Văn phòng công tố liên bang Đức hôm thứ Ba (ngày 23/4) thông báo, cảnh sát Đức đã bắt giữ một trợ lý của một thành viên cực hữu người Đức trong Nghị viện châu Âu (EP) vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc. Đây là một vụ gián điệp khác của Trung Quốc được cảnh sát Đức công bố chưa đầy 24 giờ sau khi bắt giữ 3 nghi phạm gián điệp hôm thứ Hai.
Một ngày trước đó, Chính phủ Anh thông báo đã buộc tội hai người làm gián điệp cho Trung Quốc, một trong số đó là cựu trợ lý quốc hội. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy hai vụ việc có liên quan đến nhau.
Vụ bắt giữ diễn ra hôm thứ Hai (ngày 22/4) tại thành phố phía đông Dresden. Vài giờ trước đó, chính quyền Đức đã bắt giữ 3 người ở phía Tây nước này vì nghi ngờ làm rò rỉ dữ liệu kỹ thuật được sử dụng trong hệ thống động cơ đẩy hàng hải và xuất khẩu tia laser công suất cao sang Trung Quốc. Hiện chưa rõ liệu hai vụ việc bắt giữ này có liên quan với nhau hay không.
Các vụ việc nêu bật mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa các nước châu Âu và Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác thương mại cực kỳ quan trọng của châu Âu, nhưng từ lâu đã bị nghi ngờ.
Các công tố viên cho biết hôm thứ Ba (ngày 23/4) rằng Jian G. (tên được giữ kín để tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của Đức) đã làm việc cho một thành viên Đức trong Nghị viện Châu Âu kể từ năm 2019.
Theo Reuters, Jian G. có hai nơi cư trú ở Brussels và thành phố Dresden phía đông nước Đức. Chính quyền Đức đã bắt giữ Jian G. ở Dresden hôm thứ Hai và khám xét căn hộ của ông ta.
Tuyên bố của phía công tố Đức cho biết: “Ông ta bị buộc tội làm việc cho một cơ quan gián điệp nước ngoài, vụ án này đặc biệt nghiêm trọng”.
Các công tố viên gọi đây là “công việc của cơ quan tình báo Trung Quốc” và cáo buộc ông G. đã nhiều lần chuyển thông tin tình báo về các cuộc thảo luận và ra quyết định của nghị viện cho các cơ quan tình báo Trung Quốc vào tháng Một năm nay. Theo tuyên bố từ văn phòng công tố, ông G. là một công dân Đức, cũng bị cáo buộc thu thập thông tin về các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Đức cho chính quyền Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Ba: “Chúng tôi đã nhận thấy các báo cáo liên quan và sự cường điệu liên quan”. Ông cũng nói: “Trên thực tế, mọi người có thể thấy rõ rằng cái gọi là ‘thuyết mối đe dọa gián điệp Trung Quốc’ không phải là mới trong dư luận châu Âu”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, người chịu trách nhiệm về an ninh nội địa, gọi những cáo buộc này là “cực kỳ nghiêm trọng”.
Bà nói trong một tuyên bố vào sáng thứ Ba: “Nếu xác nhận rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp ở Nghị viện Châu Âu, thì đó sẽ là một cuộc tấn công vào nền dân chủ Châu Âu từ bên trong”.
Reuters dẫn lời bà Nancy Faeser nói rằng: “Bất kỳ ai thuê nhân viên như vậy cũng phải chịu trách nhiệm”. Bà nhấn mạnh vụ việc này phải được điều tra kỹ lưỡng.
Ông Maximilian Krah một nhà lập pháp thuộc đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (Alternative für Deutschland, AfD), xác nhận rằng người đàn ông bị bắt là một trong những nhân viên của ông. “Nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức”, ông Krah viết trên X.
Người phát ngôn của văn phòng công tố Bỉ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Văn phòng sẽ chịu trách nhiệm điều tra nơi làm việc của trợ lý bên trong Nghị viện Châu Âu ở Brussels. Người phát ngôn của Nghị viện châu Âu cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Người phát ngôn của Nghị viện Châu Âu cho biết G. ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ trợ lý tại nghị viện.
Đây là người Đức thứ tư bị buộc tội làm việc cho cơ quan tình báo ĐCSTQ bị bắt trong hai ngày. Chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Đức Scholz trở về sau chuyến thăm Trung Quốc, vụ án của G. có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa Đức và Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Đức và trong chuyến đi kéo dài ba ngày, Thủ tướng Scholz đã ký một số hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc. Nhưng Đức cũng lưu ý đến các hoạt động thương mại hung hăng của ĐCSTQ: Trong một tài liệu chiến lược quốc gia được đệ trình vào năm ngoái, Chính phủ Đức đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống”.
