Iran xuất khẩu dầu mạnh nhất trong 6 năm, hầu hết sang Trung Quốc

Iran xuất khẩu dầu mạnh nhất trong 6 năm, hầu hết sang Trung Quốc
Tờ báo của Iran đưa tin về thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út do Trung Quốc làm trung gian vào ngày 11/3/2023. (Atta Kenare/AFP Getty Images)

Tạp chí Financial Times, trích nguồn từ Vortexa, cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, hầu hết là bán cho Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây đang muốn tăng cường trừng phạt kinh tế lên quốc gia này.

Theo công ty dữ liệu Vortexa, Iran đã xuất khẩu trung bình 1,56 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 3 tháng đầu năm 2024. Hầu hết dầu thô của Iran được xuất sang cho Trung Quốc. Đây là mức xuất khẩu cao nhất kể từ quý 3/2018. Với sản lượng xuất khẩu như vậy, Iran thu về 35 tỷ USD mỗi năm. Điều này có thể khiến các đòn trừng phạt kinh tế tăng cường nhắm vào Iran mà Mỹ và phương Tây đang thảo luận sẽ không còn hữu hiệu; giống như trường hợp của Nga.

Việc Iran tấn công vào lãnh thổ Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái làm dấy lên thảo luận phải tăng cường trừng phạt kinh tế Iran từ phương Tây. Chuyên gia phân tích địa chính trị Trung Đông, ông Fernando Ferrieira, thuộc Tập đàn Năng lượng Rapidan ở Mỹ, cho biết “Iran đã thành thạo trong việc lách các đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây”. Chuyên gia này cho rằng nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden thực sự muốn trừng phạt Iran thì nên chuyển trọng tâm sang Trung Quốc. Một khi còn Trung Quốc tự do, các đòn trừng phạt với Iran hay Nga đều vô nghĩa.

Phương Tây, gồm Mỹ và EU, muốn trừng phạt kinh tế Iran như một biện pháp hoà bình xoa dịu Israel sau đòn tấn công của Iran; tất cả nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa từ phía Israel vào Iran khiến xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang (theo cả chiều rộng và chiều sâu) ở khu vực này.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thừa nhận trong tuần này rằng Iran “rõ ràng” tiếp tục xuất khẩu dầu của mình và “còn nhiều việc phải làm” để hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, theo phân tích của Financial Times, chính quyền ông Biden cũng không thực sự muốn trừng phạt Iran, thắt chặt nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông hơn nữa. Lý do là Mỹ cần một giá dầu ôn hoà để kiềm chế lạm phát trong nước đang nóng trở lại. Trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024 tới đây, việc thành công trong hạn chế lạm phát, mở rộng việc làm và thúc đẩy tăng trưởng là những điểm cộng quan trọng giúp ông Biden có thể bước tiếp vào nhiệm kỳ thứ hai.

Tại Tehran, hãng thông tấn nhà nước Tasnim hôm thứ 4 (17/04/2024) cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đã tìm ra cách để vượt qua các lệnh trừng phạt. Iran không ngần ngại nhấn mạnh rằng với khách hàng lớn là đồng minh Trung Quốc, Iran bảo vệ nền kinh tế của họ “gần như hoàn toàn” khỏi áp lực trừng phạt từ phương Tây.

Ông Armen Azizian, nhà phân tích cấp cao tại Vortexa, cho biết Mỹ gần đây đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu cá nhân bị nghi ngờ chở dầu thô của Iran, áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tàu vào tháng 2/2024 và 13 tàu khác vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, ông nói, các động thái này tác động rất nhỏ đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.

Ông nói: “Người Iran rất giỏi tìm ra sơ hở. Ông nói thêm: “Bây giờ họ giả mạo AIS [hệ thống theo dõi tàu], giả vờ ở một địa điểm trong khi họ đang ở một địa điểm khác và điều đó khiến việc theo dõi những gì họ đang làm trở nên khó khăn”, theo Financial Times.

Vị chuyên gia này nói thêm rằng biết quy mô đội tàu được Iran sử dụng để vận chuyển dầu đã tăng 20% trong năm 2023, lên tới 253 tàu và số lượng siêu tàu chở dầu (công suất lên tới 2 triệu thùng dầu) đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021.

Related posts