Tổng thống Vladimir Putin đã thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống kết thúc hôm Chủ Nhật (17/3) vừa qua, củng cố vững chắc quyền lực của ông bất chấp hàng nghìn người phản đối tiến hành biểu tình vào giờ trưa 17/3 tại các điểm bỏ phiếu và các quốc gia phương Tây lên án bầu cử Nga là vừa không tự do vừa không công bằng.
Dưới đây tờ Reuters tổng kết một số điểm đáng chú ý mà họ rút ra được từ cuộc bầu cử.
Sự thống trị của ông Putin
Chiến thắng của ông Putin chưa bao giờ bị nghi ngờ nhưng quy mô chiến thắng lần này là mới theo các tiêu chuẩn hậu Liên Xô.
Ông Putin vẫn có uy tín lớn bên trong nước Nga bất chấp bối cảnh xung đột với phương Tây về cuộc chiến tranh Ukraine. Hiện nay, ông Putin không có các đối thủ nội địa đủ mạnh và đang kiểm soát hoàn toàn nhà nước Nga.
Ông Putin đã thắng cử với 87,3% (tương đương 76 triệu phiếu bầu), chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử nước Nga hậu Liên Xô, theo các kết quả bầu cử chính thức do Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố. Số lượng cử tri tham gia bầu cử cũng đạt mức kỷ lục, hơn 77%, cũng là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử nước Nga hậu Liên Xô.
“Tôi đã mơ về một nước Nga mạnh mẽ, độc lập, có chủ quyền. Và tôi hy vọng rằng kết quả bầu cử này sẽ cho phép tất cả chúng ta, cùng với người dân Nga, đạt được những mục tiêu này”, ông Putin nói với báo giới.
Đối với Điện Kremlin, kết quả đình đám này truyền tải tới thế giới sự đoàn kết và mạnh mẽ của nước Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lớn nhất về mối quan hệ với phương Tây kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962.
Chiến tranh Ukraine
Ông Putin nhìn nhận màn tái đắc cử của ông là sự tán thành cho cuộc chiến tranh do ông phát động tại Ukraine. Cuộc chiến này đã đem đến cho ông cơ hội thay đổi trong nước, cũng như thời gian.
Các nhà lãnh đạo tình báo phương Tây nói rằng cuộc chiến tranh Ukraine là bước ngoặt có thể dẫn tới một thất bại mang tính biểu tượng cho phương Tây hoặc cho Nga. Trên thực địa, Nga hiện đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hồi đầu tháng này nói rằng nếu phương Tây có thể cho Ukraine thêm sự trợ giúp, thì Kyiv có thể giữ được các đường giới tuyến trong năm 2024, giành lại được lợi thế và sau đó đàm phán ở thế mạnh mẽ và giữ được lập trường theo phương Tây.
Ông Burn cũng nói nếu không nhận được sự hỗ trợ như vậy, Ukraine có thể đối mặt với “một tương lai khốc liệt hơn nhiều”. Ông nói thêm rằng thành công của Nga trong cuộc chiến tranh này sẽ “thúc đẩy tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong phạm vi từ Đài Loan tới Biển Đông”.
Ông Putin tin rằng ông có sức ảnh hưởng tại Ukraine hơn Mỹ.
Phương Tây
Phương Tây nói cuộc bầu cử này là không tự do và không công bằng, nhưng không nói họ sẽ từ chối công nhận ông Putin là lãnh đạo của nước Nga.
Một số nhà hoạt động đối lập người Nga sống tại châu Âu đã đang kêu gọi phương Tây hãy tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống tại Nga vừa qua là không hợp pháp và đừng liên hệ gì với ông Putin.
Điện Kremlin nói rằng họ không quan tâm đến những gì phương Tây nói bởi vì đó là một nhóm các cường quốc thù địch đang tham gia chiến tranh với Nga tại Ukraine.
Trái với phản ứng của phương Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các lãnh đạo của Iran và Triều Tiên đã gửi lời chúc mừng ông Putin tái đắc cử và bày tỏ hy vọng thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Điều này làm nổi bật sự chia rẽ toàn cầu mà chiến tranh Ukraine đã đang phơi bày và làm trầm trọng thêm.
Phe đối lập tại Nga
Phe đối lập chống Kremlin tại Nga đã nhìn nhận cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là giả dân chủ, tô điểm thêm cho những gì họ gọi là một chế độ độc tài tham nhũng.
Hàng nghìn người đã xuất hiện tại các địa điểm bỏ phiếu tại Nga và các thủ đô trên khắp thế giới vào trưa ngày Chủ Nhật (17/3) để tham gia vào sự kiện mà phe đối lập Nga nói là một cuộc biểu tình hòa bình nhưng mang tính biểu tượng chống lại ông Putin.
Mặc dù những người tổ chức nói cuộc biểu tình đó là thành công, nhưng nó cũng đã bộc lộ rõ phe đối lập chống Putin yếu ớt thế nào tại Nga. Từ những người tự do cấp tiến thân phương Tây và những người theo chủ nghĩa quân chủ đến những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa, phe đối lập này bị chia rẽ nặng nề về chiến lược và hệ tư tưởng.
Alexei Navalny, lãnh đạo đối lập nổi bật nhất của Nga, đã chết vào ngày 16/2 tại một trại tù ở Bắc Cực. Những lãnh đạo đối lập khác cũng đang bị ngồi tù hoặc sống lưu vong ở nước ngoài, trong khi hoạt động trấn áp bất đồng chính kiến tiếp tục được tăng cường tại Nga từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022.
Còn lại 3 ứng viên được phép tranh cử với ông Putin trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản được 4,3% phiếu bầu, ông Vladislav Davankov của Đảng Nhân dân mới được 3,9% và ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ tự do được 3,2%.
Giới chức bầu cử Nga đã cấm hai ứng viên phản đối chiến tranh Ukraine là Boris Nadezhdin và Yekaterina Duntsova tham gia tranh cử với lý do có những bất thường trong hồ sơ tranh cử.
Kết quả bầu cử chính thức đã cho thấy một số nơi ông Putin nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất là các khu vực Chechnya và Dagestan, cũng như các vùng lãnh thổ Nga đã kiểm soát tại Ukraine, Donetsk và Luhansk.
Hải Đăng