Chương Thiên Lượng
Ngày 1/2, chứng khoán Trung Quốc rớt xuống còn 2666 điểm, sau đó có dấu hiệu phục hồi ngắn. Cuộc chiến bảo vệ 3000 điểm nay đã trở thành cuộc chiến bảo vệ 2600 điểm.
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 3/2, nhà bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng, 2600 điểm chưa phải là đáy, rất có thể chứng khoán Trung Quốc sẽ rớt xuống còn 2000 điểm.
Đối diện với khốn cảnh như vậy, vào ngày 1/2, trong buổi học tập tập thể lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khoá 20, ông Tập Cận Bình đã đề xuất một khái niệm mới gọi là ‘tân chất sinh sản lực’ (新質生產力: năng lực sản xuất mới). Ông Tập nhấn mạnh ‘phát triển chất lượng cao cần lý luận về năng lực sản xuất mới để chỉ đạo’.
Vậy thì cụm từ ‘năng lực sản xuất mới’ của ông Tập có ý nghĩa gì? Giáo sư Chương sẽ mượn chủ đề này để nói về vấn đề ‘tính chính xác của ngôn ngữ vì sao lại quan trọng như vậy’.
Sự việc càng dễ xảy ra thì lượng thông tin càng ít
‘Năng lực sản xuất mới’ là gì? Là người am hiểu hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, Giáo sư Chương nhìn nhận, khái niệm này có nghĩa là: Khoa học kỹ thuật kết hợp với năng lượng xanh. Nói cách khác, vừa phát triển khoa học kỹ thuật vừa bảo vệ môi trường, sau đó tìm kiếm sự độc lập, tự chủ về khoa học kỹ thuật.
Trên thực tế, đây không phải là một khái niệm gì mới. Nhưng khi ông Tập Cận Bình thấy tình hình không ổn thì chỉnh lý một bộ từ mới. Ví dụ như dân chủ toàn quá trình, phát triển ‘lưỡng ngạn dung hợp’ (phát triển hoà hợp hai bờ eo biển), Trung Hoa mộng (giấc mộng Trung Hoa), v.v. Đây đều là những từ đao to búa lớn.
Nhưng Giáo sư Chương nhìn nhận, những từ này nếu không là ‘ngôn ngữ không rõ ràng’ thì ‘căn bản không thể thực hiện được’. Đây chỉ là đang dùng những từ có vẻ cao thâm để che đậy sự vô năng (無能: thiếu năng lực) và vô tri. Mượn chủ đề này, Giáo sư Chương sẽ đàm luận về một vấn đề hơi sâu hơn một chút.
Chúng ta biết rằng, khi ai đó phát minh ra một khái niệm thì đây không phải là một sự kiện nhỏ, bởi vì đó là một lần tổng kết và khái quát một cách cao độ những tri thức trong quá khứ của nhân loại, hoặc là mở ra một cánh cửa lớn cho khoa học trong tương lai.
Khi Giáo sư Chương học Tiến sĩ ở Mỹ có học một môn tên là ‘tín tức luận’ (信息論: thuyết thông tin), tiếng Anh gọi là Information Theory. Trong Tín tức luận có một khái niệm gọi là ‘tín tức lượng’ (信息量: hàm lượng thông tin), tiếng Anh gọi là Entropy. Công thức tính toán của hàm lượng thông tin có logarit cơ số 2 và những phần đằng sau.
Tuy công thức có vẻ phức tạp, nhưng Giáo sư Chương sẽ đưa ví dụ đơn giản để dễ hình dung.
Nếu xác suất xảy ra của một sự kiện rất lớn, sau đó có người nói sự kiện này sắp xảy ra thì lượng thông tin mà người ta thu được rất ít.
Ví dụ như bây giờ là mùa hè, có người nói ngày mai sẽ không có tuyết rơi thì hầu như bạn không nhận được lượng thông tin nào. Bởi vì xác suất tuyết không rơi vào mùa hè là 1, lấy logarit của 1 thì bằng 0. Cho nên lượng thông tin mà bạn nhận được bằng 0.
