Zircon bị tên lửa siêu thanh bắn hạ, phá vỡ ‘tin đồn’ huyền thoại

Hạ Lạc Sơn

Zircon bị tên lửa siêu thanh bắn hạ, phá vỡ ‘tin đồn’ huyền thoại
Hình ảnh được coi là một phần của tên lửa Zircon của Nga bị Ukraine bắn hạ. (Ảnh chụp màn hình video)

Tin tức mới nhất cho thấy tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến nhất của Nga đã bị hệ thống phòng không Ukraine đánh chặn thành công. Nếu tin tức này là sự thật thì ngoài máy bay và xe tăng của Nga, một hệ thống vũ khí tiên tiến khác được cho là đáng kinh ngạc đã lộ diện. Và tác động của nó có thể kéo dài từ Ukraine đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Vào ngày 25/3, Open Source Intelligence Technology (OSINTtechnical) đã đưa tin trên nền tảng X rằng, hệ thống phòng không của Ukraine đã thành công trong việc bắn hạ hai tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon của Nga, được phóng từ Crimea nhắm vào Kiev.

Mặc dù tên lửa vẫn còn bí ẩn này được cho là đã được sử dụng để chống lại Ukraine nhưng đây là lần đầu tiên tin tức chắc chắn về việc đánh chặn thành công tên lửa này được tiết lộ. Điều đặc biệt đáng chú ý là, theo Nga, Zircon là vũ khí siêu thanh thực sự và là tên lửa hành trình siêu thanh duy nhất trên thế giới được quân đội đưa vào sử dụng thực tế, được coi là tên lửa tiên tiến không thể ngăn cản.

Khi ông Putin công bố Thông điệp Liên bang năm 2019, ông nói rằng tên lửa “Zircon do Nga phát triển có thể bay với tốc độ Mach 9 và có tầm bắn hơn 1.000 km, có thể được mang và phóng bởi các tàu mặt nước và tàu ngầm”. Ông Putin rất tự hào khi mô tả “Zircon” là thế hệ hệ thống vũ khí vô song mới.

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố, rằng hai tên lửa bị đánh chặn nhằm vào các văn phòng của Cơ quan An ninh Ukraine ở Kiev. Vụ tấn công xảy ra vào ngày 25/3, trùng hợp cũng là ‘Ngày An ninh’ của Ukraine.

Đây rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, người Nga dường như luôn thích làm những việc có ý nghĩa tượng trưng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Zircon được sử dụng để tấn công các mục tiêu cao cấp.

Ngày 25/3, Tư lệnh Không quân Ukraine, Mykola Oreshuk, tuyên bố trên Facebook rằng vào khoảng 10h30 sáng, hai tên lửa đạn đạo do đối phương phóng từ Crimea tạm chiếm về phía Kiev đã bị phá hủy.

Mặc dù Lực lượng Không quân Ukraine không xác định liệu tên lửa “Zircon” có liên quan hay không, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội khác đã kết luận dựa trên mảnh vỡ rằng tên lửa bị bắn rơi có thể là “Zircon”.

Truyền thông Ukraine cho biết, dựa trên việc quan sát các mảnh vỡ của hai tên lửa bị bắn hạ trực tiếp trên bầu trời Kiev vào ngày 25 tháng 3, vụ việc lần này đã để lại nhiều mảnh vỡ hơn so với trước đây, điều này cho thấy Ukraine có thể sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn về loại vũ khí bí ẩn này. Các chuyên gia có thể tìm hiểu được tình trạng thực tế của việc Nga hiện đại hóa “Zircon” thông qua cuộc điều tra lần này.

Trước đó, mảnh vỡ tương tự đã được tìm thấy trong một cuộc tấn công khác vào Kiev vào ngày 7/2. Viện nghiên cứu Ukraine phân tích đây là những mảnh vỡ của tên lửa Zircon và cho rằng vũ khí này bị rơi do trục trặc. Xa hơn nữa, vào ngày 30/12 năm ngoái, những mảnh vỡ trông rất giống nhau cũng được tìm thấy trong đống đổ nát. Nếu những phân tích này là đúng, chứng tỏ rằng Nga có thể đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa Zircon ở ít nhất ba địa điểm khác nhau.

