Bệnh ho gà tái xuất hiện ở Trung Quốc, hơn 32.000 ca trong 2 tháng đầu năm

Bệnh ho gà tái xuất hiện ở Trung Quốc. Từ tháng Một đến tháng Hai năm nay, Trung Quốc có hơn 32.000 ca nhiễm, tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái và 13 người đã tử vong. (Ảnh chụp màn hình)

Ở Trung Quốc, bệnh ho gà, một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp đặc biệt gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đang có khả năng bùng phát. Từ tháng Một đến tháng Hai năm nay, toàn Trung Quốc có hơn 32.000 ca nhiễm, tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 13 người tử vong.

Thời báo Tế Nam (Jinan Times) đưa tin hôm 28/3, kể từ đầu mùa xuân, ngày càng có nhiều người xung quanh “ho không ngừng”, và các bệnh về đường hô hấp như ho gà lại trở nên nghiêm trọng. Gần đây, các bác sĩ nhi khoa nhận thấy ngày càng có nhiều trẻ mắc bệnh ho gà xuất hiện trên lâm sàng. Điều này dường như cho thấy xu hướng ngày càng tăng tỷ lệ mắc bệnh ho gà.

Theo “Tổng quan về dịch bệnh truyền nhiễm đáng chú ý quốc gia” thường xuyên được công bố trên trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh quốc gia Trung Quốc (CDC), từ ngày 1/1 đến ngày 29/2 năm nay, đã có 32.380 trường hợp mắc bệnh ho gà được báo cáo trên toàn quốc, gấp gần 23 lần cùng kỳ năm 2023 (1.421 ca). Trong số hơn 30.000 ca mắc bệnh ho gà nay, đã có 13 trường hợp tử vong.

Theo trang tin tư vấn về sức khỏe Jianwen Zixun, bệnh ho gà, là một bệnh truyền nhiễm cổ xưa, đã bước vào trạng thái dịch bệnh thấp sau khi vắc-xin tương ứng xuất hiện và được sử dụng trên quy mô lớn dưới dạng chương trình tiêm chủng.

Tuy nhiên theo thời gian, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin mất dần, tỷ lệ lưu hành và phương thức lây truyền bệnh ho gà đã thay đổi, người lớn và thanh thiếu niên không có triệu chứng đã trở thành đối tượng lây nhiễm chính cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hơn nữa, ngay cả với tỷ lệ tiêm vắc-xin DTP cao (DTP là vắc-xin kết hợp chống lại ba bệnh truyền nhiễm ở người: bạch hầu, ho gà và uốn ván), bệnh ho gà vẫn đang có xu hướng quay trở lại.

Mặc dù ho gà là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, nhưng vẫn còn một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại đằng sau sự xuất hiện trở lại của bệnh ho gà. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương, bệnh ho gà khá nguy hiểm, khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trước khi được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu-uốn ván ho gà phải ở trong môi trường mà bệnh ho gà rất phổ biến và nguy cơ rất lớn.

Ngày 28/2, chủ đề được gắn thẻ “bệnh ho gà tái xuất hiện” và “tổng cộng 13 trường hợp tử vong vì bệnh ho gà trong tháng Một và tháng Hai” đã trở thành chủ đề nóng trên Internet.

Trang tin Life Times đăng trên weibo chính thức của mình: “Ho gà chủ yếu lây lan qua các giọt bắn, và bệnh nhân, người nhiễm các bệnh tiềm ẩn và những người mang mầm bệnh không có triệu chứng đều là nguồn lây nhiễm. Nó có thể xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến hơn vào mùa đông và mùa xuân. Sẽ không tốt nếu bị tái phát ho, các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác với bệnh ho gà”.

Blogger khoa học nổi tiếng Sansi Xiaoyao đã đăng một bài viết với nội dung: “Vắc-xin DTP không bảo vệ khỏi bệnh ho gà suốt đời, nhưng nó có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng, khiến các bác sĩ thiếu kinh nghiệm dễ chẩn đoán sai bệnh ho gà. Triệu chứng điển hình của ho gà rất đáng sợ, ho từng cơn + tiếng thở rít như gà gáy, nhưng hiện nay có rất ít bệnh nhân như vậy.”

