Viên Minh
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines rất thành công tại Toà Bạch Ốc, lực lượng tuần duyên Philippines đã hoan nghênh “nỗ lực tích cực” đạt được trong an ninh hàng hải với Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó một số chuyên gia cho rằng, Manila đồng thời cũng đã chừa chỗ để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh về các vấn đề căng thẳng an ninh hàng hải kéo dài ở Biển Đông. Bước đột phá của Manila khi cầu viện cùng lúc cả hai đối thủ sừng sỏ của Bắc Kinh vào cuộc liệu có khiến tình hình Biển Đông giảm nhiệt? Hay là nó sẽ tiếp tục đốt nóng khu vực tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh địa chính trị phức tạp hàng đầu thế giới này?
Lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG) hôm 12/4 ra thông báo: “Chúng tôi hoan nghênh thông báo gần đây trong hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Philippines, Nhật Bản và Mỹ, đặc biệt về việc thiết lập một cuộc đối thoại hàng hải ba bên nhằm tăng cường phối hợp và phản ứng tập thể nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải”.
Phản ứng của PCG được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tham gia cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington. Hội nghị thượng đỉnh Philippines-Nhật Bản-Mỹ lần đầu tiên diễn ra vào sáng sớm hôm 12/4 theo giờ châu Á. Giữa lúc căng thẳng Biển Đông dâng trào, hội nghị được đánh giá là một lời răn đe mạnh mẽ gửi đến những hành động ngày một quyết đoán hơn của Bắc Kinh.
Có thể thấy, thông báo của cảnh sát biển Philippines lặp lại tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên, thông qua huấn luyện và tập trận hải quân kết hợp giữa ba nước chúng tôi và các đối tác bổ sung… và bằng cách phối hợp hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản cho các ưu tiên hiện đại hóa quốc phòng của Philippines”. Rõ ràng, đây là một lời ngầm khẳng định sự bảo vệ của Mỹ, Nhật đối với Philippines trước mối đe doạ từ Trung Quốc. Trước đó, hôm 7/4 ba nước cùng với Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan, các cuộc đàm phán về thỏa thuận tiếp cận tương hỗ giữa Manila và Tokyo được cho là đang ở giai đoạn cuối. Một hiệp ước như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng quân sự giữa các nước, giúp Lực lượng Vũ trang Philippines và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận chung dễ dàng hơn. Washington và Manila đã có một cơ chế tương tự được gọi là Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng. Như vậy có thể thấy trụ cột hợp tác của bộ ba mới này chính là quân sự. Philippines vốn không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh quân sự. Nhưng một khi lực lượng của họ được trui rèn và bảo vệ bởi Mỹ và Nhật Bản, mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Những hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines có lẽ sẽ dần lùi vào dĩ vãng.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Marcos-Kishida-Biden tiết lộ rằng mối quan hệ an ninh đang được thắt chặt. Tuyên bố chung nói: “Hoa Kỳ mong được chào đón các thành viên Cảnh sát biển Philippines và Nhật Bản lên tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ trong chuyến tuần tra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay”.
Bước đi ấn tượng của Manila lần này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia. Rõ ràng sự tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Mỹ sẽ giúp ích nhiều trong chính sách đối ngoại trong thời gian tới của Philippines.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND cho biết: “Quyết định tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên với Biden và Kishida của Marcos đang nâng cao mối quan hệ chống lại Trung Quốc. Đương nhiên, nó mang lại một số rủi ro, nhưng dường như không có bất kỳ lựa chọn thay thế khả thi nào khác nếu Bắc Kinh tiếp tục yêu sách phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Manila”.
Yusuke Takagi, chuyên gia về Đông Nam Á, cũng đồng tình về vấn đề này. Ông nói: “Vấn đề lớn là liệu việc mở rộng hàng hải của Trung Quốc vào Biển Đông tiếp tục hay dừng lại. Vì không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại… nên đây sẽ là một chiến lược tốt để Philippines bổ sung thêm đối tác nhiều nhất có thể thông qua hợp tác đa phương”.
