Ngày 23/3, tỷ giá hối đoái của đồng NDT giảm một mạch xuống còn 1 đô-la Mỹ đổi được 7,2640 NDT. Trong hai ngày trước, tỷ giá hối đoái đồng NDT đã giảm 600 điểm, từ 7,2 xuống còn 7,2600.
Điều này buộc Trung Quốc phải bán tháo đô-la Mỹ để duy trì ổn định tỷ giá hối đoái của đồng NDT.
Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 23/3, nhà bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này và đưa thêm hai số liệu gây ‘bất ngờ’ về kinh tế Trung Quốc như sau.
Hai số liệu gây ‘bất ngờ’ về kinh tế Trung Quốc
Ngày 22/3, Đài tiếng nói Hoa Kỳ – VOA đăng bài viết với tiêu đề: ‘Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục giảm, giảm 19,9% so với cùng kỳ tháng Một, tháng Hai’.
Nói cách khác, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm gần 1/5 so với năm trước. Tất nhiên, con số này đã giảm suốt 8 tháng liên tiếp. Trung Quốc vẫn đang cố gắng an ủi tinh thần của người dân, họ đưa ra lý do rằng: ‘Năm nay giảm so với năm trước nhiều như vậy là vì năm 2023, lượng đầu tư từ nước ngoài đã đạt kỷ lục, cho nên nếu so sánh với năm trước thì năm nay sẽ thấp hơn một chút. Mặc dù đầu tư có giảm, nhưng vẫn ở mức cao thứ ba trong gần 10 năm qua’.
Nhưng Giáo sư Chương không cho là như vậy. Chúng ta biết rằng, trong vòng 10 năm qua, có hai năm gần như không có đầu tư từ nước ngoài, đó là hai năm nào? Thứ nhất là năm 2020, khi toàn thế giới đóng cửa, đương nhiên Trung Quốc vì thế mà không có đầu tư. Tiếp theo là năm 2022, Trung Quốc đã phong thành (đóng cửa thành phố), cho nên cũng không có đầu tư.
Năm 2022 không có đầu tư nào, vậy thì phía Trung Quốc nói ‘cao thứ ba’ cũng không có gì để vui mừng hay tự hào cả. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đều không muốn đầu tư vào Trung Quốc. Vào năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ là bà Gina Raimondo đã từng nói rằng: ‘Các doanh nhân Mỹ nói với tôi là Trung Quốc đang trở thành một nơi không thể đầu tư’.
Giáo sư Chương nhìn nhận, đầu tư vào Trung Quốc không chỉ giảm 19,9%. Vì sao? Bởi vì có rất nhiều tiền đầu tư có thể là vốn của Trung Quốc, vốn của Trung Quốc chạy qua Hồng Kông rồi quay về Trung Quốc Đại lục. Cho nên chúng ta phải xem xét vốn đầu tư nước ngoài như vốn đầu tư của Mỹ hay Liên minh châu Âu đã giảm đi bao nhiêu (mặc dù số liệu này có thể chúng ta không thấy). Nhưng trên cơ bản, nhiều người có thể thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã mất dần niềm tin vào thị trường Trung Quốc.
Một số liệu khác có còn tồi tệ hơn, đó là tỷ lệ phát hành trái phiếu đầu tư đô thị dùng để trả nợ.
Ngày 22/3, trên Twitter của tài khoản ‘Kho số liệu kinh tế tài chính’ đã đưa ra một biểu đồ về số tiền được sử dụng để trả nợ sau khi phát hành trái phiếu mới.
Mọi người có thể thấy rằng, vào năm 2015, khi phát hành trái phiếu mới, tiền đó được sử dụng chủ yếu cho việc đầu tư. Nhưng đến năm 2023, trái phiếu đầu tư đô thị được phát hành hoàn toàn là để ‘mượn mới trả cũ’, tỷ lệ là 82,2%. Điều này nghĩa là cứ mỗi 100 đồng phát hành thì có 82,2 đồng được sử dụng để trả nợ, chỉ 18 đồng còn lại là dùng để đầu tư.
