Hoàng Văn Hoan và thiên thu định luận

Dương Quốc Chính

18-2-2024

Hoàng Văn Hoan

Vừa rồi anh Osin Huy Đức có một status về nhân vật Hoàng Văn Hoan, đọc status đó khiến nhiều người đánh giá có lẽ không hoàn toàn chính xác về nhân vật này. Thực ra không cần status đó thì mình nghĩ đa số cũng vẫn hiểu sai về ông Hoan và thường gom ông này vào một mớ với Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Thực ra gom ba nhân vật này làm một là giống như so con chó với con bò, bảo là giống nhau vì chúng đều có bốn chân. Thực tế họ có hoàn cảnh thân Tàu rất khác nhau.

Về Lê Chiêu Thống, trước mình đã viết mấy status. Vai trò của ông ấy lúc đó còn to hơn Nguyễn Ánh, làm vua một nước. Vua bị “giặc cỏ” nổi lên cướp ngôi thì đi cầu viện nước lớn lân bang là chuyện thường gặp trong lịch sử và khá là bình thường. Cả ông Lê Chiêu Thống và ông Nguyễn Ánh đều như vậy. Xét dưới quan điểm đương thời thì chuyện cầu viện là bình thường.

Trước đó các vua Chân Lạp cũng cầu viện chúa Nguyễn khi có nội loạn, cũng bình thường. Sau này, nhóm Hun Sen, Heng Samrin… chạy Khmer đỏ sang Việt Nam cầu viện thì khó chấp nhận hơn. Vì họ chỉ là những sĩ quan cấp tiểu đoàn. Không có tư cách cầu viện như mấy ông vua/ chúa kia.

Tương tự vậy, Trần Ích Tắc cũng không có tư cách cầu viện, do chỉ là một hoàng tử, Ích Tắc mới bị coi là muốn cướp ngôi dựa vào quân Nguyên chứ không phải kẻ bị cướp ngôi như Nguyễn Ánh, Chiêu Thống. Việc Quang Toản đi cầu viện Thanh triều cũng giống Chiêu Thống cầu viện trước đó. Vì Thanh đã công nhận nhà Tây Sơn rồi.

Còn trường hợp Hoàng Văn Hoan, ông này chức vụ to nhất mới là Phó chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Bộ chính trị. Trước khi chạy trốn sang Tàu thì ông ấy không hề là kẻ đi cầu viện Tàu, cũng không phải là dạng tay trong, quân bài của Trung Quốc.

Tóm lại là, Hoàng Văn Hoan không hề là một tác nhân khiến cho Trung Quốc đánh Việt Nam. Cũng không có vai trò giúp đỡ, tạo điều kiện cho TQ đánh Việt Nam. Vậy Hoàng Văn Hoan chẳng có gì giống Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống. Gom vào làm một là không hiểu về lịch sử.

Vậy tại sao Hoàng Văn Hoan lại trốn sang Tàu?

Hoàng Văn Hoan là một người thân Trung Quốc cũng giống như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… Đại khái hầu hết nhóm đảng viên tiền bối người Bắc đã từng hoạt động bên Tàu thì đều thân Tàu, chịu ơn Trung Quốc từ những ngày đầu lập đảng và lập quốc. Đảng ta thành lập ở Hồng Kông và đa số thời gian hoạt động trước 45 của các ông kia đều ở bên Tàu.

Thực ra còn một ông thân Tàu hơn nữa, là lưỡng quốc tướng Nguyễn Sơn, nhưng ông này chết (bệnh) sớm. Hoàng Văn Hoan là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Trung Quốc, nên có nhiều tình cảm gắn bó với Cộng sản Trung Quốc là đương nhiên.

