Alex Wu
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, các chuyên gia đã nêu lên năm dấu hiệu chính cho thấy nhà cầm quyền cộng sản của nước này đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt tài chính thậm tệ nhất từ trước đến nay.
Ông Củng Thắng Lợi (Gong Shengli), một nhà nghiên cứu tại China Financial Think Tank, cho biết: “2024 có thể là năm đánh dấu Trung Quốc bước vào kỷ nguyên thiếu hụt tài chính tồi tệ nhất.”
Ông Củng nói với The Epoch Times: “Vào năm 2024, có một số tình huống thiếu hụt tài chính cần được nắm bắt. Đầu tiên là vấn đề nợ, nợ của cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.”
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột từ bỏ các chính sách hà khắc “zero COVID” và các biện pháp kiểm soát hạn chế khiến nền kinh tế Trung Quốc bị phong tỏa trong ba năm vào cuối năm 2022, quốc gia này vẫn chưa chứng kiến nền kinh tế phục hồi như mong đợi. Thay vào đó, các vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc đã đẩy nhanh tốc độ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Củng cho biết, khoản nợ của chính quyền cộng sản Trung Quốc và khoản nợ của ngành địa ốc đã cùng nhau đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng nợ với quy mô lớn chưa từng có.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính vào tháng 04/2023 rằng nợ chính phủ của ĐCSTQ đã tăng lên 156 ngàn tỷ nhân dân tệ (21.56 ngàn tỷ USD) vào năm 2022, bao gồm các khoản vay của chính quyền trung ương, các công cụ tài chính của chính quyền địa phương, và các ngân hàng chính sách quốc gia.
Nợ cao gần gấp 3 lần GDP
Theo báo cáo mới nhất do Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD) công bố, nợ của Trung Quốc (bao gồm nợ gia đình, nợ doanh nghiệp, và nợ chính phủ) chiếm 287.8% GDP của nước này vào năm 2023, tăng 13.5% so với năm 2022. Đây là một mức cao kỷ lục.
Ông Củng cho biết: “Ngoài ra còn có những hố đen như về hố đen về vốn, hố đen về tài chính, hố đen ngân hàng, và hố đen địa ốc đang bị ẩn giấu.”
Ông Ngô Gia Long (Henry Wu), một nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng vấn đề nợ chỉ có thể được giải quyết bằng cách tìm kiếm nguồn vốn, nhưng hiện tại Wall Street đã bắt đầu rời khỏi Trung Quốc. “ĐCSTQ có thể sẽ không còn có đủ tiền nữa. Hiện tại, chính quyền trung ương đang khủng hoảng tài chính rất nghiêm trọng, mức thâm hụt cũng rất lớn. Có nhiều cuộc khủng hoảng đang đồng thời bộc phát, và gần như tất cả đều phải giải quyết cùng một lúc.”
12 tỉnh thành dừng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn
Ông Củng lưu ý: “Khoảng ⅓ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và khu tự trị của Trung Quốc đã dừng các dự án lớn.”
Cuối năm 2023, Văn phòng Quốc vụ viện của ĐCSTQ đã ban hành văn bản yêu cầu trước năm 2024, ngoại trừ các dự án cung cấp nước, điện, sưởi ấm, và các dự án khác bảo đảm cho các nhu cầu căn bản về sinh kế của người dân, thì chính quyền các nơi không được khởi công xây dựng mới cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại cấp tỉnh, cấp bộ, hoặc cấp thành phố.
Các dự án đã bị tạm dừng bao gồm đường cao tốc, tái thiết/mở rộng phi trường, và đường sắt đô thị. Chính quyền đã yêu cầu 12 tỉnh, thành như Liêu Ninh, Cát Lâm, Quý Châu, Vân Nam, Thiên Tân, Trùng Khánh và các tỉnh khác giảm “rủi ro nợ xuống mức thấp đến trung bình.”
Phát hành trái phiếu quốc gia kỳ hạn 50 năm
Hôm 24/03, Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã công bố phát hành trái phiếu quốc gia kỳ hạn 50 năm trị giá 23 tỷ nhân dân tệ (3.2 tỷ USD) với lãi suất coupon là 3.27%.
