Nguồn: Casey Michel, “How Aleksandr Solzhenitsyn Became Putin’s Spiritual Guru,” Foreign Policy, 07/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Dưới đây là câu chuyện kỳ lạ về một anh hùng văn học toàn cầu, người đã truyền cảm hứng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Năm 1990, khi Liên Xô đang dần tiến tới sự tan rã cuối cùng, một nhà văn Nga nổi tiếng đã phác thảo một kế hoạch cho tương lai hậu Xô-viết. Như nhà văn này đã vạch ra, Nga phải cởi bỏ xiềng xích của thời Liên Xô bằng cách loại bỏ Đảng Cộng sản đang khủng hoảng và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, ông nói thêm, Điện Kremlin nên để một loạt các thuộc địa cũ của Moscow, đặc biệt là ở những nơi như Baltic, Caucasus, và phần lớn Trung Á, được tự do.
Tuy nhiên, cần phải nắm giữ các vùng biên giới khác. Các phần phía bắc Kazakhstan – các khu vực mà theo nhà văn này là chưa bao giờ thực sự là Kazakhstan – nên trở về với Nga. Tương tự là Belarus, vốn gần như không phải là một quốc gia khác biệt với Nga. Quan trọng nhất, nhiều vùng lãnh thổ Ukraine vẫn thuộc quyền sở hữu của Nga, từ miền đông Ukraine đến Crimea và xa hơn nữa – thậm chí cho đến tận Kyiv. Tất cả những vùng đất này đều là tài sản truyền thống của Nga. Và tất cả những vùng đất đó, nhà văn đề xuất, sẽ tạo thành một “Liên minh Nga” trong tương lai – không chỉ đưa hàng triệu người dân tộc Nga đang sống bên ngoài biên giới Liên bang Nga trở về với quê hương của họ, mà còn khôi phục vị trí xứng đáng của Moscow trên bản đồ thế giới.
Vào thời điểm đó, những đề xuất chính sách này không được quan tâm, hay gây lo lắng ở phương Tây. Một mặt, thái độ thờ ơ này là dễ hiểu, vì phương Tây khi đó chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo sự tan rã ổn định của Liên Xô. Nhưng mặt khác, sự thờ ơ đó thực sự gây sốc, vì tác giả của bản kế hoạch nước Nga mới này – vốn được gói gọn trong một cuốn sách có tên Tái thiết nước Nga (Rebuilding Russia) – chính là Aleksandr Solzhenitsyn, tác giả đoạt Giải Nobel và là “nhà văn thống trị thế kỷ 20,” như biên tập viên David Remnick của tờ New Yorker đã từng mô tả.
Trong khi phần lớn tác phẩm của Solzhenitsyn – từ Quần đảo Ngục tù, Trại Ung thư, cho đến Một ngày trong đời Ivan Denisovich – vẫn đang tiếp tục được mổ xẻ và thảo luận rộng rãi, thì Tái thiết nước Nga được cho là cuốn sách bị bỏ qua nhiều nhất của ông. Và xét đến mức độ mà Điện Kremlin đã tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị chính sách của Solzhenitsyn trong Tái thiết nước Nga, thì việc chúng ta bỏ qua cuốn sách lại càng đáng tiếc hơn – nhất là bởi nó cho ta biết về những gì Điện Kremlin muốn ở Ukraine, và thậm chí hơn thế nữa.
Cuốn sách thật ra khá mỏng, bản dịch tiếng Anh chỉ khoảng 90 trang – nó giống một bản tuyên ngôn hơn là một bản thảo sách được phát triển đầy đủ. Nhưng dù chỉ với số trang ít ỏi đó, Solzhenitsyn vẫn để lộ mình không chỉ là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, mà còn là một người chuyên nghiên cứu các loại thuyết âm mưu và chủ nghĩa thần bí mà sau này Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thấm nhuần. Giống như Putin, Solzhenitsyn tán thành những nhân vật phát xít Nga như Ivan Ilyin, ca ngợi “đời sống tinh thần của một dân tộc.” Ông cũng tuyên bố rằng những nước nhỏ hơn từng bị các lực lượng thời Sa hoàng chiếm đóng vẫn “sống tốt” trong Đế quốc Nga – hoàn toàn phớt lờ việc các lực lượng Nga đối xử tàn bạo với các quốc gia ở Bắc Á, tước bỏ dân số và chủ quyền của họ, thậm chí đến mức diệt chủng. Ông thậm chí còn viết rằng các quốc gia như Kazakhstan “được gắn kết với nhau… theo một kiểu hoàn toàn lộn xộn” – hạ thấp những tuyên bố lịch sử của người Kazakhstan không chỉ đối với đất nước thời hiện đại của họ, mà còn đối với lãnh thổ Kazakhstan trước đây vẫn được coi là một phần của Liên bang Nga.
