củng cố sự ổn định của thị trường vốn, đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sự suy thoái đang diễn ra trên thị trường chứng khoán.
Vào ngày 22/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút vốn trung và dài hạn vào thị trường, từ đó củng cố sự ổn định của thị trường. Ông ủng hộ các chiến lược mạnh mẽ và hiệu quả hơn để khôi phục niềm tin của thị trường, một động thái được các nhà phân tích giải thích là một phản ứng trực tiếp trước sự suy giảm mạnh của thị trường.
Sau đó, đã có suy đoán về việc chế độ đang dự tính một gói toàn diện để củng cố thị trường chứng khoán. Các thông tin cho thấy sáng kiến có thể triển khai khoảng 2 nghìn tỷ CNY (278 tỷ USD) vào quỹ bình ổn nhằm mua cổ phiếu trong nước thông qua Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, chủ yếu sử dụng tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, còn có cuộc thảo luận về việc dành ít nhất 300 tỷ CNY (42 tỷ USD) từ các quỹ địa phương để đầu tư vào cổ phiếu trong nước thông qua các tổ chức nhà nước như Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc hoặc Công ty TNHH Đầu tư Central Huijin.
Trong một động thái tài chính quan trọng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng vào ngày 5/2, giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ CNY (140,4 tỷ USD) vào hệ thống. Thông báo này đã nhanh chóng thúc đẩy một sự phục hồi của Chỉ số Hang Seng China Enterprises.
Ông Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell và cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của IMF, chỉ ra rằng quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBOC báo hiệu mối lo ngại ngày càng tăng của nhà nước về suy thoái kinh tế và suy thoái thị trường.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu không có sự thay đổi tích cực trong tâm lý doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với nền kinh tế Trung Quốc thì tác động của việc điều chỉnh chính sách này có thể rất nhỏ.
Trong nỗ lực giảm bớt lo lắng trên thị trường, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã đưa ra tài liệu “Hỏi đáp về các Tình huống cầm cố chứng khoán” vào ngày 5/2, nhằm mục đích củng cố niềm tin của thị trường. CSRC cam kết giảm thiểu rủi ro cầm cố cổ phiếu, tư vấn cho các công ty môi giới và các tổ chức khác tăng cường tính linh hoạt của các kênh thanh lý để hỗ trợ hoạt động ổn định của thị trường.
Bất chấp những nỗ lực này, cổ phiếu hạng A đã trải qua một đợt phục hồi ngắn trước khi đóng cửa ở mức thấp hơn, với chỉ số Shanghai Composite đánh dấu lần giảm thứ sáu liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 4 trước đó và rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Tương tự, chỉ số Thâm Quyến Component và chứng khoán Hong Kong kết thúc ngày giao dịch trong sắc đỏ.
Sau khi thị trường đóng cửa, CSRC đã đưa ra ba tuyên bố bổ sung trong một ngày, tổng cộng là bốn tuyên bố nhằm hỗ trợ thị trường.
Ngân hàng đầu tư nhà nước Trung Quốc CITIC Securities khi nói về tình hình đã lưu ý rằng cổ phiếu hạng A đã bước vào vòng xoáy thanh khoản tiêu cực, cho rằng nguyên nhân suy thoái không phải do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc hay áp lực bên ngoài mà là do sự xuống cấp trong hệ sinh thái giao dịch. Công ty nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài hoặc thay đổi chính sách cụ thể để lấy lại niềm tin của thị trường.
Cơn bão kinh tế hoàn hảo
Trong một tuyên bố gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nhấn mạnh những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, lưu ý sự thay đổi đáng kể trong động lực tăng trưởng của nước này. Ông Powell nhận thấy có sự chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng theo định hướng thị trường sang mô hình ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng chỉ ra sự phụ thuộc quá mức của nền kinh tế Trung Quốc vào đầu tư bất động sản là một điểm dễ bị tổn thương tiềm ẩn.
Thêm vào những lo ngại, ông Kyle Bass, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Dallas, Mỹ, đã đưa ra những dự báo đáng báo động về tương lai kinh tế của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với chương trình American Thought Leaders của The Epoch Times.
Ông Bass, nổi tiếng với dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ năm 2008, cũng là thành viên sáng lập của “Ủy ban về mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc”. Ông đã cảnh báo về mức độ tiếp xúc của các ngân hàng Trung Quốc và Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản, ước tính rằng 1/3 đến 45% tài sản của các ngân hàng này gắn liền với các khoản cho vay bất động sản.
Ông Bass nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình bằng cách tuyên bố: “Bạn chứng kiến một cơn bão kinh tế hoàn hảo đổ bộ vào Trung Quốc vào thời điểm mà căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ họ đang gặp rắc rối thực sự”.
Thảm cảnh của nhà đầu tư, những dấu hiệu ‘nổi loạn’ xuất hiện
Phương tiện truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc Caixin đưa tin vào ngày 7/2 rằng ông Cao Xin, đối tác sáng lập của Tianli (Shanghai) Asset Management Co., Ltd., “đã qua đời vì lý do sức khỏe tâm thần cá nhân” vào ngày 31/1. Điều này đã thu hút sự chú ý rộng rãi vì công ty của ông là nhà đầu tư lớn vào chứng khoán Trung Quốc. Ông Cao Xin chỉ mới 34 tuổi.
