Nguồn: Kenji Kawase, “Hong Kong embraces Xi’s ‘holistic’ security dogma on education day,” Nikkei Asia, 15/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hong Kong đã tiếp tục tôn vinh cách tiếp cận an ninh chặt chẽ, triệt để, bất chấp những nỗ lực trấn an nhà đầu tư.
Thứ Hai vừa qua, Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia,” một dấu hiệu cho thấy chính quyền đặc khu đang tăng cường áp dụng học thuyết của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Chủ đề chính ngày hôm nay là kỷ niệm 10 năm ‘cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia,’” Lý nói tại lễ khai mạc sự kiện Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia Hong Kong hôm thứ Hai. Ông mô tả cách tiếp cận này là “chiến lược thiết yếu và hệ thống hoàn chỉnh” để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngày 15/04 đã được chọn là Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia ở Trung Quốc đại lục kể từ năm 2016, theo ngày mà Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra quan điểm an ninh toàn diện của mình trong cuộc họp tại Ủy ban An ninh Quốc gia hai năm trước đó. Ý tưởng là mở rộng phạm vi an ninh quốc gia, coi “an ninh chính trị” là nền tảng quan trọng, và đưa tổng cộng 20 vấn đề như kinh tế, tài chính, văn hóa, quốc phòng, khoa học, và công nghệ vào dưới “chiếc ô an ninh.”
Hong Kong bắt đầu tổ chức ngày giáo dục vào năm 2021, sau khi chính quyền trung ương áp đặt luật an ninh quốc gia vào tháng 6/2020.
Năm nay, sự kiện đã được nâng lên một tầm cao mới, sau khi cơ quan lập pháp của Hong Kong thông qua sắc lệnh an ninh riêng cho đặc khu vào tháng 3, với tốc độ và sự nhất trí ủng hộ của các nhà lập pháp chưa từng có trong lịch sử. Trong một động thái dọn đường, hệ thống bầu cử đã được cải tổ để loại bỏ mọi tiếng nói bất đồng chính kiến kể từ khi luật an ninh quốc gia đầu tiên được áp dụng, dựa trên định nghĩa của Bắc Kinh về “những người yêu nước phụ trách quản lý Hong Kong.”
Biện minh cho việc hết mình ủng hộ khái niệm an ninh quốc gia của Tập, Lý Gia Siêu tuyên bố rằng “các thế lực bên ngoài vẫn đang dòm ngó Hong Kong như hổ thèm mồi.” Ông liên hệ cuộc tấn công của nhóm khủng bố ISIS-K vào Moscow hồi tháng trước, khiến hơn 140 người thiệt mạng, với hàng loạt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ ở Hong Kong vào năm 2019.
Ông ví các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia là “một căn bệnh” sẽ tồn tại “lâu dài” và được thúc đẩy bởi các thế lực “ngoan cố.” Ông nói rằng Hong Kong phải sẵn sàng chống lại những mối đe dọa đó “bởi vì bệnh tật sẽ không tự động biến mất.”
Trịnh Nhạn Hùng, Giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia Hong Kong, cũng đồng tình với Lý.
Ông nói, “Chúng ta phải nhận thức sâu sắc về tính lâu dài, gian khổ, và phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia ở Hong Kong,” đồng thời cáo buộc “các thế lực nước ngoài” đang “dùng đủ loại thủ đoạn” để bôi nhọ cả Trung Quốc lẫn Hong Kong. Ông cáo buộc những người chỉ trích đã “ác ý hoá” Điều 23, tên thường gọi của luật an ninh riêng của đặc khu.
Đại diện hàng đầu của Bắc Kinh cũng chỉ trích truyền thông phương Tây vì “bịa chuyện rồi phát tán chúng, và vu khống” Trung Quốc về vấn đề an ninh quốc gia. Trong những tháng gần đây, chính phủ Hong Kong đã liên tục chỉ trích các hãng tin phương Tây về cách họ đưa tin các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia ở thành phố.
Vào tháng trước, Đài Á Châu Tự do do Mỹ tài trợ thống báo rằng họ sẽ đóng cửa văn phòng ở Hong Kong, với lý do lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên sau khi luật an ninh mới được ban hành. Tuần trước, một nhóm nhân viên của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Đài Bắc đã bị từ chối nhập cảnh vào Hong Kong sau khi bị giam giữ, thẩm vấn, và khám xét đồ đạc ba lần, theo lời kể của nhóm này. Tuy nhiên, chính phủ Hong Kong từ chối bình luận về các trường hợp riêng lẻ này.
Trong khi đó, Trịnh Nhạn Hùng ca ngợi một số phương tiện truyền thông địa phương vì đã đăng tải những câu chuyện phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “hát lên những triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc,” đồng thời bác bỏ những câu chuyện mô tả nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.
“Trò chuyện về tương lai tươi sáng” đã trở thành mục tiêu chính thức tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, khi Tập, người chủ trì cuộc họp hoạch định chính sách này, kêu gọi “tăng cường tuyên truyền kinh tế và định hướng công chúng,” như hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Hạ Bảo Long, người đứng đầu Văn phòng Sự vụ Hong Kong và Macao, đồng thời là cấp trên của Lý và Trịnh, cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đang hoạt động tốt như thế nào.
Ông nói qua cầu truyền hình từ Bắc Kinh “Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức khác nhau trên con đường phát triển của mình. Trong quá khứ, Trung Quốc chưa hề sụp đổ như ‘thuyết suy sụp của Trung Quốc’ đã cảnh báo. Giờ đây, Trung Quốc vẫn chưa đạt đến đỉnh cao như ‘thuyết đỉnh cao của Trung Quốc’ đã đề xuất. Và Trung Quốc cũng sẽ không ngừng đạt được những tiến bộ chỉ vì sự ra đời của ‘thuyết dư thừa năng lực’” – ám chỉ những quan ngại ở phương Tây về việc Trung Quốc nhấn chìm thị trường toàn cầu với các sản phẩm công nghiệp dư thừa.
Tuy nhiên, một vài lần, Hạ đã ám chỉ về sự cần thiết phải xoa dịu nỗi sợ hãi và lo lắng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài về luật an ninh quốc gia của Hong Kong.
Ông nhấn mạnh luật Điều 23 chỉ nhằm mục đích “bảo vệ tài sản,” đồng thời cho phép cơ quan chức năng “phân biệt chính xác ai là bạn, ai là thù trong số những người bước vào cánh cổng lớn của Hong Kong.” Ông đã lặp lại những lời trong bài phát biểu của Tập tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào tháng 7/2022, trong đó Tập nói rằng thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ được giữ nguyên, tùy theo cách hai bên định nghĩa.
Hạ nói “Sự thật đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Hong Kong là nơi tốt nhất trên toàn thế giới để kinh doanh, và là nơi để hiện thực hoá giấc mơ và giúp người ta kiếm tiền.”
Hạ kết thúc bài phát biểu của mình bằng cụm từ ca ngợi sự lãnh đạo của Tập – “kỷ nguyên mới.”
Ông cho rằng trong thời đại mới này, “bánh xe” của Hong Kong “chắc chắn sẽ lăn về phía trước mà không có thể bị ai cản đường.”
Thông tin bổ sung từ Peggy Ye.