Một blogger quân sự Ukraine, Đại tá Geshu, đã đăng trên Telegram một bức ảnh (chưa được xác minh) về phần đuôi của hai tên lửa 3M22 Zircon bị bắn hạ vào ngày 25/3. Trên đó có viết rõ ràng dòng chữ 3M22 và dường như cho thấy tên lửa được sản xuất tại vào tháng 4/2022.

Nga thực sự đã phát triển một động cơ scramjet siêu thanh (Động cơ phản lực luồng tĩnh siêu thanh) và lắp đặt nó trên “Zircon”, điều này cho thấy “Zircon” có thể có khả năng duy trì chuyến bay siêu thanh ở trạng thái hành trình.

Sau khi tên lửa “Zircon” rời khỏi hầm phóng, tên lửa đẩy nó lên độ cao và tốc độ cần thiết để đạt điều kiện khởi động động cơ scramjet. Sau khi đốt cháy động cơ scramjet, tên lửa “Zircon” bay trong bầu khí quyển mỏng ở độ cao hàng chục km có thể đạt tốc độ Mach 5,5 ở trạng thái hành trình. Đây không phải là tốc độ tối đa của “Zircon”, trong giai đoạn tấn công bổ nhào vào mục tiêu, nó có thể tăng tốc trong thời gian ngắn lên Mach 7,5. Khi mật độ không khí tăng lên, tốc độ giảm xuống dưới Mach 5 khi nó tiếp cận mặt đất, điều đó có nghĩa là nó không ở trạng thái siêu thanh khi chạm tới mục tiêu.

Tuy nhiên, động cơ scramjet có thể đã giúp Zircon đạt được hành trình siêu thanh, khiến nó trở nên khác biệt so với một tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ trên không khác của Nga là KH-47 Dagger. “Dagger” được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31K và là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M phóng từ mặt đất. Mặc dù nó cũng có thể bay với tốc độ siêu thanh và đường bay bất thường, nhưng nhiều khả năng nó vẫn nằm trong tầm đánh chặn của hệ thống Patriot. Theo tuyên truyền của Nga, tốc độ siêu thanh và khả năng cơ động duy trì của “Zircon” sẽ đặt ra thách thức lớn hơn nhiều đối với hệ thống phòng không Ukraine so với “Dagger”. Điều này buộc lực lượng phòng không Ukraine phải phản ứng nhanh chóng với nó trong vòng thời gian rất ngắn.

Hiện tại, vẫn chưa có hình ảnh xác thực nào về tên lửa 3M22 “Zircon” được công bố, và thông tin về các vụ thử nghiệm tên lửa do Bộ Quốc phòng Nga công bố cũng rất ngắn gọn. Do đó, thế giới vẫn chưa biết rõ về tình trạng thực tế của loại tên lửa này. Hiện tại cũng không rõ hệ thống dẫn hướng của “Zircon” sử dụng phương thức nào. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng tên lửa này có đầu đạn dẫn hướng radar chủ động, nhưng do đã quen với việc Nga phóng đại sự thật, nên nhiều người thà tin rằng họ không biết rõ về điều này.

Nhưng nói như vậy thì vẫn chưa thể xác nhận tính xác thực về việc bắn rơi tên lửa “Zircon”. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông tin về việc đưa tên lửa Zircon vào chiến trường Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Nếu lực lượng phòng không Ukraine đánh chặn thành công tên lửa Zircon, điều này sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn, không chỉ về cách tên lửa bị bắn hạ mà còn về khả năng rộng hơn của cái gọi là tên lửa siêu thanh. Hệ thống vũ khí trong kho của Ukraine có khả năng bắn hạ thành công “Zircon” nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, hệ thống này đã chiến đấu thành công trước tên lửa Kh-47 Dagger nhưng so với “Zircon”, “Dagger” chắc chắn là một mục tiêu ít thách thức hơn.

