Bảo Nguyên
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, nhiều tỷ phú hàng đầu của Trung Quốc đã chứng kiến tài sản của mình sụt giảm nghiêm trọng, các công ty phá sản và một số bị bắt hoặc phải bỏ trốn khỏi đất nước.
Vào ngày 3/4, tòa án ở Bắc Kinh tuyên bố việc phá sản của Yinji Entertainment & Media, còn được gọi là DMG Media, theo truyền thông Trung Quốc, National Business Daily.
DMG Media, gã khổng lồ giải trí Trung Quốc, đã chính thức tuyên bố phá sản, trong khi chủ tịch, cũng là tỷ phú hàng đầu tỉnh Tứ Xuyên, ông Tiêu Văn Các (Peter Xiao Wenge), đã biến mất sau khi rút ra số tiền hơn 600 triệu USD.
Theo đưa tin của giới truyền thông, công ty được thành lập vào năm 2008. Năm 2015, DMG Media hoàn tất việc niêm yết cửa sau và chính thức ra mắt trên thị trường cổ phiếu hạng A. [Thị trường cổ phiếu hạng A là thị trường cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ tại Thượng Hải và Thâm Quyến].
Vào khoảng năm 2015, ông Tiêu nắm giữ số cổ phiếu trị giá hơn 4 tỷ USD với mức giá cổ phiếu cao nhất là 6,16 USD và giá trị vốn hóa thị trường là gần 6,91 tỷ USD.
Tuy nhiên, công ty bất ngờ rơi vào tình trạng khủng hoảng bắt đầu từ năm 2018, khiến hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng.
Trên thực tế, ông Tiêu đã giảm tỷ lệ nắm giữ tại DMG Media hai lần, rút ra tổng cộng khoảng 330 triệu USD trong thời gian hoạt động kinh doanh của công ty sụp đổ vào năm 2018, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, The Paper.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc The Cover, ông Tiêu đã rút tổng cộng khoảng 610 triệu USD từ công ty niêm yết.
Trong số ba thành viên sáng lập, ông Dan Mintz, một nhà làm phim người Mỹ, đã mất tích từ lâu; ông Tiêu từ chức chủ tịch năm 2015; và Wu Bing, người phụ trách quản lý, đã quay trở lại Hoa Kỳ với tư cách là công dân Hoa Kỳ, theo National Business Daily.
Xi măng Tập đoàn Tianrui
Vào ngày 9/4, cổ phiếu của Xi măng Tập đoàn Tianrui Trung Quốc đã giảm giá một cách bí ẩn 99%, giảm vốn hóa thị trường từ 14 tỷ HKD (đô la Hong Kong) (1,7 tỷ USD) xuống còn 141 triệu HKD (18 triệu USD).
Theo trang web chính thức của họ, công ty là nhà sản xuất xi măng clinker hàng đầu ở tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh, với công suất sản xuất hàng năm khoảng 35 triệu tấn clinker và 58 triệu tấn xi măng, đồng thời cũng là một trong 12 nhà máy xi măng quy mô lớn trên toàn quốc được hỗ trợ bởi chính quyền Trung Quốc.
Ông Lý Lưu Pháp (Li Liufa), người điều hành Xi măng Tianrui, đã hai lần được tạp chí New Fortune vinh danh là người giàu nhất tỉnh Hà Nam trong Danh sách người giàu New Fortune 500 vào năm 2011 và 2012.
Theo một bài báo trên China Times, sau khi giá cổ phiếu của Xi măng Tianrui đột ngột giảm mạnh, đã có thông tin cho thấy dây chuyền Xi măng Tianrui tại Trịnh Châu đã ngừng sản xuất. Đáp lại, Xi măng Tianrui cho biết: “Việc tạm dừng hoạt động của từng nhà máy là để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngoài thời gian cao điểm chứ không phải do các vấn đề vận hành”.
Bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái chung của ngành xi măng Trung Quốc, lợi nhuận vận hành của Xi măng Tianrui vào năm 2023 giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, với khoản lỗ ròng 634 triệu CNY (87,58 triệu USD).
‘Danh sách tử’
Ông Lý Hà Quân (Li Hejun), người sáng lập công ty năng lượng mặt trời khổng lồ Hanergy, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 17/12/2022 tại tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Ông Lý từng đứng đầu Hurun Global Rich List năm 2015, trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng việc giam giữ ông có thể liên quan đến Ngân hàng Cẩm Châu đang gặp khó khăn. Ngân hàng này đã tài trợ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lần đầu năm 2015 tại Hong Kong của công ty với gần 10 tỷ CNY (1,5 tỷ USD).
