Tách rời kinh tế Mỹ-Trung: Thực tế không như Trump và Biden muốn

Nguồn: “How Trump and Biden have failed to cut ties with China”, The Economist, 27/02/2024.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Donald Trump và Joe Biden bất đồng trên rất nhiều điểm, nhưng họ có cùng quan điểm về quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Cả hai người đều cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đơn giản là quá phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai. Do đó, các quan chức Mỹ đi khắp thế giới ca ngợi lợi ích của “friendshoring” – tức dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và đưa đến các thị trường ít rủi ro hơn. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những tiếng nói ủng hộ, và nhìn chung thực sự lo lắng trước tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, cũng như tình hình chính trị khó đoán định của nước này. Số lượng đề cập đến “chuyển sản xuất về nước” (reshoring) trong các buổi họp online công bố thu nhập quý đã bùng nổ.

Nhưng bao nhiêu trong số này là không phải nói suông? Năm ngoái The Economist đã lập luận rằng rất nhiều giả định về sự tách rời Mỹ-Trung thực tế chỉ là ảo tưởng. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước thật ra vẫn vững chắc, ngay cả khi sự thật này bị che đậy bởi những thủ pháp của cả hai bên. Kể từ đó, ngày càng có nhiều bằng chứng xác nhận và củng cố bài viết của chúng tôi. Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ không tách rời nhau. Một số thay đổi trong chuỗi cung ứng thậm chí có thể khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.

Một bức tranh hoàn chỉnh về thương mại Mỹ-Trung sẽ không thể thiếu thương mại dịch vụ, chẳng hạn như việc Mỹ sử dụng các ứng dụng Trung Quốc hay người dân Trung Quốc hâm mộ phim Mỹ. Nhưng những dòng chảy này rất khó thống kê, và các nhà kinh tế hầu như tập trung vào thương mại hàng hóa, thứ mà hải quan đo lường khá chính xác. Nếu chỉ nhìn từ phương diện này, quan điểm ‘tách rời’ của Biden và Trump dường như đang thắng thế. Năm ngoái Mexico đã vượt Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu của Mỹ, kể từ năm 2017, tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc đã giảm 1/3 xuống còn khoảng 14%. Một phần của sự suy giảm đó xảy ra sau khi ông Trump áp thuế cao vào năm 2018. Một phần khác phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc: nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, nhiều chuỗi cung ứng ở châu Á sẽ sụp đổ.

Vấn đề là những con số tiêu đề không cho thấy toàn bộ câu chuyện. Để hiểu lý do tại sao, hãy bắt đầu với thuế quan của Trump, mà Biden phần lớn vẫn giữ nguyên. Trước khi được áp dụng vào năm 2018, số liệu thống kê của Mỹ cho thấy Mỹ nhập nhiều hàng từ Trung Quốc hơn so với con số mà thống kê của Trung Quốc cho thấy. Nhưng giờ thì ngược lại. Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ tăng 30 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, trong khi Mỹ ghi nhận nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 100 tỷ USD. Nếu dữ liệu của Bắc Kinh là chính xác thì tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ dù giảm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dữ liệu của Mỹ.

Tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của 10 nước châu Á xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

Đâu là nguyên do của những khác biệt thống kê này? Adam Wolfe của hãng tư vấn Absolute Strategy Research cho rằng nó phản ánh việc các nhà nhập khẩu Mỹ báo cáo thấp số lượng hàng họ mua từ Trung Quốc để tránh thuế. Từ đó, ông Wolfe ước tính Mỹ đếm thiếu nhập khẩu từ Trung Quốc tới 20-25%. Đồng thời, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với các nhà xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp trong nước không còn nhiều động cơ để tính giảm hàng xuất đi.

Các nguồn dữ liệu khác càng cho thêm lý do để nghi ngờ khả năng tách rời hai nền kinh tế. Các bảng “Đầu vào-đầu ra” của Ngân hàng Phát triển châu Á có thể cho thấy bao nhiêu phần trăm trong hoạt động kinh tế của một nước là đến từ các nước khác. Khi xem xét 35 ngành công nghiệp, chúng tôi tính toán rằng năm 2017 khu vực tư nhân Trung Quốc đóng góp trung bình 0,41% đầu vào của các công ty Mỹ. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng nó đánh bại mức 0,38% của Đức và 0,24% của Nhật Bản. Đến năm 2022, thị phần của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 1,06%, mức tăng lớn hơn cả Đức và Nhật. Thật khó để biết chính xác điều gì thúc đẩy xu hướng này. Những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch có thể là một yếu tố khiến việc nhập khẩu thiết bị điện của Trung Quốc trở nên quan trọng hơn. Các công ty trong ngành dịch vụ của Mỹ dường như cũng ngày càng phụ thuộc vào tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Dù nguyên nhân là gì, các số liệu này rõ ràng cho thấy sự kém thực chất của việc tách rời.

