Phân tích: Quyền lực của ông Tập Cận Bình mạnh hay yếu?

Ninh Hải ChungLạc Á

Phân tích: Quyền lực của ông Tập Cận Bình mạnh hay yếu?
Vào ngày 8/2/2024, tại Bắc Kinh, nhân viên an ninh đứng bên ngoài tòa nhà Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, các bản tin bên trong tòa nhà cho thấy bóng dáng ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. (PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Những diễn biến gần đây ở Trung Nam Hải cho thấy nhiều vấn đề đang diễn ra trong nội bộ chính quyền Trung Quốc: Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vẫn chưa được tổ chức; ông Tập Cận Bình thường xuyên yêu cầu cấp dưới thể hiện lòng trung thành. Nhiều cuộc thảo luận về việc liệu khả năng kiểm soát quyền lực chính trị trên thực tế của Tập Cận Bình mạnh hơn hay yếu hơn sau khi ông Tập lên nắm toàn quyền?

Hội nghị Trung ương 3 liên tục bị trì hoãn

Theo thông lệ, Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải được tổ chức vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Hội nghị vẫn chưa được triệu tập. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do Tập Cận Bình không muốn lộ điểm yếu của mình và chỉ muốn tổ chức hội nghị khi chắc chắn có thể thể hiện sức mạnh.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Tập Cận Bình đang cố gắng ngăn chặn sự lặp lại của lịch sử giống sự kiện ‘Đại hội bảy nghìn người’ diễn ra từ ngày 11/1 đến 7/2/1962. Hội nghị Trung ương 3 cần đảm bảo không có bất kỳ lời chỉ trích nào vượt quá ranh giới ‘an toàn tuyệt đối’ hoặc ‘trung thành tuyệt đối’.

Một hiện tượng đáng chú ý là tên của Lý Thượng Phúc, cựu Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng do Tập Cận Bình đích thân lựa chọn, đã âm thầm bị gỡ khỏi danh sách Ủy viên Quân ủy Trung ương trên trang web của Bộ Quốc phòng. Cánh tay phải trước đây của ông Tập, cựu Ngoại trưởng Tần Cương, mới đây vào ngày 27/2 đã bị chấm dứt tư cách đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc, nhưng chỉ “từ chức”. Hai người này vẫn có tư cách Ủy viên Trung ương, theo quy định cần phải tổ chức Hội nghị Trung ương để xử lý. Theo nhận định chung, việc xử lý những người này khiến Tập Cận Bình rất khó xử.

Trước đây, cũng có ý kiến cho rằng, ông Tập muốn họp thì họp, không muốn họp thì thôi, chứng tỏ ông Tập có thể tùy ý hành động. Vậy rốt cuộc thực lực của Tập Cận Bình là mạnh hay yếu?

Ông Vương Hách, Chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 27/2 rằng, sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20, quyền lực của Tập Cận Bình đã đạt đến đỉnh cao, nhưng uy tín và ảnh hưởng của ông lại xuống thấp, tạo nên một sự tương phản lớn.

“Trên bề mặt, bạn nắm giữ quyền lực và mọi người đều nghe theo bạn, nhưng thực tế mọi người đều không hài lòng với bạn và muốn tìm cơ hội hạ bệ bạn. Đây là tình cảnh thực sự hiện tại của Tập Cận Bình, ông ta đang tự đặt mình vào miệng núi lửa”.

Ông Vương Hách cho biết, việc khó tổ chức Hội nghị Trung ương 3 phản ánh tình hình tồi tệ hiện tại của chính quyền Trung Quốc, với sự bất đồng nội bộ rất lớn. Vào cuối năm ngoái, trong Hội nghị Đời sống Dân chủ, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng mọi người cần thống nhất với Ban chấp hành Trung ương Đảng về đánh giá các vấn đề quan trọng.

“Mặc dù các thành viên Bộ Chính trị đều do Tập Cận Bình đích thân lựa chọn, nhưng tình hình hiện tại rất bi quan, nếu ông Tập tiếp tục đi theo con đường này, liệu họ có rơi vào hố lửa hay không? Hiện nay, nội bộ phe ‘Họ Tập’ cũng đã có những ý kiến khác nhau về Tập Cận Bình, và những dấu hiệu đã xuất hiện”.