Các tàu Trung Quốc đã nhiều lần bắn vòi rồng vào các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông. Điều đó khiến tình hình trong khu vực ngày một căng thẳng hơn. Kể từ khi đắc cử vào năm 2022, Tổng thống Marcos đã thay đổi lập trường chính sách thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và bắt đầu khẳng định chủ quyền của Manila đối với các khu vực ở Biển Đông.
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh 3 bên chỉ trích đích danh Trung Quốc. “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hành vi nguy hiểm và hung hăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông”. Cuộc họp thượng đỉnh hôm 11/4 vừa qua đã xoay quanh việc đẩy lùi sức ép ngày một lớn của Bắc Kinh lên Manila trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nội dung trọng tâm của cuộc họp là việc Trung Quốc gia tăng sức ép ở Biển Đông, bất chấp lời kêu gọi trực tiếp của ông Biden tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.
Khởi động cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Biden khẳng định hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 giữa Washington và Manila yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines trên Biển Đông. “Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản và Philippines là không thể lay chuyển,” ông Biden nhấn mạnh.
Đây được coi là thành công của Tổng thống Philippines Marcos Jr., khi ông đã giải tỏa được tính chất mơ hồ lâu nay của hiệp ước bằng việc chỉ rõ ra rằng hiệp ước sẽ áp dụng cho các tranh chấp trên Biển Đông. Theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Philippines. Philippines hiện đang mong đợi một khoản đầu tư trị giá 100 tỷ USD trong 5 đến 10 năm tới từ hội nghị thượng đỉnh lần này. Các khoản đầu tư sẽ bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng và hạ tầng kỹ thuật số.
Trước cuộc họp một ngày, ông Biden và ông Kishida công bố hàng loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản, tập trung phần lớn vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng trước mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc. Những kế hoạch này bao gồm một mạng lưới phòng không mở rộng kết hợp với Úc và một cấu trúc chỉ huy chung giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, một quan chức cho biết hệ thống này “có thể phải mất vài năm nữa” mới vào hoạt động. Ngoài ra, các lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự ba bên với Anh.
Trước áp lực quốc tế ngày càng lớn, Trung Quốc một mặt gia tăng hoạt động thực địa, mặt khác liên tục đưa ra các tuyên bố. Vào hôm 11/4, khi được phóng viên từ NBC hỏi liệu liên minh chiến lược Mỹ, Nhật và Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phải mối nguy tiềm ẩn với Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế” và rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại và tham vấn”.
Ngay sau cuộc gặp ba bên Mỹ – Nhật – Philippines, bà Mao Ninh cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết bác bỏ bất cứ điều gì tạo ra và làm gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu an ninh và lợi ích chiến lược của các nước khác”.
Mỹ có kế hoạch thực hiện một cuộc tuần tra chung trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa các lực lượng tuần duyên vào năm sau, bên cạnh những hoạt động huấn luyện hàng hải chung. Washington cũng sẽ đặt “hàng hóa cứu trợ nhân đạo để ứng phó thảm họa liên quan tới thường dân của Philippines” tại các căn cứ quân sự của Philippines, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden.
Một quan chức của Mỹ cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông trong những tháng tới, sau các cuộc diễn tập giữa Mỹ, Úc, Philippines và Nhật Bản vào hôm 7/4.
Các động thái trên diễn ra sau khi hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp 2,5 tỷ USD cho Manila để tăng cường khả năng phòng thủ trước sức ép từ Bắc Kinh, vào hôm 10/4.
Chiêu quen thuộc của Trung Quốc là cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây sức ép. Tuy nhiên, hội nghị ba bên vào ngày 11/4 cho thấy rõ ràng rằng Philippines không hề cô đơn.
Philippines không phải là quốc gia ASEAN duy nhất có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông chồng chéo với Trung Quốc. Nhưng một khía cạnh khác trong mối quan hệ của Philippines với Trung Quốc khiến nước này trở nên khác biệt: nước này không thu được thêm lợi ích gì từ mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc trong thời kỳ cựu tổng thống Duterte. Chính yếu tố này dường như đã thúc đẩy ông Marcos xích lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ.