“Tuy nhiên, chẩn đoán sai do giảm triệu chứng đôi khi vẫn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như tử vong. Chúng tôi khuyến nghị các bậc cha mẹ nên tự trả phí tiêm vắc-xin bạch hầu-uốn ván-ho gà khi con họ được 4 đến 6 tuổi và một mũi tiêm khác dành cho trẻ vị thành niên, về cơ bản có thể kiểm soát được cho đến trung niên và già.”

Lin Bu Li, một blogger được xác nhận trên trên weibo, cho biết: “Hôm qua (27/3) tôi thấy một tài khoản địa phương ở Chiết Giang với tiêu đề ‘Đeo khẩu trang! Đeo khẩu trang! Đeo khẩu trang!’. Tôi nghĩ đó là để phòng ngừa COVID-19, nhưng khi bấm vào xem thì ra là ho gà. Tức là ho gà đã đến mức phải hét lên ‘đeo khẩu trang, đeo khẩu trang, đeo khẩu trang’, vậy là ho gà đã xuất hiện trở lại và có khả năng trở nên phổ biến”.

Trên thực tế, một “làn sóng ho” đã xuất hiện ở nhiều công ty sau khi Trung Quốc nối lại làm việc sau dịp nghỉ Tết âm lịch, và nhiều nhân viên đã xuất hiện các triệu chứng ho cùng lúc trong văn phòng. Cô Vương, 36 tuổi, nói với tờ Báo nhanh Đô thị, “Quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, trong số 7 người trong văn phòng thì có 5 người bị ho. Một số bị viêm họng, một số mới thuyên giảm và tôi là người nghiêm trọng nhất.” Cư dân mạng cho biết xung quanh họ có nhiều người bị sốt và ho hơn, “Tôi là người không bị ho duy nhất trong nhóm chúng tôi.” “Trong lúc tôi đang run rẩy vì ho thì có một số đồng nghiệp xung quanh tôi cũng bị cảm và ho”.

Trong phần bình luận của bài viết trên trang Thời báo Tế Nam (Jinan Times) nhiều cư dân mạng Đại Lục đã trực tiếp chỉ ra rằng bệnh truyền nhiễm này chính là “COVID-19”:

“Chính là COVID, gọi chung cảm cúm.”

“Sau khi COVID qua đi, bệnh gì cũng có.”

“Chỉ cần đổi tên thôi.”

“Cảm giác như di chứng của COVID, cổ họng tôi chưa bao giờ dễ chịu, ngày nào tôi cũng ho nhiều đến nỗi nửa đêm không ngủ được.”

“Ho gà là một loại virus corona mới. Hãy kiểm tra xem nó không phải là mycoplasma, không phải virus cúm, và loại virus corona mới này lại xuất hiện.”

“Đây không phải là cái gọi là ‘virus corona mới’ sao?”

Một số cư dân mạng đặt câu hỏi liệu vắc-xin có vấn đề hay không:

“Bạn chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà. Vắc-xin có vấn đề gì không?”

“Đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 rồi, nhưng cũng không có tác dụng gì, có phải là giả hay không thì người tạo ra nó mới là người biết rõ nhất.”

“Tôi cũng nghĩ rằng do loại vắc-xin trước đây đã tác quái.”

“Là do vắc-xin gây ra.”

Nhiều cư dân mạng cho biết, bệnh ho kéo dài của họ không hề thuyên giảm:

“Tôi bị ho hơn một tháng, đến bệnh viện nhiều lần, không ngừng uống thuốc và tiêm tĩnh mạch, nhưng không khỏi được, quá khổ!”

“Tôi bị ho vào nửa đêm, nằm xuống không thở được nên chỉ có thể ngồi dậy ngủ.”

“Con tôi 7 tuổi rưỡi, bị ho gần nửa năm rồi.”

“Con tôi bị bệnh ho gà truyền sang tôi. Tôi bị ho từ dịp Tết đến giờ, ho gà có thể gây ngạt thở và đờm đặc, khi nặng có thể bị một miệng đờm chặn lại ở cổ, sau đó sẽ dẫn đến tử vong”.

Trí Đạt

Related posts