Theo Ukraine, trên thực tế, họ đã bắn hạ “Dagger”. Mặc dù không nêu chính xác loại tên lửa đánh chặn nào được sử dụng, nhưng có những dấu hiệu cho thấy thế hệ tên lửa phòng không cũ mà Ukraine đang sử dụng vẫn có năng lực rất cao, ngay cả khi không hiệu quả bằng Patriot 3 (PAC-3) mới nhất.

Sau khi Patriot tiến vào Ukraine, hệ thống phòng không của Kiev nhanh chóng mở rộng để chống lại “Dagger” và tên lửa Iskander-M họ hàng gần của nó. Tên lửa đất đối không thời Liên Xô của Ukraine hoạt động ở tốc độ thấp, khiến sự xuất hiện và tham gia của Patriot vào cuộc chiến trở nên có ý nghĩa quan trọng, vì nó giải quyết nhiều mối đe dọa ngoài tên lửa đạn đạo, đồng thời vạch trần các tên lửa tối tân được quảng cáo của Nga.

Điều này tự nhiên khiến người ta nhớ đến tên lửa siêu thanh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. DF-17, DF-21 và DF-41 của Trung Quốc đều là tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ mặt đất, nhưng tầm bắn của chúng khác nhau. Đặc tính hoạt động của chúng giống với tên lửa đạn đạo Iskander của Nga hơn. Về mặt kỹ thuật, nó có thể không tốt bằng tên lửa “Zircon” của Nga.

Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc chủ yếu dựa vào động cơ tên lửa để đạt độ cao và tốc độ, sau đó sử dụng khả năng trượt ở rìa khí quyển để đạt được khả năng cơ động hạn chế. Tên lửa bay vào bầu khí quyển với tốc độ siêu thanh, tái lập khả năng nhắm mục tiêu và sử dụng khả năng cơ động rất hạn chế để điều chỉnh quỹ đạo bay, tấn công mục tiêu. Do tốc độ rất cao trong giai đoạn tấn công cuối cùng, thời gian phản ứng cho hệ thống phòng thủ rất ngắn, đồng thời thời gian để tên lửa tự nhắm mục tiêu cũng rất ngắn. Do đó, đối với mục tiêu di chuyển với tốc độ nhất định, hiệu quả tấn công của tên lửa có thể kém.

Tên lửa Iskander và biến thể Dagger của Nga, cũng như Zircon, đều đã bị bắn hạ ở Ukraine. Điều này cho thấy khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của tên lửa siêu thanh thực tế không đáng sợ như lời đồn. Ngay cả Ukraine, với số lượng và khả năng phòng không hạn chế, vẫn có thể chống lại các cuộc tấn công của tên lửa này. Điều này càng củng cố niềm tin rằng các hệ thống phòng không hiện đại có thể bảo vệ hiệu quả trước mối đe dọa siêu thanh.

Kinh nghiệm thực chiến của Ukraine cho thấy rằng tên lửa siêu thanh không phải là bất khả chiến bại và hiệu quả tấn công mục tiêu di chuyển của nó vẫn chưa được chứng minh. Điều này là do tất cả các mục tiêu mà Nga tấn công bằng tên lửa siêu thanh ở Ukraine đều là các mục tiêu cố định trên mặt đất.

Kinh nghiệm thực chiến ở Ukraine có thể làm sụp đổ huyền thoại về tên lửa siêu thanh của Trung Quốc và Nga. Hệ thống vũ khí cốt lõi mà Trung Quốc dựa vào để xây dựng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), bất kể là “sát thủ tàu sân bay” hay “tên lửa Dongfeng (DF)”, có thể sẽ được chứng minh là một trò lừa bịp đắt đỏ và bị phóng đại quá mức trong tương lai. Tất nhiên, người Mỹ không coi đây là trò lừa bịp. Họ đang nghiêm túc phát triển vũ khí, hệ thống tác chiến và lý thuyết chiến tranh mới để chống lại các khả năng này của Trung Quốc.

Theo Shishi Junshi
Lý Ngọc biên dịch

Related posts