PHÂN TÍCH: Chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước của Trung Quốc đang bóp méo thị trường toàn cầu

Olivia Li / Jenny Li

Xe điện xuất cảng đang chờ được chất lên “BYD Explorer NO.1,” một tàu được đóng trong nước nhằm xuất cảng xe Trung Quốc, tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, hôm 10/01/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nhu cầu nội địa yếu của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này tăng cường xuất cảng hàng hóa giá rẻ, dẫn đến dư thừa công suất toàn cầu trị giá hàng ngàn tỷ USD. Điều này đã dẫn đến những sự biến dạng kinh tế toàn cầu đáng kể và gây ra phản ứng dữ dội từ một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc hôm 09/04, trong đó bà liên tục kêu gọi chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa công suất để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các tác động lan tỏa trên toàn cầu.

Mục tiêu chính của bà trong chuyến đi là thuyết phục các quan chức Trung Quốc hạn chế tình trạng dư thừa công nghệ năng lượng sạch như xe điện (EV), tấm pin quang năng, và pin lithium-ion, những sản phẩm đe dọa các công ty cạnh tranh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Bất chấp những cuộc thảo luận này, bà Yellen đã thừa nhận hôm 08/04 rằng những thay đổi chính sách quan trọng từ chính quyền Trung Quốc khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Vấn đề đang diễn ra này vẫn là một điểm gây tranh cãi trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, phản ánh mối lo ngại lớn hơn về mất cân bằng thương mại và gián đoạn thị trường.

Làn sóng dư thừa công suất mới

Một báo cáo được hãng nghiên cứu Rhodium Group công bố cuối năm ngoái cho thấy ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc có hơn 100 thương hiệu xe. Với tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đang chững lại, các thương hiệu này đã phải tìm kiếm thị trường ở ngoại quốc. Báo cáo cho biết thị phần xuất cảng xe điện toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 4% vào năm 2020 lên 21% vào năm 2022.

Trong ngành công nghiệp tấm pin quang năng, theo dữ liệu từ Ember, một tổ chức nghiên cứu năng lượng độc lập, trong nửa đầu năm 2023, xuất cảng tấm pin quang năng của Trung Quốc đã tăng khoảng ⅓ so với cùng thời kỳ năm ngoái, đạt 114 gigawatt, tương đương với tổng công suất lắp đặt pin quang năng ở Hoa Kỳ.

Ông Gunter Erfurt, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất pin quang năng Thụy Sĩ Meyer Burger cho biết, châu Âu đang trong “cuộc chiến giá cả” với Trung Quốc.

Ở châu Âu, giá module quang năng đã giảm 50% trong vòng 4 tuần vào những ngày cuối năm 2023. Ông Erfurt tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang giảm giá với “tốc độ chưa từng có” để giành thị phần.

‘Cú sốc Trung Quốc 2.0’

Làn sóng dư thừa công suất này đã được mệnh danh là “Cú sốc Trung Quốc 2.0.” “Cú sốc Trung Quốc” đầu tiên hình thành khoảng hai thập niên trước.

Hoa Kỳ đã cấp cho Trung Quốc quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) vào năm 2000, bảo đảm rằng hàng hóa Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế quan thấp khi vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2001, Trung Quốc đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong thập niên tiếp theo, nhập cảng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng nhanh.

Năm 2016, các nhà kinh tế David H. Autor, David Dorn, và Gordon H. Hanson đã phát hành bài nghiên cứu, “Cú sốc Trung Quốc: Bài học từ Sự điều chỉnh của Thị trường Lao động đến những Thay đổi Lớn trong Thương mại” (The China Shock: Learning from Labor-Market Adjustment to Large Changes in Trade). Họ đã phát hiện ra rằng từ năm 1997 đến năm 2011, nhập cảng từ Trung Quốc tăng lên đã khiến lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ trực tiếp hoặc gián tiếp mất khoảng 2 triệu việc làm, trong đó có 985,000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Các tiểu ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những tiểu ngành có lao động tay nghề thấp, như may mặc, dệt may, giày dép, máy điện toán, và linh kiện điện tử.

Chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước

Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) nêu lên rằng các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về căn bản bác bỏ khái niệm thương mại cổ điển về “lợi thế so sánh” — nguyên tắc cho rằng các quốc gia nên chuyên môn sản xuất loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ sản xuất hiệu quả nhất và sau đó giao thương để có được những mặt hàng còn lại. Thay vào đó, ĐCSTQ tìm kiếm “lợi thế tuyệt đối” trong một loạt ngành công nghiệp, từ đường sắt tốc độ cao và thép đến chất bán dẫn, vitamin, và tấm pin quang năng.

