Huy Đức
Khi nghe tin nhà báo Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời tôi nghĩ ngay tới vụ án Năm Cam.
Sáng nay, nhà báo Lê Kiên viết: “Khi chuẩn bị bản tin, chúng tôi có một thảo luận là nên hay không đưa chi tiết nhà báo Trần Mai Hạnh bị kết án, phải ngồi tù. Tôi nói với phóng viên: mình cứ đưa thông tin như nó vốn có! Ông ngồi tù 2 năm (bản án 9 năm) trong ‘vụ án Năm Cam’, vụ án mà sau này dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi chưa đủ thông tin, dữ liệu để giải mã.”
Tôi không rõ các nhà báo chuyên viết về “giới giang hồ” có đủ dữ liệu để giải mã giùm nhà báo Lê Kiên không. Từ giữa thập niên 1990, tôi chỉ tập trung viết về chính trường & chính sách. Nhưng tôi biết rõ vụ Năm Cam trong phần xảy ra năm 1994.
Năm 1994, Năm Cam bị bắt. Chúng tôi được cung cấp một “tài liệu đặc biệt”, soạn thảo bởi “Ban Quân báo Bộ Tư lệnh TP HCM” gửi “Cục Quân báo”. Trên đầu “tài liệu” ghi, “Cục Quân Báo/ Ban Quân báo Bộ tư lệnh Thành”; cuối “tài liệu” không có chữ ký, con dấu mà chỉ có “trinh sát mang bí số H12”.
“Cục Quân báo” chuyển Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bút phê chuyển Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp trực tiếp xử lý.
Năm 1994 cũng là năm chuẩn bị chuyển giao quyền lực ở Bộ Tư lệnh Thành, Tướng Nguyễn Răng sắp về hưu và người thay thế ông sẽ là Đại tá Phan Trung Kiên. Ba Long, Trưởng ban Quân báo, là người thân cận với Tướng Nguyễn Răng; trong khi, Trung tá Hồ Điệp, Phó ban Quân báo, là người của Đại tá Kiên. Năm Cam như là “zích” của Hồ Điệp, Hồ Điệp từng chuyển một bình rượu ngũ xà của Năm Cam.
Năm Cam lúc ấy là chủ “Khách sạn Cam” có dấu hiệu bài bạc ở quận Tư nhưng chưa hề có số má gì trong giới giang hồ cả; trong khi, “tài liệu của H12” thì mô tả ông vô cùng khét tiếng [sau này khi đọc Quan Làm Báo, tôi nhận thấy ở Quan Làm Báo rất nhiều “phong cách H12”].
Chúng tôi không biết hết sự phức tạp ở phía sau vụ án này nhưng đánh giá, một khi bắt người mà cơ quan điều tra phải cung cấp tài liệu [gần như nặc danh] cho báo chí nghĩa là về mặt tố tụng đang có những căn cứ chưa chắc chắn. Càng trong những tình huống ấy, chúng tôi thấy càng phải thận trọng khi sử dụng.
Tôi gặp Ba Long, ông trả lời vòng vo và tỏ ra rất lo lắng.
Đang tiếp tục tìm hiểu thì báo Thanh niên khởi đăng loạt bài “phóng sự điều tra về trùm xã hội đen Năm Cam”. Chúng tôi đối chiếu từng kỳ “phóng sự” được ký bởi “Nhóm phóng viên chính trị xã hội báo Thanh niên” với “tài liệu của H12” thì không sai dấu chấm, dấu phẩy nào [trừ một vài kỳ cuối].
Tuổi trẻ không thể đứng ngoài cuộc nhưng phải theo đúng chuẩn mực nghiệp vụ của mình. Đầu Hà Nội, Lê Thọ Bình phỏng vấn Tướng Trịnh Thanh Thiệp; đầu Sài Gòn, tôi phỏng vấn Đại tá Trần Văn Tạo, Phó giám đốc CATP. Hai ông, đều là những sĩ quan chính trực, thừa nhận là “chứng cứ yếu” ngoài việc ông anh vợ của Năm Cam tổ chức đánh bạc nhưng bắt cũng chẳng làm gì vì ông ấy khi đó đã ngoài 70 tuổi.
Trong vòng một năm sau đó, cơ quan điều tra thẩm vấn hơn 100 đối tượng từ Bắc chí Nam mà “H12” mô tả như là “tay chân của Năm Cam” thì… không ai biết Năm Cam là ai cả. Thay vì tiếp tục thủ tục tố tụng hình sự, UBND TP HCM phải ra quyết định “đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo” [Pháp lệnh xử phạt hành chính lúc ấy vẫn có phần đưa người đi tập trung cải tạo].
Trong tình hình ấy, tờ Nhà báo và Công luận do ông Trần Mai Hạnh kiêm Tổng biên tập cho đăng “thư kêu oan” của bà vợ Năm Cam. Mọi việc được coi là bình thường cho tới khi Dung Hà, một nữ giang hồ đất Cảng, Phó phòng PC16, CA TP HCM, đánh giá Hải Bánh là người gây án. Hải Bánh bị bắt với hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Ở Chí Hòa, Hải Bánh không khai. Nghi bị thông cung, Mạnh Trung đã phạm phải “một sai lầm chết người” khi làm công văn gửi Tướng Nguyễn Việt Thành [Tư Bốn] đề nghị di lý Hải Bánh xuống Tiền Giang.