Nhưng nếu có người nói với bạn ‘ngày mai Mặt Trời sẽ mọc ở hướng Tây’ thì lượng thông tin bạn nhận được sẽ rất lớn. Bởi vì xác suất Mặt Trời mọc ở hướng Tây là 0, nghịch đảo của 0 là vô cùng lớn, sau đó lấy logarit cơ số 2 của vô cùng vẫn là vô cùng.
Vì sao lượng thông tin lúc này lại vô cùng lớn? Bởi vì việc Mặt Trời mọc ở hướng Tây là việc không thể. Nhưng nếu sự việc này thật sự xảy ra thì tri thức của nhân loại, nhận thức của nhân loại đối với vũ trụ, v.v. toàn bộ sẽ bị đảo lộn. Có thể xuất hiện sự việc kinh thiên động địa như là Trái Đất đột nhiên chuyển hướng quay (dẫn đến Mặt Trời mọc hướng Tây), hướng từ trường cũng sẽ thay đổi, xuất hiện khí hậu bất thường, gián đoạn thông tin, động thực vật không cách nào sinh trưởng, ‘GPS’ dẫn đường của động vật bị loạn (động vật không biết bay về Nam hay Bắc vào mùa đông), v.v.
Điều này có nghĩa là khi tôi nói cho bạn một sự việc có xác suất xảy ra rất nhỏ hoặc không thể xảy ra, lượng thông tin mà bạn nhận được sẽ vô cùng lớn.
Giáo sư Chương lấy ví dụ trên là muốn nói rằng, khi phát minh ra một khái niệm thì đây là công trình một đời của những bộ óc thông minh nhất thế giới mà tổng kết ra được. Nhưng ông Tập Cận Bình lại thường ‘phát minh’ ra những khái niệm mới, hơn nữa, ‘năng lực sản xuất mới’ là khái niệm rất mơ hồ, không biết rốt cuộc nó có ý nghĩa gì.
Vì sao ĐCSTQ hay dùng ngôn ngữ mơ hồ?
Vào ngày 2/2, Giáo sư Chương xem một tweet có nội dung rất thú vị. Tweet này đề cập đến tầm quan trọng của ngôn ngữ chính xác.
Cô gái viết dòng tweet này là một nghiên cứu sinh. Khi cô ấy viết luận văn thường hay dùng đại từ như là ‘cái này, cái kia’ (this, that). Giáo viên hướng dẫn gặp những từ đó thường hỏi cô ấy rằng: Rốt cuộc những từ đó có ý nghĩa gì?. Ví dụ như trong luận văn của cô ấy có câu: Loại văn hoá này khiến chúng ta như thế này thế kia. Vậy thì ‘loại văn hoá này’ là loại văn hoá nào? Cho nên giáo viên hướng dẫn mới góp ý với cô gái rằng: Nhất định phải dùng từ ngữ chính xác để miêu tả. Nếu không thể tìm được từ vựng chính xác thì điều đó nói lên rằng người ấy chưa hiểu rõ vấn đề.
Sau đó, cô gái đề cập đến việc hiện nay nhiều người xem video ngắn (như Tiktok, Real…). Cô gái phát hiện những video ngắn này thường ‘trống rỗng’. Ví dụ như khi mô tả một món ăn ngon thì nhân vật trong video ăn xong chỉ nói ‘Cái đó ngon đấy’. Vậy thì ‘cái đó’ là cái gì trong món ăn? Trong video người ta không giải thích. Hoặc là trong video ngắn người ta nói ‘Cái này ai mà chịu nổi’.
Trên thực tế, trong video ngắn này đã không đưa cho bạn bất cứ thông tin có ích nào. Bởi vì họ không nói cái này ngọt hay chua, độ nóng như thế nào, cứng hay mềm… Cho nên những câu như ‘Cái đó ngon đấy’ hay là ‘Cái này ai mà chịu nổi’, nếu dùng khái niệm lượng thông tin như đã đề cập ở trên thì những câu này không có bất cứ lượng thông tin nào.
Khi chúng ta thường xuyên nghe những câu như thế, sau đó chúng ta cũng học cách biểu đạt tương tự, điều này sẽ hạn chế khả năng lấy thông tin và tư duy của chúng ta.
