Blog RFA
JB Nguyễn Hữu Vinh
21-2-2024
Thêm một tướng Công an “Học tập làm theo”
Đỗ Hữu Ca, nguyên Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án làm rúng động dư luận bởi con số tiền mà Đỗ Hữu Ca đã nhận để chạy án là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều mà người ta chú ý ở vụ án này, bởi Đỗ Hữu Ca là một nhân vật đặc biệt, một nhân vật vốn đã nổi tiếng trên dư luận xã hội từ khá lâu trước đây.
Đó là vụ án cưỡng chế, cướp đất Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trong hàng trăm, hàng ngàn vụ án cưỡng chế, cướp đất đai tài sản và gây tội ác đối với dân chúng, thì vụ Đoàn Văn Vươn có thể được coi là trong một chừng mực nào đó, đem đến một thắng lợi cho dư luận xã hội và những người hoạt động xã hội kết hợp với việc báo chí được cho mở miệng.
Tại vụ án đó, Đỗ Hữu Ca nổi danh với vai trò Giám đốc Công an, người cầm đầu việc tổ chức cưỡng chế trái luật pháp và đạo lý, trái lương tâm đối với tài sản đất đai của anh em người nông dân Đoàn Văn Vươn và đã bị phản ứng bằng súng hoa cải và nổ bình gaz. Lực lượng hùng hậu của đoàn cưỡng chế bao gồm cả công an, cả quân đội được huy động để tập kích cướp đất, phá nhà, đã lãnh hậu quả là 4 công an và 2 bộ đội bị thương mặc dù không bắt được anh em nhà Đoàn Văn Vươn.
Thế nhưng khi trả lời báo ngày 8/1/2012, Đỗ Hữu Ca, nói rằng: “vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả.”
Thế rồi, khi người ta vạch trần ra rằng thì là cái vụ tập kích ấy, vụ hợp đồng tác chiến công phu ấy, đã đánh nhầm vào khu vực công an, quân đội chẳng có nhiệm vụ gì. Và Công an, Quân đội đã hô nhau đi phá nhà dân trái luật pháp, dùng súng đạn bắn thẳng vào dân, gây tội ác, vì khu vực bị cưỡng chế không phải nơi diễn ra “Trận đánh đẹp”. Ngay lúc đó, cũng chính cái miệng Đỗ Hữu Ca, lại leo lẻo rằng thì “cái nhà, cái boongke có hầm ngầm kiên cố” ấy, chỉ là cái chòi chăn vịt”. Và cái mà Ca bảo rằng “không ai phàn nàn về chuyện ấy cả” là một làn sóng phẫn nộ của dư luận xã hội, của báo chí, của quan chức đương cũng như cựu.
Phản ứng của Đoàn Văn Vươn thể hiện sự cùng đường của người nông dân khi bị dồn vào chỗ chết và vụ án đã đi theo một hướng khác không như ý ban đầu của tập đoàn công quyền tội ác ở đây.
Dù vậy, thì Đỗ Hữu Ca cũng cứ an nhiên tự tại, thậm chí còn được phong từ đại tá lên thiếu tướng ngay trước ngày vụ xử Phúc thẩm anh em Đoàn Văn Vươn như một sự nhạo báng dư luận rằng: Là Công an, quyền chức trong tay, ai làm gì được tao.
Có lẽ quá tin tưởng vào thế mạnh của mình, nên Đỗ Hữu Ca đã bất chấp mọi sự nguy hiểm để nhận vụ chạy án này. Người ta đặt câu hỏi rằng: Khi đã nghỉ hưu, Ca còn nhận một vụ chạy án đến 35 tỷ, vậy khi Ca còn đương chức, đương quyền, với quyền sinh quyền sát đang trong tay mình, thì những vụ khác sẽ là bao nhiêu? Người ta chưa biết được, chỉ biết được rằng: Khi khám nhà Ca là các biệt thự khổng lồ tại hai địa điểm khác nhau, lực lượng chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam đồng; tiền ngoại tệ, các trang sức, vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (mang tên Đỗ Hữu Ca cùng vợ và các cá nhân khác, sổ tiết kiệm mang tên vợ Ca và các cá nhân khác.
