Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã thông qua Điều 23 của “Luật Cơ bản” trong lần đọc thứ ba vào ngày 19/3. “Dự luật An ninh Quốc gia” này bị Ngoại trưởng Anh và gần 80 chính trị gia lên án.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng đạo luật này sẽ gây tổn hại thêm đến các quyền tự do và quyền lợi của Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Chính phủ Hồng Kông tôn trọng “Luật cơ bản”, bảo vệ quyền tự chủ và pháp quyền của Hồng Kông.
“Luật cơ bản” có hiệu lực vào ngày 1/7/1997, ngày chủ quyền của Hồng Kông được Anh chuyển giao lại cho Chính phủ Trung Quốc, mục đích là thiết lập mức độ tự trị cao của Đặc khu hành chính Hồng Kông theo “Tuyên bố chung Trung-Anh”.
Chính phủ Hồng Kông khởi xướng luật này vào năm 2003, nhưng nó tạm thời bị gác lại do sự phản đối mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân chủ.
Kênh truyền thông Đài Loan CNA giải thích: “Luật An ninh Quốc gia” Hồng Kông được thực thi vào năm 2020 chỉ bao gồm một số tội danh tại Điều 23 của “Luật cơ bản”, bao gồm ly khai, kích động nổi loạn và lật đổ chính quyền trung ương. Trong khi dự luật được thông qua trong lần đọc thứ ba vào ngày 19/3 bao gồm các tội ác và hình phạt được quy định cụ thể còn lại.
Điều 23 của “Luật cơ bản” được Hồng Kông thông qua quy định: “Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ tự ban hành luật, để cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, xúi giục nổi loạn, lật đổ Chính quyền Nhân dân Trung ương và trộm cắp bí mật nhà nước, đồng thời nghiêm cấm các tổ chức hoặc nhóm chính trị nước ngoài tiến hành các hoạt động tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Các tổ chức hoặc nhóm chính trị ở Đặc khu hành chính Hồng Kông bị cấm thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc nhóm chính trị nước ngoài.”
Cuối tháng Hai, Ngoại trưởng Anh Cameron ra tuyên bố, cho rằng dự thảo luật về Điều 23 của “Luật cơ bản” do chính phủ Hồng Kông đề xuất không phù hợp với “Tuyên bố chung Trung-Anh”.
Với tư cách là một bên đồng ký kết Tuyên bố chung, Vương quốc Anh có trách nhiệm đối với Hồng Kông; chính quyền Hồng Kông có nghĩa vụ đảm bảo rằng luật pháp liên quan đến “an ninh quốc gia” phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với “Tuyên bố chung Trung-Anh” và “Luật cơ bản”.
Ngày 19/3, ông Cameron nhắc lại rằng luật mới mở rộng cách giải thích về “an ninh quốc gia” và “sự can thiệp từ bên ngoài”. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho những người sống, làm việc và kinh doanh ở Hồng Kông. Các tổ chức quốc tế hoạt động tại Hồng Kông, trong đó có các cơ quan ngoại giao, cũng chưa có được sự đảm bảo chắc chắn từ luật mới.
Ngoại trưởng chỉ ra rằng danh tiếng của Hồng Kông được kiến lập từ một thành phố quốc tế dựa trên pháp quyền, sự độc lập về thể chế, mức độ tự chủ cao và việc bảo vệ các quyền tự do và quyền lợi. Dự luật được buộc phải thông qua vào ngày 19/3 sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc cho những tổ chức đó.
Ông kêu gọi chính quyền Hồng Kông tôn trọng các quyền tự do và quyền được quy định trong Luật cơ bản, đồng thời hành động phù hợp với các cam kết quốc tế và nghĩa vụ pháp lý.
Ông Cameron cũng đề cập, Các quan chức của Bộ Ngoại giao Anh đã bày tỏ quan ngại với Chính phủ Hồng Kông.
Những lo ngại này bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc Chính phủ Hồng Kông giải thích mở rộng về “bí mật nhà nước”, hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm liên quan đến ngôn luận, và nguy cơ hoạt động của các tổ chức quốc tế tại Hồng Kông sẽ bị dán nhãn là có “sự can thiệp của nước ngoài”. Các tội ác mới như ám chỉ mơ hồ về “các thế lực bên ngoài” và “sự can thiệp của nước ngoài” sẽ tác động đến các hoạt động ngoại giao và lãnh sự chính đáng và hợp pháp được bảo vệ bởi Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự.
Các nhà phân tích tin rằng nội dung của luật mới cũng sẽ làm sâu sắc thêm văn hóa “tự kiểm duyệt” đang thịnh hành trong các lĩnh vực chính trị xã hội của Hồng Kông, đồng thời các quyền tự do ngôn luận, hội họp và truyền thông sẽ tiếp tục bị xói mòn.
Theo thông tin được cung cấp bởi Hong Kong Watch, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London, gần 80 chính trị gia đa quốc gia đã cùng nhau đưa ra tuyên bố lên án sau khi Hồng Kông thông qua Điều 23 Luật Cơ bản.
Gần 80 người từ khắp nơi trên thế giới đã ký tên thỉnh nguyện, kêu gọi chính phủ các nước đoàn kết và phản đối việc chính quyền Hồng Kông vi phạm trắng trợn “Luật Cơ bản”, “Tuyên bố chung Trung-Anh” và luật nhân quyền quốc tế, ủng hộ người dân Hồng Kông trong và ngoài nước thông qua các chính sách, truy cứu trách nhiệm của chính phủ Hồng Kông và các quan chức liên quan đến Bắc Kinh.
Tuyên bố cũng yêu cầu Chính phủ Hồng Kông thu hồi luật an ninh quốc gia, ngừng truy tố các cá nhân bị cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia, và đảm bảo rằng mọi hạn chế đối với các quyền cơ bản của cá nhân vì lý do an ninh quốc gia phải hợp pháp, chính đáng và phù hợp với nguyên tắc tỉ lệ.
Để đáp lại các hành động lập pháp mới nhất của Chính phủ Hồng Kông, ông Benedict Rogers, Giám đốc điều hành của “Hong Kong Watch”, kêu gọi tất cả các nước thực hiện các biện pháp trừng phạt, mở rộng hỗ trợ cho người dân Hồng Kông, và đảm bảo rằng luật mới của Hồng Kông sẽ không được áp dụng để đàn áp xuyên quốc gia.
Ngày 3/7/2023, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp báo, thông báo rằng lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với 8 người Hồng Kông đang sống ở nước ngoài, bao gồm Viên Cung Di, Hứa Trí Sầm, La Quán Thông và những người khác, đồng thời treo thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông đối với từng người, hy vọng rằng công chúng sẽ cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, cảnh sát cũng thừa nhận, chỉ cần 8 người không quay lại Hồng Kông thì không thể bắt giữ, do đó đã kêu gọi 8 người quay về Hồng Kông đầu thú.
Ông Chung Kiếm Hoa, một học giả Hồng Kông sống ở Anh, cho rằng cảnh sát Hồng Kông chỉ đang tạo một “thế trận” với hy vọng khởi tác dụng răn đe, mà mục đích quan trọng hơn của khoản tiền thưởng là nhằm khiến những người Hồng Kông ở nước ngoài phải im lặng.
Bình Minh