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất pin quang năng cho đơn đặt hàng từ Ấn Độ tại một nhà máy của GCL Group Holding Co. Ltd ở Hợp Phì, tỉnh An Huy của Trung Quốc, ngày 05/01/2022. (Ảnh: Ruan Xuefeng/VCG qua Getty Images)
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất pin quang năng cho đơn đặt hàng từ Ấn Độ tại một nhà máy của GCL Group Holding Co. Ltd ở Hợp Phì, tỉnh An Huy của Trung Quốc, ngày 05/01/2022. (Ảnh: Ruan Xuefeng/VCG qua Getty Images)

Trong cuốn sách “Trợ cấp cho Ngành công nghiệp Trung Quốc: Chủ nghĩa tư bản Nhà nước, Chiến lược Kinh doanh, và Chính sách Thương mại” (Subsidies to Chinese Industry: State Capitalism, Business Strategy, and Trade Policy), các tác giả George T. Haley và Usha C.V. Haley đã viết rằng chiến lược của ĐCSTQ từ lâu vẫn luôn là “trợ cấp mạnh mẽ cho các ngành mục tiêu để thống lĩnh thị trường toàn cầu.”

Cuốn sách lưu ý rằng trong những năm 2000, Trung Quốc đã trợ cấp gần 100 tỷ USD cho riêng ba ngành công nghiệp: 33 tỷ USD cho ngành giấy, 28 tỷ USD cho phụ tùng xe hơi, và 27 tỷ USD cho ngành thép.

Các tác giả nhận xét, “Mặc dù thực tế là lao động chỉ chiếm từ 2 đến 7% chi phí (nguyên liệu thô và năng lượng chiếm nhiều hơn) trong các ngành này và hầu hết các nhà sản xuất đều là nhỏ và kém hiệu quả, các sản phẩm của Trung Quốc trong các lĩnh vực này thường được bán với giá thấp hơn từ 25 đến 30% so với các đối thủ cạnh tranh Hoa Kỳ hoặc Âu Châu. Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các khoản trợ cấp hàng năm đã cung cấp tài chính cho 20% năng lực sản xuất của Trung Quốc.”

Báo cáo của ITIF đã cho biết trong ngành thép, thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 15% năm 2000 lên 50% vào năm 2015, trong khi thị phần của Hoa Kỳ đã giảm một nửa — từ khoảng 12% xuống 6%.

Theo Viện Quang Năng GW tại Đại học George Washington, chỉ riêng từ năm 2010 đến năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã trợ cấp ít nhất 42 tỷ USD cho ngành quang năng.

Thị phần xuất cảng tấm pin quang năng toàn cầu của Trung Quốc đã sớm tăng từ 5% vào giữa những năm 2000 lên 67% vào năm 2018, gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. Theo báo cáo của ITIF, chỉ trong năm năm, từ 2008 đến 2013, giá tấm pin quang năng trên thế giới đã giảm mạnh 80%, do Trung Quốc đã thành công trong việc đánh bật hầu hết các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc sáng tạo hơn ra khỏi hoạt động kinh doanh.

Các công ty Trung Quốc sau đó đã mua lại các công ty quang năng của Hoa Kỳ đã phá sản, mua lại công nghệ tân tiến của họ, và mang về Trung Quốc.

ĐCSTQ đang cố gắng tái tạo chiến lược tương tự trong các ngành công nghệ tân tiến khác, chẳng hạn như vi mạch bán dẫn và pin.

Ví dụ, Kế hoạch Chiến lược Vi mạch Quốc gia của ĐCSTQ cung cấp ít nhất 160 tỷ USD trợ cấp của chính phủ để tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn hoàn toàn tự cung tự cấp ở Trung Quốc, ngành này sau đó sẽ tìm cách phát triển và cạnh tranh quốc tế, báo cáo cho biết.

Trên thực tế, vào năm 2023, riêng Huawei đã nhận được khoảng 30 tỷ USD trợ cấp của chính phủ cho việc sản xuất tấm bán dẫn bắt đầu từ năm 2022, theo một bản tóm lược của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) mà Bloomberg thu thập được.

Một nhân viên làm việc tại một nhà máy của Công ty Chất bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Một nhân viên làm việc tại một nhà máy của Công ty Chất bán dẫn Jiejie ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 17/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mối đe dọa đối với Hoa Kỳ

Chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước của ĐCSTQ đã tạo ra làn sóng dư thừa công suất, gây ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ.

