Nguồn: “What Ramadan is like in Xinjiang” The Economist, 11/04/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Đảng Cộng sản Trung Quốc có một thông điệp dành riêng cho công dân Hồi giáo. Nhà nước trân trọng quyền tự do tôn giáo của họ — trong đó đặc biệt là quyền tự do không theo tín ngưỡng nào. Quyền thế tục được chính quyền Trung Quốc nhất quán xem như quyền căn bản trong các quy định tôn giáo được ban hành trong năm nay tại Tân Cương, nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Các quy định mới kiểm soát mọi thứ, từ giảng dạy tôn giáo đến kiến trúc nhà thờ Hồi giáo, theo đó phải phản ánh phong cách Trung Quốc. Các quy định cũng nói về những kẻ cực đoan thao túng tư duy của người dân và thúc đẩy khủng bố. Để ngăn chặn điều này, các quy định nêu rõ, không tổ chức hoặc cá nhân nào được xúi giục hoặc ép buộc người dân địa phương tin hoặc không tin vào bất kỳ tôn giáo nào.
Đây chỉ là một cách nói nhằm tăng cường kiểm soát tôn giáo — trong một khu vực mà vào đỉnh điểm của chiến dịch an ninh 2018 và 2019 có lẽ đã chứng kiến khoảng một triệu cư dân Hồi giáo bị giam trong các trại cải tạo. Một phần của lập luận cũ đang được dùng lại: quyền có hoặc không có đức tin tôn giáo đều được hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Nhưng một đường lối tuyên truyền mới cũng đang hình thành: quy định hà khắc của nhà nước ở Tân Cương là nhằm bảo vệ quyền tự do của cư dân nơi đây.Bài đang hotMỹ chính là bên châm ngòi cho chảo lửa Trung Đông
Chúng tôi viết bài này tại miền đông Tân Cương, nơi chúng tôi trải qua những ngày cuối cùng của tháng chay Ramadan, khi người Hồi giáo kiêng ăn và uống vào ban ngày. Nhiều lần người Duy Ngô Nhĩ đã tìm cách biểu lộ rằng đây là một tháng Ramadan đau khổ, vì việc bị bắt quả tang đang nhịn ăn là rất nguy hiểm.
Trong một buổi tối, chúng tôi đã theo dõi hàng trăm tín đồ bước vào nhà thờ Hồi giáo Baida Si, ở thủ phủ Urumqi, để cầu nguyện lúc hoàng hôn và đêm khuya. Sau buổi lễ hoàng hôn, những tín đồ đó lặng lẽ xếp hàng ra ngoài, không có dấu hiệu nào của bữa tối iftar mà nhà thờ từng phục vụ cho các tín đồ, vốn đánh dấu kết thúc buổi nhịn ăn ngày hôm đó. Chỉ mới năm 2015, những bữa tối như vậy còn được truyền thông nhà nước ca ngợi. Báo chí chụp ảnh người của nhà thờ chuẩn bị thịt cừu, bánh mì dẹt, và dưa hấu. Không phải năm nay, người dân địa phương cho biết. Bữa iftar “không còn nữa.”
Nhiều nhà thờ Hồi giáo đơn giản là đã đóng cửa. Những giới hạn đức tin như vậy được nhà nước gọi là quyền lựa chọn. Chúng tôi đã hỏi bảo vệ, nhân viên, và những người đàn ông có vẻ phụ trách nhà thờ Hồi giáo, dù họ từ chối nêu danh tính, vì sao nhiều người Duy Ngô Nhĩ vẫn ăn uống trong tháng Ramadan. Câu trả lời nhất quán là, họ có thể chọn nhịn ăn hoặc không, vì “chính phủ của chúng tôi đảm bảo quyền tự do tôn giáo.” Chính câu hỏi đó đã làm nhân viên bảo vệ của một nhà thờ Hồi giáo khó chịu. Khi bụng đói thì người ta ăn thôi, người này nói.
Trong nhiều năm, chính quyền Tân Cương đã dùng các giáo sĩ được đảng phê chuẩn để tuyên bố Tân Cương là nơi có quyền tự do tôn giáo “chưa từng có trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào trong quá khứ.” Các nhà ngoại giao, chính trị gia, và nhà báo từ các quốc gia thân thiện đã được mời tham gia các chuyến thăm được dàn dựng để cho thấy Trung Quốc là một nước tôn trọng đạo Hồi. Sau khi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Baida vào năm 2021, đại sứ Iran tại Trung Quốc lúc đó tuyên bố người Hồi giáo Tân Cương được tự do thực hành đức tin của mình, đồng thời khen ngợi những tấm thảm “mềm mại và sạch sẽ” trong nhà thờ. Nhưng giờ đây đường lối ưa thích là Tân Cương phải hội tụ với Trung Quốc. Hồi tháng 3, bí thư Tân Cương, Mã Hưng Thuỵ, đã gọi “Trung Hoa hóa Hồi giáo” ở Tân Cương là một “xu hướng tất yếu và cần thiết.”
