Bất chấp cảnh báo từ Washington, Bắc Kinh tái khẳng định hợp tác với Moscow

Bin Zhao

Bất chấp cảnh báo từ Washington, Bắc Kinh tái khẳng định hợp tác với Moscow
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh vào ngày 17/10/2023. (Ảnh: Parker Song/POOL/AFP/Getty Images)

Trong chuyến công du Trung Quốc từ ngày 4/4 đến ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Bắc Kinh về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu các công ty Trung Quốc hỗ trợ củng cố năng lực quân sự cho Nga.

Ngay sau lời cảnh báo trực tiếp hiếm hoi của bà Yellen, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc, thể hiện sự tăng cường quan hệ giữa Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào ngày 9/4, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã gặp Ngoại trưởng Lavrov tại Bắc Kinh và khẳng định ông và Tổng thống Putin nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận quan trọng đã đạt được với Moscow.

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay, cơ quan này coi chuyến thăm của ông Lavrov là “giai đoạn quan trọng trong tiến trình chuẩn bị toàn diện” cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ấn phẩm này cũng cho biết thêm rằng ông Tập Cận Bình “đánh giá cao mối quan hệ Trung – Nga tiếp tục phát triển năng động trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay” và mong muốn “phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược với Nga”.

Trước đó vào tháng 3, tờ Reuters dẫn lời các nguồn tin ẩn danh cho biết ông Putin có thể sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng 5, sau lễ nhậm chức tổng thống. Ông chủ Điện Kremlin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng trước.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 2/2022, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn”. Chỉ vài ngày sau khi trở về, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tháng Ba năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Vladimir Putin tới thăm Trung Quốc, chỉ vài giờ trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Lệnh bắt giữ mang tầm quốc tế này dường như không ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Nga.

Tại cuộc hội đàm được tổ chức tại Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau những lời xưng hô thân thiết như “người bằng hữu”. Vài tháng sau, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường Quốc tế lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh.

Bức ảnh này do cơ quan nhà nước Nga Sputnik phổ biến cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tương tác trong buổi lễ chào mừng tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh vào ngày 17/10/2023. (Ảnh: Sergei SAVOSTYANOV/POOL AFP/Getty Images)

ĐCSTQ hỗ trợ Nga củng cố tiềm lực quân sự

Trong suốt năm qua, vai trò hỗ trợ bí mật của ĐCSTQ trong việc giúp Nga tái thiết ngành công nghiệp quốc phòng và xây dựng mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với nước này ngày càng trở nên rõ ràng.

Dựa trên số liệu thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023, tăng 26,3% so với năm trước. Mức độ trao đổi thương mại kỷ lục này được cho là có liên quan đến vật liệu quân sự.

Trong cuộc họp báo đầu tháng này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng mạnh mẽ: “Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của Nga, cung cấp các thiết bị lưỡng dụng vốn cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp quân sự của Nga. Đổi lại, Moscow đang thế chấp tương lai của mình cho Bắc Kinh”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Các quan chức cấp cao ẩn danh của Mỹ gần đây đã tiết lộ với Reuters rằng ĐCSTQ đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine bằng cách giúp Moscow tiến hành đợt tăng cường quân sự lớn nhất kể từ thời Xô Viết. Sự hỗ trợ này bao gồm cung cấp công nghệ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, hình ảnh vệ tinh và máy công cụ.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có khả năng đang cung cấp nitrocellulose cho Nga để sản xuất thuốc phóng vũ khí, giúp Nga nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất các loại đạn dược quan trọng như đạn pháo.

Tháng 2 năm nay, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đã tiến hành rà soát báo cáo điều tra xuyên biên giới về buôn bán nitrocellulose và phát hiện rằng từ ngày 1/3/2022 đến ngày 31/12/2023, Nga đã nhận được tổng cộng 10,6 triệu USD tiền nitrocellulose từ Trung Quốc.

Trước khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, hầu như không có ghi nhận nào về việc Trung Quốc xuất khẩu nitrocellulose sang Nga, nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp nitrocellulose lớn nhất của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong buổi tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Hợp tác Trung – Nga: “Đối phó kép” với phương Tây

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Lavrov đã gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước khi hội đàm với ông Tập Cận Bình. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Lavrov cho biết hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn.

Truyền thông Nga đưa tin: “Chúng tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao và ngưỡng mộ sâu sắc đối với những thành tựu mà ông đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của ông”.