Chuyên gia Grossman nói: “Khi Marcos trở thành tổng thống, ông ấy nhận ra rằng chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm đã không mang lại bất kỳ lợi ích hữu hình nào cho Philippines và nó hoàn toàn không được người dân ưa chuộng.. Ví dụ, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hầu như không có cơ sở hạ tầng và đầu tư mới”.
Giới quan sát coi quan hệ đối tác ba bên là “một bước đột phá quan trọng” đối với Philippines, có thể là “bước đệm” để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của nước này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tăng cường các hình thức hợp tác khác, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và công nghiệp.
Các chuyên gia cũng nhất trí rằng quyết định xích lại gần Nhật Bản và Mỹ của Marcos sẽ không ngăn cản Philippines cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Julio Amador, Giám đốc điều hành của Amador Research Services ở Philippines, coi hội nghị thượng đỉnh ba bên là “một trong những thắng lợi ngoại giao quan trọng nhất” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “việc xây dựng quan hệ an ninh hơn nữa với Nhật Bản và Mỹ không có nghĩa là Manila nên chống lại Bắc Kinh một cách không cần thiết”.
“Philippines phải hợp tác với Trung Quốc để giảm căng thẳng chung trong khu vực, nhưng Bắc Kinh cần phải là một bên đáng tin cậy và đáng tin cậy. Điều đó chưa cho thấy họ sẵn sàng làm như vậy. Quả bóng đang ở phía Bắc Kinh”.
Ngoại giới tin rằng tình hình chính trị và địa chính trị đã khiến ông Marcos bước vào phe Nhật – Mỹ. Khi dư luận chống Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Philippines, Tổng thống Marcos muốn cảnh báo Trung Quốc. Nhưng không nên làm quá. Philippines có mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc một phần do sự gần gũi về kinh tế và địa lý giữa hai nước. Hành động tiếp theo của Manila đối với Trung Quốc sẽ rất quan trọng trong việc cân bằng giữa Trung Quốc và các nước như Mỹ và Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản không nên ép Philippines đứng về bên này hay bên kia.
Hợp tác Biển Đông tốt cho Trung Quốc hơn là xung đột
Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines về yêu sách lãnh thổ của đối thủ ở Biển Đông đang tạo ra một bóng đen ngày càng lớn đối với sự phát triển của các vùng biển giàu hydrocarbon này.
Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5300 tỷ mét khối khí đốt, nhưng cho đến nay chỉ một phần trong số này được phát hiện.
Các công ước toàn cầu đã được thiết lập liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kéo dài 200 hải lý (tức khoảng 370 km) ngoài bờ biển của mỗi quốc gia, sẽ giúp phát triển các nguồn tài nguyên này và cho phép khu vực nhập khẩu ít dầu khí hơn từ ở nơi khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh hải của mình, bất chấp vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 đã vô hiệu hóa các khẳng định chủ quyền của nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất dầu khí trong vùng EEZ được công nhận của mình mà không bị bất kỳ nước láng giềng nào làm phiền. Sản lượng năm ngoái từ các mỏ ở Biển Đông có thể đạt mức cao mới là 1,24 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 23,8 tỷ mét khối khí đốt mỗi ngày.
Ba tuần trước, CNOOC thuộc sở hữu nhà nước thông báo rằng họ đã phát hiện một mỏ có trữ lượng 100 triệu tấn dầu ở Biển Đông, cách bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông 300 km. Công ty này khó có thể gặp phải bất kỳ rắc rối nào từ các nước láng giềng trong việc phát triển nguồn tài nguyên này.
Trong những năm qua, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã phát triển các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông, bất chấp sự quấy rối thường xuyên của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Nhưng trong vài năm qua, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc – lớn hơn và được trang bị vũ khí mạnh hơn trước – đã thực hiện các chuyến thăm thường xuyên và xâm lấn hơn tới các khu vực này, dẫn đến các cuộc chạm trán gần với hải quân các nước láng giềng.
