Chiều thứ Ba (23/4) theo giờ địa phương, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm lao động cưỡng bức với 555 phiếu thuận, 6 phiếu phản đối và 45 phiếu trắng. Dự luật sẽ trao cho EU quyền cấm bán, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Dự luật sẽ chính thức trở thành luật sau khi được 27 quốc gia thành viên EU phê duyệt lần cuối. Theo dự luật này, các sản phẩm bị cấm phải được đưa ra khỏi thị trường EU và tiến hành quyên tặng, tái chế hoặc tiêu hủy. Các công ty vi phạm các quy định sẽ phải đối mặt với án phạt. Tuy nhiên, nếu công ty loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của mình, sản phẩm sẽ được phép quay trở lại thị trường.
Luật không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng nhiều nhà lập pháp EU hy vọng sẽ thông qua luật ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương của Trung Quốc và những nơi khác, nhằm hạn chế tình trạng cưỡng bức lao động quy mô lớn do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện.
Vào ngày 22/4, bà Iratxe Garcia Perez, chủ tịch nhóm “S&D” của Liên minh Tiến bộ Dân chủ Xã hội tại Nghị viện Châu Âu, đã đăng trên trang web chính thức: “Bởi người Duy Ngô Nhĩ, người Turkmen hoặc bất cứ nơi nào bị cưỡng bức sản xuất áo sơ mi, giày hoặc ô tô, thì đều sẽ không còn được được bán tại các cửa hàng của chúng ta hoặc trực tuyến.”
Theo báo cáo điều tra của các tổ chức nhân quyền, ít nhất một triệu người ở Tân Cương, Trung Quốc, đã bị chính quyền ĐCSTQ giam giữ trong các trại tập trung, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo thiểu số khác. Những người này phải đối mặt với hàng loạt hành vi ngược đãi, bao gồm cả việc cưỡng bức triệt sản phụ nữ và lao động cưỡng bức.
Theo luật mới, các nước EU có thể loại bỏ các sản phẩm được phát hiện là được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, cũng như hàng hóa được sản xuất tại các nước EU có chứa nguyên liệu được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở nước ngoài.
Nghị sĩ EU Maria Manuel Leitao Marques cho biết luật mới là một trong những thành tựu lớn nhất của nghị viện khóa này.
Bà nói: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc EU của chúng ta, vốn lẽ ra phải là nhà tiên phong toàn cầu về giá trị quan, lại tiếp tục nhập khẩu và bán tại các cửa hàng của chúng ta những sản phẩm được làm ra bằng máu và nước mắt tại một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.”
Nhà lập pháp EU Leitao Marques kêu gọi EU hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Mỹ để ngăn chặn các nhà hoạt động bị cấm ở một quốc gia bán sản phẩm lao động cưỡng bức của họ sang các quốc gia khác. Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương bắt đầu từ năm 2021 trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng hoạt động sản xuất của họ không liên quan đến lao động cưỡng bức.
Luật mới cũng trao cho Ủy ban châu Âu quyền điều tra chuỗi cung ứng từ các quốc gia ngoài EU nếu có nghi ngờ.
Nếu việc sử dụng lao động cưỡng bức được xác nhận, các quan chức sẽ tịch thu sản phẩm ở biên giới và ra lệnh loại bỏ chúng khỏi thị trường châu Âu và các nhà bán lẻ trực tuyến.
Nếu rủi ro xảy ra ở một quốc gia thành viên, chính quyền địa phương ở quốc gia đó sẽ điều tra các sản phẩm bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức. Đối với một số mặt hàng được coi là có rủi ro, nhà nhập khẩu sẽ buộc phải cung cấp thông tin chi tiết về nhà sản xuất.
EU cũng sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên về rủi ro lao động cưỡng bức, bao gồm các báo cáo quốc tế, để giúp Ủy ban và các cơ quan quốc gia đánh giá các vi phạm có thể tồn tại.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng luật này không có tác động mạnh như luật được thông qua ở Mỹ.
Quốc hội Mỹ đã cấm tất cả hàng nhập khẩu từ Tân Cương vào năm 2021 trừ khi các công ty trong khu vực có thể chứng minh rằng sản phẩm của họ không bao gồm lao động cưỡng bức. Bắt đầu từ tháng 6/2022, Mỹ bắt đầu thực thi Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), nhắm vào Tân Cương của Trung Quốc, áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về vi phạm nhân quyền đối với khu vực này của Trung Quốc. Các tấm pin mặt trời và vi mạch từ Malaysia và Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ và bị kiểm tra vì bị nghi ngờ chứa các thành phần có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), năm 2023, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm được UFLPA bảo vệ nhất sang Mỹ, vượt qua Trung Quốc.
Phân tích của chuyên gia cho thấy, từ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đến ngành năng lượng mặt trời, vẫn còn nhiều mối liên hệ với lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Các nhà phân tích cho rằng miễn là nhu cầu thị trường đủ lớn, một số người sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và các công ty cũng sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm “tẩy sạch hồ sơ sản xuất” để thoát khỏi các hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ.
Trí Đạt