Hôm thứ Ba (16/4), một ủy ban của Mỹ đã cáo buộc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gián tiếp tham gia vào việc sản xuất fentanyl, một loại thuốc phiện cực mạnh mỗi năm làm thiệt mạng chục ngàn người ở Mỹ.
Theo một báo cáo của Ủy ban Lựa chọn Hạ viện Mỹ về Trung Quốc chỉ ra, Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho hoạt động của các phòng thí nghiệm sản xuất tiền chất fentanyl – là chất được sử dụng để làm ra fentanyl.
Thành viên ủy ban phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến: “Những khoản trợ cấp này là dưới hình thức giảm thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi nhận thấy các công ty nhận trợ cấp bán được số lượng thuốc trung bình gấp 10 lần”.
Báo cáo cho biết hầu hết các công ty liên quan đều được đăng ký hợp pháp. Do nhiều sản phẩm khác của họ có khách hàng ở Mỹ và châu Âu nên việc sản xuất và xuất khẩu tiền chất fentanyl không hẳn là hoạt động chính của họ.
Để giảm mối đe dọa fentanyl ở Trung Quốc, ủy ban khuyến nghị thành lập một cơ quan chuyên trách nhắm mục tiêu không chỉ vào các phòng thí nghiệm từ Trung Quốc mà còn cả các nền tảng kỹ thuật số và ngân hàng cung cấp tài chính cho họ, qua đó để ngăn chặn hoạt động sản xuất fentanyl từ mọi phương diện.
Nhưng báo cáo cảnh báo cách tiếp cận này sẽ chỉ trở nên hiệu quả hơn nếu hợp tác được tăng cường ở cấp độ toàn cầu.
Fentanyl là loại thuốc phiện tổng hợp mạnh được sử dụng trong lĩnh vực y tế, nhưng nó có thể bị lạm dụng như một loại thuốc. Nhà chức trách Mỹ chỉ ra chúng là nguyên nhân gây ra hơn 70.000 ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ mỗi năm, chủ yếu là người ở độ tuổi 18 – 49.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng đã đề cập vấn đề này, trong đó bao gồm việc bắt đầu các cuộc thảo luận về tăng cường hợp tác chống rửa tiền. Mục tiêu cụ thể của hợp tác là cắt nguồn tài trợ đối với những tổ chức liên quan, qua đó giảm thiểu dòng thuốc phiện vào Mỹ.
Các quan điểm chỉ ra, nếu cho rằng fentanyl chủ yếu đến từ Trung Quốc thì thị trường này hiện đang bị các tập đoàn ma túy Mexico thống trị. Các phòng thí nghiệm Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp cho những kẻ buôn lậu ma túy (đặc biệt là những người Mexico) các chất dùng để sản xuất fentanyl.
Mỹ lên án ĐCSTQ chưa làm đủ mạnh để chống lại việc sản xuất và xuất khẩu bất hợp pháp các thành phần fentanyl này. Theo các nguồn tin, Trung Quốc không khoan nhượng đối với các mối đe dọa fentanyl trong nước, nhưng việc kiểm soát fentanyl xuất khẩu của ĐCSTQ tương đối lỏng lẻo.
Vì vậy báo cáo thậm chí đặt vấn đề rằng ĐCSTQ có thể sử dụng chiến lược không đối xứng, cụ thể là “chiến tranh ma túy” để đối phó với Mỹ. Báo cáo đã đề cập đến cuốn sách “Chiến tranh không hạn chế” (Unrestricted Warfare) của các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc là Wang Xiangsui và Qiao Liang, theo đó nhiều phần của cuốn sách này đã đề cập “chiến tranh ma túy” như một chiến lược hiệu quả trong chiến tranh không đối xứng.
Chiến thuật không đối xứng là thuật ngữ quân sự chỉ cách mà bên yếu hơn có thể chiếm được ưu thế trong cuộc chiến với đối thủ mạnh hơn.
Mộc Vệ