Đồng thời, nếu cáo buộc đối với G. là đúng, nó sẽ làm sáng tỏ nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo từ Nghị viện Châu Âu vào thời điểm quan trọng trong quan hệ Trung Quốc – EU.
Về vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, EU không đối đầu với Bắc Kinh như Mỹ, nhưng lại mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc về việc hỗ trợ Nga kể từ khi nước này xâm lược toàn diện Ukraine. Căng thẳng giữa khối 27 quốc gia và Trung Quốc về thương mại cũng ngày càng leo thang trong mối quan hệ kinh tế rộng lớn được xây dựng trên sự phụ thuộc lẫn nhau nhưng cũng có sự cạnh tranh sâu sắc.
Mặc dù Nghị viện Châu Âu có quyền hành pháp hạn chế nhưng đây là cơ quan cấp cao chịu trách nhiệm phê duyệt tất cả các luật mới ở EU, đồng thời cũng đóng vai trò là diễn đàn để tranh luận và trao đổi thông tin nhạy cảm liên quan đến chính sách của Châu Âu.
Nhưng trường hợp của G. không phải là trường hợp đầu tiên cho thấy những nỗ lực của nước ngoài nhằm can thiệp vào thể chế được bầu trực tiếp duy nhất của EU: Kể từ cuối năm 2022, Nghị viện bị điều tra về một kế hoạch được cho dùng tiền mặt để đổi lấy hỗ trợ, kế hoạch này liên quan đến Qatar.
Ông Krah, người đã phục vụ trong Nghị viện Châu Âu từ năm 2019, đã đứng về phía bên phải của đảng AfD. Ông được coi là ứng cử viên hàng đầu của đảng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.
Việc bắt giữ người phụ tá này không phải là lần đầu tiên tên của ông Krah có liên quan đến một người bị cáo buộc là gián điệp nước ngoài. Theo hồ sơ nội bộ được The New York Times xem xét, ông Krah đã lấy được giấy thông hành (được quyền) vào Nghị viện Châu Âu cho một người đàn ông Ba Lan, người này sau đó bị buộc tội làm gián điệp cho Nga.
Ông Krah cho biết vào tháng 12 năm ngoái, khi tham dự một sự kiện do Câu lạc bộ Thanh niên Đảng Cộng hòa New York tổ chức ở Mỹ, ông đã bị FBI thẩm vấn về việc liệu ông có từng chấp nhận các khoản thanh toán từ Nga hay không. Tuy nhiên, ông phủ nhận việc nhận tiền từ các tập đoàn lợi ích của Nga.
Năm ngoái, khi tạp chí European Conservatives cho rằng một trong những trợ lý của ông đang vận động hành lang cho Trung Quốc, ông Krah đã đáp trả và gọi đó là hành vi vu khống.
Theo New York Times
Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bị kết án tù vì đe dọa nhà hoạt động dân chủ
Reuters đưa tin hôm thứ Tư (24/4), sinh viên âm nhạc Trung Quốc Ngô Khiếu Lôi (Xiaolei Wu) đã bị kết án 9 tháng tù vì quấy rối một sinh viên khác đã dán tờ rơi ủng hộ nền dân chủ Trung Quốc, thậm chí đe dọa báo cáo các hoạt động cho nhà cầm quyền Trung Quốc.
Theo thông tin, các công tố viên ngày 24/4 đã yêu cầu Thẩm phán Dennis Casper quận Boston kết án Ngô Khiếu Lôi (26 tuổi) gần 3 năm tù, để gửi thông điệp rằng cơ quan chức năng Mỹ sẽ không tha thứ cho những hành vi ngăn chặn tiếng nói của những người Mỹ gốc Hoa bày tỏ quan điểm khác biệt với quan điểm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khi đưa ra bản án tù ngắn hơn nhiều (9 tháng), Thẩm phán Casper quận Boston cho hay rằng chiến dịch quấy rối của Wu tuy “nghiêm trọng” nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn (chỉ 2 ngày), và Wu không có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, Ngô Khiếu Lôi sẽ bị giám sát trong 3 năm sau khi thụ án tù xong, sau đó anh ta sẽ bị trục xuất và không được phép quay trở lại Mỹ – trừ khi được Bộ An ninh Nội địa Mỹ chấp thuận vì lý do đặc biệt nào đó.
Nữ thẩm phán cho rằng án tù là cần thiết để ngăn cản hành vi tương tự có thể từ những công dân Trung Quốc khác đến Mỹ học tập, ngoài ra cũng để cảnh báo rằng: “Hành vi phạm tội là không thể dung thứ, đặc biệt là hành vi đàn áp quyền tự do ngôn luận”.
