Hoa Mỹ
Trước tình hình nhà trường đang gặp khó khăn về tài chính, một số phụ huynh học sinh trường Quốc tế Mỹ có ý muốn tiếp quản, điều hành nhà trường.
Chiều ngày 21/3, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội tại TP. HCM, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã cung cấp thông tin về vụ việc hơn 1.400 học sinh phải nghỉ học do giáo viên đình công, xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam.
“Trong các báo cáo, nhà trường luôn trình bày đang xử lý tài chính nhưng chúng tôi nhận thấy việc đảm bảo duy trì hoạt động nhà trường đang ảnh hưởng chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh” – bà Châu nói.
Qua kiểm tra, Sở ghi nhận trường có 129 giáo viên nước ngoài và 26 giáo viên Việt Nam. Tổng số học sinh toàn trường là 1.213 em. Ngày 4/3, trường ghi nhận 53 giáo viên nghỉ dạy. Đến ngày 20/3, số giáo viên nghỉ dạy lên đến 85 người. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, số giáo viên nghỉ dạy chỉ ở mức 18-19 người.
Nắm được sự việc, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có nhiều buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch hội đồng trường. Tại các buổi làm việc này, bà Út Em cho biết trường đang gặp khó khăn về tài chính kể từ khi dịch bệnh xảy ra, không thể chi trả lương đầy đủ cho giáo viên và nhân viên trường. Hiện trường đang trong quá trình liên hệ các quỹ đầu tư để thực hiện tái cấu trúc trường.
Sở yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhanh chóng thực hiện giải pháp xử lý, chấm dứt tình trạng giáo viên xin nghỉ đồng loạt để đảm bảo việc tổ chức hoạt động giáo dục ổn định tại trường, đảm bảo tối đa quyền lợi học tập cho học sinh.
Cùng với đó, vào sáng nay, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường, đã cam kết với Sở GD-ĐT trong một tuần lễ nghỉ xuân (bắt đầu từ đầu tuần sau) sẽ mời gọi, làm việc với các quỹ đầu tư để có lộ trình, phương án đảm bảo việc dạy và học cho HS, chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết.
Nhiều phụ huynh có ý muốn tiếp quản trường
Cũng tại buổi họp báo, bà Châu cho biết vào sáng nay (21/3) Sở GD-ĐT đã tiếp, làm việc với nhóm phụ huynh (trên 20 người). Các phụ huynh này đã trực tiếp đến trụ sở Sở GD-ĐT trình bày những mong muốn để đảm bảo việc học cho con.
Trong đó, nhóm phụ huynh này không muốn chuyển trường cho con mà chỉ muốn trao đổi với chủ đầu tư trường để nắm quyền tiếp quản, điều hành trường để duy trì việc học cho con. Nguyện vọng này của phụ huynh lại vượt quá quyền hạn của Sở GD-ĐT.
Trước đó, trong ngày 18/3, khoảng 1.400 học sinh Trường Quốc tế Mỹ đã phải nghỉ học vì các giáo viên đình công, không đi dạy. Lý do được thông báo để tập trung giải quyết vấn đề nhân sự, tài chính của trường.
Thời điểm đó, lãnh đạo trường cho biết gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, đang nợ 1,5 tháng đến 2 tháng lương, bảo hiểm của giáo viên, nhân viên. Dù thông báo mở cửa trường vào hôm 19/3 nhưng nhiều giáo viên của trường không đi dạy, việc học của học sinh tiếp tục bị gián đoạn. Một số phụ huynh cho biết họ đưa con đến trường nhưng không có giáo viên dạy.
Trước đó, tháng 10/2023, trường cũng một lần suýt đóng cửa vì nợ lương, nợ bảo hiểm… của giáo viên và nhân viên trường. Sau đó khủng hoảng được giải quyết nhờ vào số tiền quyên góp của phụ huynh lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trước tình trạng con em có thể phải nghỉ học kéo dài, phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN hiện như “ngồi trên đống lửa”. Đặc biệt là đối với học sinh lớp 12, khi kỳ thi IB (tú tài quốc tế) chỉ còn 1 tháng.
Trước mắt, phụ huynh các khối đã thống nhất quyên góp tiền, hỗ trợ chi phí cho giáo viên. Chỉ trong 2 ngày khởi xướng, số tiền quyên góp đã lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi khối.
“Giáo viên không hề có lỗi, các thầy cô hầu hết đều là người nước ngoài, chi phí ăn ở rất cao, nợ lương 3 tháng thì họ không thể cầm cự được. Chúng tôi quyên góp, mong rằng thầy cô sẽ cố gắng đồng hành với các con”, một phụ huynh lớp 12 chia sẻ với báo chí.
Không chỉ nợ lương giáo viên, nhà trường cũng bị một số phụ huynh đòi nợ. Cụ thể, vào tháng 9/2023, nhiều phụ huynh đã kéo đến trước cổng trường, đề nghị được gặp Chủ tịch Hội đồng Trường, yêu cầu bà Nguyễn Thị Út Em thanh toán tiền theo hợp đồng hoàn vốn.
Những phụ huynh này cho biết, có con từng học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học tại trường. Điều kiện là phụ huynh sẽ cho trường vay tiền, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay kể từ khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho hay, con kết thúc thời gian học tại trường đã lâu nhưng họ vẫn chưa được hoàn trả tiền.
Trường Quốc tế Mỹ được xem là một trong những trường quốc tế có mức học phí cao nhất tại TP. HCM. Là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 với khoảng 1.400 học sinh đang theo học.
Theo công bố, học phí năm học 2023-2024 của trường này dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ… Chính vì vậy, nhiều phụ huynh thắc mắc là học phí cao mà vẫn không đủ tiền trả lương cho nhân viên, giáo viên?
Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Mỹ được thành lập theo quyết định 432 ngày 31 tháng 1 năm 2019 của UBND TP HCM trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Tư thục Mỹ và Trường THPT Quốc tế Mỹ.
Công bố đường dây nóng lắng nghe ý kiến Phụ huynh học sinh
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sẽ luôn lắng nghe ý kiến của Phụ huynh học sinh trường TH, THCS và THPT Quốc tế Mỹ Việt Nam. Sở công bố sẽ tiếp nhận thông tin của PHHS trường qua số điện thoại 028.38294016 và địa chỉ email tiepcongdan@hcm.edu.vn.
Trong trường hợp Phụ huynh học sinh có nhu cầu chuyển trường, Sở GD-ĐT đã công khai danh sách cơ sở giáo dục, địa chỉ, mức học phí công lập và ngoài công lập để phụ huynh tiến hành các thủ tục chuyển trường theo quy định.
Cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng thành lập tổ chuyên trách xử lý đơn thư của Trường Quốc tế Mỹ. Hằng ngày có bộ phận tổng hợp báo cáo tình hình học sinh, giáo viên của Trường Quốc tế Mỹ đến Ban Giám đốc trước 17 giờ.