Ông Củng nêu lên một dấu hiệu khác cho thấy sự thiếu hụt tiền tệ nghiêm trọng của Bắc Kinh. “Trái phiếu quốc gia siêu dài hạn 50 năm của Trung Quốc sắp được tung ra thị trường. Lần này lượng phát hành chưa đến 30 tỷ nhân dân tệ (4.15 tỷ USD), nhưng kỳ hạn này cũng rất đáng sợ rồi. Ví dụ, một người 30 tuổi bây giờ chỉ có thể rút tiền khi đã 80 tuổi. Đây là trái phiếu quốc gia kỳ hạn 50 năm siêu dài đầu tiên trên thế giới.”
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế và Kinh doanh tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái thì “chính sách (phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt siêu dài hạn) này chắc chắn sẽ là một chính sách tạo nợ cho các thế hệ tương lai.”
Sự thiếu hụt tài chính lớn trong ngành địa ốc
Các khoản nợ của các công ty địa ốc lớn và nhỏ của Trung Quốc đã vượt xa quy mô GDP của Trung Quốc. Từ tháng 01/2021 đến ngày 24/08/2023, có hơn 30 công ty địa ốc lớn vỡ nợ. Ngoài ra, có tổng cộng khoảng 20 triệu đơn vị nhà ở chưa hoàn thiện trên khắp Trung Quốc và có thể phải mất hơn 440 tỷ USD để hoàn thành những công trình này.
Vạn Khoa (Vanke), nhà phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc, đang khủng hoảng nợ nghiêm trọng.
Ông Củng cho biết: “Chắc chắn là Vạn Khoa đang nợ số tiền rất lớn. Khoản nợ hiện tại của họ là khoảng 7 đến 8 tỷ USD. Số nợ này cộng thêm khoản nợ khoảng 50 tỷ USD mà Vạn Khoa cần phải trả. Nếu Vạn Khoa không thể trả tiền, thì sự kiện đó có thể tàn phá ngành địa ốc Trung Quốc, và thị trường địa ốc có thể tiếp tục đi xuống.”
“Các công ty địa ốc [của Trung Quốc] đều dựa vào nợ để hoạt động. Ngành địa ốc có nợ dài hạn, có nghĩa là dùng tiền ngày mai để bù đắp cho ngày hôm nay. Vòng luẩn quẩn này có thể vẫn chưa chạm đến mức tồi tệ nhất.”
Cung tiền rộng M2 gần 300 ngàn tỷ
Dữ liệu tài chính mới nhất cho thấy tính đến cuối tháng Hai, quy mô nguồn cung tiền rộng M2 của Trung Quốc đạt 299.56 ngàn tỷ nhân dân tệ (41.5 ngàn tỷ USD), tăng 8.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
M2 là thước đo lượng cung tiền, càng phát hành nhiều tiền tín dụng thì quy mô nợ rộng càng lớn. Khi tốc độ tăng trưởng phát hành tiền tín dụng tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, thì rủi ro nợ sẽ dần tăng.
Hiện tại, M2 của Trung Quốc cao gấp 2.3 lần GDP, trong khi M2 của Hoa Kỳ chỉ bằng 0.76 lần GDP.
Tốc độ tăng trưởng M2 của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. M2 đã chỉ đạt 13 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.8 ngàn tỷ USD) vào cuối năm 2000 và đạt 100 ngàn tỷ nhân dân tệ (13.8 ngàn tỷ USD) vào tháng 03/2013, như vậy là mất 12 năm để vượt mốc 100 ngàn tỷ. Tuy nhiên, M2 đã vượt quá 200 ngàn tỷ nhân dân tệ (27.6 ngàn tỷ USD) vào tháng 01/2020, mất 7 năm để vượt mốc 100 ngàn tỷ tiếp theo. Và cuối cùng vào tháng 02/2024, M2 đã chạm mức gần 300 ngàn tỷ nhân dân tệ (41.5 ngàn tỷ USD), chỉ trong vòng 4 năm.
Ông Củng chỉ ra: “Trung Quốc đã chi tiêu quá nhiều và với quy mô quá lớn. Nhiều dự án của họ không ngừng hút tiền vào. Vì vậy, hiện tại, tình trạng thiếu tiền của Trung Quốc đang ở mức đỉnh điểm trong lịch sử. Việc phát hành tiền tệ cũng đã đạt đến đỉnh điểm trong lịch sử.”
Bản tin có sự đóng góp của Hoàng Vân và Lạc Á
Vân Du biên dịch