Nhưng chính ở Ukraine – và trong những lời kêu gọi thành lập Liên minh Nga của Solzhenitsyn – chủ nghĩa phục thù của nhà văn đã hiển hiện rõ ràng và đem lại hiểu biết sâu sắc về các động lực thúc đẩy Điện Kremlin và các kế hoạch sắp tới của họ. Tương tự như nhiều nhà văn khác, bao gồm cả những nhân vật như Alexander Pushkin và Joseph Brodsky, Solzhenitsyn đã lồng ghép chủ nghĩa sô vanh Nga không che giấu vào các tác phẩm viết về Ukraine. Trong một luận điểm mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga khác sau này sẽ tận dụng, Solzhenitsyn đổ lỗi rằng “cuộc xâm lược của Mông Cổ” và “thuộc địa hoá của Ba Lan” đã chia rẽ người Nga và người Ukraine (cũng như người Belarus), chia cắt “nhân dân chúng ta” thành “ba nhánh.” Phớt lờ hàng thế kỷ nghiên cứu, Solzhenitsyn viết rằng “Tất cả những lời bàn tán về một dân tộc Ukraine riêng biệt tồn tại từ khoảng thế kỷ 9 và sở hữu ngôn ngữ riêng không phải tiếng Nga đều là điều dối trá mới được bịa ra.” Những nỗ lực trước đây nhằm giành độc lập cho Ukraine là các công việc được thúc đẩy bởi giới tinh hoa, được ban hành từ trên xuống – được thực hiện “mà không lấy ý kiến của đông đảo quần chúng” – trong khi những nỗ lực gần đây hơn nhằm tạo ra một nhà nước Ukraine riêng biệt không gì khác ngoài các chiến dịch “tách [Ukraine] khỏi một sinh vật sống,” một “sự phân chia tàn nhẫn” vốn sẽ xé nát “cuộc sống của hàng triệu cá nhân và gia đình.”
Thay vì một nước Ukraine độc lập tách khỏi Liên bang Nga (Russian Federation), Solzhenitsyn cho rằng một thực thể mới nên ra đời. Ông viết, “Sẽ không còn gì ngoài một thực thể có thể được gọi là Rus, theo cách gọi thời xưa … hoặc ‘Russia’ (Nga), cái tên được sử dụng từ thế kỷ 18 … hoặc – để phản ánh chính xác những hoàn cảnh mới – ‘Liên minh Nga (Russian Union).’”
Thay vì hướng tới độc giả phương Tây, những người từng ca ngợi các tác phẩm vạch trần tội ác thời Liên Xô của ông, Solzhenitsyn viết Tái thiết nước Nga hoàn toàn chỉ dành riêng cho độc giả Nga. Và họ ngay lập tức đã đón nhận nó rất nồng nhiệt. Với gần 20 triệu bản in được bán ra, người Nga đã đọc ngấu nghiến những lời kêu gọi của Solzhenitsyn nhằm mở rộng biên giới nước Nga và khôi phục “sự cứu rỗi về tinh thần và thể chất cho dân tộc chúng ta.” Trong số những độc giả đó có Boris Yeltsin, người sắp trở thành Tổng thống Nga, người mà cuốn sách “đã có ảnh hưởng lớn” (như lời nhà sử học Vladislav Zubok), vì nó cho rằng người Ukraine và người Nga chỉ đơn giản là “một quốc gia bị chia cắt bởi những thảm họa địa chính trị và sự xâm lược của nước ngoài.”