Nhưng bất chấp tất cả những lời tuyên truyền về quyền được chọn tôn giáo, người dân không có nhiều lựa chọn để theo nữa. Đi làm báo độc lập ở Tân Cương luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại cho người Duy Ngô Nhĩ. Các đặc vụ mặc thường phục đã đi bộ và đi ô tô theo sát chúng tôi trong suốt chuyến thăm. Dù vậy, có bốn lần chúng tôi hỏi được người Duy Ngô Nhĩ (bao gồm một sĩ quan cảnh sát) xem năm nay có được phép nhịn ăn trong tháng Ramadan hay không mà không bị nghe lỏm. Câu trả lời của họ gần giống hệt nhau: “Bu hao shuo,” hay “Bu gan shuo,” nghĩa là khó nói hoặc không dám nói. Khi được hỏi có cấm nhịn ăn không, một người im lặng gật đầu.
Cách Urumqi một chuyến tàu ngắn là Turpan, một thị trấn ốc đảo nơi chủ yếu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống và nổi tiếng với những vườn nho. Chỉ mới vài năm trước, nhiều người dân ở Turpan vẫn còn tổ chức lễ Eid al-Fitr, lễ hội đánh dấu kết thúc tháng Ramadan, tại một nhà thờ Hồi giáo bằng gạch không nung cổ kính dưới bóng Tháp Sugong, một ngọn tháp có từ thế kỷ 18. Giờ đây nhà thờ Hồi giáo ấy là một bảo tàng. Thật đáng kinh ngạc, nhân viên bảo tàng nhấn mạnh việc chuyển đổi công năng phản ánh mong muốn của người dân địa phương. Một người Hán lớn tuổi trong phòng kiểm soát an ninh đã gầm gừ rằng khi người ta muốn sử dụng nhà thờ Hồi giáo này, họ đã dùng. Giờ họ không muốn đến nữa, nên không đến. Imam (giáo sĩ quản lý nhà thờ Hồi giáo) ở đây đã già và qua đời, trong khi người ta có những nhà thờ Hồi giáo gần nhà họ, người này nói tiếp.
Người dân địa phương có thể không đồng tình với nhận định này – nếu họ được tự do bộc lộ suy nghĩ. Từ Tháp Sugong đến trung tâm Turpan là một con đường rợp bóng cây mang tên Đường Giải phóng. Đi được nửa đường, chúng tôi tìm thấy nhà thờ Hồi giáo Kangka, một kiến trúc hiện đại với những bức tranh hoa, bị khoá từ bên ngoài. Xa hơn nữa, nhà thờ Hồi giáo Guanxiang đã mất một phần ngọn tháp. Ngay bên cạnh nó là nhà thờ Hồi giáo Youlewu bị phá bỏ một phần. Điều kỳ lạ là cánh cổng còn sót lại của nó lại được chôn trong những tấm xi măng. Các cột lát gạch của nó có thể được nhìn thấy thoáng qua ở những nơi các tấm xi măng bị vỡ vụn.
Sự thế tục hóa một cách đầy cưỡng bức không dừng lại ở đó. Nhiều ngôi nhà trên Đường Giải phóng có những bức tranh phong cảnh lát gạch đầy màu sắc trên cổng vào. Một số nham nhở các vết sơn phun hoặc xi măng. Trong các trường hợp này, những hình ảnh bị che đi đều là hình ảnh một nhà thờ Hồi giáo.
Ở Turpan có một nỗi buồn hiện rõ vào dịp lễ Eid al-Fitr, diễn ra vào ngày 10 tháng 4 năm nay. Trong bóng tối mát mẻ, thơm mùi hương khói trước bình minh, hàng chục người đàn ông chủ yếu là người già đi bộ đến lễ cầu nguyện Eid tại Nhà thờ Hồi giáo Dongda (người trẻ không được tham dự các buổi lễ). Sau đó, họ đứng thành hàng im lặng để quan sát lá cờ Trung Quốc được kéo lên trong vườn của nhà thờ Hồi giáo, khi một nhóm quan chức hát quốc ca. Một giọng nói vang lên bằng tiếng Quan Thoại rằng “lòng yêu nước là nghĩa vụ của mọi công dân,” trước khi thông báo “các cuộc họp và hoạt động tiếp theo.” Ở những con đường xung quanh, phóng viên không thấy đám đông hân hoan nào như ở các quốc gia Hồi giáo khác. Lãnh đạo Trung Quốc nói họ đang mang lại trật tự và tiến bộ cho Tân Cương. Họ gọi đây là tự do tôn giáo đích thực. Còn các tín đồ thì đang phải trả giá cho điều đó.