Điều hài hước, ở đây là với khối tài sản khổng lồ đó, Đỗ Hữu Ca khai trước cơ quan điều tra rằng: “Số đồ vật, tài sản trên có được thông qua việc tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của cá nhân ông Ca và của vợ”.
Thế nhưng, người ta biết tỏng tòng tong là với tuổi của Ca, những năm ấy nếu không phải là thành phần cốt cán, thành phần cơ bản của giai cấp công nhân hoặc nông dân – nghĩa là nghèo truyền kiếp 7 đời trước – thì Ca làm sao mà vào được ngành công an khi mà đảng chỉ tụng niệm và ưu tiên Giai cấp công nông vô sản? Kể cả răng hồi đó cũng không thể bán được thì bố mẹ Ca lấy đâu ra của cải mà để lại cho Ca?
Còn tiền lương ư? Thử xem trên đất nước này từ xưa đến nay, đã có cán bộ nào sống được bằng tiền lương của mình hay chưa, nói chi đến khối tài sản khổng lồ đó?
Với ít nhất hai khối biệt thự, thậm chí là còn xâm lấn đất công, và khối tài sản bị thu kia, là người phải kê khai tài sản, Đỗ Hữu Ca chắc sẽ không có khoản kê vừa làm Giám đốc Công an lại vừa đi buôn bán bất động sản. Bởi người ta chỉ ra rằng: Ca chẳng có hồ sơ nào về việc kinh doanh hay nộp thuế kinh doanh bất động sản khi mà có số tài sản khổng lồ đó.
Nghe chuyện này, người dân bảo nhau rằng: “Với khối tài sản đó, Ca chưa khai do chạy xe ôm hoặc buôn chổi đót hoặc làm thêm thối cả móng tay là may rồi”.
Trên mạng Internet, khi thấy tấm hình Đỗ Hữu Ca với bộ mặt béo phị đứng dưới tấm bảng: “Học tập và làm theo Đạo đức Hồ Chí Minh” thì người dân lại nhớ tấm gương tày liếp mà Hoàng Chí Bảo đã kể về vụ Hồ Chí Minh lừa đảo tại Paris năm xưa. Còn ở đây, cụ thể thì Ca lại đang thực hiện phong trào viết “Nhật ký Trong tù”.
Kết cục nào cho Đỗ Hữu Ca? “Nhân văn” hay thù địch?
Vụ án Đỗ Hữu Ca sẽ đi về đâu, là câu hỏi được đặt ra hiện nay.
Hẳn nhiên là ai cũng biết được rằng lẽ ra, sẽ căn cứ vào điều nọ, luật kia, sẽ căn cứ vào dấu hiệu phạm tội không chỉ lừa đảo ở vụ 35 tỷ này mà phải triệt để mở rộng vụ án để “không bỏ lọt tội phạm”…
Thế nhưng, điều đó sẽ xảy ra, nếu Đỗ Hữu Ca là một công dân bình thường mà nói theo ngôn ngữ dân gian hiện nay là “Công dân thẳng”.
Còn ở đây lại khác. Thế nên người ta mới đặt ra câu hỏi cho vụ án này.
Người ta đặt ra câu hỏi đó bởi nhiều lẽ. Trước hết, Ca là Công an, lại còn từng là Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng, một thành phố quan trọng của cả nước.
Hẳn nhiên là đã quan trọng vậy thì mối quan hệ nhiều, chiếc ghế kiếm được phải vững chân và bền rễ mới vượt qua sóng gió xưa nay. Sai lầm mà Ca đã phạm phải ở đây, chỉ là quá chủ quan mà không nhớ rằng mình đã về hưu. Bởi quan chức cộng sản mà đã có quyết định về hưu, có nghĩa là gió đã đổi chiều và tình bạn, tình đồng chí, đồng hương, đồng môn, đồng bọn… đều thay đổi.
