Thiện Tâm
Tọa lạc ở ốc đảo Tamya thuộc Ả-rập Xê-út là một tảng cự thạch với tên gọi Al-Naslaa. Tảng đá lớn này được chia thành 2 nửa một cách hoàn hảo hệt như cắt bằng tia laser và có những hình vẽ bí ẩn trên bề mặt.
Không chỉ như vậy, hai nửa của tảng đá đã đứng vững trong nhiều thế kỷ, dường như chúng có cách riêng để cân bằng. Hẳn trí tưởng tượng của nhiều du khách sẽ tha hồ bay bổng khi đứng trước kỳ quan này.
Hai nửa của táng đá khổng lồ đứng vững hàng thế kỷ
Có lẽ điều đầu tiên mà người ta thắc mắc khi chiêm ngưỡng là vì sao tảng đá có thể đứng vững đến ngày nay khi mỗi nửa của nó chỉ đứng trên 1 tảng đá nhỏ, đóng vai trò giá đỡ.
Kích thước của mỗi nửa tảng đá tương đương với một tòa nhà 2 tầng, trong khi phần “chân đế” chỉ tương đương với một chiếc giường 1,6m, thậm chí nhỏ hơn.
Mặt khác, trải qua hàng ngàn năm, 2 nửa của tảng đá vẫn tiếp tục đứng cân bằng, không hề suy chuyển và vẫn duy trì khoảng cách không đổi giữa chúng.
Người ta suy đoán rằng phần “chân đế” của 2 nửa được đặt trên 2 tảng đá khác, giúp cho chúng được cách ly với nền đất, nhờ vậy các rung động từ mặt đất bị triệt tiêu, giúp chúng có thể đứng cân bằng qua hàng nghìn năm đến tận ngày nay.
Tranh cãi về nguồn gốc của vết cắt
Điều kỳ lạ hơn nữa khi chiêm ngưỡng Al-Naslaa là dường như nó được cắt làm hai nửa một cách chính xác và hoàn hảo.
Khoảng cách hoàn hảo giữa hai nửa tảng đá khiến ta liên tưởng rằng để cắt được nó, người cổ đại hẳn phải sử dụng một thiết bị với một công nghệ rất tiên tiến và chính xác.
Kể từ khi được phát hiện đến nay, vết cắt ngọt sắc trên tảng đá này không chỉ thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi năm mà còn gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu.
Một số cho rằng tảng đá bị cắt từ một hiện tượng tự nhiên chứ không phải do bàn tay con người. Từ rất lâu đã có những rung động nhỏ trong lòng đất phía dưới tảng đá, tạo ra các vết nứt nhỏ trên bề mặt của nó. Dần dần qua nhiều thế kỷ, các vết nứt ấy lan rộng rồi bất ngờ làm tảng đá nứt toác làm đôi ngay tại trung tâm.
Nhưng giả thuyết này chưa thỏa đáng ở chỗ: nếu là vết cắt tự nhiên thì nó không thể nhẵn, chuẩn đến từng milimet và kéo dài cả chục mét đến như thế được.
Điều đó làm dấy lên giả thuyết thứ hai: đã từng có một nền văn minh vô cùng tiên tiến tồn tại quanh khu vực của tảng đá, nền văn minh này sở hữu một công nghệ cắt đá bằng máy móc thiết bị chính xác. Tảng đá là một công trình đang được chế tác dang dở theo một mục đích nào đó. Theo thời gian, nền văn minh đó bị xóa sổ khỏi Trái Đất, điều còn lại chỉ là tảng đá gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Kim tự tháp rốt cuộc được xây dựng để làm gì?
Công nghệ nhân tạo nào có thể được sử dụng để cắt tảng đá?
Ngày nay, để cắt đá và chế tác đá, người ta có thể sử dụng các công cụ như thuốc nổ, máy cắt bằng lưỡi cưa, máy cắt bằng tia nước và máy cắt bằng tia laser.
Sử dụng thuốc nổ và máy cắt bằng lưỡi cưa là hai phương thức khá truyền thống. Tuy nhiên, thuốc nổ thường khiến cho các vết cắt không thẳng trong khi các máy cắt bằng lưỡi cưa không thể cắt các phiến đá lớn đến hàng mét.