Trong khi đó, Philippines đang nỗ lực tìm kiếm nguồn dự trữ mới để thay thế mỏ khí đốt Malampaya khổng lồ của nước này ở Biển Đông vì mỏ này dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2027. Manila đặc biệt muốn khám phá Bãi Cỏ Rong, cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc thăm dò chung dầu khí trong hai thập kỷ qua đã không thành công, khiến Philippines thất vọng phải khẳng định vị thế vững chắc hơn trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong năm qua, Manila đã tăng cường các cuộc tập trận chung với lực lượng Úc và Mỹ, đồng thời tăng cường tuần tra chung trên không và trên biển. Năm ngoái, họ cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự trong nước, trong đó có một căn cứ tiếp giáp với Biển Đông.
Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tăng cường hơn nữa sự hiện diện hải quân và áp dụng các chiến thuật hung hăng hơn, làm nảy sinh những cuộc đối đầu nguy hiểm hơn.
Bắc Kinh đặc biệt phẫn nộ trước sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng Mỹ trong khu vực. Trung Quốc hồi đầu tháng này đã nghiêm khắc cảnh báo Washington không nên can thiệp vào các tranh chấp hàng hải với Manila, mặc dù Mỹ đã cam kết hỗ trợ Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.
Trong khi đó, những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông đã kéo dài hàng thập kỷ, mặc dù hai bên đã cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán vào tháng 7 năm ngoái nhằm hướng tới việc chốt các điều khoản vào năm 2026. Một bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp tránh xung đột quân sự và đảm bảo hòa bình ở Biển Đông, sau đó có thể trở thành bước đệm cho khuôn khổ khu vực để chia sẻ nguồn tài nguyên dầu khí.
Mặc dù những giao dịch như vậy có thể phức tạp và tẻ nhạt nhưng những nỗ lực thường sẽ được đền đáp về lâu dài.
Ví dụ, Úc và Đông Timor đã bắt tay nhau vào đầu những năm 1990 để phát triển các mỏ dầu khí ở Biển Timor giữa hai nước. Thỏa thuận này không phải là không có trục trặc nhưng hầu hết các tranh chấp đều được giải quyết một cách thân thiện theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Malaysia và Thái Lan đã hợp tác để sản xuất khí đốt từ các mỏ ở Vịnh Thái Lan dưới sự bảo trợ của cơ quan phát triển chung kể từ khi gạt bỏ các yêu sách cạnh tranh vào năm 1990.
Indonesia và Việt Nam đã đồng ý phân định ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ ở Biển Đông sau 12 năm đàm phán, một động thái cho phép họ hợp tác cùng nhau để chống lại các yêu sách bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc tự cho mình là người kiến tạo hòa bình, có thể giúp xây dựng những cầu nối để giải quyết các xung đột như chiến tranh Ukraine và chiến tranh Israel-Hamas. Nhưng để trở thành một nước hỗ trợ hòa bình đáng tin cậy và hiệu quả trên trường quốc tế, như Trung Quốc lẽ ra phải làm, trước tiên nước này cần phải giảm leo thang các cuộc xung đột đang gia tăng ở sân sau của mình.
Do đó, đã đến lúc Bắc Kinh phải từ bỏ chiến lược hiếu chiến để chuyển sang sử dụng ngoại giao khéo léo và cách tiếp cận hợp tác nhằm tạo ra mối quan hệ đối tác cùng có lợi với các nước láng giềng.
Khi đó, một giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông có thể trở thành kế hoạch chi tiết nhằm đạt được thỏa thuận nhằm hạ nhiệt tranh chấp tương tự của Trung Quốc với Nhật Bản về vùng đặc quyền kinh tế của mỗi bên ở Biển Hoa Đông. Những vùng biển này cũng có trữ lượng dầu khí đáng kể mà Trung Quốc đã đơn phương khai thác bất chấp sự phản đối của Nhật Bản.
Khi Trung Quốc vật lộn với những xung đột chính trị và thương mại ngày càng tăng với Mỹ cũng như mối quan hệ căng thẳng với châu u, nước này cần các nước láng giềng châu Á ở bên cạnh mình hơn bao giờ hết. Bắc Kinh nên hạ nhiệt độ ở Biển Đông và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử là ưu tiên hàng đầu cho năm 2024.
Viên Minh (Tổng hợp)
- Bài viết có tham khảo một số bài báo từ Nikkei Asia