Thế nhưng, như vậy cũng không có nghĩa là Ca sẽ phải được xử công bằng như một công dân bình thường.
Bởi nếu là công dân bình thường, chẳng ai ngu dại gì mà chạy đến mang cả số tiền khổng lồ ấy đổ vào nhà.
Bởi công dân bình thường, làm sao ai tin rằng có khả năng chạy án, bởi chẳng ai có thể chạy án tốt bằng các quan chức trong các ngành luật pháp như Công an, kiểm sát, tòa án… là những ngành mà “muốn xử có tội cũng được mà có công cũng được”.
Bởi việc Ca nhận hàng chục tỷ đồng rồi bỏ tủ cất đi cứ như không có chuyện gì xảy ra, nó chứng tỏ một điều rằng đây chỉ là vài vụ lẻ tẻ và lặt vặt không cần tốn công động não mấy.
Khi Ca là công an, lại là tướng Công an biến thành Tướng Cướp, thì có nghĩa là câu chuyện nghề nghiệp bị sa cơ lỡ chân mà thôi. Vậy nên, vẫn còn nhiều đàn em, vẫn có nhiều đồng chí không vì tình, mà vì tiền, vì những quyền lợi, nghĩa vụ trong những phi vụ liên quan. Vì thế cái câu của cha ông rằng “Mở miệng mắc quai” là câu chuyện ví dụ vẫn tồn tại.
Và do đó, nếu “đánh chó, phải ngó chủ nhà” là điều hiển nhiên.
Chẳng vậy mà các tướng cướp công an phạm các tội “lẫy lừng” như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi ra tòa mới được hưởng sự “Khoan hồng, nhân văn” của đảng đến thế bằng mấy năm tù ví dụ, chứ còn nếu là “công dân thẳng thì chắc không tru di thì cũng “tùng xẻo”.
Nói đâu xa xôi, mới đây Nguyễn Anh Tuấn cũng là “Tướng Công an chuyển sang tướng cướp” trong vụ Chuyến bay giải cứu là một ví dụ điển hình.
Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận tiền chạy án, mà nhận nhiều hẳn hoi, tận 2,8 triệu đola nghĩa là khoảng 65 tỷ chứ không chỉ 35 tỷ như Đỗ Hữu Ca. Nhận xong, Tuấn chỉ đưa có 800.000 đôla đi chạy án, còn 2 triệu (nghĩa là 50 tỷ) đem bỏ két cất. Chỉ đến khi vụ việc bị vỡ lở, thì Tuấn mới lộ ra số tiền đó.
Mà khi khám nhà Tuấn, công an còn thu được hàng trăm lượng vàng, tiền tỷ và các thứ tài sản khác dù đã được báo động, được “rung chà cho cá nhảy” trước hàng tháng trời.
Vậy mà dù ngay trước Tòa, một cựu công an khác đã yêu cầu khởi tố Tuấn tội lừa đảo như Ca, nhưng Tòa lại bị… điếc đột ngột, quyết không nghe yêu cầu khởi tố Tuấn tội lừa đảo. Để rồi cho Tuấn một mức án ví dụ là 5 năm tù như sự đùa cợt cái gọi là “Nhà nước pháp quyền”.
Và vui hơn nữa, hài hơn nữa và “Nhân văn” hơn nữa, đó là dù Tuấn thấy chỉ mấy năm tù ấy đã thở phào nhẹ nhõm không cần kháng án. Thì tòa vẫn thấy phân vân, thấy áy náy vì chưa đủ “nhân văn” nên đến phiên phúc thẩm, Tòa đột ngột giảm thêm cho 1 năm nữa.
Thế mới là “Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN”.
Còn hôm nay, Đỗ Hữu Ca sẽ được đối xử như thế nào? Đó là điều khó đoán trước.
Sẽ là nhân văn hay thù địch, điều đó phụ thuộc vào quá trình vận động thời gian qua và quá trình xét xử sắp tới.
Và điều quan trọng nhất là gia đình Ca không gặp phải đối tượng nhận tiền rồi để đó không chịu chạy án như chính Ca đã làm trong vụ án này.