Máy cắt bằng tia nước sử dụng một tia nước có áp suất rất cao và tốc độ lớn. Thông thường, các máy cắt này chỉ sử dụng để cắt các tảng đá có độ dày vài chục cm.
Máy cắt bằng tia laser cho phép cắt hầu hết các vật liệu ngày nay nhờ chùm tia laser được hội tụ bằng thấu kính đốt nóng và tạo ra vùng vật liệu nóng chảy, từ đó sinh ra vết cắt. Tuy nhiên vì chi phí cao, nên máy cắt laser hiện nay chỉ được sử dụng để khắc các vật liệu. Chưa ai sử dụng nó để cắt các vật liệu có độ dày hàng mét.
Vậy tảng đá Al-Naslaa được cắt bằng công nghệ gì? Với tầm hiểu biết của chúng ta hiện nay, công nghệ nhân tạo khả thi nhất có thể được sử dụng để cắt nó là công nghệ laser. Nhưng tia laser mới chỉ được phát minh vào năm 1953. Còn vết cắt này đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
Vậy nếu Al-Naslaa được cắt bằng công nghệ nhân tạo, hẳn trong quá khứ, nền văn minh tiền sử nào đó đã sở hữu công nghệ cắt bằng laser hay một công nghệ cắt tiên tiến khác một cách hết sức tinh vi và thuần thục. Điều này liệu có khả năng xảy ra hay không?
Các kết quả khảo cổ đã cho thấy rải rác ở rất nhiều nơi trên thế giới, người ta đã phát hiện các công trình cự thạch lớn có độ tuổi hàng chục nghìn năm với công nghệ thế tác và xây dựng cực cao mà ngay cả người ngày nay cũng khó thực hiện nổi. Ví dụ, di chỉ đá Saksaywaman ở Peru với các tảng đá xếp khít đến kinh ngạc, di chỉ đá Puma Punku và Tiwanaku tại Bolivia với các vết khoan cắt tinh xảo. Hay, người ta cũng phát hiện ra nhiều công trình và tạo tác có tuổi thọ hàng nghìn năm thể hiện trình độ rất cao của con người xa xưa trên trái đất như thư viện di vật đá ở Peru hay công nghệ hàng không thời cổ đại, v.v… Những điều này chứng tỏ rằng đã từng tồn tại các nền văn minh tiền sử, sở hữu các công nghệ rất cao trên trái đất. Vì lý do nào đó mà các nền văn minh này bị hủy diệt theo thời gian.
Như vậy, giả thuyết cho rằng Al-Naslaa được cắt bằng công nghệ của nền văn minh tiền sử cũng không phải là quá xa vời.
Dấu vết lịch sử của Al-Naslaa
Al-Naslaa được Charles Huver phát hiện vào năm 1883. Những khám phá khảo cổ đã chỉ ra rằng khu vực nơi tảng đá Al-Naslaa nằm có dấu vết con người sinh sống trong thời kỳ cổ đại. Một điểm hấp dẫn đặc biệt khác là trên tảng đá khổng lồ này còn có những bức bích họa con người trong hình dáng hiện đại.
Năm 2010, Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Ả-rập Xê-út thông báo tìm thấy một tảng đá khác gần Teima với một dòng chữ tượng hình của Pharaon Ramses III – một trong những vị vua trị vì mang đến thành tựu to lớn nhất cho nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết có đường mòn huyết mạch nối Biển Đỏ với Ả-rập và vùng sông Nile, cũng là nơi được cho có nền văn minh tiền sử phát triển rực rỡ và đã bị hủy diệt. Điều này củng cố cho giả thuyết rằng sự phát triển của công nghệ ở thế giới cổ đại đã đi trước con người hiện nay hàng ngàn năm.
Bí ẩn về cự thạch Al-Naslaa đến nay vẫn là một trong những ẩn số lớn của nhân loại. Nhưng nếu chúng ta thực sự thay đổi quan niệm và thừa nhận về sự tồn tại, phát triển và hủy diệt của các nền văn minh nhân loại qua các thời kỳ tiền sử, thì phải chăng câu chuyện về Al-Naslaa sẽ không còn là điều bí ẩn nữa?
Video về Al-Naslaa:
Thiện Tâm tổng hợp