Phỏng vấn Bùi Mẫn Hân
Đỗ Kim Thêm dịch
16-4-2024
Tuần này trong mục “nói thêm”, Project Syndicate trò chuyện với GS Bùi Mẫn Hân, là Giáo sư về Công quyền học của trường Cao đẳng Claremont McKenna và là thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Ông còn là tác giả của cuốn sách “The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in China” (Nhà nước canh gác: Giám sát và sự sống còn của chế độ độc tài ở Trung Quốc).
***
Project Syndicate: Đầu năm 2023, ông nhận thấy giới lãnh đạo Trung Quốc “đã quan tâm trở lại vấn đề tăng trưởng kinh tế”. Hơn một năm sau, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn cam kết phục hồi hoạt động kinh tế đang suy yếu. Làm thế nào chính phủ có thể thực hiện tốt lời hứa đó và liệu điều đó có đủ để làm im lặng những người hoài nghi ngày càng gia tăng hay không?
Bùi Mẫn Hân: Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể làm rất nhiều việc để vực dậy nền kinh tế, nhưng không có nghĩa là họ sẽ làm.
Ví dụ, chính phủ Trung Quốc có thể cung cấp cho người dân thường những phiếu mua hàng có thể đổi lấy nhu yếu phẩm hàng ngày, qua đó kích thích tiêu dùng cho gia đình và bù đắp, ít nhất một phần, những ảnh hưởng của bong bóng bất động sản đang bùng nổ. Tương tự như vậy, việc kiềm chế chiến dịch “chống gián điệp” – bao gồm cả việc trả tự do cho các doanh nhân bị bỏ tù oan – có thể giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mà họ hiện đang lo ngại về việc hợp tác với Trung Quốc.
Những biện pháp này, cả về thực chất lẫn biểu tượng, sẽ góp phần rất lớn trong việc củng cố các triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng chính phủ Trung Quốc không sẵn lòng theo đuổi các biện pháp này. Thay vào đó, họ thích đưa ra những cuộc nói chuyện rỗng tuếch hơn bên cạnh các biện pháp kích thích tiền tệ nhỏ. Đó là lý do tại sao nền kinh tế [Trung Quốc] vẫn còn đang gặp khó khăn – và sẽ tiếp tục khó khăn như vậy.
Project Syndicate: Bằng cách thổi phồng tăng trưởng, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ trấn an các nhà đầu tư tư nhân và xoa dịu “sự thất vọng của người dân” với “các hạn chế hà khắc trong chính sách zero-COVID”, sau đó là “việc rút khỏi chính sách một cách bất thành”. Công chúng Trung Quốc nhìn nhận hoạt động kinh tế của giới lãnh đạo như thế nào và việc Chủ tịch Tập Cận Bình xử lý các vấn đề địa chính trị –gồm cả việc ông “đe doạ công khai và quá mức” về việc Đài Loan – củng cố hay làm suy yếu sự hài lòng của công chúng?
Bùi Mẫn Hân: Bởi vì chính phủ Trung Quốc không cho phép việc thăm dò công luận độc lập – họ không công bố bất kỳ cuộc thăm dò ý kiến nào, dù độc lập hay không – rất khó để biết được thường dân Trung Quốc nghĩ gì về ông Tập hoặc các thành tích của ông ta.
Về các vấn đề thuộc chính sách đối nội, chẳng hạn như cách ông Tập xử lý nền kinh tế, chúng ta có thể suy ra ấn tượng của công chúng dựa trên số liệu thống kê kinh tế chính thức. Và dựa trên các yếu tố như giảm phát, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và giá nhà giảm, có thể chắc chắn rằng hình ảnh của ông Tập với tư cách là người quản lý nền kinh tế có năng lực đã bị sứt mẻ. Tuy nhiên, về mặt địa chính trị, thậm chí khó có thể đưa ra những phỏng đoán có căn cứ. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin về thế giới bên ngoài, và hầu hết người Hoa không có hiểu biết thấu đáo về vấn đề địa chính trị, cũng như kinh tế trong nước.
Project Syndicate: Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong bốn thập niên qua chắc chắn đã củng cố vị thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng trong cuốn sách mới của ông, The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in China, (Nhà nước canh gác: Giám sát và sự sống còn của chế độ độc tài ở Trung Quốc), ông lập luận rằng “chìa khóa cho sự tồn tại của chế độ độc tài độc đảng hùng mạnh nhất thế giới” là bộ máy an ninh rộng lớn, nó dựa vào các phương cách sử dụng “nhiều lao động, ít công nghệ”. Về cách triển khai các phương pháp đề chống lại thường dân là gì, xin cho một vài ví dụ?