Theo thông tin từ giới đầu tư trên mạng xã hội Trung Quốc, vụ tự sát của ông Cao là do thị trường chứng khoán sụp đổ. Chuỗi cung ứng quỹ của ông Cao đã bị cắt đứt do giá trị cổ phiếu mà ông ấy nắm giữ giảm mạnh. Người ta cũng nói rằng ông Cao đã vay số tiền khổng lồ từ những kẻ cho vay nặng lãi để cố gắng cân bằng nguồn tiền. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc, khiến ông Cao mất tiền và không có khả năng trả nợ.
Ông Xiao Yu, tới từ Shanghai Tianmei Network Technology Co., Ltd., tiết lộ trong một video trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng ông đã lỗ hơn 5 triệu CNY (nhân dân tệ) (703.000 USD) khi giao dịch chứng khoán trong 10 năm qua. Ông hiện không có nhà, không xe, chưa lập gia đình và mắc khoản nợ 3,5 triệu CNY (492.000 USD). Ông Xiao nói rằng ông tuyệt vọng đến mức từng lên kế hoạch đến Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải để trả thù. Ông cũng đã nhiều lần có ý định tự tử vì thị trường chứng khoán Trung Quốc thua lỗ.
Ông nói trong video: “Thị trường cổ phiếu hạng A ngày nay đang trong một thời kỳ giảm giá kéo dài. Nó đang thử thách mọi người, thậm chí cả tổng tài sản của mỗi gia đình”. [Cổ phiếu hạng A: cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng CNY ở Thượng Hải và Thâm Quyến].
Thống kê cho thấy trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 CNY và 900 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 CNY.
Ước tính có 200 triệu người Trung Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Ông Tạ Điền (Frank Xie), phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Nam Carolina Aiken và là cây bút của The Epoch Times, đã viết vào ngày 9/2: “Những người có thu nhập khả dụng có thể mua và đầu tư vào cổ phiếu đều thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội Trung Quốc. Đây phải là trụ cột thực sự của nền kinh tế Trung Quốc và là nhóm tiêu dùng chính. Những người Trung Quốc giàu có nhất này, không bao gồm giới tinh hoa hàng đầu và các nhóm đứng đầu ĐCSTQ, là mục tiêu chính để ĐCSTQ khai thác”.
“Các nhà đầu tư thông thường ở Trung Quốc ít tiếp cận được thông tin thực. ĐCSTQ và các thế lực kiểm soát các phương tiện truyền thông cũng như quyền phát ngôn, đồng thời lừa dối người dân ngày này qua ngày khác để thu hút hàng loạt nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc tham gia vào”, ông viết.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả ở Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 12/2 rằng theo quan điểm của lãnh đạo ĐCSTQ, thị trường chứng khoán chỉ có một vai trò duy nhất là tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ. “Nếu người giàu hay tầng lớp trung lưu của Trung Quốc vẫn muốn duy trì sự giàu có của mình theo mô hình tư duy trước đây thì điều đó hoàn toàn là không thể. Do sự suy thoái nhanh chóng của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, xu hướng nghèo hóa chung của người dân Trung Quốc đã bắt đầu”.
Tổn thất của các nhà đầu tư chứng khoán dường như đang khiến họ bị kích động. Vào ngày 2/2, tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ đã đăng một tuyên bố nhân kỷ niệm 3 năm cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện (Myanmar), nhưng phần bình luận của bài đăng lại chứa đầy thông tin về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Một cư dân mạng bình luận, đề cập đến tài khoản đại sứ quán ít bị kiểm duyệt hơn: “Tự do ngôn luận đang ở đây. Cảm ơn nước Mỹ”.
Điều tương tự cũng xảy ra vào ngày 3/2 khi tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ đăng bài về việc bảo tồn hươu cao cổ ở châu Phi. Tuy nhiên, những bình luận lại không liên quan gì đến hươu cao cổ mà chủ yếu xoay quanh mối lo ngại của cư dân mạng về thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Nhiều người còn tố cáo sự tà ác của ĐCSTQ, thậm chí còn yêu cầu Mỹ gửi quân đến “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất” và tuyên bố sẽ “dẫn đường cho quân đội Mỹ”.
Vấn đề nan giải: Khủng hoảng niềm tin
Đằng sau những tin tức tiêu cực về chứng khoán Trung Quốc là một vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đó chính là sự mất lòng tin của công chúng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến người dân ngần ngại chi tiền, các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư kinh doanh, nền kinh tế trì trệ với giảm phát dai dẳng, và thị trường chứng khoán cũng theo đó lao dốc.
Trong bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng”, đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, tác giả Ezrati đã phân tích về khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ông Ezrati cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 của Trung Quốc không mấy hứa hẹn.
Tâm lý thị trường vốn đã rất tồi tệ ở Trung Quốc trong thời gian qua. Không những vậy, tình từ đầu năm mới, liên tiếp các sự kiện xuất hiện, tiếp tục tạo ra thêm các ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý chung. Vào ngày 29/1, tòa án Hong Kong đã ra lệnh buộc Evergrande phải thanh lý. Sự kiện đã làm tổn hại tâm lý thị trường và gây ra mối lo ngại về hiệu ứng domino trong nền kinh tế.
Moody’s cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.
Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.
Trước đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, “Tập đoàn Zhongzhi” (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.
Bảo Nguyên tổng hợp