Những diễn biến từ phía Trung Quốc cũng cho thấy điều tương tự. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có ý định từ bỏ vai trò của nước họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp áp lực từ Mỹ. Hồi tháng 12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đã ưu tiên mở rộng thương mại các hàng hoá trung gian (những sản phẩm được dùng trong sản xuất hàng hóa thành phẩm). Các ngân hàng vốn nhà nước đang chuyển hướng tín dụng từ bất động sản sang sản xuất, làm tăng nguy cơ dư thừa hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Và nhiều gã khổng lồ mới của ngành công nghiệp Trung Quốc, như hãng sản xuất pin Contemporary Amperex Technology, BOE Technology Group, nhà sản xuất màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ, và Longi Green Energy Technology, công ty chuyên sản xuất linh kiện cho tấm pin mặt trời, có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ chiến lược này.

Quả thật, sự phát triển của các công ty như thế có tác động thực chất. Chúng tôi ước tính kể từ năm 2019, xuất khẩu hàng hóa trung gian toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 32%, so với mức tăng 2% của các loại hàng xuất khẩu khác như hàng thành phẩm. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam, hai trong số những đối tác thương mại ưa thích của chính phủ Mỹ. Ngược lại, thương mại của Mỹ với các nước này cũng tăng lên – từ 4,1% lượng hàng nhập khẩu vào năm 2017 lên 6,4% hiện nay. Kết hợp lại, những xu hướng này cho thấy Việt Nam và Ấn Độ đang làm trung tâm đóng gói hàng hóa được sản xuất bằng nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc để xuất sang Mỹ.

Nhiều thỏa thuận như vậy đang xuất hiện trên khắp thế giới. Ví dụ như Ấn Độ, nơi chính phủ đang cố gắng xây dựng nền tảng chế tạo trong nước. Sau khi áp dụng trợ cấp, xuất khẩu điện thoại di động đã tăng vọt, dường như cho thấy Ấn Độ đang lấy thị phần của Trung Quốc. Song trong một bài nghiên cứu gần đây, Rahul Chauhan, Rohit Lamba, và Raghuram Rajan, ba nhà kinh tế, đã chỉ ra rằng việc nhập khẩu các bộ phận điện thoại di động, như pin, màn hình và chất bán dẫn, cũng đã tăng vọt. Ấn Độ dường như là một nhà máy trung gian hơn là một cường quốc về điện thoại thông minh.

Mức độ tương quan giữa nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Trong khi đó, thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng bùng nổ. Tuy vậy, hoạt động sản xuất của nước này vẫn gắn bó sâu sắc với chuỗi cung ứng Trung Quốc, nghĩa là phần lớn những gia tăng trong xuất khẩu sang Mỹ thực chất có thể đến từ các sản phẩm mang ít hàm lượng Việt Nam. Một số mặt hàng thậm chí về cơ bản chỉ là chuyển hướng từ Trung Quốc, như bộ thương mại Mỹ thỉnh thoảng chỉ ra. Mối tương quan giữa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc hiện cao hơn đáng kể so với trước khi ông Trump áp thuế quan. Điều này cho thấy ngành chế tạo phát triển mạnh ở Đông Nam Á đang ngày càng đóng vai trò là cầu nối, trung gian cho hàng sản xuất của Trung Quốc và nhu cầu của Mỹ.

Ở Mexico thì tình hình phức tạp hơn một chút. Các tiêu chuẩn được thiết lập bởi Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ-Mexico-Canada yêu cầu “hàm lượng giá trị khu vực” cao hơn, nghĩa là xuất khẩu được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sản xuất được tiến hành ở Bắc Mỹ. Trong một số ngành mà xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đang bùng nổ, chẳng hạn như sản xuất ô tô, sự tăng trưởng khó có thể là do tách rời, vì Trung Quốc chưa bao giờ xuất khẩu số lượng lớn ô tô và phụ tùng sang Mỹ: năm 2018, nhập khẩu hàng hóa và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc chỉ chiếm 6% nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ. Trong khi đó, nhập khẩu vật tư công nghiệp từ Trung Quốc của Mexico đã tăng mạnh, khoảng 40% kể từ năm 2019. Ngay cả ở sân sau của Mỹ, việc tách rời cũng không diễn ra như dự kiến.

Từ đó có thể thấy rất rõ ràng là chuỗi cung ứng của Trung Quốc vẫn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, dù có thể không trực diện như trước. Liệu thực tiễn này có được duy trì? Ông Trump đã đe dọa áp mức thuế khổng lồ đối với tất cả các sản phẩm từ Trung Quốc nếu ông trở thành tổng thống vào tháng 11. Những khoản thuế như vậy có thể đủ để khuyến khích một số công ty rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn. Các tính toán hung hăng của Tập Cận Bình – dù ở Đài Loan hay nơi nào khác – đều có thể có tác động tương tự. Ngoài ra, trong những thập niên tới, một số nước hiện đóng vai trò là bước cuối trong dây chuyền sản xuất có thể phát triển năng lực công nghiệp và thách thức vị thế của Trung Quốc.

Nhưng nếu không có những thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ hoặc Trung Quốc, mô hình hiện tại sẽ không thay đổi. Nhiều nước sẵn sàng chơi với cả hai bên – nhận đầu tư và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc rồi xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ. Hiệu quả kinh tế đến từ quy mô khổng lồ và chuyên môn trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc là một lực đẩy quá lớn. “Tách rời” có thể là một luận điệu to tát, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại./.

Related posts