Bùi Mẫn Hân: Một ví dụ, việc phân loại thường dân là “những cá nhân chủ chốt”. Những người trong danh sách này chịu sự giám sát của cảnh sát, chính quyền địa phương và ăn ten (người cung cấp tin mật). Vào những thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như Đại hội thường niên của Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra những cá nhân này. Cảnh sát cũng huy động những thường dân như nhân viên vệ sinh và chủ cửa hàng để theo dõi các địa điểm công cộng quan trọng, từ các nhà ga tàu hỏa đến quảng trường công cộng. Trong khuôn viên đại học, sinh viên được huy động làm ăn ten, sau đó họ sẽ mật báo về các bạn cùng lớp và giáo sư của mình.
Project Syndicate: Trong cuốn sách của ông, ông phân biệt giữa “đàn áp phòng ngừa” – nguồn sống của nhà nước giám sát của Trung Quốc – và “các kỹ thuật phản ứng”, như bạo lực nhà nước. Đàn áp phòng ngừa diễn ra như thế nào và hệ thống tín nhiệm xã hội thúc đẩy nó như thế nào?
Bùi Mẫn Hân: Đàn áp phòng ngừa vừa khó phát hiện hơn vừa hiệu quả hơn đàn áp phản ứng. Thông qua việc giám sát, bộ máy an ninh có được sự hiểu biết về các kế hoạch và ý định của những người mà họ coi là có mối đe dọa tiềm tàng, cho phép họ can thiệp âm thầm trước khi bất kỳ hành động có tổ chức nào diễn ra. Và tất nhiên, việc hiểu biết về các hoạt động của một người đang bị theo dõi có thể đủ để ngăn chặn các hành vi phản kháng.
Trong cuốn sách của tôi, tôi gọi hệ thống tín nhiệm xã hội là “sự đổi mới quan trọng mới nhất trong hệ thống kinh tế của việc đàn áp phòng ngừa ở Trung Quốc”. Ý tưởng là việc sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ để xác định “điểm tín dụng” cho mọi người dân, dựa trên bằng chứng về những gì nhà nước coi là hành vi ủng hộ và chống đối xã hội.
Mặc dù hệ thống này chưa hoàn chỉnh để chính phủ Trung Quốc kết hợp nó toàn diện vào trong bộ máy đàn áp phòng ngừa, nhưng trong tương lai, dữ liệu quy mô và trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để đánh giá các khuynh hướng chính trị của cá nhân và thiết lập bản đồ mạng xã hội một cách toàn diện (giám sát phương tiện truyền thông xã hội đã cho phép chính phủ Trung Quốc thực hiện điều này ở một mức độ nào đó). Việc này sẽ cho phép chính phủ lập hồ sơ các mối đe dọa chính xác hơn và giám sát chặt chẽ hơn.
Project Syndicate: Ông nói về trí tuệ nhân tạo, làm thế nào việc chấp nhận nó có thể thay đổi phương cách giám sát của Trung Quốc? Chúng ta có nên nghĩ một làn sóng sa thải bởi các cơ quan an ninh sẽ xảy ra hay không?
Bùi Mẫn Hân: Tiếc thay, các nguồn tin chính thức mà tôi xem qua đã được đăng tải trước khi có những đột phá gần đây về trí tuệ nhân tạo mà nó cho phép ứng dụng rộng rãi công nghệ này, vì vậy tôi chưa tìm thấy nhiều tài liệu tham khảo về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nhưng tôi nghĩ, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng giúp hệ thống giám sát hoạt động hiệu quả hơn bằng cách xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh và chính xác hơn. Tác động của nó đối với quy mô của các cơ quan an ninh có thể nhỏ, bởi vì các cơ quan an ninh chính thức ở Trung Quốc không tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên làm loại công việc mà trí tuệ nhân tạo có thể làm. Thay vào đó, đa số họ tham gia các nhiệm vụ mà trí tuệ nhân tạo khó có thể đảm nhận sớm, như tuyển dụng và xử lý người cung cấp mật tin hoặc tiến hành các cuộc đột kích và đe dọa các mục tiêu.
Project Syndicate: Ông viết rằng “phần lớn thông tin cần thiết để hiểu về tổ chức và hoạt động trong quy mô lớn của cơ quan giám sát của [Trung Quốc] không được công bố rộng rãi”. Ông đã vượt qua thử thách này như thế nào?
Bùi Mẫn Hân: Trung Quốc là một đất nước rộng lớn. Có gần 3.000 khu vực cấp quận và khoảng 300 đơn vị hành chính cấp thành phố. Giữ bí mật trong một hệ thống rộng lớn như vậy không phải dễ. Hầu hết các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương đều đăng tải các báo cáo thường niên, gọi là kỷ yếu. Cảnh sát từng xuất bản “công báo” hoặc báo cáo về công việc trước đây. Mặc dù các ấn phẩm này được kiểm tra để ngăn chặn rò rỉ các thông tin nhạy cảm hoặc bí mật, nhưng tiến trình kiểm tra không hoàn hảo và đủ thông tin lọt qua kẽ hở, cho phép các nhà nghiên cứu như tôi ghép các mảnh ghép lại với nhau [để tìm ra giải pháp cho vấn đề].
Nguồn: Tiếng Dân