Ông Vương Hách cũng đồng ý với ý kiến cho rằng Tập Cận Bình không thể để Hội nghị Trung ương 3 trở thành cơ hội cho phe đối lập tấn công ông áy. “Ông ấy phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi triệu tập hội nghị”.

Giáo sư danh dự Đinh Thụ Phạm thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan nói với The Epoch Times rằng tình hình kinh tế Trung Quốc không tốt, và việc Tập Cận Bình không triệu tập Hội nghị Trung ương 3 có thể là do ông Tập ngày càng cảm thấy bất an. Tuy nhiên, các cán bộ cấp cao của Trung Quốc hiện nay có thể đang bị giám sát chặt chẽ, về mặt lý thuyết họ không dám làm gì, chẳng hạn như công khai chống đối hoặc nổi dậy chống lại ông Tập. Họ chỉ có thể ở trạng thái “nằm im” thụ động, điều này cũng không có lợi cho ông Tập vì ông ấy cần cấp dưới thực hiện công việc.

Quy định Thanh tra được sửa đổi nhằm bảo vệ ông Tập?

Quy định công tác thanh tra mới được chính quyền Trung Quốc sửa đổi gần đây đã nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của thanh tra là bảo vệ vị trí trung tâm của Tập Cận Bình và uy quyền của Trung ương Đảng. Nội dung trong Quy định trước đây không đề cập đến việc bảo vệ vị trí trung tâm của ông Tập. Ngoài ra, quy định lần này cũng nhấn mạnh rằng thanh tra là “giám sát chính trị” chuyên biệt của cấp trên đối với cấp dưới. Bình luận viên thời sự Chung Nguyên cho rằng đây là do Tập Cận Bình lo lắng về vị trí của mình không được đảm bảo, vì vậy ông vội vàng đưa ra chiến thuật đấu đá nội bộ để lấy lại tinh thần.

“Trung ương Đảng sợ mất quyền lực, nên mới liên tục củng cố quyền lực; Trung ương Đảng sợ bị nghi ngờ, sợ mất uy tín, nên mới giám sát các cấp, không cho phép bất kỳ ai nói lung tung”. – Ông Chung Nguyên viết trong bài xã luận trên The Epoch Times.

Ông Đinh Thụ Phạm cho biết, trong vài năm qua, ĐCSTQ liên tục nhắc đến “hai việc bảo vệ” và những điều tương tự, bản thân đều là muốn bảo vệ Tập Cận Bình, bảo vệ uy quyền tối cao của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định chống tham nhũng, việc nêu rõ cần bảo vệ vị trí của Tập Cận Bình là một vấn đề rất nghiêm trọng.

“Tại sao mọi mâu thuẫn đều đổ lên đầu Tập Cận Bình? Bởi vì trong mười năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung mọi quyền lực vào tay cá nhân, do đó (áp lực) cũng là điều không thể tránh khỏi”.

Sự hung hăng của phe Maoist phản ánh sự yếu kém của Tập?

Trang web “Mao Trạch Đông Bách khoa toàn thư” của Chủ nghĩa Mao tại Trung Quốc gần đây đã bị Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) khóa, nhưng sau đó đã hoạt động trở lại bình thường sau sự ủng hộ của phe Maoist trong và ngoài nước. Một người trong cuộc tiết lộ với The Epoch Times rằng vụ việc này cũng liên quan đến việc CAC can thiệp để ổn định tình hình, và chính quyền đã có những hành động gây áp lực và thỏa hiệp.

Dù bị cáo buộc quay lại đường lối Mao Trạch Đông nhưng Tập Cận Bình vẫn phải mang danh cải cách, mở cửa theo Đặng Tiểu Bình. Ông Viễn Hồng Băng, một học giả ở Úc, gần đây đã tiết lộ rằng, lực lượng cánh tả theo chủ nghĩa Mao ngày càng gia tăng đang đe dọa sự ổn định chính trị của Tập Cận Bình. Những người thuộc phe Maoist đang viết một tài liệu phê phán toàn diện đường lối chính trị và kinh tế của Đặng Tiểu Bình, đồng thời liệt kê 10 tội ác lớn của đường lối Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Ngoài ra, gần đây có người đăng bài viết chế giễu Đặng Tiểu Bình trên một trang web của phe Maoist trong nước nhưng chưa bị xóa. Phải chăng sự kiêu ngạo của phe Maoist cũng tương ứng với sự suy yếu của Tập?