“Chúng tôi thực sự hài lòng với những thành tựu này, bởi đây là thành tựu của những người bằng hữu. Tuy nhiên, không phải ai trên thế giới cũng chia sẻ quan điểm này và đang cố gắng bằng mọi cách để cản trở sự phát triển của Trung Quốc, tương tự như cản trở sự phát triển của Nga”, ông Lavrov nói thêm.

Tại cuộc họp báo, ông Lavrov cho biết tăng cường an ninh khu vực Á – Âu là mục tiêu chung của Trung Quốc và Nga. Theo Lianhe Zaobao, tờ báo tiếng Trung lớn nhất Singapore, hai nước sẽ khởi động đối thoại về vấn đề này và hoan nghênh các quốc gia cùng chí hướng tham gia.

Ông Lavrov nói thêm rằng để đáp trả sự “răn đe kép” từ phương Tây nhằm vào Trung Quốc và Nga, ông Vương đã đề xuất hai nước nên hợp tác để “đối phó kép” với phương Tây.

Nhà bình luận thời sự và cộng tác viên của Epoch Times, ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), đã thảo luận về trục Trung Quốc-Nga trong chương trình “Tianliang Times” phát sóng trên kênh YouTube của ông vào ngày 9/4.

Ông Chương nhận định rằng những cảnh báo rõ ràng từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Joe Biden liên quan đến sự hỗ trợ quân sự đáng kể của ĐCSTQ cho Nga cho thấy khả năng cao Washington sẽ thực hiện các biện pháp công khai nhằm cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Ông Chương dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với một trong những ngân hàng Trung Quốc để cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả của việc thông đồng với Nga. Bước đi này sẽ xóa bỏ mọi nghi ngờ về sự khác biệt giữa quan hệ Trung – Nga và quan hệ Trung – Mỹ, buộc Trung Quốc phải lựa chọn giữa hai phe.

Ông Chương cũng cho rằng việc Trung Quốc sắp xếp các chuyến thăm gần như cùng lúc của bà Yellen và ông Lavrov là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định thành lập liên minh với Nga để chống lại Hoa Kỳ và các thành viên của Liên minh châu Âu.

Về quan hệ Trung – Mỹ và Trung – Nga, nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc Gia Cát Dương Minh chia sẻ với The Epoch Times rằng tình hình địa chính trị hiện nay đang diễn ra theo chiều hướng phân cực.

“Bức tranh đang ngày càng rõ ràng. Các xã hội phương Tây tuân thủ các giá trị phổ quát đang xích lại gần nhau hơn, trong khi các chế độ độc tài như ĐCSTQ, Nga, Triều Tiên và Iran đang liên kết để chống lại phương Tây bằng nhiều cách thức khác nhau”, ông Gia Cát Dương Minh nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay tại cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 18/5/2023. (Ảnh: Kiyoshi Ota/Getty Images)

Thủ tướng Nhật Bản: Hoa Kỳ không nên gánh vác “trách nhiệm” một mình

Chỉ sau vài ngày Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ và có bài phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.

Trong bài phát biểu được công bố hôm 11/4, ông Kishida cảnh báo: “Lập trường ngoại giao và các hành động quân sự hiện tại của Trung Quốc đang đặt ra thách thức chiến lược to lớn và chưa từng có đối với hòa bình và an ninh khu vực, không chỉ của Nhật Bản mà còn của toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Ông nhấn mạnh rằng trật tự quốc tế thời hậu chiến do Hoa Kỳ thiết lập đang phải đối mặt với những thách thức mới từ các quốc gia có hệ giá trị và nguyên tắc khác biệt.

“Tôi muốn bày tỏ với nhân dân Hoa Kỳ, những người đang cảm thấy cô đơn và kiệt sức khi gánh vác trọng trách duy trì trật tự quốc tế gần như một mình. Tôi hiểu rằng đó là một gánh nặng to lớn khi phải đặt trên vai những hy vọng như vậy. Mặc dù thế giới trông chờ vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, nhưng không nên kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tự mình gánh vác mọi trách nhiệm mà không cần sự hỗ trợ và hợp tác từ các quốc gia khác”, ông Kishida nói.

Thủ tướng Nhật Bản nói thêm: “Với tư cách là bằng hữu (tomodachi) của Hoa Kỳ, người dân Nhật Bản luôn sát cánh cùng Hoa Kỳ để bảo vệ tự do và các giá trị chung. Chúng ta phải cùng nhau chung tay góp sức, không chỉ cho người dân của hai nước mà còn cho tất cả mọi người trên thế giới”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Related posts