Trong bài viết “Chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước ở Trung Quốc Tương tác với Chủ nghĩa tư bản Toàn cầu như thế nào?”, bà Margaret M. Pearson, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Maryland, đã giải thích chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước là gì.

Bà viết, “Chủ nghĩa tư bản nhà nước thường đề cập đến sự can thiệp kinh tế hoặc quyền sở hữu các công ty của nhà nước với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy cạnh tranh địa chiến lược hoặc kinh tế, hoặc cả hai, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp toàn cầu hóa. Chủ nghĩa tư bản Đảng-Nhà nước khác với chủ nghĩa tư bản nhà nước, vì sự sống còn của chế độ là ưu tiên hàng đầu. Các mục tiêu kinh tế vẫn nổi bật trong các biện pháp can thiệp của nhà nước, nhưng mục đích chính trị được đặt lên hàng đầu, khiến sự tồn tại của chế độ trở thành mục tiêu hàng đầu của chính sách kinh tế. Điểm mấu chốt chính trị này được minh họa thông qua một số xu hướng gần đây.”

Trong một bài báo vào tháng 01/2021, ông Jude Blanchette, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và chuyên gia về Trung Quốc, giữ chức Chủ tịch Danh dự về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn, đã lưu ý rằng một trong những thách thức cấp bách nhất mà chính phủ Hoa Kỳ đang phải đối diện là “làm thế nào để cạnh tranh, và đẩy lùi hệ thống tư bản nhà nước ngày càng mạnh mẽ và gây rối loạn của Trung Quốc,” vốn không chỉ đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ mà còn làm suy yếu khuôn khổ quy định và pháp lý làm nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu.

Bà Pearson cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây, các chi bộ đảng đã mở rộng trong các công ty tư nhân và của ngoại quốc, và các quan chức của ĐCSTQ đã được bổ nhiệm vào các chức vụ cấp cao, kể cả ở một số công ty nổi tiếng nhất Trung Quốc, như nhà sản xuất xe Geely và đại công ty thương mại điện tử Alibaba.

Người dân lái xe máy đi ngang qua trụ sở chính của đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, ngày 26/05/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Người dân lái xe máy đi ngang qua trụ sở chính của đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, ngày 26/05/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Blanchette nhận xét rằng ĐCSTQ đã tạo ra một loạt cơ chế chính thức và không chính thức mạnh mẽ để xây dựng sự kết nối giữa các công ty nhà nước và các công ty trên danh nghĩa là tư nhân.

Ông viết, “Phần lớn các công ty cạnh tranh trong các lĩnh vực phi chiến lược ít nhiều có thể hoạt động dựa trên các điều kiện thị trường, nhưng đối với bất kỳ lĩnh vực hoặc ngành nào mà Bắc Kinh xem là chiến lược, thì các công ty ngoại quốc phải dự liệu trước rằng chính quyền Trung Quốc sẽ nhúng tay vào cán cân để làm lợi cho các công ty trong nước. Do đó, khi một công ty Hoa Kỳ hoặc Âu Châu cạnh tranh với COSCO Shipping hay Huawei, thì đó là toàn bộ bảng cân đối kế toán của chính quyền Trung Quốc mà họ phải đối diện, chứ không chỉ một công ty riêng lẻ.”

Bắt đầu từ năm 2015, ĐCSTQ đã đề ra “cổ phiếu quản lý đặc biệt” để giám sát các công ty công nghệ và truyền thông. Baidu, Tencent, và Alibaba đều phải cho phép ĐCSTQ mua 1% cổ phần, điều này khiến chính quyền siết chặt quyền kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh quan trọng.

Ông Blanchette cảnh báo, “Điều mang lại cho hệ thống tư bản nhà nước này một sức mạnh toàn cầu to lớn như vậy là sự phối hợp và kết nối giữa các công ty Trung Quốc, các ngân hàng nhà nước và các nhà đầu tư, cũng như Đảng-Nhà nước Trung Quốc. Hệ sinh thái chiến lược-thương mại này, mà tôi gọi là ‘Tập đoàn ĐCSTQ’ (CCP Inc.), sở hữu khả năng rất mạnh trong việc cung cấp gói giá trị hoàn chỉnh khi tham gia các giao dịch đầu tư ở ngoại quốc: họ có thể mua, xây dựng, và cấp vốn ở quy mô và tốc độ không đâu sánh được.”

Vân Du biên dịch

Related posts