Bình luận: Bức tranh ảm đạm về năng lực quân sự của Mỹ khi ‘so kè’ với Trung Quốc

John Mac Ghlionn

Bình luận: Bức tranh ảm đạm về năng lực quân sự của Mỹ khi 'so kè' với Trung Quốc
Các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia huấn luyện quân sự tại Dãy núi Pamir ở Kashgar, vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, vào ngày 4/1/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Một bài viết gần đây trên The Conservation của tác giả Daniel Murphy, Giám đốc điều hành của Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar-Rahmani (M-RCBG) tại Trường Harvard Kennedy, đã đưa ra một nhận định gây tranh cãi: Hoa Kỳ đang đánh giá quá cao năng lực quân sự của Trung Quốc.

Theo ông Murphy, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục tô vẽ về một Trung Quốc hùng mạnh với sức mạnh quân sự không thể ngăn cản. Thông qua việc kiểm soát thông tin trên truyền thông nhà nước và các nền tảng khác, ĐCSTQ đã xây dựng hình ảnh một quốc gia sở hữu năng lực quân sự vượt trội với tầm nhìn xa và chiến lược vô song.

Theo ông Murphy, quan điểm này dường như gây được tiếng vang đối với một số phe phái nhất định ở Hoa Kỳ, những người lo ngại về ảnh hưởng ngày càng suy giảm của nước này.

Tuy nhiên, ông Murphy lại cho rằng những lo ngại này là không có căn cứ. Ông ví Trung Quốc như một con “Rồng giấy” – bề ngoài oai hùng nhưng không có sức mạnh thực sự. Theo ông, Trung Quốc đang thổi phồng năng lực quân sự của mình chứ thực tế không hề mạnh mẽ như họ tuyên bố.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế (CIMSEC) lại đưa ra một bức tranh hoàn toàn khác. Sau khi phân tích 12 cuộc tập trận chiến tranh do RAND International, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Lục quân Hoa Kỳ và các tổ chức khác thực hiện, các nhà nghiên cứu CIMSEC đi đến kết luận trái ngược hoàn toàn với quan điểm của ông Murphy.

Nghiên cứu cho thấy, ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi Hoa Kỳ giành chiến thắng trong các cuộc tập trận, chiến thắng đó cũng phải trả giá đắt bằng tổn thất nhân mạng vô cùng lớn, lên đến hàng chục nghìn người.

Phân tích các cuộc tập trận quân sự từ năm 2016 đến 2023 cho thấy nhiều kết quả đáng chú ý, bao gồm việc Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát Đài Loan và giành chiến thắng quyết định. Nói cách khác, phần lớn kết quả này nghiêng về phía Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ.

Để so sánh, các cuộc tập trận được chia thành ba giai đoạn riêng biệt: trước năm 2017, từ 2017 đến trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022 và sau tháng 2/2022.

Giai đoạn trước năm 2018: Hoa Kỳ, Đài Loan và các đồng minh thường giành chiến thắng, nhưng cũng chịu tổn thất đáng kể.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 2/2022, tình hình trở nên bất lợi hơn đối với Hoa Kỳ và Đài Loan, khi chỉ giành chiến thắng 1 lần, thất bại 4 lần và hòa 2 lần.

Sau tháng 2/2022: Trung Quốc tiếp tục thể hiện sức mạnh quân sự gia tăng trong các cuộc tập trận.

Theo các nhà nghiên cứu, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của quân đội Hoa Kỳ trong hai thập kỷ qua. Điều này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách PLA tiến hành chiến tranh.

Nhiều cuộc tập trận mô tả thành công của Trung Quốc trong việc xâm lược Đài Loan bằng các cuộc tấn công trên không và đổ bộ đường biển.

Trong một cuộc tập trận do Không quân Hoa Kỳ (USAF) tổ chức vào năm 2030, mô phỏng việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan, USAF đã đẩy lùi thành công Trung Quốc bằng cách sử dụng máy bay không người lái (drone) để do thám, máy bay vận tải để thả đạn chính xác và các công nghệ tiên tiến khác. Tuy nhiên, chiến thắng này đã phải trả giá đắt về thương vong và trang thiết bị.

Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng trước cuộc xung đột bằng cách mua máy bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử. Khác với những kịch bản trước đây khi lực lượng Mỹ bị đánh bại, cuộc tập trận này đánh dấu sự tiến bộ của quân đội Hoa Kỳ mặc dù cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề.

Cuộc tập trận nhấn mạnh sự tối quan trọng của việc Không quân Hoa Kỳ phải nâng cao khả năng ngăn chặn PLA phát động một cuộc xâm lược sau năm 2030. Xét thấy Không quân Hoa Kỳ đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tuyển dụng, việc đảm bảo nâng cao năng lực trước cuối thập kỷ này là một thách thức lớn.

Ngoài việc tuyển dụng thêm các ứng viên có trình độ, nghiên cứu còn kêu gọi USAF mua sắm thêm máy bay chiến thuật tiên tiến, tăng số lượng máy bay không người lái và tăng cường năng lực của máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiếp nhiên liệu và nâng cao năng lực vận tải hàng không.

Một cuộc tập trận khác, có tên “Slaughter in the East China Sea”, do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) thực hiện, đã mô phỏng việc Trung Quốc chiếm giữ một trong những đảo Senkaku và thất bại của Nhật Bản trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các đảo này. Mặc dù Nhật Bản có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, nhưng các quy tắc giao tranh hạn chế khiến lực lượng Mỹ và Nhật không thể giành lại các đảo từ tay Trung Quốc.

Một cuộc tập trận khác do CNAS thực hiện cũng cho ra kết quả tương tự khi Trung Quốc chiếm đảo Pratas của Đài Loan.

Tuy nhiên, phản ứng trả đũa do Hoa Kỳ dẫn đầu trong lĩnh vực kinh tế và thông tin không hiệu quả trong việc cô lập Trung Quốc hoặc buộc họ phải trả giá đắt.

Trong một cuộc tập trận được Lục quân Hoa Kỳ hỗ trợ vào năm 2021, quân đội Đài Loan đã đầu hàng toàn bộ trong vòng chưa đầy một tháng. PLA đã thành công sử dụng phương pháp “Chống xâm nhập/Khu vực cấm” (viết tắt là A2/AD) để ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận và hỗ trợ Đài Loan.

Nếu nghiên cứu toàn diện của CIMSEC đáng tin cậy, thì những tuyên bố của ông Murphy có vẻ đã sai lầm một phần. Hoa Kỳ, đang bị phân tâm bởi các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, không nên xem nhẹ năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc đánh giá thấp Trung Quốc sẽ là một sai lầm ngớ ngẩn và có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Related posts