Bởi vì dòng tweet của cô nghiên cứu sinh này quá thú vị, cho nên Giáo sư Chương đã hồi đáp lại như sau: ‘Trong bài hát La Sát hải thị (Luochahai City) của nhạc sĩ Đao Lang có đề cập đến một triết học gia tên là Wittgenstein (anh họ của nhà kinh tế học nổi tiếng Hayek – người viết cuốn ‘Con đường đi đến nô dịch’). Ông Wittgenstein từng nói: Biên giới của ngôn ngữ là biên giới của tư tưởng. Người ta dựa vào ngôn ngữ để truyền đạt tư tưởng, ngôn ngữ càng chính xác truyền đạt tư tưởng càng chính xác. Đây là lý do vì sao ĐCSTQ cố ý tạo ra một bộ ngôn ngữ mang văn hoá biến dị, đây là một hành động cần thiết để làm bại hoại đạo đức con người’.
Bộ ngôn ngữ mang văn hoá biến dị dùng ngôn ngữ vô cùng mơ hồ và không có hàm lượng thông tin để che đậy sự vô tri và vô năng trong cách lãnh đạo của ĐCSTQ.
Như đã đề cập ở trước, ‘năng lực sản xuất mới’ là khoa học kỹ thuật kết hợp với năng lượng xanh, sau đó tìm kiếm sự độc lập, tự chủ về khoa học kỹ thuật.
Nếu người ta thực sự xem định nghĩa này thì họ sẽ thấy ông Tập Cận Bình có tầm nhìn không rộng. Vì sao? Bởi vì trong thời đại toàn cầu hoá, không một quốc gia nào có thể tồn tại một mình mà phải dựa vào phân công hợp tác. Ngay cả nước Mỹ cũng không làm được ‘độc lập, tự chủ’ thì Trung Quốc sao có thể làm được?
Giáo sư Chương lấy việc sản xuất chip làm ví dụ. 90 % chip cao cấp trên thế giới được sản xuất tại TSMC. Mà chúng ta biết rằng, việc sản xuất chip vô cùng hao tốn điện năng. Vì sao mọi người không thích việc đào bitcoin? Bởi vì đào bitcoin (sử dụng nhiều tính toán cho nên) tiêu tốn rất nhiều điện năng.
Nhà máy TSMC ở Tân Trúc (Đài Loan), theo Công viên Khoa học Tân Trúc thì một nhà máy TSMC này chiếm 5 % lượng tiêu thụ điện năng của toàn Đài Loan, tức là lượng điện mà toàn bộ 23 triệu người dân Đài Loan dùng chỉ gấp khoảng 20 lần so với TSMC.
TSMC dự định xây thêm một nhà máy ở thành phố Cao Hùng. Sau khi xây xong, lượng tiêu thụ điện năng của TSMC sẽ chiếm 10 % lượng tiêu thụ điện của Đài Loan.
Sự phồn vinh của xã hội hiện nay là dựa vào sự phân công hợp tác. Bất cứ quốc gia nào cũng không thể hoàn thành cái gọi là ‘độc lập, tự chủ về khoa học kỹ thuật’. Cả Mỹ và Đài Loan đều không làm được việc đó. TSMC cũng cần máy quang khắc của Hà Lan, vật liệu cản quang của Nhật Bản, v.v.
Ông Tập Cận Bình muốn giải quyết vấn đề kinh tế của Trung Quốc thì cần mở rộng tầm nhìn, không thể suy nghĩ ‘độc lập, tự chủ về khoa học kĩ thuật’ mà hãy suy nghĩ ‘làm sao để hoà nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu’.
Nhưng tiền đề của ‘hoà nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu’ là người đó phải tuân thủ quy tắc của thương mại toàn cầu, nếu không thì không một ai muốn làm ăn với họ.
Hiện nay, rất nhiều người đang nghĩ một vấn đề, đó là hiện nay chứng khoán Trung Quốc đã rơi đến đáy hay chưa. Giáo sư Chương cho rằng, hiện nay kinh tế Trung Quốc chưa chạm đáy, cho nên chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy. Khi tất cả những thứ như bong bóng bất động sản, quỹ đầu tư, quỹ tín thác liên quan đến bất động sản ‘vỡ’ hết, chứng khoán Trung Quốc mới rớt đến đáy.
Thuần Phong biên dịch