Vào tháng 12/2015, Báo cáo Hurun đã công bố một báo cáo đặc biệt về Danh sách người giàu Trung Quốc cho thấy trong 17 năm kể từ khi Danh sách người giàu Trung Quốc được công bố, 35 người trong số những người giàu có trong danh sách đã bị bỏ tù, bị buộc tội hoặc thậm chí bị xử tử chủ yếu vì vi phạm nghiêm trọng luật pháp vì lý do kinh tế.
Kể từ khi ra mắt vào năm 1999, Báo cáo Hurun đã được truyền thông địa phương mệnh danh là “danh sách tử” vì nhiều doanh nhân trong danh sách đã gặp rắc rối với pháp luật.
Theo thông tin, ông Hoàng Quang Dụ (Huang Guanyu), người sáng lập Công ty Điện gia dụng GOME, là người giàu nhất trong số 18 tỷ phú Trung Quốc đang bị cầm tù.
Năm 2015, ông Hoàng vẫn đứng thứ 87 với tài sản ròng là 22 tỷ CNY (3 tỷ USD). Ông bị bắt vào năm 2008 và năm 2010, ông bị kết án 14 năm tù và bị phạt 600 triệu CNY (82,89 triệu USD) vì “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, giao dịch nội gián và hối lộ”. Tài sản của ông trị giá khoảng 27,63 triệu USD đã bị tịch thu.
Năm 2016, khi Hurun Report công bố một Danh sách người giàu Hurun khác, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về 12 tỷ phú Trung Quốc đang vướng vào rắc rối. Ngoài ông Hoàng, người đang ở trong tù, còn có 2 cá nhân đang chờ tuyên án, 7 người đang bị điều tra, 1 người đang bị giám sát ở nơi cư trú và một người đã biến mất hoặc di cư ra nước ngoài.
Theo Hurun China Rich List 2017, ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập Tập đoàn Evergrande, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá 43 tỷ USD. Evergrande từng là công ty bất động sản Trung Quốc duy nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500 trong vòng 20 năm.
Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, và tình hình hoạt động liên tục xấu đi. Năm đó, Evergrande nợ các nhà cung cấp, chủ nợ và nhà đầu tư tổng cộng 1,96 nghìn tỷ CNY (270 tỷ USD).
Vào tháng 9/2023, thông tin cho thấy ông Hứa đã bị cảnh sát bắt đi.
Người giàu nhất Trung Quốc trong 4 năm liền bị nhắm mục tiêu
Tâm trạng của giới doanh nhân tại Trung Quốc đang rất bất an. Gần đây, một vụ việc liên quan tới người giàu nhất Trung Quốc, ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) đã thu hút được sự chú ý, càng làm nổi bật tình cảnh bấp bênh của giới doanh nghiệp tư nhân tại đất nước này.
Vào ngày 25/3/2024, Viện nghiên cứu Hurun công bố ông Chung Thiểm Thiểm, người sáng lập Nông phu Sơn tuyền (Nongfu Spring), là người giàu có nhất Trung Quốc năm thứ tư liên tiếp. Tổng tài sản của ông Chung đã giảm 9% xuống còn 63 tỷ USD so với năm trước, khiến thứ hạng toàn cầu của ông tụt sáu bậc xuống vị trí thứ 21. Sự sụt giảm này xảy ra trong bối cảnh ông bị những người theo chủ nghĩa dân tộc trực tuyến nhắm mục tiêu, một sự việc đang đe dọa tính bền vững của nước suối Nông phu Sơn tuyền, cũng như có thể gây ra sự suy yếu của Wantai BioPharm, một công ty khác thuộc sở hữu của ông Chung chuyên sản xuất các công cụ xét nghiệm và vaccine.
Mặc dù ông Chung duy trì 84% quyền sở hữu Nông phu và 73% Wantai Biopharm, việc ông từ chức gần đây khỏi các chức vụ trong Nông phu và các công ty con phản ánh bối cảnh đang thay đổi đối với các doanh nghiệp của ông. Nó có thể báo trước những thách thức phía trước trong bối cảnh ông bị giám sát chặt chẽ và bị ảnh hưởng bởi những bất ổn tài chính.