Nhưng số tiền đầu tư này có thể tạo ra các khoản nợ xấu và sau đó không thể trả được. Sau đó, Trung Quốc cần phải vay thêm tiền để trả lại số tiền này. Cho nên chúng ta có thể thấy rằng, dù tiền Trung Quốc hiện nay phát hành nhiều nhưng không thể đi vào lĩnh vực lưu thông. Mà tiền không đi vào lĩnh vực lưu thông thì không tạo ra giá trị. Đây là lý do vì sao Trung Quốc đã in và phát hành rất nhiều tiền nhưng không có hiện tượng lạm phát, thậm chí là giảm phát, bởi vì tiền này hoàn toàn không được sử dụng trong lĩnh vực lưu thông.
Đương nhiên, điều này cũng làm các doanh nghiệp tư nhân thiếu thanh khoản hơn, và tiền phát hành đã chủ yếu được cấp cho doanh nghiệp nhà nước. Mà doanh nghiệp tư nhân lại tạo ra 80% việc làm trên toàn nước Trung Quốc, cho nên việc ‘mượn mới trả cũ’ này có thể dẫn đến một làn sóng thất nghiệp tiếp theo. Do đó, tình hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay đặc biệt tồi tệ và căng thẳng.
Vì sao quyền lực không thể chiến thắng thị trường?
Đối diện với khó khăn kinh tế, thị trường chứng khoán lao dốc, Trung Quốc có thể bơm tiền từ những quỹ bình ổn để làm thị trường khởi sắc, nhưng liệu quyền lực có thể chiến thắng được thị trường hay không?
Năm 1776 đã khai sinh ra quốc gia non trẻ hùng mạnh nhất địa cầu, đó là nước Mỹ. Cũng trong năm đó, nhà kinh tế học nổi tiếng là Adam Smith đã xuất bản cuốn sách ‘Quốc phú luận’ (Sự giàu có của một quốc gia, The Wealth of Nations). Trong đó có một kết luận rất quan trọng đó là: Thị trường do một ‘bàn tay vô hình’ chi phối. Không một ai, không một tổ chức nào có thể can thiệp được thị trường. Vì sao?
Bởi vì hành vi của của thị trường là hành vi tích luỹ của mỗi cá nhân. Ví như giá cả thị trường là do cung cầu quyết định, mỗi cá nhân có nhu cầu như thế nào là do mỗi cá nhân quyết định. Tích luỹ tất cả hành vi này chính là hành vi của thị trường.
Mà cá nhân có hành vi như thế nào là do tâm lý quyết định. Nói cách khác, thị trường chính là phản ánh nhân tâm (tâm lý con người), phản ứng thị trường là phản ứng của nhân tâm.
Thủ đoạn hành chính chỉ khiến người ta phục tùng trên bề mặt chứ không tác động được nhân tâm. Cho nên quyền lực không thể chiến thắng được thị trường, bởi vì quyền lực không thể chiến thắng được nhân tâm.
Trong cuộc chơi giữa quyền lực và thị trường, có thể quyền lực tạm thắng, nhưng cuối cùng quyền lực vẫn là kẻ thất bại.
Mao Trạch Đông từng can dự vào thị trường, muốn làm Đại nhảy vọt, muốn thông qua việc luyện lượng lớn gang thép để ‘vượt qua Anh, đuổi kịp Mỹ’. Nhưng gang thép để luyện toàn là dụng cụ gia đình, cho nên luyện ra thép phế thải. Kết quả đã không ‘vượt Anh kịp Mỹ’, mà còn khiến mấy chục triệu người chết đói. Mao Trạch Đông đã thất bại khi can dự thị trường.
Đặng Tiểu Bình sở dĩ làm cải cách mở cửa tạo ra 30 năm phồn vinh cho kinh tế Trung Quốc, chính là vì ông nới lỏng quyền lực, ít can dự vào thị trường.
Sức mạnh của thị trường lớn hơn sức mạnh của hành chính. Ai chống lại thị trường thì người ấy sẽ tự sụp đổ trước.
Thuần Phong biên dịch