Dù các bằng chứng đi theo một hướng khác, tại Tiền Giang, Hải Bánh khai y được Năm Cam thuê giết Dung Hà. Năm Cam bấy giờ đã “vang tiếng” do báo chí khai thác “tài liệu H12” ở lần bắt đầu tiên. Ai giết Dung Hà cũng đều là phá án nhưng Năm Cam giết Dung Hà thì vụ án không còn là hình sự đơn thuần nữa.
Về khả năng lũng đoạn báo chí chưa thấy ai bằng viên tướng trình độ lớp 4 Nguyễn Việt Thành. Những tiếng nói thận trọng đều bị trấn áp, cả báo chí và cả trong các cơ quan tố tụng. Sài Gòn ngột ngạt như đang có chiến tranh. Để bắt ông chủ nhà hàng Thanh Vy, Tư Bốn điều lên cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động [ông chủ nhà hàng Thanh Vy bị vu là “tay chân của Năm Cam” hóa ra không có tội tình gì cả].
Nguyễn Mạnh Trung người nắm giữ nhiều bằng chứng và trực tiếp giao Hải Bánh cho Tư Bốn bị bắt. Tiếp đó, là Dương Minh Ngọc, là Tướng Bùi Quốc Huy, là Phạm Sĩ Chiến, là Trần Mai Hạnh…
Về phương thức tiến hành tố tụng trong nhiều vụ án của PC16 Tiền Giang nhân danh Tư Bốn, về sau hóa ra, không khác gì tội phạm. Hầu hết lãnh đạo chủ chốt PC16 Tiền Giang giai đoạn đó đều phải vào tù hoặc vào nhà thương điên. Tư Bốn, vì đã được báo chí tô vẽ để dân chúng nhìn nhận như một anh hùng nên đã không bị khởi tố.
Việc Nhà báo & Công luận đăng “thư kêu oan” cho Năm Cam năm 1994 là đúng vai trò của báo chí. Không ai bị coi là có tội cho đến khi có một bản án có hiệu lực pháp luật. Không ai có thể bị buộc tội nếu không có bằng chứng.
Trong phiên tòa phúc thẩm xử vụ Năm Cam, tôi hy vọng ông Trần Mai Hạnh sẽ đứng lên dõng dạc: Cho đến khi nào hễ vẫn còn là nhà báo, nếu thấy một công dân bị bắt mà không có bằng chứng, tôi sẽ lại lên tiếng như đã từng lên tiếng hồi năm 1994”. Nhưng, ông đã chỉ xin được tại ngoại để hoàn thành “bộ sử thi chiến tranh”.
Tôi không dám trách ông, vì không ai có thể tranh luận trong một phiên tòa như Năm Cam, việc ông thỏa hiệp đã giúp ông chỉ phải ở tù tổng cộng hai năm.
“Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai hoạ để cất bước…”, tôi đọc được đoạn độc thoại này của ông Trần Mai Hạnh trên trang của nhà báo Mai Huong Tran, em trai ông.
Tôi chưa từng làm việc cùng nhà báo Trần Mai Hạnh. Ông khá thân với một người làng mà tôi coi như ông anh, nhà báo Đình Khuyến. Trong một lần ra Hà Nội, anh Hạnh và anh Khuyến chở nhau bằng xe máy rồi bị tai nạn. Anh Hạnh mất một mắt còn anh tôi thì ra đi vĩnh viễn khi còn đang sung sức và sự nghiệp đang rất tốt.
Đình Khuyến, Trần Mai Hạnh đều là những nhà báo có mặt ở miền Nam trong chiến tranh. Thời gian đầu sau đổi mới, họ là những nhà báo tiên phong. Tờ Tuần Tin tức của TTX do họ làm là tờ tuần báo bán chạy và rất được chờ đợi sau những năm “cởi trói”.
Trước 30-4-1975, cả hai anh em Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng đều là phóng viên TTXVN có mặt ở những chiến trường nguy hiểm nhất. Cả hai anh đều vào đến Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975, cả hai đều là những nhà báo đưa tin sớm nhất về Hà Nội. Cả hai đều đã từng có quyền lực và có những tác phẩm để đời.
Một người từng làm việc với nhà báo Trần Mai Hạnh ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhà báo Uông Ngọc Dậu, đánh giá Trần Mai Hạnh là một “Nhà báo sắc sảo, một nhà quản lý có tầm” và cho rằng, về số phận, ông là người đã “nếm trải vinh quang tận đỉnh và cay đắng tận cùng”.
Tôi biết nỗi uất ức sau vụ Năm Cam chưa bao giờ lành ở nơi sâu thẳm nhất trong lòng Trần Mai Hạnh nhưng ông vẫn luôn thấy “cuộc đời ở phía trước”. Tôi biết ông vẫn còn làm việc ở tuổi 82.
Cuối tháng Ba năm nay, Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng đã cùng đi lại hành trình làm báo mà các anh đã đi trong những năm tuổi 20. Không ai may mắn có được hành trình ấy ở tuổi 20 và không dễ gì ở tuổi 80 có thể đi lại trên hành trình ấy.
Chuyến đi này nhà báo Trần Mai Hạnh đã phải để “cuộc đời ở lại phía sau”; có lẽ, số phận đã đưa ông trở lại Sài Gòn, nơi ông từng trải nghiệm cả vinh quang và cay đắng.
H.Đ.
Nguồn: FB Truong Huy San