Bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng tại Mỹ sẽ vỡ vào năm 2022?

Bảo Nguyên

Bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng tại Mỹ sẽ vỡ vào năm 2022?
Năm 2022 có thể sẽ là một năm của suy thoái kinh tế chứ không phải của lạm phát như những năm 1970. (Ảnh: Chung Sung-Jun / Getty Images)

Hơn chục năm trở lại đây, các nhà kinh tế học đã không dự báo chính xác về nhiều sự kiện kinh tế!

Không phải lạm phát, một mối nguy khác đáng lo hơn đang rình rập nền kinh tế Mỹ

Năm 2008, thật lạ là các nhà kinh tế đã không dự đoán trước được cuộc Đại suy thoái cho dù đã có những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy bong bóng nhà ở và tín dụng Mỹ sắp vỡ. Vào năm 2021, các nhà kinh tế cũng gần như không lường trước được rằng lạm phát tại Mỹ sẽ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Các dự báo đã không hề được đưa ra khi chính phủ Mỹ ban hành những chính sách tiền tệ và tài khóa thái quá để đối phó với đại dịch Covid-19, cùng với đó là vấn đề khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2022 có vẻ cũng là một năm mà các dự báo kinh tế không theo kịp diễn biến thị trường.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng dựa trên bất động sản của Trung Quốc dường như đang chững lại. Vào lúc này, các nhà kinh tế chủ yếu đang lo lắng về rủi ro lạm phát đối với nền kinh tế. Trong khi thay vào đó, họ nên lo lắng nhiều hơn về khả năng vỡ bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng. Điều này có thể xảy ra khi Fed bắt đầu tăng lãi suất hoặc khi xảy suy thoái kinh tế rõ rệt ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Họ đã không nhìn ra rằng năm 2022 có thể sẽ là một năm của suy thoái kinh tế chứ không phải của lạm phát như những năm 1970.

Bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng tràn ngập thị trường Mỹ

Việc các nhà kinh tế không nhìn thấy nguy cơ vỡ bong bóng giá tài sản và bong bóng tín dụng thật sự rất khó hiểu. Hiện nay, những bong bóng này hiện hữu khắp mọi nơi và rất dễ nhận biết, hơn cả năm 2008. Không những thế, nền kinh tế thế giới cũng đang có chi chít những quả bom nợ. Năm 2008, các bong bóng chủ yếu nằm trong thị trường nhà ở và thị trường tín dụng. Giờ đây, các bong bóng xuất hiện ở mọi thị trường tài sản và tín dụng.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đã nới lỏng tối đa chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các ngân hàng này cũng tiến hành mua trái phiếu ở mức chưa từng có. Với lượng tiền khổng lồ chảy vào thị trường tài chính và việc các nhà đầu tư trở nên dễ chấp nhận rủi ro hơn để đạt được mức lợi nhuận cao, bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng đã ngập tràn khắp nơi, theo nhận định của các nhà phân tích 19fortyfive.

Đầu năm nay, Fed dự đoán lạm phát năm 2021 sẽ ở dưới mức mục tiêu 2%. Sau đó, Fed cho rằng lạm phát sẽ là 4%. Ngoài việc dự đoán mức lạm phát thấp, Fed còn cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời gây ra bởi khủng hoảng nguồn cung trong đại dịch. Không chỉ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, Fed đã mua một lượng khổng lồ trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Một trong những hậu quả mà chính sách của Fed gây ra là giá vốn chủ sở hữu tại Mỹ đã tăng lên mức ngất ngưởng – mức cao nhất nhì trong vòng 100 năm qua. Giá nhà tại Mỹ hiện cao hơn so với mức đỉnh điểm của bong bóng nhà ở năm 2006, ngay cả khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Lượng tín dụng lớn bất thường đã ồ ạt đổ vào những nền kinh tế phát triển và cả những thị trường mới nổi. Trong khi đó, khả năng hoàn trả của những khoản vay này lại không chắc chắn. Chúng ta cũng đang có quá nhiều tiền trong các thị trường ‘bất thường’ như thị trường tiền điện tử và thị trường nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, thật đáng lo ngại là tỷ lệ nợ trên GDP của thế giới trong thời kỳ đại dịch đã tăng 35 điểm phần trăm, lên mức cao nhất mọi thời đại là 350 phần trăm.

Bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng sẽ vỡ vào năm 2022?

Khả năng các bong bóng tại Mỹ sẽ vỡ vào năm 2022 được củng cố thêm bởi thực tế: Những bong bóng này đã được hình thành dựa trên giả định rằng mức lãi suất cực thấp và việc kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh sẽ tồn tại mãi mãi. Hai giả định này có thể sớm không còn đúng nữa. Fed sẽ buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, các vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản đang khiến nền kinh tế Trung Quốc đột ngột tăng trưởng chậm lại.

Fed có thể buộc phải hành động một cách quyết liệt vào năm 2022. Một trong các lý do là Fed đã để cho lãi suất (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) âm đáng kể. Vào thời điểm mà lạm phát giá tiêu dùng ở mức gần 7%, Fed vẫn duy trì lãi suất của mình ở gần mức 0. Điều này có nghĩa là vào năm 2022, Fed sẽ phải tăng lãi suất đáng kể để đưa lãi suất trở về mức dương (sau khi được điều chỉnh theo lạm phát).

Một sai lầm lớn mà nhiều nhà kinh tế hiện nay đang mắc phải là quá tin vào việc các ngân hàng Mỹ đang có vị thế tốt hơn rất nhiều so với năm 2008 – đủ để vượt qua sự đổ vỡ của bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng. Điều này khiến các nhà kinh tế không nhận ra rằng, bộ phận phi ngân hàng – vốn không được kiểm soát – của thị trường tài chính Mỹ (gồm quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư tư nhân, công ty bảo hiểm, v.v.) rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự đổ vỡ của các bong bóng. Điều này có thể gây căng thẳng cho toàn bộ hệ thống tài chính giống như điều đã xảy ra vào năm 1998 trong cuộc khủng hoảng của quỹ Quản lý vốn dài hạn (LTCM).

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ gặp may mắn vào năm nay; và bằng cách nào đó, bong bóng tài sản và bong bóng tín dụng sẽ không vỡ. Tuy nhiên, khi mà các dấu hiệu đang cho thấy điều ngược lại, các nhà hoạch định chính sách có lẽ không nên trông chờ vào vận may. Thay vào đó, họ nên lên những kế hoạch dự phòng cho tình huống đổ vỡ.

Bảo Nguyên

Related posts