Riêng nhóm đảng viên Cộng sản thế hệ đó mà dân Nam, chủ yếu hoạt động ở Nam Kỳ thì sẽ ít thân Tàu hơn. Lê Duẩn là người như vậy. Không hẳn vì bản tính không ưa Trung Quốc, chẳng qua do địa bàn hoạt động ở miền Nam xa Trung Quốc thì ít quan hệ thôi. Hơn nữa, Lê Duẩn là kẻ đến sau, giai đoạn chín năm kháng chiến là Việt Nam luỵ Tàu nhất thì ông này làm bí thư Xứ uỷ, hoạt động ở Nam Kỳ là chính, đâu có ở Hà Nội và Việt Bắc, cũng chả tham gia chiến dịch Biên giới hay Điện biên Phủ (phụ thuộc Tàu nhiều).

Chính vì thế nên Lê Duẩn không có nhiều giai đoạn gắn bó với Trung Quốc như những ông kia, hay cụ thể là Hoàng Văn Hoan. Cũng vì ở miền Nam nên Lê Duẩn không dính phốt quá tay trong Cải cách Ruộng đất vì miền Nam có Cải cách Ruộng đất được đâu. Mà Cải cách Ruộng đất cũng là do Trung Quốc chỉ đạo. Do đó, Lê Duẩn mới có uy tín để Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn thay thế ông Trường Chinh, phải từ chức sau Cải cách Ruộng đất.

Giai đoạn mà Lê Duẩn cũng thân Tàu là giai đoạn Liên Xô đang xét lại, lúc Khruschev nắm quyền. Tức là khoảng năm 1954 – 1964. Giai đoạn đó Liên Xô không có viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ và VNCH, do quan điểm chung sống hoà bình. Chỉ có Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ và “bè lũ tay sai”. Mười năm đó cũng là thời kỳ hoàng kim của Hoàng Văn Hoan, vì có Trung Quốc bảo kê. Nhưng đừng trách ông ấy, vì Lê Duẩn lúc đó cũng thân Tàu mà! Nói thẳng là cả miền Bắc thân Tàu cho nó vuông.

Trong giai đoạn này, vụ án “xét lại chống đảng” diễn ra, nhóm thân Liên Xô và Đông Âu bị thanh trừng, bỏ tù không có án. Thực tế họ không có tội gì cả, nên sử đảng cứ ỉm đi, sách giáo khoa thì không dạy. Vì bản chất đây là một cuộc thanh trừng do nhóm thân Liên Xô này có quan điểm đối lập với Lê Duẩn và nhóm lãnh đạo, lúc đó thân Trung Quốc.

Nhưng khi Breznhev thay Khruschev, kết thúc chủ nghĩa xét lại, thì Liên Xô lại quay ra chống Mỹ và bơm đồ cho Việt Nam chống Mỹ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quay ra bắt cá hai tay, thì Hoàng Văn Hoan dần bị thất sủng. Đó là do tuy bắt cá hai tay nhưng xu thế thân Liên Xô ngày một trội lên, do Liên Xô mạnh hơn Trung Quốc nhiều. Trung Quốc giai đoạn đại nhảy vọt này rất nát, chẳng qua cố gồng để viện trợ Việt Nam thôi. Hơn nữa, dù gì thì Việt Nam vẫn có những nghi kị nhất định với Trung Quốc và tin tưởng Liên Xô hơn. Do Liên Xô không thể có tham vọng lãnh thổ với Việt Nam.

Đến sau Hiệp định Paris, vai trò của Trung Quốc với Việt Nam đã giảm rất nhiều. Do Trung Quốc đã kết thân với Mỹ, khiến Lê Duẩn không thể chấp nhận, xu thế chung của lãnh đạo Bắc Việt cũng vậy. Thế nên, người như Hoàng Văn Hoan vẫn tỏ ta thân Trung Quốc thì chính là cái gai trước mắt Lê Duẩn.

Về bản chất, Hoàng Văn Hoan là người bất đồng quan điểm với Lê Duẩn về đường lối ngoại giao, chứ chưa đến tầm coi là phản quốc. Nếu lúc đó ông Hồ Chí Minh còn sống thì quan điểm chống Trung Quốc chưa chắc đã trở nên cực đoan như vậy và khả năng lớn là không có chiến tranh với Trung Quốc. Vì ông Hồ Chí Minh thân Trung Quốc có khi còn hơn Hoàng Văn Hoan!

