Hôm 5/3 vừa qua, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt thỏa thuận tạm thời về cấm nhập khẩu các sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất vào thị trường chung châu Âu.
Được biết, thỏa thuận làm rõ các trách nhiệm của Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên EU trong việc xác định các công ty sử dụng lao động cưỡng bức và cấm sản phẩm của những doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Bỉ, ông Pierre-Yves cho biết mục đích của thỏa thuận là chấm dứt mô hình kinh doanh này. Ông cho hay: “Với quy định này, chúng tôi muốn đảm bảo không có chỗ cho sản phẩm của họ trên thị trường chung, bất kể là được sản xuất tại châu Âu hay ở bên ngoài”. Bỉ hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Lệnh cấm này sẽ được áp dụng đối với hàng hóa sản xuất bên ngoài EU do lao động cưỡng bức làm ra, các sản phẩm được sản xuất bên trong EU những có linh kiện do lao động cưỡng bức làm ra ở bên ngoài khối. Thỏa thuận tạm thời này vẫn cần được EP và Hội đồng EU chính thức thông qua để có hiệu lực.
Hồi tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã có biện pháp nhằm vào pin xe điện từ Trung Quốc liên quan đến vấn nạn lao động cưỡng bức ở quốc gia này.
Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFPLA) ban hành vào năm 2022, chủ yếu tập trung vào các tấm pin mặt trời, cà chua và quần áo bông. Tuy nhiên, đạo luật này hiện đang được mở rộng để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm của xe điện như pin lithium-ion, lốp xe và nguyên liệu thô chính của ô tô là nhôm và thép. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã tăng cường kiểm tra các chủng loại sản phẩm nói trên.
Điều này có thể tác động đến ngành công nghiệp xe điện ở Mỹ do các nhà sản xuất đang ngày càng phải chứng tỏ rằng chuỗi cung ứng của họ không được hưởng lợi từ các trại lao động Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc theo Đạo luật UFPLA. Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tây Bắc Trung Quốc hay tiến hành đàn áp trên diện rộng đối với những người tu luyện Pháp Luân Công.
Hơn một năm thực thi UFLPA đã khiến cho các dự án năng lượng Mặt Trời bị ảnh hưởng không nhỏ, trong bối cảnh khi mà các lô hàng bảng điều khiển đã bị tạm giữ thời gian dài các nhà kho của Mỹ. Theo nhóm thương mại của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt Trời Mỹ, việc lắp đặt các cơ sở năng lượng Mặt Trời lớn cho các tiện ích đã sụt giảm 31% vào năm 2022 do nguồn cung cấp bảng điều khiển bị hạn chế.
Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu dựa vào năng lượng Mặt Trời và xe điện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình, trong đó sử dụng hàng trăm tỷ đô la tiền thuế của người dân để tài trợ cho quá trình này.
Phan Anh