Nhưng các đề xuất chính sách của Solzhenitsyn cũng ảnh hưởng đến một tổng thống tương lai khác của Nga: Putin. Dù không rõ liệu Putin có từng đọc tác phẩm của Solzhenitsyn hay không, nhưng người đứng đầu Điện Kremlin hiện tại rõ ràng là người hâm mộ các khuyến nghị chính sách của Solzhenitsyn – và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc của ông.
Không khó để hiểu tại sao Solzhenitsyn đã trở thành “người thầy tinh thần” của Putin, như một nhà phân tích đã viết. Solzhenitsyn không chỉ là một “người chắc chắn theo chủ nghĩa dân tộc Nga” như Robin Ashenden nhận định, mà trong những năm sau khi xuất bản Tái thiết nước Nga, Solzhenitsyn ngày càng lún sâu vào kiểu cuồng tín dân tộc chủ nghĩa mà sau này sẽ thúc đẩy Putin. Vào giữa những năm 1990, Solzhenitsyn bắt đầu tuyên bố rằng sự sụp đổ của Liên Xô được thúc đẩy bởi “mục đích chung” của Mỹ là “sử dụng mọi biện pháp có thể, bất kể hậu quả ra sao, để làm suy yếu nước Nga.” (Tất nhiên, tuyên bố này đã bỏ qua thực tế là chính quyền George H.W. Bush không chỉ cố gắng giữ vững Liên Xô, mà còn tích cực chống lại chủ nghĩa ly khai Ukraine.) Không lâu sau, Solzhenitsyn lại nói rằng Cách mạng Cam ở Ukraine chỉ là một dấu hiệu minh chứng cho “kế hoạch bao vây Nga” của NATO – và rằng, trên thực tế, “những vùng đất rộng lớn vốn chưa bao giờ là một phần của Ukraine trong lịch sử” đã “bị ép sáp nhập vào nhà nước Ukraine hiện đại và vào chính sách của nước này nhằm có được tư cách thành viên NATO bằng bất cứ giá nào.”
Giờ đây, chúng ta không còn có thể phân biệt những bình luận của Solzhenitsyn với những lập luận của Putin về Ukraine. Giống như Solzhenitsyn, Putin xem các vùng lãnh thổ của Ukraine như Crimea và cái gọi là Novorossiya là lãnh thổ của Nga một cách hợp pháp. Giống như Solzhenitsyn, Putin tin rằng người dân tộc Nga ở Ukraine đang phải đối mặt với “sự đàn áp dữ dội và sự tiêu diệt tiếng Nga.” Và giống như Solzhenitsyn, Putin tin rằng Nga “trong bất kỳ tình huống nào … cũng không từ bỏ tình đoàn kết của chúng ta” với người dân tộc Nga ở Ukraine.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi vào những năm 2000, Solzhenitsyn đã trở thành một người hâm mộ các chính sách của Putin. Sau khi ca ngợi việc Putin “hồi sinh” nước Nga, Solzhenitsyn đã được Điện Kremlin trao giải thưởng nhà nước về thành tựu văn hóa và đã được “triển khai như một phần trong chiến lược phản cách mạng của Điện Kremlin.” Nhà văn nổi tiếng đã trở thành “nhà lãnh đạo không chính thức của giới trí thức dân tộc chủ nghĩa Nga,” Tomiwa Owolad viết.
Tất cả lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp trực tiếp giữa Putin và Solzhenitsyn, ngay trước khi nhà văn qua đời vào năm 2008. Ngồi bên một chiếc bàn nhỏ, hai bên là những kệ sách lớn, Putin đã thảo luận với nhà văn ốm yếu “về tương lai [của nước Nga].” Và nó phần nào chính là tương lai mà Solzhenitsyn đã từng kêu gọi. Đích thân Putin từng chỉ ra rằng nhiều chính sách mà ông đang theo đuổi – bao gồm các chính sách liên quan đến các thuộc địa cũ của Nga, hiện đang nằm rải rác khắp Đông Âu, vùng Caucasus và Trung Á – “phần lớn đi theo hướng mà Solzhenitsyn đã đề xướng.”
Sẽ là quá đáng khi nói rằng Putin chỉ dựa vào những kế hoạch của Solzhenitsyn để hiện thực hoá nỗi ám ảnh của ông về Ukraine và gây ra cuộc chiến tàn khốc nhất mà châu Âu từng chứng kiến trong gần một thế kỷ qua. Cội rễ của chủ nghĩa dân tộc Nga sâu xa hơn bất kỳ nhà văn nào và thậm chí còn có trước các tác phẩm của Solzhenitsyn từ rất lâu.