Reuters bình luận: Cơ quan chức năng Mỹ và phương Tây đang ngăn chặn nỗ lực trấn áp của ĐCSTQ đối với những người chỉ trích ở nước ngoài, do các nhóm nhân quyền phàn nàn rằng quyền tự do học thuật trong khuôn viên trường đại học quốc tế đang bị đe dọa và sinh viên Trung Quốc phải chịu giám sát.
Về vụ án
Ngô Khiếu Lôi 26 tuổi là sinh viên trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee và bị FBI bắt giữ vào ngày 14/12/2022. Vào ngày 25/1 năm nay, bồi thẩm đoàn đã kết luận Ngô Khiếu Lôi phạm hai tội “rình rập trên mạng” và “phổ biến thông tin đe dọa giữa các tiểu bang“.
Các công tố viên cho biết Ngô Khiếu Lôi đã phát động chiến dịch quấy rối Zoey – sinh viên tốt nghiệp Berkeley. Vào tháng 10/2022, sinh viên Trung Quốc Zoey đã dán các tờ rơi gần trường Berklee với nội dung: “Hãy ở bên người dân Trung Quốc”, “Chúng tôi muốn tự do”, “Chúng tôi muốn dân chủ”… Sau đó Ngô Khiếu Lôi đã nhiều lần đe dọa người bạn cùng lớp Zoey qua mạng Internet.
Anh ta đăng một tin nhắn trên nhóm WeChat dành cho sinh viên và cựu sinh viên Trung Quốc tại Đại học Âm nhạc Berklee, yêu cầu Zoey xé tờ rơi, cảnh báo rằng anh ta đã báo cáo cô với cơ quan công an ĐCSTQ. Vào ngày 22/10/2022, Ngô Khiếu Lôi còn đe dọa trên nhóm WeChat rằng sẽ chặt tay Zoey…
Khi đó, một số thành viên trong nhóm đồng tình nhưng cũng có người kêu gọi giải quyết riêng. Zoey cho biết những bình luận này khiến cô cảm thấy vô cùng sợ hãi và lo lắng cho người thân sống ở Trung Quốc, khiến cô đã mất ngủ suốt hai ngày.
Sau đó Zoey nhìn thấy email mà Ngô Khiếu Lôi gửi cho cô, đề cập rằng đã báo cáo cô với cơ quan công an của ĐCSTQ, đồng thời tiết lộ email trường học và địa chỉ nhà ở của cô. Zoey tin rằng Wu muốn tiếp tục quấy rối cô và khuyến khích những người khác tham gia, vì thế cô đã báo cáo sự việc với nhà trường và yêu cầu hành động hỗ trợ.
Nhà trường sau đó đã ban hành lệnh cấm liên lạc, yêu cầu cả hai bên không được liên lạc với nhau trong khi nhà trường điều tra. Sau đó, nhà trường đình chỉ học đối với Ngô Khiếu Lôi trong một năm.
Zoey khai trước tòa rằng những lời đe dọa của Wu khiến vô cùng sợ hãi, cô đã phải chuyển nơi ở…
Tại phiên tòa tuyên án hôm thứ Tư (24/4), các công tố viên cho biết tội của Ngô Khiếu Lôi là nghiêm trọng, anh ta đã vũ khí hóa bản chất độc tài của Chính phủ Trung Quốc và sử dụng nó để quấy rối và đe dọa người khác. Hành vi của anh ta khiến cha của Zoey ở Trung Quốc đã nhiều lần bị an ninh ĐCSTQ đến quấy rối, đúng như những gì Zoey lo sợ.
Theo quan điểm của công tố viên, mặc dù có thể các hành động cụ thể mà Ngô Khiếu Lôi thực hiện không do chỉ đạo nào từ chính quyền ĐCSTQ, nhưng “anh ta vẫn tự nhận là một phần của mạng lưới đàn áp và kiểm duyệt của Trung Quốc (ĐCSTQ)” – mạng lưới này đã xâm nhập vào Mỹ, xâm nhập vào quan hệ giữa người Mỹ gốc Hoa và gia đình họ ở Trung Quốc đại lục.
Các công tố viên cho biết, biểu hiện của Ngô Khiếu Lôi cho thấy thái độ thiếu ăn năn, do đó kiến nghị phán quyết vụ án hướng đến “sức mạnh răn đe trong xã hội”.
Được biết Ngô Khiếu Lôi tỏ ra thờ ơ với bản án vào ngày bị kết án hồi tháng Một năm nay. Khi rời tòa án, anh ta giơ ngón tay giữa với các phóng viên. Nhưng vào ngày 24/4, Ngô Khiếu Lôi đã đọc bản biện minh trước tòa và nhiều lần xin lỗi. “Mỗi ngày tôi đều hối hận,” anh ta nói “Tôi phải chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm từ những gì mình đã làm. Bước đầu tiên là nói ‘Tôi xin lỗi’”.
Theo RFI