Ông Vương Hách cho rằng chủ nghĩa Mao không còn nhiều ảnh hưởng trong ĐCSTQ, ngoại trừ ảnh hưởng của nó trong dân chúng cơ sở và một bộ phận nhỏ trí thức, các nhóm lợi ích của ĐCSTQ đều chống phe Maoist. Họ đều muốn theo đường lối của Đặng Tiểu Bình là để một số người làm giàu trước, tất nhiên là có họ trong đó. Ngay cả khi các chức cấp cao của ĐCSTQ ủng hộ Maoist, họ cũng chỉ muốn dùng Maoist để tấn công Tập Cận Bình.

“Bao gồm cả bản thân Tập Cận Bình, ông ấy sử dụng biểu ngữ của Mao Trạch Đông trên nhiều khía cạnh, nhưng về bản chất, ông ấy muốn duy trì sự cai trị của cá nhân mình, nắm quyền và bịt miệng đối phương”.

Ông Đinh Thụ Phạm cho rằng Tập Cận Bình thực sự sẽ chịu áp lực về nhiều mặt, và phe Maoist là một trong số đó. Gần đây có nhiều người đề nghị bảo vệ doanh nhân tư nhân, quan chức cũng lên tiếng nhưng phe Maoist muốn tấn công triệt để chủ nghĩa tư bản tư nhân.

“Chúng tôi không biết liệu ông Tập có thể thực sự bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân hay không. Ít nhất ông ấy coi các doanh nghiệp tư nhân như của riêng mình. Điều này trái ngược với Maoist, bởi vì các doanh nghiệp tư nhân về cơ bản không được phép tồn tại trong thời đại của Mao”.

Yêu cầu chế độ báo cáo cá nhân thể hiện điểm yếu của ông Tập?

Theo báo cáo chính thức ngày 26/2, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ gần đây đã đưa “báo cáo bằng văn bản” cho Tập Cận Bình. Những người báo cáo về công việc của họ bao gồm các thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị và các thư ký thuộc Ban thư ký, cũng như các thành viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Hội đồng Nhà nước, Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và các Bí thư Đảng ủy của Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao. Đây đã là quy định kể từ khi ông Tập sửa đổi hiến pháp vào năm 2018 để thiết lập quyền lực trọn đời và phạm vi báo cáo của các quan chức kể từ đó đã được mở rộng.

Ông Vương Hách cho rằng tình hình kinh tế và chính trị hiện tại không tốt. Tập Cận Bình trước hết muốn ổn định tình hình nội bộ, loại bỏ Bộ Chính trị và những người khác, ông muốn các quan chức cấp cao này báo cáo cá nhân về công việc của họ cho ông, điều này phản ánh rằng không có sự đồng thuận giữa các lãnh đạo cao nhất trong nội bộ chính quyền và đấu tranh nội bộ diễn ra ác liệt.

Ông Vương Hách phân tích rằng chính quyền Trung Quốc sắp triển khai một kế hoạch toàn diện, cái gọi là ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 15’ có thể hoạch định những gì mọi tầng lớp xã hội nên làm. Nhưng tình hình hiện tại rất tồi tệ, quyền lãnh đạo cá nhân của Tập Cận Bình bị thách thức chưa từng có, kể từ khi lên nắm quyền, ông chưa bao giờ nguy hiểm đến thế. Gần đây, Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp Ủy ban Cải cách sâu sắc và cuộc họp Ủy ban Tài chính Kinh tế, trước đó ông cũng tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, các cuộc họp chuyên đề lần lượt được tổ chức, cho thấy kế hoạch tổng thể cho tương lai, cái gọi là thiết kế cấp cao nhất vẫn chưa có sẵn.

“Vấn đề đã trở nên rất gay gắt. Mặt khác, tại sao Hội nghị Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng không thể tổ chức được? Đó là vì Tập Cận Bình không có được sự ủng hộ của mọi người và ông ấy không thể đưa ra được kế hoạch, điều này cho thấy khả năng kiểm soát quyền lực của Tập Cận Bình rất mong manh”.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Related posts