Cụ thể, giữa một làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao, ông Chung và công ty nước đóng chai của ông, Nông phu Sơn tuyền, đã bị chỉ trích, phải đối mặt với cáo buộc thiếu lòng yêu nước. Cuộc tấn công dữ dội của đám đông cực đoan trên Internet đã ảnh hưởng đáng kể đến giá trị cổ phiếu của công ty và đe dọa doanh thu trong tương lai.
Nhà sản xuất truyền hình độc lập Li Jun cho biết trong chương trình “Pinnacle View” rằng khi quần chúng tham gia vào cuộc đàn áp người giàu nhất, điều này giống với việc Cách mạng Văn hóa thực sự đã quay trở lại.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc buộc tội Nông phu Sơn tuyền về việc các chai của họ có màu trắng với nắp màu đỏ và trắng, giống như lá cờ Nhật Bản khi nhìn từ trên cao xuống, do đó có hàm ý chiều theo Nhật Bản.
Ông Li nói: “Nếu lời buộc tội như vậy có giá trị, tại sao họ không nhắm tới Mao đài (Maotai – loại rượu phổ biến nhất ở Trung Quốc), loại rượu cũng sử dụng nắp đỏ và chai trắng, nếu điều đó được coi là ‘chiều lòng Nhật Bản trong nhiều năm’. Ngoài ra, người ta còn cho rằng vì con trai của ông Chung Thiểm Thiểm sống ở Hoa Kỳ nên việc mua đồ uống của họ tương đương với việc ủng hộ Mỹ chống lại Trung Quốc. Những tuyên bố này thiếu bất kỳ cơ sở hay logic nào, tuy nhiên khoản thiệt hại trên thị trường chứng khoán của Nông phu Sơn tuyền lên tới 30 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 4,17 tỷ USD), với doanh số bán hàng giảm mạnh 90% chỉ trong một ngày – một thảm họa đối với bất kỳ công ty nào. Phần tồi tệ nhất là tiền lệ nó đặt ra. Nếu điều này tiếp tục, công ty nào khác có thể trở thành mục tiêu trong tương lai?”
Tranh cãi bắt đầu với những cáo buộc cho rằng ông Chung không tôn trọng người sáng lập Wahaha (một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nông phu), ông Tông Khánh Hậu, trong đó có cáo buộc ông Chung có thủ đoạn mờ ám. Ông Chung sau đó đã viết một bài báo nói rõ sự tôn trọng của ông đối với ông Tông, điều về cơ bản đã giải quyết được vấn đề.
Ông Li tiếp tục: “Tuy nhiên, tình hình ngày càng khác thường và leo thang khó lường, dẫn đến suy đoán về sự tham dự đằng sau hậu trường của Wahaha”.
Hai công ty cạnh tranh về cơ bản khác nhau ở chỗ Nông phu Sơn tuyền là một công ty tư nhân thuần túy, trong khi chủ tịch của Wahaha, ông Tông, sở hữu khoảng 20-30% cổ phần của công ty, trong đó chính phủ nắm lượng cổ phần đa số.
“Thật đáng nghi ngờ rằng một công ty bình thường lại có thể có được ảnh hưởng đáng kể như vậy, bao gồm cả việc kiểm duyệt trực tuyến. Mức độ hỗn loạn này chắc chắn cho thấy sự tham gia của các tổ chức hoặc nhân vật chính thức [quan trọng] ở hậu trường”, ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, cho biết.
Ông cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến các ngành công nghiệp như công nghệ, giáo dục và trò chơi gặp vấn đề, và giờ đây lĩnh vực nước đóng chai đang trở thành mục tiêu.
Ông Hu Liren, một cựu doanh nhân đến từ Thượng Hải hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết trên “Pinnacle View” rằng vụ việc của Nông phu cho thấy rằng giờ đây bạn càng giàu có ở Trung Quốc thì bạn càng có nhiều khả năng trở thành mục tiêu.
“Ông Chung, sở hữu khoảng 80% công ty của mình, có tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD cách đây vài năm, dựa trên dữ liệu tôi tìm thấy trên mạng. Sự việc hiện tại không chỉ liên quan đến các xu hướng trực tuyến. Nghĩ mà xem, ngay cả ông Jack Ma, người chưa từng phản bội ai, cũng bị đàn áp. Ông ấy thực tế đã trở thành kẻ lưu vong vì điều này”.
Bảo Nguyên tổng hợp