Đến khi Trung Quốc chính thức cắt viện trợ cho Việt Nam sau 1975 và Lê Duẩn công khai chọn phe, tức là đêm trước của chiến tranh, thì rõ ràng những người như Hoàng Văn Hoan phải bị loại trừ để tránh hậu hoạ. Hoa Kiều hầu hết đều không có chức vụ gì mà còn bị dí cho chạy về Tàu thì Hoàng Văn Hoan đương nhiên bị dí mạnh hơn.

Nhưng lưu ý là Hoàng Văn Hoan trốn sang Tàu sau khi quân Tàu đã rút. Ông ta hiểu rằng, nếu ở lại Việt Nam thì có nguy cơ bị bỏ tù y chang vụ “Xét lại chống đảng” trước đó, lý do tương tự, nhóm trước do thân Liên Xô thì nhóm này do thân Trung Quốc.

Thực tế, tướng Chu Văn Tấn đã bị giam lỏng với lý do mù mờ là cũng thân Tàu như vậy, đương nhiên không có phiên toà nào và sử đảng cũng giấu biệt, sau này lẳng lặng lãng quên thôi. Chu Văn Tấn từng là “vua con”, là chủ tịch khu tự trị Việt Bắc. Chắc cũng kiểu như “nước Donbas” bên Ukraine, nắm toàn bộ các tỉnh trung du miền núi chiến khu cũ giáp Tàu. Thế nên cũng phải trừ hậu hoạ, bắt nhầm hơn bỏ sót.

Hoàng Văn Hoan trốn qua Tàu ở thời điểm nhạy cảm là tinh thần chống Tàu đang cao ngất trời, sang đó ông Hoan quay ra chửi “bè lũ Lê Duẩn”, nên đương nhiên tạo cớ để có cái án xử tử hình vắng mặt. Lúc đang chiến tranh mà chạy về phía địch là coi như phản quốc rồi. Nhưng cần hiểu bản chất sự việc đây là vụ án thanh trừng những người thân Trung Quốc và trái quan điểm với nhóm lãnh đạo, đứng đầu là TBT Lê Duẩn.

Lúc Lê Duẩn thân Tàu thì nhóm thân Liên Xô bị bắt, đến khi ông thân Liên Xô thì nhóm thân Tàu bị bắt, thanh trừng là như vậy, trái quan điểm với lãnh tụ là lên đường. Đấy chuyện thường tình ở chế độ Cộng sản và độc tài. Ngày xưa Stalin thanh trừng đồng chí còn kinh khủng hơn nhiều. Mao cũng vậy. Đặng Tiểu Bình ba lần bị đập mà không chết đó.

Thực tế ông Giáp cũng trái ý Lê Duẩn vậy, nhưng ông Giáp có uy tín hơn và cũng nhịn nhục hơn, nên Lê Duẩn không cần xuống tay quá nặng. Lưu ý là khi chiến tranh nổ ra, Trung Quốc chỉ chửi Lê Duẩn, còn các đồng chí cũ lại không hề bị chửi nhé. Hoàng Văn Hoan cũng chửi y chang vậy, chửi Lê Duẩn thậm tệ nhưng không bao giờ quay lưng lại với Việt Nam.

Hoàng Văn Hoan không phải là không có cái đúng khi cho rằng đảng ta chịu ơn Trung Quốc từ khi mới lập đảng, lập quốc, giờ lại quay xe ra đánh nhau, Tàu nó chửi là vô ơn đó!

Mình biết nhiều anh em đọc hiểu kém sẽ nghĩ mình chạy tội cho Hoàng Văn Hoan, cũng như mấy ông thân Tàu. Ở đây mình ở vị trí khách quan thôi nhé. Mình chỉ vẽ lại bức tranh lịch sử bị tẩy xoá thôi. Sử đảng chắc còn rất lâu nữa mới dám phục chế bức tranh này và có thể là không bao giờ.

Muốn hiểu rõ về Hoàng Văn Hoan thì nên đọc hồi ký ‘Giọt nước trong biển cả’ của ông ấy nữa. Đọc nhiều chiều mới ĐỊNH LUẬN được.

Related posts