Nhưng rõ ràng là Solzhenitsyn – một tác giả có tầm vóc lớn, đặc biệt là trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ – đã hệ thống hóa các quan điểm rời rạc của chủ nghĩa dân tộc Nga theo một cách khiến các nhà lãnh đạo Nga và những người theo chủ nghĩa phục quốc Nga trong tương lai không thể cưỡng lại được. Kêu gọi, và thậm chí bào chữa cho chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ cũ của Nga, từ năm 1990, Solzhenitsyn đã giúp đặt nền móng cho chủ nghĩa đế quốc mới – và cho niềm tin phổ biến của người Nga vào sự lệ thuộc của Ukraine và vào sai lầm cố hữu của một nước Ukraine độc lập, hiện đại.
Những người bảo vệ Solzhenitsyn sẽ trích dẫn những đoạn văn của ông trong Tái thiết nước Nga trong đó hạ thấp tầm quan trọng của chủ nghĩa quân phiệt như một phương tiện để mở rộng biên giới nước Nga. (“Tất nhiên, nếu người dân Ukraine thực sự mong muốn độc lập, thì không ai dám dùng vũ lực ngăn cản họ,” ông viết.) Nhưng ngay cả lời bào chữa đó cũng rất đáng ngờ. Nhiều năm sau khi người Ukraine ở những nơi như Crimea và Donbas rõ ràng đã bỏ phiếu đòi độc lập khỏi Moscow, Solzhenitsyn vẫn từ chối xem những khu vực này là thuộc về Ukraine một cách chính đáng. Và với việc ông tiếp tục ủng hộ Putin trong những năm cuối đời – ngay cả sau khi tổng thống Nga tuyên bố rằng Ukraine “thậm chí còn không phải một quốc gia” – lời biện hộ đó thật sự khó tin.
Điều thậm chí còn khó bào chữa hơn là cách phương Tây phớt lờ và hạ thấp chủ nghĩa dân tộc của Solzhenitsyn trong thời kỳ hậu Xô-viết. Bị phân tâm bởi những thành tích chống Liên Xô của Solzhenitsyn, phương Tây đã bỏ lỡ những kế hoạch đế quốc mà ông đã phác thảo – và cách chúng tác động lên Điện Kremlin trong những năm sau đó. Thay vì đối đầu trực diện với chủ nghĩa phục thù của Solzhenitsyn, phương Tây – giống như những gì họ từng làm với rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, ngay cả sau cuộc xâm lược mở rộng của Putin vào năm 2022 – vẫn thích nhìn theo hướng khác, hy vọng ngọn lửa nuôi dưỡng những quan điểm như vậy sẽ tự tắt.
Nhưng hơn ba thập niên đã trôi qua kể từ khi Solzhenitsyn lần đầu tiên kêu gọi thành lập Liên minh Nga, và ngọn lửa đó vẫn chưa bị dập tắt. Putin thậm chí còn ngày càng tiến sâu hơn vào vực thẳm mà Solzhenitsyn đã đặt ra và không hề có dấu hiệu dừng lại. Đó là lý do tại sao những đề xuất của Solzhenitsyn, và sự sẵn lòng đi theo của Putin, phải được xem xét theo đúng bản chất của chúng – một mối đe dọa không thể xoa dịu đối với sự ổn định ở châu Âu và đối với ý tưởng về một nước Ukraine độc lập (hoặc thậm chí là Belarus và Kazakhstan). Dù Solzhenitsyn đã không sống đến ngày Liên minh Nga của ông quay trở lại, nhưng đó không phải là vì Putin không cố gắng – mà là nhờ sự hy sinh của người Ukraine.
Casey Michel là người đứng đầu chương trình chống lại chế độ đạo tặc (kleptocracy) của Tổ chức Nhân quyền và là tác giả cuốn sách Chế độ đạo tặc Mỹ: Mỹ đã tạo ra kế hoạch rửa tiền vĩ đại nhất thế giới trong lịch sử như thế nào. (American Kleptocracy: How the U.S. Created the World’s Greatest Money Laundering Scheme in History.)